Hoàn Thịnh Thư dù biết rằng để Triệu Du hạ thấp thân phận làm thư đồng cho mình là chuyện không thể nào, nhưng ngày hôm sau vẫn xuất cung đến Triệu phủ một chuyến để các cung nhân có chuyện bẩm báo lại với phụ hoàng.
Không hề có thông báo từ Hoàng đế nên khi thấy xa giá của Tứ hoàng tử ở trước Triệu phủ, Thái úy phu nhân đã rất kinh ngạc.
Hoàn Thịnh Thư sau khi được mời vào trong thì liền nói rõ lý do đến đây của mình:
"Phụ hoàng ở Phúc Dương cung chính sự bận rộn nên muốn Thịnh Thư đến thăm Cẩn quận vương thay người."
Thái úy phu nhân: "Hoàng thượng thật là có lòng."
Hôm nay Triệu thái úy không có ở Triệu phủ, lúc Hoàn Thịnh Thư đến thì Triệu Du đang hứng chí bừng bừng cầm binh khí mà nhóc chuẩn bị được học ở Bảo Hòa giám quơ lung tung. Khiến các cung nhân bên cạnh sợ tái cả mặt.
Đó là một thanh bảo kiếm làm từ chất liệu không quá nặng, rất thích hợp cho để dạy cho tiểu hài tử. Nhưng Triệu Du không có kỹ thuật chỉ biết cầm lung tung, nên tay cầm kiếm đã có hơi nằm ngoài tầm kiểm soát.
Lúc Hoàn Thịnh Thư được dẫn tới Cẩn Viêm các, tiểu tử kia vừa nhìn thấy cậu thì hai mắt sáng rỡ, vội vàng chạy đến, nhưng chưa kịp chạy được đến chỗ cậu thì đã vấp té, thanh kiếm trượt khỏi tay Triệu Du, bay lên không trung.
Hoàn Thịnh Thư nhìn bóng kiếm sáng lóa chuẩn bị rơi trên đầu mình, khuôn mặt bình tĩnh không hề sợ hãi. Lui nhẹ hai bước, thanh kiếm đã cắm xuống đất, cách vị trí của cậu đúng hai bước chân.
Triệu Du thấy mình vừa gây họa lớn, dù bình thường nhóc đã rất hay gây họa rồi, nhưng năm lần bảy lượt đối với người trước mặt là bản thân không hề có ác ý, lại không biết vì sao luôn làm những hành động khiến đối phương cảm thấy là nhóc đang cố tình gây sự với cậu.
Khuôn mặt hỗn thế ma vương ngốc lăng tại chỗ, bị té đến trẹo chân cũng không nhận ra.
Hoàn Thịnh Thư thấy các cung nhân vừa bị tình huống kinh thiên động địa trước mắt dọa sợ, đều hoảng hồn chưa tỉnh không đến đỡ tiểu hài tử đang ngã dưới đất thì không khỏi nhíu mày.
Cuối cùng vẫn tự mình bước tới đỡ kẻ gây họa Triệu Du đứng dậy.
Hoàn Thịnh Thư thấy Triệu Du vừa đứng đã sắp ngã, nhìn khuôn mặt tiểu hài tử sáu tuổi gây chuyện có thừa nhưng lần đầu biết hoảng sợ là gì này có chút đáng yêu. Tốt tính kiểm tra mắt cá chân của Triệu Du.
Quả nhiên là trật chân rồi.
Hoàn Thịnh Thư thả Triệu Du xuống đất nắn nhẹ khớp cổ chân của đối phương, khuôn mặt bình tĩnh không hề giống với một tiểu hài tử vừa bị kiếm rơi xuống đầu.
Nhưng Hoàn Thịnh Thư lại rất không có lương tâm gật gù: "Vậy là tốt rồi."
Độc tính trong cơ thể hắn sẽ không thể phát tác được.
Triệu Du lại như không thèm để ý kẻ đầu sỏ không cho mình ăn ngọt đang đứng trước mặt nữa, vừa vươn tay ra muốn kéo tay cậu thì Hoàn Thịnh Thư đã như vô ý mà dịch tay đi, giả vờ hỏi:
"Điện hạ thích kiếm sao?"
Triệu Du nhớ đến thanh kiếm không nghe lời kia, nhăn mày: "Không thích nữa."
Hoàn Thịnh Thư cũng không bất ngờ, dù gì kiếp trước binh khí hộ thân của Triệu Du cũng là một cây trường thương rất đẹp.
"Sau này Cẩn Quận vương điện hạ sẽ gặp được binh khí thích hợp của mình thôi."
Triệu Du nghe cậu một câu 'điện hạ' hai câu 'điện hạ' nghe thật xa cách, không muốn cậu gọi như vậy nữa: "Gọi ta là Triệu Du."
Đến chết Triệu Du cũng không nhận cái tục danh Đào Đào kia của mình.
Hoàn Thịnh Thư cũng nghĩ đến việc này, không nhịn được phì cười: "Được."
Triệu Du lại nghịch ngợm nói: "Cáp Nhi."
Tục danh của hoàng tử đa số các triều thần và thế gia đều biết, chỉ là phải xem họ có dám gọi hay không. Cũng chỉ có Cẩn Quận vương Triệu Du là ngang nhiên gọi không kiêng dè gì.
Hoàn Thịnh Thư: "Như vậy thật không thích hợp."
Triệu Du cuối cùng cũng tìm được cách chọc ghẹo Hoàn Thịnh Thư mà đối phương không thể tránh né, rất vui vẻ mà lặp lại: "Cáp Nhi Cáp Nhi."
Hoàn Thịnh Thư không buồn chỉnh lại nữa, cậu có thể âm thầm né tránh hài tử này thích động tay động chân với mình, nhưng không thể bịt miệng đối phương lại được.
Để ý thấy bản thân đã ở đây đủ lâu, cậu nên trở về rồi.
Thế là sau hôm đó Thái úy phu nhân đã thấy thanh bảo kiếm mà Triệu Du yêu thích không buông tay mấy hôm trước nay đã bị bỏ mặc ở một góc của rương binh khí.
"Không đồng ý à?", Hoàng đế vừa nhìn thi pháp của cậu vừa lười biếng hỏi.
Hoàn Thịnh Thư ngồi ngay ngắn trước án thư của mình, đối diện là phụ hoàng đang ngồi trên trường kỷ thưởng trà, rất ngoan ngoãn đáp: "Vâng. Còn bị thương."
Việc Triệu Du bị thương và xém đã quơ kiếm trúng Hoàn Thịnh Thư đã có người âm thầm bẩm báo cho Hoàng đế.
Xem ra là không muốn làm một thư đồng thật, nhưng phản ứng đến mức đó thì đúng là hơi quá.
Nhưng chưa để ông ta hỏi tiếp cậu có muốn chọn thư đồng khác không thì tiểu hoàng tử đã nói tiếp: "Hoàng nhi thật sự không cần thư đồng."
Trên án thư của cậu là một chữ 'nhẫn' thật mạnh mẽ, không hề giống bút pháp của một tiểu hài tử mà đã có nét sắc bén của bậc đế vương.
Hoàng đế hài lòng đóng thi pháp trên tay lại.
Lúc này tổng quản thái giám Dương Ân vội vào thông báo, Thái úy Triệu Tương Doanh cầu kiến.
Tứ hoàng tử ngồi trên thư án rất tự giác đứng lên xin cáo lui, Hoàng đế không chút để ý mà cho cậu ở lại, dù gì ông ta cũng đang kiểm tra thi pháp của cậu, dù đã rất hài lòng với bút pháp của tiểu hài tử nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra khó tính.
Thái úy đại nhân khi bước vào nhìn thấy tiểu hoàng tử đang ngồi ngoan ngoãn trên thư án viết chữ cũng không kiêng kỵ gì, sau khi hành lễ đã nói thẳng lý do mình đến đây.
"Thần muốn xin khẩu dụ của Bệ hạ cho phép Tiểu Du mang thư đồng của mình đến Bảo Hòa giám."
Hoàng đế hứng thú, đáp lời: "Ồ, ai lọt được vào đôi mắt khó tính của khanh vậy?
Một cái tên không quá bất ngờ: "Chính là Dương Cung Kỳ Tuân, đích tử của Dương Cung Đồ Cát."
Thái úy Triệu Tương Doanh là võ quan đứng đầu trong triều, võ nghệ tất nhiên không hề tầm thường. Đối với những thứ khác ông ta có thể không để bụng, nhưng cực kỳ khó tính khi nhắc đến binh pháp.
Những quân doanh lớn dưới trướng Triệu Thái úy đều vang danh thiên hạ, cũng chỉ có Thứ sử Dương Nam châu có binh pháp đặc trưng của Dương Cung gia mới có thể khiến Triệu Tương Doanh nể phục, luôn muốn có cơ hội luận võ với đối phương một lần.
Khi thấy phiên bản nhỏ của Dương Cung Đồ Cát là Dương Cung Kỳ Tuân ở Hư mệnh hội thi triển thân thủ đã cảm nhận được sự đặc biệt từ hắn, ông ta muốn nhân cơ hội này để Triệu Du có thể học tập.
Nhắc đến Dương Cung Kỳ Tuân thì Hoàng đế lại nhớ đến một thoáng mất bình tĩnh của Hoàn Thịnh Thư ngày hôm đó. Đến tận bây giờ, ông ta chưa từng thấy Tứ hoàng tử điềm tĩnh của mình thất thố như vậy thêm một lần nào.
Nhưng cuối cùng vẫn đáp: "Được, để hắn đến Bảo Hòa giám đi."
Ánh mắt Hoàng đế khi nói câu này không nhìn Triệu thái úy, mà lại âm thầm nhìn qua Hoàn Thịnh Thư đang điềm tĩnh viết chữ trên thư án, dù tiểu hoàng tử vẫn bình thản như chưa từng nghe gì, Hoàn Tư Nghiêm vẫn thấy mi mắt của cậu run lên một cái rất khẽ.
______
Tác giả có lời muốn nói:
Mọi người nghĩ sau này Hoàng đế bệ hạ có chia uyên rẽ thúy hông?