Những Ngày Tháng Đi Học Ở Cổ Đại

Chương 7: Kiếp trước kiếp này

Mà ấm trà không thể nhắc đến đó chính là ca ca của Diệp Mẫn.

Kiếp trước Diệp Mẫn sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng cậu có một người anh trai không hề tầm thường. Anh trai hơn cậu bốn tuổi, có ngoại hình, cả EQ và IQ đều cao, vì vậy mà sớm được nhà nước bồi dưỡng để học tại đại học Bắc Kinh. Mỗi lần bố mẹ cậu nhắc đến anh trai trước mặt người ngoài thì bọn họ đều có thể ưỡn thẳng thắt lưng. Họ hàng, đồng nghiệp, hàng xóm không khỏi ghen tị.

Đặc biệt là cha cậu, người luôn nói kiếp trước nhất định nhà bọn họ đã tích đức lắm thì mới có một cậu con trai quý giá như vậy. Không cần nói đến cơm ăn áo mặc, ông ấy đã luôn dành những điều tốt nhất cho anh ấy. Ông Diệp làm việc rất chăm chỉ, nhưng dù bận rộn đến đâu ông ấy cũng sẽ dành thời gian để tâm sự với con trai cả mỗi ngày. Ngay cả khi anh ta đang đi công tác thì mỗi đêm ông đều gọi điện đến hỏi thăm. Thế nhưng Diệp Mẫn, người luôn sống dưới ánh hào quang của anh trai mình từ khi còn nhỏ thì không may mắn như vậy. Sự quan tâm của cha phần lớn đều dành cho anh trai, còn lại bao nhiêu cho cậu đây?

Diệp Mẫn quả thực rất tội nghiệp. Khi còn nhỏ, cậu bé không thể hiểu cũng không thể chấp nhận. Cùng là con trong nhà mà lại có sự đối xử khác biệt như vậy, vì vậy mà cậu hay khóc lóc hay chọc phá. Nhưng cũng chính điều này mà khiến cho cậu bé Diệp Mẫn không được mọi người yêu quý. Khi bọn họ nhắc về đứa con trai thứ hai của lão Diệp, người ta chỉ ngán ngẩm về tính cách có phần bướng bỉnh của cậu.

Nhưng càng lớn cậu càng nhận ra dù có khóc lóc phá phách đến đâu thì cha cũng không quan tâm tới. Mà cha lúc nào cũng chỉ chăm chăm khoe khoang rằng ông có một cậu con trai đỗ đại học Bắc Kinh. Vì vậy cậu liền bắt chước anh trai mình, cũng cố gắng để đỗ vào ngôi trường danh giá đó.

Anh cả nhà họ Diệp thông minh, Diệp Mẫn tự nhiên cũng không tệ, từ nhỏ thành tích học tập đã đứng đầu. Nhưng hộ khẩu của Diệp Mẫn lại ở một tỉnh có dân số học đại học rất đông nhưng tỷ lệ nhập học vào đại học Bắc Kinh lại thấp vô cùng. Cuối cùng kết quả không như cậu mong đợi.

Nhưng Diệp Mẫn đâu dễ dàng bỏ cuộc. Cậu quyết tâm năm sau thi lại, vì vậy mà dốc toàn lực vào việc học. Thật may mắn là cuối cùng cậu cũng được nhận vào Đại học Bắc Kinh.

Nhưng vào ngày nhận được giấy báo nhập học, Diệp Mẫn không nhận được sự khẳng định và khen ngợi như cậu tưởng tượng. Cha cậu chỉ nhìn cậu và thở dài: “Làm gì mà phải vui mừng như vậy, cả nhà ai cũng vất vả vì mày rồi. Năm nay thi lại mà vẫn không đỗ thì tao với mẹ mày có mà mặt mo. Mày quả thật chẳng giống anh mày, không phải ngọc nên muốn mài cũng chẳng được.”

Diệp Mẫn run lên vì tức giận, nhưng cậu không tranh cãi với cha mình. Cậu đã quen với việc tự mình đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Nhưng trong suốt kì nghỉ hè, không lúc nào cậu vui cả.

Một ngày trước khi nhập học tại Đại học Bắc Kinh, họ hàng tụ tập lại để chia tay Diệp Mẫn. Mọi người đều khen ngợi vì cậu đã thực hiện được lời hứa của mình. Nhưng cha cậu, người đang say xỉn nhất trong đám lại xua tay: “Nó làm sao mà làm được, lại còn phải thi hai năm mới đỗ. Nếu không phải trước khi thi anh nó dạy thêm cho nó thì có lẽ nó lại thi trượt rồi. Vợ chồng cùng tôi cũng chẳng còn mặt mũi mà ngồi đây ăn uống với mọi người. Phải nói thằng lớn đúng là ngôi sao may mắn, là vị cứu tinh của gia đình này"

Đêm đó Diệp Mẫn không ngủ được. Khi trời gần sáng, cậu cảm thấy thực sự buồn chán nên lén ra ngoài hít thở chút không khí nhưng không may bị một chiếc xe say rượu lái xe đâm phải. Vừa mở mắt ra đã thấy mình ở triều Đại Văn.

Ở triều Đại Văn, cậu cũng tên Diệp Mẫn, lại còn có một ca ca.

Nếu nói rằng anh trai của cậu ở thế giới trước kia là một người cực kì tài giỏi thì ca ca của cậu ở triều đại Đại Văn giống như một vị thần tiên hạ phàm. Người này ba tuổi đã biết đọc chữ, bốn tuổi thông thư kinh, năm tuổi bắt đầu luyện võ, bảy tuổi thông âm luật. Trong thời đại ‘trông mặt mà bắt hình dong’ này, ca ca cậu còn xinh đẹp hơn cả tiên nữ. Ba năm trước, sau khi tốt nghiệp Quốc Tử Giám, anh ta lại không làm quan như những vị con cái quý tộc khác mà nghiêm túc tham gia kỳ thi khoa bảng. Người này có kiến thức uyên thâm và tài văn chương xuất chúng, nhưng cuối cùng lại chỉ đỗ Bảng Nhãn. Một số người trong hậu cung truyền tai nhau chắc hẳn là anh ta bị chơi xấu, chứ đời nào chức Trạng Nguyên lại rơi vào tay kẻ khác mà không phải là trưởng tử của Diệp gia.

Những lời đồn này cũng không phải là không có căn cứ. Hôm nay vào cung diện kiến nhà vua, Hoàng thượng cho truyền Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, nhưng từ đầu tới cuối đều nhìn chằm chằm vào thiếu gia nhà họ Diệp hỏi hỏi anh ta có thích gì không. Cuối cùng hoàng thượng còn ban tặng cho anh ta tự ‘Đoan Hoa’ sau đó lại gật đầu tỏ vẻ rất vừa ý. Kể từ đó, trong triều đại Đại Văn xuất hiện một ‘Đoan Hoa công tử’. Mà từ các tiểu thư quyền quý tới các thiếu nữ lúc bấy giờ không ai không tò mò về vị Đoan Hoa công tử này. Nghe nói người này là một vị tài năng kiệt xuất, không chỉ vậy mà còn khôi ngô tuấn tú vô cùng.

Đoan Hoa công tử làm quan khi mới mười bảy tuổi. Theo lệ thường Bảng Nhãn sẽ do Bộ Lễ ban cho chức quan, thông thường sẽ được làm quan lục phẩm ở Viện Hàn Lâm. Ai ngờ rằng hoàng thượng đã nhanh hơn một bước. Một ngày trước khi phong quan ngài đã bí mật triệu Đoan Hoa công tử tới ngự thư phòng trong hai giờ. Sang ngày hôm sau vừa vào triều, đã được tấn phong lên chức vị tứ phẩm làm việc tại Đại Lý Tự. Hiếm có người nào có thể vừa nắm giữ thực quyền lại nhận được vinh sủng của hoàng thượng như vậy. Mà chỉ hơn một năm rưỡi, người này từ chức quan tứ phẩm lại một lần nữa được thăng lên chức Thiếu Thanh của Đại Lý Tự ! Phải biết rằng phụ thân của cậu, Diệp Thị Lang đã nửa đời làm quan, nhưng cũng chỉ là quan tam phẩm, cũng không biết mặt mũi hoàng đế ra sao. Năm đó ngưỡng cửa nhà họ Diệp cũng không biết có bao nhiêu người người qua lại rồi.

(Lời editor: Đoạn trên làm tui lại liên tưởng đến một hồi đoan hoa công tử khôi ngô tuấn tú, thiên phú thiên bẩm công X Tiểu hoàng thượng thụ lại bí mật pay lắc trong ngự thư phòng hai canh giờ liền ối ối bốn tiếng đồng hồ ó… Sặc mùi máu chó hehe.)