Nhặt Ánh Bình Minh

Chương 64: Ngoại truyện thứ ba: Dịu dàng (Chuyện về ông chủ Tiểu Vân - Thượng)

Tháng chín đúng là thời điểm tốt để ăn cua mùa thu, ông chủ Tiểu Vân dạo một vòng quanh chợ đồ tươi lại chỉ xách về ba cân ếch trâu, hơn nữa đến nhà rồi mới phát hiện ra đã quên nhờ người ta sơ chế giúp, đành phải đi tìm một cái chậu gỗ lớn, trước mắt thả mấy con ếch vẫn sống nhăn vào.

Anh nhìn đám ếch có ngoại hình không mấy đẹp đẽ kia, nghĩ thầm, đã sang năm thứ hai rồi.

"Anh không đợi em đâu", những lời này dễ nói mà không dễ làm, dù có làm cũng không dễ làm được đến cùng.

Chờ đợi không phải một chuyện cố ý, nó là một thói quen giống như nghiền bột màu vẽ, như pha trà đánh bọt, nhưng những ngày mưa mơ màng buồn ngủ, lại như nỗi nhớ đã ấp ủ thật nhiều nhiều năm, cứ thế lặng yên không một tiếng động mà chất chồng lên.

Lúc trước anh cảm thấy Lý Kinh Trọc hãy còn nhỏ tuổi, có vài việc phải chờ lớn lên mới nói tiếp được. Nhưng chớp mắt một cái, cậu ấy đã từ một thiếu niên mười sáu biến thành thanh niên hai mươi ba. Năm tháng ở Trấn Thái Bình trôi chầm chậm như dòng sông, khiến cậu bé của anh lớn lên, có người mình thích, sau đó lại lên tàu lửa rời đi mất.

Sau đó dòng sông thời gian của Trấn Thái Bình trở lại yên tĩnh.

Ngày qua ngày, không hề thay đổi.

Ông chủ Tiểu Vân lắc đầu bật cười, không nhìn mấy con ếch trâu kia nữa, cũng không muốn nhớ về cậu trai đã từng ngồi ở chỗ này không ngừng "giải phẫu" ếch trâu.

Anh xuống lầu, mang khẩu trang và bao tay lên, cầm cối xay tiếp tục xay nghiền phần đá khoáng hồi sáng vẫn chưa làm xong.

"Hóa ra ở đây thật sự có một cái Thái Bình Văn Phòng."

Ông chủ Tiểu Vân nghe được tiếng cảm thán kinh ngạc ngoài cửa, liền ngẩng đầu lên xem.

Trước cửa là một thiếu niên lưng đeo túi đựng họa cụ, trước ngực ôm một quyển sách cứ thế đi vào trong. Thiếu niên ước chừng mười sáu mười bảy tuổi, mái tóc sáng màu mềm mại dài đến cằm, làn da trắng như sứ, dáng người cao ráo mảnh khảnh vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành, sáng chói không gì sánh được.

Trong một thoáng chớp mắt, ông chủ Tiểu Vân suýt thì nhận nhầm thiếu niên này là Lý Kinh Trọc nhiều năm trước cũng ôm túi đi học vẽ, lần thứ hai nhìn lại, phát giác không phải, anh lập tức cúi đầu làm tiếp việc của mình, để thiếu niên tùy ý đi lại ngắm nghía trong cửa tiệm.

Thiếu niên dạo qua một vòng mới đi đến bên quầy, thấy ông chủ Tiểu Vân đang dở tay làm việc nên cũng không lên tiếng làm phiền, chỉ đứng yên một chỗ lẳng lặng xem.

Chờ ông chủ Tiểu Vân nghiền bột màu xong, cậu mới mở miệng: "Ông chủ, đây là chu sa nhập từ Trấn Phượng Hoàng đúng không?"

Ông chủ Tiểu Vân tháo khẩu trang xuống, cười nói: "Làm sao cậu nhìn ra?"

Thiếu niên cũng cười: "Tôi đọc thấy trong sách viết thế, hơn nữa nếu nói về chu sa, tôi cũng chỉ biết một chỗ duy nhất nên thuận miệng hỏi thôi."

Ông chủ Tiểu Vân gật đầu: "Cứ xem tự nhiên."

Thiếu niên đang suy nghĩ nên làm cách nào tán gẫu với ông chủ Tiểu Vân thêm mấy câu, bỗng dưng nhìn thấy bên quầy đặt một quyển sách, liền nói: "Ông chủ cũng đọc quyển sách này à? Đúng nhỉ, anh là người ở Trấn Thái Bình, đọc là phải thôi. Tôi cũng biết về chu sa Phượng Hoàng từ quyển sách này mà ra đấy."

Ông chủ Tiểu Vân nhìn theo hướng mắt thiếu niên, trông thấy quyển tiểu thuyết《 Trấn Thái Bình 》do Liễu Tức Phong viết, trên bìa sách in bức tranh vẽ Trấn Thái Bình từ trên cao nhìn xuống của Lý Kinh Trọc.

"Ừm." Ông chủ Tiểu Vân nói, "Bạn tôi tặng."

Thiếu niên đặt quyển sách trên tay mình lên quầy, nói: "Tôi cũng có một quyển đây, chính vì quyển tiểu thuyết này nên mới muốn đến Trấn Thái Bình vẽ tranh thực tế, không ngờ đến nơi lại thật sự được nhìn thấy Trái Bình Văn Phòng xuất hiện trong sách. Kỳ diệu quá."

Ông chủ Tiểu Vân mỉm cười: "Cậu không phải đi học à?"

"Vừa tốt nghiệp cấp ba, nhà tôi đồng ý cho tôi một khoảng gap year để làm gì tùy thích, tiện thể suy nghĩ những chuyện sau này muốn làm, không thể quyết định tùy tiện." Thiếu niên cười rộ lên, mắt ngọc mày ngài, "Tôi thích vẽ tranh nên một mình đi khắp nơi để vẽ tranh thực tế."

Ông chủ Tiểu Vân kinh ngạc: "Một mình? Nhưng cậu còn trẻ thế kia mà."

Thiếu niên nói: "Tôi mười bảy tuổi rồi."

Ông chủ Tiểu Vân sửa lại: "Cậu mới mười bảy."

Thiếu niên không phục, "Thế ông chủ bao tuổi rồi?"

Ông chủ Tiểu Vân mỉm cười nhìn cậu: "Hai mươi bảy."

Thiếu niên đang muốn tỏ vẻ hai mươi bảy vẫn chưa phải độ tuổi quá lớn, đột nhiên nghe một tiếng ộp vang lên, con ếch trâu từ trên cầu thang nhảy xuống để lại mấy dấu chân ướt đẫm. Thiếu niên hoảng sợ, theo quán tính che ông chủ Tiểu Vân ra sau mình, dùng tay không tóm con ếch lên giữ chặt: "Ở đâu ra thế này? Thú cưng anh nuôi?"

Ông chủ Tiểu Vân lấy ra một cái túi nilon: "Cho vào đây."

Thiếu niên thả con ếch vào túi, ông chủ Tiểu Vân giải thích: "Đây nguyên liệu nấu ăn mới mua hôm nay. Để tôi lên lầu thả nó vào chậu, cậu cũng lên rửa tay đi."

Thiếu niên tò mò hỏi: "Vì sau không nhờ người bán xử lý cho luôn? Ông chủ muốn tự mình làm à?"

Ông chủ Tiểu Vân cười nói: "Tôi không biết làm, để ngày mai lại mang ra chợ."

Thiếu niên đi theo ông chủ Tiểu Vân lên lầu, đề nghị: "Hay anh để tôi làm cho, tôi biết làm ếch."

Ông chủ Tiểu Vân kinh ngạc: "Cậu còn nhỏ tuổi mà cũng biết mấy việc như thế?"

"Tôi không nhỏ, trường cấp ba có câu lạc bộ dã ngoại sinh tồn. Thật ra lúc ấy tôi tham gia vì có nhiều cơ hội ra ngoài chơi thôi, sau này thấy mọi người xử lý thỏ rừng hay cá gì đó, cũng học được một ít."

Thiếu niên vừa nói vừa tháo túi đựng đồ vẽ trên lưng xuống ném lên ghế, xắn tay áo lên giúp ông chủ Tiểu Vân làm thịt ếch trâu. Động tác của cậu không thuần thục lắm, nhưng vẫn có thể nhìn ra là không phải lính mới. Cậu cứ thế cúi đầu chậm rãi làm từng bước một, cực kỳ kiên nhẫn giống như việc trên tay mình là quan trọng nhất trần đời.

Tóc mái trên trán thiếu niên trượt xuống chắn tầm mắt, cậu phải dùng cổ tay chưa bị bẩn hất lên nhưng không có tác dụng mấy, liền nói: "Ông chủ có thể lấy giúp tôi sợi dây cột tóc từ túi hông bên kia không?"

Ông chủ Tiểu Vân tìm thấy dây buộc tóc, thiếu niên xòe đôi tay đang dính bẩn của mình ra ý nói bản thân không thể tự buộc được. Anh đành phải túm hết phần tóc mái lẫn một ít tóc sau của cậu lại, cột thành một chùm nho nhỏ trên đỉnh đầu.

Thiếu niên nhe răng cười nhìn ông chủ Tiểu Vân, sau đó tiếp tục yên lặng xử lý ếch trâu.

Xử lý hết mớ ếch rồi, cậu rửa tay sạch sẽ xong mới cười nói với ông chủ Tiểu Vân: "Nãy giờ tôi cứ gọi ông chủ mãi... Phải xưng hô anh là gì nhỉ?"

Ông chủ Tiểu Vân rót cho cậu một chén trà, nói: "Họ Vân, cậu gọi ông chủ Tiểu Vân là được rồi."

Thiếu niên cảm ơn, nhận chén trà: "Ông chủ Tiểu Vân cứ gọi tôi là Nhạn Lai."

Ông chủ Tiểu Vân ngẫm nghĩ rồi nói: "Nhạn Lai, quý thu chi nguyệt, hồng nhạn lai tân. (trăng đã sang thu, chim nhạn ghé về) ①"

Nhạn Lai gật đầu: "Đúng là ý này, sinh nhật theo lịch âm của tôi là vào tháng chín." Nói rồi lại chỉ vào núi ếch trâu, "Ông chủ Tiểu Vân, để tôi làm ếch trâu cho anh ăn, om cay nhé."

Ông chủ Tiểu Vân nửa đùa: "Đừng đốt luôn bếp nhà tôi là được."

"Không có đâu." Nhạn Lại nhìn lướt qua đôi mắt ông chủ Tiểu Vân rồi lại cúi đầu nghịch nghịch mấy con ếch, "Tôi còn muốn đến ăn chực thêm vài bữa cơm nữa mà."

Ông chủ Tiểu Vân và Nhạn Lai cùng nhau ăn một bữa ếch trâu om cay, anh chưa có ý kiến gì với đề nghị cọ vài bữa cơm của cậu thiếu niên, mà Nhạn Lai cũng không nhắc đến lần thứ hai. Cậu thuê một phòng trọ trong nhà dân cách vách Thái Bình Văn Phòng, mỗi ngày cầm theo hai phần ăn sáng đứng chờ Thái Bình Văn Phòng mở cửa.

Ông chủ Tiểu Vân mở cửa theo lệ thường, không bởi vì có một người đứng đợi mà mở sớm hơn một chút, cũng không có ngày nào mở trễ hơn hoặc không mở cửa.

Nhạn Lai ăn xong bữa sáng với ông chủ Tiểu Vân sẽ đi ra ngoài vẽ tranh ngoại cảnh, đến chiều tối mới trở về cho anh xem tranh của mình, chờ Thái Bình Văn Phòng đóng cửa cậu cũng quay về phòng trọ, không quấy rầy thêm.

Vài hôm sau, ông chủ Tiểu Vân thấy hơi áy náy nhưng không đề nghị cậu đừng mang bữa sáng đến cửa hàng nữa, mà tự mình xuống bếp, nói cậu từ nay về sau cứ sang nhà mình cùng ăn cơm tối.

Nếu gặp trúng ngày ông chủ Tiểu Vân chế màu vẽ thủ công, Nhạn Lai sẽ không ra ngoài vẽ tranh, chỉ đứng một bên quan sát. Những lúc đó hai người có thể ngồi liên tục mấy tiếng đồng mà không nói với nhau câu nào, lúc ông chủ Tiểu Vân làm mệt rồi ngẩng đầu lên nghỉ ngơi, bốn mắt chạm nhau, ông chủ Tiểu Vân sẽ cười với cậu một cái, sau đó tiếp tục quay về làm việc của mình.

Đôi khi ông chủ Tiểu Vân đạp xe đi mua sách ở cửa hàng sách cũ sẽ mua hai quyển, tặng cho Nhạn Lai một quyển. Về sau mỗi lần ông chủ Tiểu Vân nghiền thuốc màu, Nhạn Lai sẽ ngồi bên cạnh đọc sách, xem đến chỗ hay ho lại đọc to thành tiếng cho anh cùng nghe. Anh nghe xong cũng nhẩm theo một lần, có khi không nói gì, khi khác lại tùy ý bình luận thêm mấy câu.

Ngồi trong Thái Bình Văn Phòng, ánh nắng từ cửa sổ đầu này chầm chậm di chuyển sang cửa sổ đầu đối diện, cũng chiếu vào thái dương bên này sang thái dương bên kia của ông chủ Tiểu Vân.

Trà trong chén bốc hơi nước lượn lờ, từng viên khoáng thạch đủ màu sắc chậm rãi biến thành bột mịn dưới cối xay, chiếc loa vỏ gỗ đang phát một bản kinh kịch ê a bây giờ không còn ai nghe nữa.

Thời gian ở nơi này trôi qua thật chậm, thậm chí Nhạn Lai có thể nghe được tiếng giọt nước đang rơi tí tách.

Vì thế cậu bắt đầu có dòng sông thời gian của riêng mình, giống như tất cả những người đã từng dừng chân tại Trấn Thái Bình.

Cứ như vậy qua hơn một tháng, một sáng nọ ăn điểm tâm xong, Nhạn Lai kê ghế đặt trước cửa hàng, dựng giá vẽ, bảng vẽ, dưới đất đặt giá treo bút, một chén mực nước, mấy đĩa màu vẽ, một cái lọ rửa bút, sau đó ngồi xuống vẽ lại Thái Bình Văn Phòng của ông chủ Tiểu Vân.

Tấm biển gỗ màu xanh sẫm viền vàng, quầy tính tiền sâu bên trong hơi tối một chút, đủ loại giấy bút mực bày biện đầy các giá hàng hóa, và cả... người trong cửa hàng.

Trong nháy mắt, trên tờ giấy tuyên của Nhạn Lai đã có thêm vài hình bóng: Người đang chế màu vẽ, kiểm kê hàng hóa, uống trà đọc báo, tính toán sổ sách...

Đến khi cần tô màu cho những thân hình này, Nhạn Lai lại không quyết định được. Cậu thử vài lần vẫn thấy không đúng, đành buông bút xuống. Đằng sau cậu đã có một ít người vây xem, ai ai cũng khen cậu vẽ đẹp, cậu lại thu tranh về, nói: "Không pha ra được màu muốn vẽ."

Màu sắc đó không phải trắng xám, không phải đỏ tươi, xanh da trời hay xanh lục thẫm... mà là dịu dàng.

Không thể là gì khác, chỉ có dịu dàng.

Màu sắc của ông chủ Tiểu Vân là dịu dàng.

Nhưng làm gì có loại màu sắc nào dễ dàng phán bừa là màu dịu dàng đâu?

Phía sau có người lên tiếng: "Nếu pha không ra màu thì cậu cứ tìm ông chủ Tiểu Vân, màu vẽ trong tay cậu ấy là độc nhất vô nhị."

Nhạn Lai hơi do dự, gật đầu đi vào cửa hàng.

Không ngờ ông chủ Tiểu Vân cũng đang vẽ tranh, là vẽ theo lối tỉ mỉ.

Trên bàn trải một tấm nỉ đã cũ, một tờ giấy tuyên trắng, trên giấy vẽ hình dáng một thiếu niên cõng theo ánh nắng đang từ bên ngoài đi vào Thái Bình Văn Phòng nên không thấy rõ mặt, chỉ có thể trông thấy đôi môi đang cười, cẳng chân bước đi thẳng tắp và ánh sáng lay động sau lưng cậu.

"Anh Vân, em tới rồi này."

Ông chủ Tiểu Vân dường như nghe thấy tiếng thiếu niên trong tranh gọi mình.

"Ông chủ Tiểu Vân đang vẽ em đấy à?" Nhạn Lai vui vẻ hỏi.

Ông chủ Tiểu Vân ngẩn người, bừng tỉnh từ trong hồi ức, tách một tiếng, giọt mực từ đầu bút lông rơi xuống trúng mặt thiếu niên tựa như một giọt nước mắt lớn.

"A." Nhạn Lai muốn lau đi nhưng không kịp nữa, "Tranh..."

Ông chủ Tiểu Vân buông bút, "Thôi, để vẽ lại sau, tôi đi rửa tay đã."

Nhạn Lai vòng sang bên kia bàn để thuận hướng xem kỹ bức tranh. Lúc này cậu mới để ý, cảnh trong tranh không phải là mùa thu hai người gặp nhau lần đầu, thiếu niên kia đang mặc áo quần mùa hè, hơn nữa mái tóc ngắn hơn một chút, cũng đậm màu hơn tóc cậu rất nhiều.

Hóa ra thiếu niên trong tranh không phải là cậu.

Ánh mắt Nhạn Lai chậm rãi dời xuống, vào lúc cậu nhìn thấy nụ cười giữa môi thiếu niên, đột nhiên hiểu ra thế nào mới là màu sắc của dịu dàng.

Đúng là ông chủ Tiểu Vân thật sự có thể chế ra loại màu dịu dàng.

Vì một cậu thiếu niên khác.

( còn tiếp)

—----------

Lời tác giả:

① Câu này lấy từ 《 Lễ Ký - Nguyệt lệnh 》.