Quỹ Đạo Đơn Phương

Chương 9: Mùa hè của cô ấy (9)

Thư Niệm cứ đinh ninh chuyện mình chọn ban sẽ diễn ra tốt đẹp.

Song nào có ngờ, cha không cho cô chọn ban xã hội.

Đêm hôm nghỉ lễ, Thư Niệm nói mình muốn chọn xã hội với cha và mẹ kế vào bữa tối, vừa nghe cô nói, cha đã nhíu mày đáp: “Không được, con không được chọn ban xã hội.”

“Tại sao ạ?” Thư Niệm khó hiểu, “Lý con rất kém, hóa với sinh cũng thế.”

Thư Tư Khiêm nói với cô: “Trung học 1 chuộng tự nhiên, ban xã hội năm nào cũng chỉ có mỗi bốnlớp, mà trong bốn lớp này hơn nửa là học sinh theo thể thao hoặc nghệ thuật, môi trường học tập nhất định sẽ không được bằng những lớp ban tự nhiên chứ đừng nói gì đến số giáo viên dạy.”

“Chỉ có học khoa học tự nhiên mới có đường ra ở trung học 1 này.” Ông dừng một chút rồi tiếp: “Còn nữa, con học ban xã hội sau này cũng sẽ khó tìm việc, dầu gì hiện tại cũng là thời đại của toán lý hóa.”

Thư Niệm nhíu chặt mi, phản bác lại lời ông: “Thời đại toán lý hóa gì chứ, người tốt nghiệp từ ban xã hội vẫn có tương lai rộng mở mà, còn việc rộng mở đến đâu thì tùy thuộc cả vào năng lực cá nhân.”

“Thầy chủ nhiệm lớp con cũng nói rồi, ban xã hội trường con rất ổn.”

Thư Tư Khiêm trầm giọng: “Nếu học ban xã hội thì sau này con định làm gì?”

Thư Niệm đáp: “Khoa chuyên Anh đại học Thẩm ạ.”

“Học xong rồi sao? Định đi làm phiên dịch cho người ta hay trở thành giáo viên tiếng Anh hả?” Thư Tư Khiêm vẫn không đồng ý cho Thư Niệm chọn xã hội, “Con có tự tin sẽ thành công khi làm thông dịch viên không? Rồi con thử nghĩ xem làm giáo viên tiếng Anh sẽ kiếm được mấy đồng bạc lẻ đây?”

Thư Niệm uất nghẹn, hỏi Thư Tư Khiêm: “Vậy cuối cùng cha muốn con học ngành gì? Muốn sau này con phải làm gì mới vừa ý?”

“Đến công ty của cha á?” Thư Niệm nói: “Con chả có hứng thú.”

Thư Tư Nghiêm không ngờ một Thư Niệm ngoan ngoãn im lặng ngày thường lại bướng bỉnh đến mức này.

Hơn nữa con bé này tự chủ như thế, ông cũng không làm gì khác được.

Thư Niệm đứng dậy lên lầu, một lát sau mới trở xuống.

Cô đặt bảng điểm cả ba lần thi lên bàn, để Thư Tư Khiêm xem.

“Con đã so sánh điểm tổng các môn tự nhiên và điểm tổng môn xã hội lại qua từng kỳ thi, trên bảng điểm cũng in rõ rành rành, cha có thể tự xem, tổng điểm các môn xã hội của con luôn cao hơn điểm môn tự nhiên.” Thư Niệm bình tĩnh nói: “Cha có chắc mình muốn con bỏ hết thành tích bên xã hội để dấn thân vào tự nhiên chứ?”

“Cha có chắc rằng thay vì có khả năng đậu đại học ngành xã hội, thì con lại trượt đầu vào khoa học tự nhiên bởi vì cha muốn con chuyển ban chứ?”

Thư Tư Khiêm nhìn thành tích của Thư Niệm mà rơi vào trầm tư.

Miêu Vũ không tham gia vào cuộc đối thoại nãy giờ của hai cha con cuối cùng cũng có cơ hội mở miệng, bà khuyên Thư Tư Khiêm: “Em thấy Niệm Niệm nói có lý, mình vẫn nên để Niệm Niệm theo xã hội là hơn, tư tưởng đó của anh đã lạc hậu rồi, thời đại toán lý hóa gì chứ, sự thật là nghề nào cũng có trạng nguyên cả, mọi chuyện cũng đều có khả năng xảy ra. Niệm Niệm muốn học chuyên Anh em thấy ổn lắm ấy chứ, dù sau cơ hội sau khi tốt nghiệp đại học cũng đâu ít ỏi gì.”

“Anh nên thấy may vì Niệm Niệm vừa độc lập lại vừa hiểu chuyện, ít đứa trẻ nào có mục tiêu cuộc đời rõ ràng như con bé vào lứa tuổi nó.”

Thư Tư Khiêm càng trầm tư hơn sau khi nghe Miêu Vũ khuyên lơn.

Chuyện này cứ bỏ ngỏ thế, Thư Tư Khiêm vẫn chưa nói sẽ đồng ý để Thư Niệm học xã hội song cũng không tiếp tục phản đối.

Sáng sớm hôm sau Thư Niệm tự bắt xe về quê.

Thật ra Thư Tư Khiêm và Miêu Vũ muốn lái xe chở cô về nhưng Thư Niệm không muốn làm phiền bọn họ, còn từ chối rất nhiều lần.

Hai vị phụ huynh cũng không còn cách nào khác ngoài việc chiều theo ý cô.

Lúc Thư Niệm xuống xe thì trời đã vào trưa.

Bà nội đang đứng ven đường chờ cô.

Dáng bà gầy gò, đứng trong làn gió phần phật trông càng yếu ớt hơn.

Thư Niệm chạy đến trước mặt bà, vui vẻ khoác tay bà, cùng bà chậm rãi đi về nhà.

Điều kiện ở quê họ không được bằng trên phố thị nhưng bà nội quả tình đã cho Thư Niệm mọi thứ tốt nhất.

Giường đất (*) nóng rẫy dưới cái nắng trời trưa, Thư Niệm cởi giày rồi ngồi lên, ôm chặt em mèo trắng muốt đang say ngủ trên đấy.

(*) 炕: giường đất; giường lò (của người phương bắc Trung Quốc)

“Đại Bạch, Đại Bạch có nhớ chị không nào?” Thư Niệm vừa vuốt lông mèo vừa vui vẻ cười hỏi.

Em mèo trắng mở mắt, dùng đôi mắt khác màu nhìn chằm chằm Thư Niệm một chốc rồi phát ra tiếng gừ gừ nghe bộ hưởng thụ lắm.

Thư Niệm ngồi trên giường đất tỏa ra hơi ấm có một chút mà hơi lạnh trên người cô đã tan đi hết cả, cơ thể cũng thư thái ấm áp hẳn lên.

Cơm trưa bà nội có làm sườn kho tộ và cá chua ngọt, Thư Niệm cũng trổ tài làm thêm vài món chay.

Sau khi tất cả các món ăn được dọn ra, bà nội lại mang một nồi đậu phộng luộc ra.

Cũng vì lúc trước Thư Niệm nói mình thèm đậu phộng luộc bà làm.

Sau bữa trưa, Thư Niệm kê một chiếc bàn nhỏ trên giường để làm bài tập, em mèo trắng thì ngái ngủ cạnh cô.

Người bà dịu hiền nghiêng người cười hỏi cô: “Con à, muốn ăn khoai nướng không con? sáng nay bà có để mấy củ khoai đỏ lên giường đất, giờ cũng còn nóng hổi đây này.”

Thư Niệm cười cong cả mi mắt: “Ăn ạ!”

“À với cả, bà đã chiên hạt dẻ chưa vậy ạ?” Cô hỏi.

“Rồi rồi, đều làm cho con hết.” Bà nói tiếp: “Con chờ chút, để bà nội đi lấy cho con.”

Một lúc sau, Thư Niệm tạm thời ngừng chìm đắm vào bài vở, ngồi bên đầu giường đất với bà, vừa nhâm nhi khoai nướng, hạt dẻ chiên giòn vừa xem TV.

Thư Niệm cẩn thận bóc hạt dẻ cho bà nội, đặt vào lòng bàn tay bà.

Răng của bà cụ không tốt, vài chiếc răng đã rụng nên bà chỉ có thể từ tốn ăn từng phần hạt dẻ do cháu gái bóc vỏ.

Tối đến, hai bà cháu cùng ngủ trên chiếc giường đất nóng hầm hập, Thư Niệm bèn nói với bà chuyện phân ban trường mình, cô muốn đến ban xã hội, ngặt một nỗi bị cha phản đối.

Bà cụ bảo: “Đừng bận tâm cha con, cứ chọn ban con thích.”

Thư Niệm nhẹ nhàng “Vâng” một tiếng.

Thư Niệm không biết, đợi cô ngủ rồi, bà nội bèn rời giường mặc thêm quần áo rồi trở ra gian ngoài, gọi cho Thư Tư Khiêm bằng chiếc điện thoại cũ rích của mình.

Tự dưng hơn nửa đêm mẹ mình gọi đến, Thư Tư Khiêm còn tưởng chuyện gì to tát, lo thúi ruột, kết quả bắt điện thoại rồi thì nghe mẹ già nhà ông mắng từ đầu tới chân, bảo ông đừng có mà rớ tay vào chuyện ban biếc gì của Thư Niệm nữa.

Bà cụ nói với Thư Tư Khiêm chẳng nể nang gì: “Giờ mới nhớ tới Niệm Niệm không phải trễ quá rồi hả? Mười năm rồi, con bé đi đâu đọc sách, thành tích con bé thế nào, nó có b3nh hoạn gì không, có vui vẻ không, con có chịu hỏi nó lấy lần nào đâu? À, giờ thì vội vã ra trò ha, con có tư cách gì mà dám ép con bé sống theo ý mình đấy?”

Thư Tư Khiêm đánh tiếng thở dài, “Mẹ à, con biết con có lỗi với Niệm Niệm, cũng có lỗi với mẹ, bao nhiêu năm qua con cũng đâu phải không ghé về lần nào đâu, mẹ nói đúng, con không có tư cách, con mặc kệ vậy, nó muốn theo xã hội thì cứ học xã hội.”

Bà cụ cả giận nói: “Biến, ngủ tiếp đi.”

Và thế là, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ tết Dương, sau khi Thư Niệm về Thẩm Thành thì đã thành công giành được chữ ký của Thư Tư Khiêm cho giấy đăng ký phân ban của mình.

Mọi người nộp lại giấy đăng ký khi trở lại trường sau kỳ nghỉ tết Dương Lịch.

Kết quả thống kê được công bố rất nhanh.

Trong số 56 học sinh lớp 10/1 chỉ có ba bạn chọn xã hội.

Thư Niệm là một trong số đó.

Một tuần sau, kỳ thi cuối cùng của nửa đầu năm cấp ba đã đến.

Sau khi kỳ thi dài hai ngày chấm dứt, trường học tiến thẳng vào kỳ nghỉ đông.

Cũng từ hôm ấy, lịch trình cứng cựa mỗi ngày của Thư Niệm đều là đến thư viện tỉnh học hành.

Ngày nghỉ đông thứ năm, học sinh quay trở lại trường để lấy học bạ.

Trong kỳ thi cuối kỳ này, Thư Niệm xếp thứ 18 trong lớp.

Cô vẫn tiến bộ đều đều, chỉ là tiến độ vẫn khá chậm.

Mặc dù hiện tại nhà trường phát bảng điểm riêng cho từng học sinh và không công khai danh sách thứ hạng nhưng cái danh top 1 của Tống Kỳ Thanh thật sự treo rành rành trước mắt.

Đến mức bây giờ mọi người mà có nghe cái cậu này lại ẵm hạng đầu khối nữa cũng chẳng mảy may ngạc nhiên gì nữa.

Vì sau khai giảng phải chia lại lớp theo ban tự nhiên – xã hội nên giờ dù có chọn xã hội hay tự nhiên thì phía nhà trường cũng sẽ sẽ xáo tên và phân loại lại các lớp, thế nên cũng yêu cầu thêm một buổi liên hoan cũng như hội họp mừng lớp mới của học sinh toàn khối.

Bàn trong lớp được xếp sát vào hai bên vách tường, chừa nhiều không gian nhất có thể cho sân khấu tại chỗ.

Thư Niệm và Tư Ngưng ngồi trong góc, vừa ăn quà vặt vừa thưởng thức tiết mục của cả lớp.

Sau đó Tề Hạ bảo Tư Ngưng lên biểu diễn gì đó cho vui, cô nàng bèn kéo theo Thư Niệm bên cạnh bảo cô cùng nhau hát bài Bảo Bối (1)

Thư Niệm vừa rối vừa ngượng, cô hoảng loạn nói nhỏ với Tư Ngưng: “Tớ đâu có hát hay…”

Tư Ngưng cười cô, “Niệm Niệm cậu nói nhảm gì đó, bài này rõ ràng câu hát rất hay, lúc ngồi chung bàn còn thường lẩm nhẩm hát nữa mà.”

Thư Niệm đỏ mặt lí nha lí nhí giải thích: “Nhưng tớ không thuộc lời.”

Vừa dứt câu, Tề Hạ đã đưa điện thoại của mình đến cười bảo: “Tìm cho hai người rồi, này.”

Thư Niệm: “…”

Thư Niệm không trốn được, chỉ đành trâu không có thì bắt chó đi cày (*), hát chung với Tư Ngưng.

(*) 打鸭子上架: Thành ngữ mang nghĩa bị ép làm chuyện ngoài tầm với, ngoài khả năng của một người

Giọng hát cô rất mềm mại, còn mang theo chút gì đó ngọt ngọt ngào ngào, thậm chí có thể nghe được vẻ đáng yêu.

Dưới giọng hát đầy tự tin của Tư Ngưng thì giọng Thư Niệm càng giống như đang hòa âm hay đang hát đệm hơn, nhưng lại vô cùng bùi tai.

“Bảo bối của em ơi, bảo bối của em à / Cho anh chút ngọt ngào này / Để anh ngủ một giấc nồng say…” (1)

Thư Niệm cảm thấy ánh mắt của mọi người đều đổ dồn hết vào mình nên toàn thân cứ nóng bừng lên như lửa đốt.

Cô sững người tại chỗ, cực kỳ mất tự nhiên, ánh mắt chỉ dán chặt vào màn hình điện thoại trên tay Tư Ngưng chứ không dám nhìn chỗ nào khác.

Đúng lúc này, tiếng đàn ghi-ta vọng đến.

Tống Kỳ Thanh ngồi cuối lớp, ôm đàn ghi-ta đệm nhạc cho Thư Niệm và Tư Ngưng.

Tư Ngưng chợt nghe thấy tiếng đàn thì ngẩng mặt nhìn về phía chỗ Tống Kỳ Thanh rồi cười cười dựng ngón tay cái với cậu chàng.

Thư Niệm cũng theo bản năng ngước mắt nhìn sang khi tiếng đàn ghi-ta vang lên.

Khoảnh khắc tầm mắt hai người giao nhau, cô lại nhanh chóng cụp mi xuống.

Đến tận khi bài hát kết thúc Thư Niệm vẫn không đủ can đảm ngẩng đầu nhìn Tống Kỳ Thanh lấy lần nào.

Còn Tống Kỳ Thanh thì lại vì đã trót đệm đàn cho Tư Ngưng và Thư Niệm hát nên cũng bị mọi người nài hát một bài.

Cậu không từ chối, thoải mái cầm ghi-ta bằng một tay, tay còn lại kéo ghế đến giữa lớp.

Làm một loạt động tác không lưỡng lự gì như thế trông điển trai đến lạ.

Thư Niệm và Tư Ngưng trở về chỗ ngồi ban đầu.

Bấy giờ Tống Kỳ Thanh đã là tâm điểm của lớp, Thư Niệm cũng có thể yên tâm hơn để mà lớn gan giương mắt ngắm cậu chàng.

Cậu ngồi xuống ghế, một chân duỗi thẳng một chân cong lên gác hờ bên chân ghế, tư thế vừa biến nhác vừa tự nhiên.

Sau đó bắt đầu đánh đàn cất tiếng hát.

Lần này cậu không hát tiếng Anh mà là hát một bản tình ca nhẹ nhàng nồng nàn.

Cậu chàng diện chiếc áo len cổ lọ màu màu kem thường mặc, phối với quần đen và giày thể thao trắng.

Cậu ôm đàn ghi-ta, rũ mắt và trầm giọng hát: “Trong vô vàn nỗi hân hoan không tên / tôi chỉ thích mỗi mình em.” (2)

Tim Thư Niệm như bị ai đó bắn trúng.

Cô không rõ mình bị đả động bởi lời bài hát, hay là vì người hát là cậu nên mới rung động nhường này.

Tóm lại, tim cô nhảy nhót tung tăng cứ như chú nai con rạo rực húc đầu khắp chốn vậy đấy.

Cô nghe được tiếng con tim mình đập, thình thịch thình thịch dội thẳng đến tai, dường như nó đang lặp đi lặp lại với cô rằng, cô chỉ thích mỗi cậu ấy thôi.

Đêm ấy về nhà, Thư Niệm tìm bài Tống Kỳ Thanh đã hát trong buổi liên hoan.

Bài có tên là Thích, ca sĩ trình bày là Trương Huyền.

Thư Niệm vui lắm.

Bởi vì bài Bảo Bối hôm nay cô hát với Tư Ngưng cũng do Trương Huyền hát gốc.

Hóa ra họ còn thích nghe nhạc của cùng một ca sĩ nữa ư.

Việc này làm cô vui vẻ không thôi.

Sau này, cứ mỗi lần nhìn thấy chàng trai nào đó cầm đàn ghi-ta, Thư Niệm đều sẽ nhớ đến việc trong một lớp học nọ, có một chàng thiếu niên tràn đầy hơi thở thanh xuân đã ngồi ôm đàn ghi-ta, hát một bài tên là Thích.

Cũng kể từ hôm ấy, bài mà Thư Niệm thích nghe nhất cũng chính là bài Thích ấy vậy.

Hết 09.Chú thích bài hát:

(1) Bảo Bối – Trương Huyền: Vì bài này ra khá lâu rồi, từ 6 7 năm trước nên Trà vẫn để tên bài và lời bài là bảo bối sau khi search trên youtube.

(2) Thích – Trương Huyền

Tâm sự mỏng của Trà Trà:

– Hôm nọ đứa em chụp Trà xem bài cfs về vấn đề editor người miền Nam mà lại để là “Vâng” thay vì “Dạ” nên sẵn đây Trà muốn nói một chút về ngôn ngữ cột mác Trà Trà nha.

– Về “Vâng” thì là đơn giản là do ngoài đời 90% Trà đáp “Vâng” với các bậc cha chú dù ở miền Nam, làm việc cũng trong Nam nốt. Thành ra dù là người miền Nam nhưng Trà nói chuyện và gõ chữ cũng khá ba mứa, ngoài “ạ” “vâng” ra thì còn dùng “tánh tình” thay vì “tánh tình”, “ghi-ta” thay vì “guitar”, “căn tin” thay vì “nhà ăn” Chắc ngoài “vâng” ra thì Trà có xu hướng dùng từ Nam hơn một xíu nhưng chắc cú không phải “thuần” Nam trăm phần trăm rồi (Đấy là nếu bạn thắc mắc).

– Thế thôi, đọc vui hén ^^.