Biên tập: Mộ
***
Sự phản kháng của tôi kết thúc trong thất bại
Và thế là hết.
Cuộc đời tôi lại một lần nữa mất đi hy vọng.
Cuối cùng, khi họ mệt rồi, họ cầm theo đoạn video và bỏ đi.
Tôi ôm chặt lấy bản thân, nước mắt và mồ hôi trên mặt hòa lẫn với thứ chất lỏng gì đó không rõ, dính đến không chịu nổi.
Tại sao trên đời lại có loại người như thế.
Công khai ghi hình những cảnh bạo lực và coi đó là niềm tự hào.
Đó rõ ràng là bằng chứng tốt nhất nhưng bọn họ không sợ.
Tôi lê cơ thể đầy thương tích, đi từng bước về nhà.
Những sợi dây thần kinh trong não cứ đứt từng sợi một.
Khi về đến nhà, tôi tắm rửa và cọ nát cơ thể bẩn thỉu của mình.
Dưới ánh đèn màu cam, những mạch máu vừa xanh vừa trắng lộ ra trông thật mỏng manh làm sao.
Nếu như rạch một dao thì có chết được không?
Tôi nhìn dòng máu tuôn ra từ cổ tay, đầu óc bắt đầu tỉnh táo.
Cuối cùng vẫn đi đến bước đường này.
Tôi nhúng cổ tay vào nước ấm, dòng nước nhanh chóng bị nhuộm đỏ nhưng tôi cảm thấy những vết thương mà họ gây ra cho tôi còn đau đớn hơn cái này gấp trăm lần.
Trong lúc chờ đợi cái chết đến gần, tôi hôn mê lúc nào không hay.
“Các người định xử lý chuyện này thế nào hả?”
“Phụ huynh đó muốn con bé nghỉ học.”
“Nhưng chúng tôi cũng là nạn nhân.”
…
Ồn ào quá.
Tôi cố mở mắt ra.
Ngay khi tầm mắt hội tụ, tôi phát hiện mình đang nằm trên giường bệnh.
Hóa ra tôi vẫn chưa chết.
Buồn cười thật, tôi không hề vui vẻ khi sống sót qua tai nạn mà chỉ thấy tiếc nuối.
Khi mẹ thấy tôi tỉnh lại, bà ấy từ ghế sô pha chạy đến cạnh giường bệnh của tôi.
Bà ấy nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc của tôi, động tác thuần thục như thể đã làm vô số lần.
“Giai Giai, cuối cùng con cũng tỉnh rồi.” Mặc dù nước mắt lưng tròng nhưng ngay lúc này những sợi tóc của bà ấy vẫn được vuốt sang một cách gọn gẽ.
Thầy Lý, giáo viên chủ nhiệm của tôi cũng lo lắng hỏi thăm: “Em có khỏe không?”
Tôi im lặng.
“Mọi người biết hết những chuyện xảy ra rồi, bây giờ đang bàn bạc để tìm cách giải quyết. Con biết hôm qua mẹ sợ thế nào khi thấy con trong bồn tắm không?” Mẹ lấy tay che miệng, nước mắt chảy dài qua lòng bàn tay.
Tôi nhìn chằm chằm đôi mắt của bà ấy, vẫn không nói tiếng nào.
“Phải đấy Thư Giai, em thế này chúng tôi đều rất đau lòng. Đặng Văn Tâm cũng bị thương ở trán, đang ở nhà để tự kiểm điểm.” Thầy Lý nắm tay tôi và trầm giọng bảo.
“Em nghỉ ngơi cho khỏe, thầy và mẹ em ra ngoài để bàn bạc biện pháp xử lý.” Thầy Lý vỗ vỗ mu bàn tay của tôi để an ủi.
Phòng bệnh lại chìm vào yên tĩnh, những dây thần kinh căng chặt của tôi cũng dần dần thả lỏng.
Tôi chộp lấy chiếc gương trên hộc tủ và giơ nó lên cao.
Trong gương là Thư Giai với khuôn sưng vù, tôi nhìn cô ấy rất lâu.
…
Chung cư đúng là một nơi kỳ diệu, cái chuyện nhỏ như lông gà cũng có thể truyền đi khắp nơi.
Thế là tin đồn thú vị về “cô gái nhỏ ở căn hộ số 332, tòa nhà số 5 bị đánh thậm tệ, đến nay vẫn đang điều trị trong bệnh viện xx” đã truyền đi nhanh chóng.
Hôm ấy là một ngày nắng đẹp, Trịnh Kinh đến thăm tôi.
Anh mặc một chiếc áo cộc tay màu trắng và quần dài màu đen, cầm theo một trái dưa hấu vội vàng đến gặp tôi.
Gương mặt đằng đằng sát khí, nếu không biết còn tưởng anh định dùng dưa hấu để đập chết tôi cũng nên.
“Hay lắm, mấy ngày rồi không gặp, em định đóng vai là bảo vật quốc gia đấy à.” Anh cố tình dùng giọng Thiên Tân để trêu tôi.
Tôi không cười mà chỉ nhìn anh.
Mấy phút sau tôi mới nhận ra đó là Trịnh Kinh.
Anh cũng không nói gì cả, tự cắt quả dưa mà anh mang đến.
Vỏ xanh nhìn rất đẹp nhưng khi cắt ra thì chưa chín, màu trắng nhợt nhạt nhìn đã không muốn ăn.
Mới tháng tư mà đã mua dưa hấu rồi.
Trịnh Kinh cũng chẳng vui vẻ gì, anh cắn một miếng trước, chua đến nỗi nhăn cả mặt.
“Hay anh ném đi nhé, anh mua cho em hai quả kiwi, được không?” Anh khom lưng nhìn tôi, giọng điệu hết sức dịu dàng.
Tôi lẩm bẩm: “Đừng lãng phí.” Sau đó cầm một miếng rồi bắt đầu ăn.
Lúc thì chua, lúc thì chát, khi anh bày ra bộ mặt khϊếp sợ tôi mới nhận thức được.
“Em không thấy khó nuốt sao?” Anh nhìn tôi như thấy quái vật.
Cuối cùng tôi vẫn ném nửa miếng dưa còn lại vào thùng rác.
Anh cũng không đi mua kiwi nữa mà ngồi ngẩn người trên giường của tôi hết cả buổi trưa.
Hôm sau anh lại đến, cứ ríu ra ríu rít bên cạnh tôi.
Anh cũng mang cho tôi cuốn sách “Ác ý”
Vừa hay lần trước tôi chưa đọc xong.
Anh bảo anh mua lại rồi, tôi đọc đến bao giờ cũng được.
Tôi chạm vào bìa sách, nhìn ánh sáng rực rỡ phía sau tấm bìa: “Anh không muốn hỏi gì sao?”
Trịnh Kinh chống cằm ngắm nhìn gò má của tôi: “Anh sẽ chờ đến khi em muốn nói, anh sẽ nghe.”
Tôi kéo chăn lên che mặt.
Ngày tôi xuất viện là chủ nhật cuối cùng của tháng tư, hôm đó mưa rất to.
Trịnh Kinh ôm một bó hoa để chúc mừng tôi xuất viện.
Cả người anh ướt sũng nhưng ánh mắt vẫn rạng ngời như cũ, nhất quyết nhét bó hoa vào tay tôi.
Tôi không thèm để ý, chạm vào những bông hoa màu đỏ và hỏi anh: “Anh đọc hết quyến sách đó chưa?
“Quyển nào?”
“Ác ý.”
“Anh chưa đọc, cho em đọc trước.”
Tôi cúi đầu và im lặng một lúc lâu, sau đó không hề do dự mà nói: “Anh có tin rằng trên thế giới này tồn tại một loại cảm xúc thế này không? Nó gọi là ác ý. Không phải ghen tị hay hận thù mà là một loại cảm xúc cực đoan, tồn tại trên thế gian mà chẳng có bất cứ lý do gì cả.”
Thật không may, cô ấy bị bao vây một đám người tràn đầy ác ý. Họ đánh cô ấy, mắng cô ấy, xỉ nhục cô ấy, thậm chí còn quay một video bạo hành, nhưng tất cả mọi thứ chỉ xuất phát từ ác ý của họ, thậm chí còn chẳng có nguyên nhân.
Cứ như thế mà một ngày nào đó, bạo lực đã tìm thấy Hidaka.
“Đây là nội dung của Ác Ý sao?” Trịnh Kinh hỏi.
Tôi ngẩng đầu nhìn anh và nở nụ cười.
“Đúng vậy… Đây là câu chuyện của Hidaka.”
Tôi nghĩ chắc chắn trong mắt tôi đang đầy rẫy nỗi buồn.
Một tháng trước kỳ thi cấp ba, tôi bị ép phải nghỉ học để ở nhà và cùng lúc ấy, tôi được chuẩn đoán đã mắc chứng bệnh trầm cảm.
Mẹ gửi tôi đến sống với bà ngoại ở thị trấn, bà ấy còn nói tháng chín này sẽ chuyển trường cho tôi, để tôi đến đó học.
Hóa ra đây là cách giải quyết của họ.
Họ khuyên tôi từ bỏ còn kẻ bắt nạt thực sự vẫn mỉm cười ngoài vòng pháp luật.
Tại sao lại như thế? Tôi nhớ hình như bố của Thẩm Thanh là cổ đông của trường.
Tôi không biết họ vẽ ra một câu chuyện sinh động thế nào nhưng chắc chắn không mang lại kết quả tốt đẹp gì cho tôi.
Nhất là sau khi mẹ tôi nhận được một khoản tiền bồi thường không hề nhỏ, tôi đã nhìn thấy điều đó khi còn nằm trong bệnh viện. Hóa ra ngay từ đầu, đây mới là thứ bà ấy muốn.
Thế nhưng công lý thuộc về tôi thì sao? Chẳng ai quan tâm cả.
Khi đứng trước tiền tài và sự thật, cán cân công lý sẽ nghiêng về phía nào?
Lúc tôi đi, tôi không làm phiền bất cứ ai, cũng không mang theo bất cứ thứ gì thuộc về mình từ nơi đó.
Vào cái đêm ấy, tôi nhận được một email, là video tôi bị đánh và một tiêu đề: Đây là quà chia tay tao tặng mày.
Bàn tay cầm chuột của tôi khẽ run lên, tôi không kiểm soát được mà cắn miếng thịt mềm mại ở trong miệng, khi máu tanh nồng nặc ngập tràn khoang mũi, tôi mới từ từ kìm nén cơn đau âm ỷ đang chảy trong l*иg ngực.
Vẫn không thoát được rồi.
Nỗi thống khổ cứ lặp đi lặp lại, cảnh tượng tôi khóc lóc cầu xin vẫn còn in đậm trong tâm trí.
Tôi nằm trên giường với đôi mắt trống rỗng.
Có lẽ cuộc đời này chỉ còn lại nỗi đau, không ai hiểu cho tôi, cũng không ai cứu tôi.
Cho dù tôi tuyệt vọng cầu cứu thì những người xung quanh cũng giả câm giả điếc.
Tất cả những gì tôi làm đều uổng công vô ích.
Mặc dù đã đổi sang môi trường mới nhưng tôi vẫn không ngủ được, những lúc đau khổ nhất tôi sẵn sàng nuốt trọn cả một nắm thuốc trên tay.
Bác sĩ dặn tôi phải uống đúng liều lượng nhưng tôi chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon, chết luôn cũng được.
Và cái giá phải trả cho điều đó là bà ngoại phải đưa tôi vào bệnh viện để rửa ruột lúc nửa đêm.
Khó khăn lắm mới được ra viện lại phải vào viện một lần nữa.
Bà ngoại nấu cháo cho tôi, cố tình lườm tôi rồi mắng mỏ tôi như thể hung dữ lắm: “Lần sau cháu còn dám như thế nữa không? Uống một đống thuốc như vậy, cháu sợ bộ xương khô của ta không đủ để cháu giày vò đấy à? Một hai đứa chẳng khiến người ta an tâm gì cả.”
Nhưng bà vẫn dịu dàng bón cho tôi từng thìa cháo.
Hốc mắt tôi cay cay.
“Bà ngoại, cháu xin lỗi.” Tôi nhào vào lòng bà rồi bật khóc nức nở.
Vào giây phút đó, tôi dỡ bỏ tất cả ngụy trang của mình và khóc trong lòng bà như một đứa trẻ.
Tôi càng khóc càng to.
Nhưng bà ơi, cháu thực sự đã cố gắng rất nhiều để sống nhưng ác quỷ vẫn không chịu buông tha cho cháu.
Tôi nằm trên giường không nhúc nhích cũng không nghĩ ngợi gì cả, cơ thể vẫn ở đây nhưng linh hồn đã bay mất rồi.
Mỗi ngày bà ngoại đều chịu khó đổi món cho tôi, mỗi khi thức dậy tôi sẽ cố gắng ăn thật nhiều để duy trì sự sống.
Tôi không dám chết nữa.
Bởi vì tôi chết bà sẽ khóc rất nhiều.
Những kẻ như tôi không đáng để bất cứ ai đau lòng vì mình.
Thật nực cười, ngay cả chết cũng không thể hạnh phúc.
Tôi đã trải qua những ngày tháng đó một cách mơ màng vậy đó.
Mỗi tuần tôi sẽ gặp bác sĩ tâm lý một lần.
Tôi mệt lắm…
Thỉnh thoảng khi tôi bừng tỉnh trong cơn mơ tôi lại nhớ về những cảnh tượng không thể chịu đựng nổi.
Lúc tôi nhận ra đã lâu lắm rồi mình chưa nhận được tin tức gì của Trịnh Kinh thì đã sang mùa hè rồi.
Tôi vẽ một vũng bùn ẩm ướt, những giọt nước sau cơn mưa và một thiếu nữ đang đỏ mặt… cùng với chậu hoa trên cửa sổ.
Lúc đó tôi không mang theo gì cả, chỉ có bó hoa Trịnh Kinh tặng cho tôi.
Sức sống của chúng vô cùng mạnh mẽ, tôi chỉ thuận tay cắm chúng vào trong chậu, khoảng thời gian đó tôi còn không thể tự chăm sóc chính mình nhưng bọn chúng vẫn lớn lên một cách đầy ngoan cường và càng ngày càng tươi tốt.
Tôi muốn chia sẻ bức tranh này với người khác và anh là người duy nhất tôi nghĩ đến.
Đã hai tháng trôi qua, tôi mới sạc điện thoại và mở nó lên một lần nữa.
Những tưởng nhóm lớp sẽ bàn bạc về tôi như ong vỡ tổ nhưng tôi không ngờ tôi đã bị đá ra khỏi nhóm từ lúc nào không hay.
Lúc đầu tôi cứ sợ họ sẽ dùng bàn phím để công kích tôi, có lẽ khi sự việc vừa lên men đã gây lên một cơn chấn động, tất cả mọi người đều bàn tán về tôi, về gia đình của tôi, nhưng dần dần cũng phai nhòa theo năm tháng.
Sau đó nó bị chôn vùi cùng với sự thật, không để lại một chút dấu vết nào.
Trên giao diện cuộc trò chuyện vẫn hiện lịch sử ngày 13/5, Đặng Văn Tâm gửi một tin nhắn: “Đây là nhóm lớp nên phải đá những kẻ không liên quan ra ngoài, xin lỗi nha.”
Bên dưới vẫn còn một đoạn video tôi đã xem rất nhiều lần, là video tôi bị đánh.
“Thư Giai của chúng ta đẹp thật đấy.” Cô ta nói.
Tôi siết chặt nắm đấm, kéo cô ta vào danh sách đen. Tôi hít một hơi thật sâu, l*иg ngực phập phồng dữ dội.
Hóa ra tất cả sự lo lắng của tôi đều uổng công vô ích, cho dù có chạy trốn thì cũng chẳng có tác dụng gì.
Tôi không muốn lo lắng về việc họ có phát tán video đi không.
Ai thèm quan tâm danh tiếng của mình sau khi mình đã chết cơ chứ.
“Tinh.”
Một tin nhắn từ wechat nhảy ra, tôi nhìn chằm chằm màn hình vài giây cuối cùng cũng mở tin nhắn.
Z: Chào buổi sáng, bé sư tử.
Tôi lại kéo lên trên, dường như không thấy được điểm đầu bởi vì mỗi ngày anh đều gửi tin nhắn cho tôi.
Anh kể tôi nghe từng việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Tin nhắn đầu tiên bắt đầu từ ngày mùng một tháng 5:
“Bé sư tử, anh không tìm được em.”