Nguyện Nguyện

Chương 1

1.

Trì Nghiệm và đám bạn lại bắt nạt Tiểu Lỗi sau giờ học.

Lê Nguyện không thấy. Cậu quét lớp xong thì đặt chổi và đồ hốt rác vào góc lớp nên cậu chẳng để ý đến bốn người đứng túm tụm trên bục giảng. Kế đó, cậu khoác cặp sách lên rồi rời khỏi lớp.

Và cậu nghe thấy tiếng Tiểu Lỗi khóc.

2.

Cậu gom mấy viên gạch lại, cọ chúng ra lửa rồi ném củ khoai lang lớn cỡ nắm tay cậu vào đống lửa ấy.

Tầm mười phút sau, một chiếc đầu nhỏ ló ra khỏi góc ngoặt chỗ cậu. Ấy là một chàng trai xinh xắn với mái tóc dài ngang lưng. Thoạt nhìn y nhỏ tuổi hơn Lê Nguyện, nhưng mà y lớn hơn cậu một tuổi: y mười tám, còn cậu mười bảy.

Y vui vẻ gọi cậu:

– Nguyện Nguyện ơi!

Cậu quay đầu lại và vẫy tay với y, ý bảo y lại gần cậu.

Ô Kiều ngồi xổm kế bên cậu rồi hỏi:

– Hôm nay Nguyện Nguyện có mang khoai lang cho Kiều Kiều không?

Lê Nguyện cầm nhánh cây khều lửa:

– Ở trong này.

– Oa! Chừng nào nướng xong?

– Chút nữa nhé.

Khoai lang nướng không mềm xíu nào, có mấy chỗ cứng nhắc. Được cái, nó chín.

Y cầm củ khoai nóng bỏng lên, ra sức thổi nguội. Cậu lôi giấy từ trong cặp cậu ra cho y gói khoai lại.

Nhờ có giấy, khoai bớt nóng hẳn. Y bóc vỏ khoai, cắn thử một miếng rồi chìa nó ra trước mặt cậu. Cậu lắc đầu:

– Kiều Kiều ăn đi, Nguyện Nguyện không ăn đâu.

Y hậm hực rút khoai lại, vừa cắn vừa hỏi:

– Hôm nay Nguyện Nguyện lại đi học à?

– Dạ.

– Tại sao Kiều Kiều phải ở nhà? Tại sao Kiều Kiều không được đi học với Nguyện Nguyện vậy?

Cậu chẳng thể trả lời.

Củ khoai lang đáng thương bị lột vỏ ngày một nhiều. Y ăn mấy miếng là hết. Cậu lại đưa củ thứ hai cho y, còn y ta thán:

– Cái ông hôm nay mập quá, ổng ép Kiều Kiều muốn ngạt thở! Bụng thì bự mà cái thứ đồ kia lại có chút xíu. Tuy không đau như mấy lần trước, nhưng mà Kiều Kiều không thích. Nguyện Nguyện ơi, tại sao họ cứ thích đái vào trong mông Kiều Kiều vậy?

Lê Nguyện dập lửa bằng đất. Cậu vẫn không trả lời câu hỏi của y.

Mười vạn câu hỏi tại sao của y, chẳng có một câu nào mà cậu trả lời được cả.

Y ăn xong ba củ khoai thì tay y nhem nhuốc tro bụi. Cậu dùng khăn tay lau giúp y.

Anh cả đến rồi. Y đứng dậy, phủi quần, chào cậu:

– Kiều Kiều về nhé Nguyện Nguyện ơi.

Cậu cũng đứng dậy theo:

– Anh cả ơi, ngày mai em không có tiết. Em có thể rủ Kiều Kiều đi chơi được không ạ?

Anh cả nhìn đôi mắt hân hoan không giấu nổi của Ô Kiều, cười nhàn nhạt:

– Còn phải xem, mai có bận hay không đã.

3.

Sang hôm sau, Lê Nguyện xách một chai sữa sang nhà Ô Kiều.

Người mở cửa cho cậu là anh cả. Anh khoanh tay, đứng tựa khung cửa. Phòng ngủ trong nhà anh vọng ra tiếng ai đang rên.

Anh cả nhướng mày:

– Nghe được chứ?

Cậu mím môi lại, tay nắm chặt lấy chai sữa.

– Nó bận rồi, không đi được.

Cậu quay người, rời đi. Anh cả hét lên:

– Lê Nguyện này, mày mà gặp khó khăn thì có thể kiếm tao.

4.

Tan học hôm thứ Hai tuần sau, cô chủ nhiệm gọi Lê Nguyện xuống văn phòng.

Trong đó, có cả Trì Nghiệm và Tiểu Lỗi.

Cô hỏi cậu:

– Thứ Bảy tuần trước, em trực nhật với Trì Nghiệm đúng không?

Cậu gật đầu:

– Dạ, phải ạ.

– Tiểu Lỗi bảo Trì Nghiệm và Trương Kỳ Hào ném cặp của bạn ấy, đánh bạn ấy. Có phải thế không? Lúc đó em cũng ở trong lớp, em có chứng kiến không?

Cậu không nhìn Tiểu Lỗi, càng không nhìn cái tên Trì Nghiệm cà lơ phất phơ. Cậu lắc đầu:

– Em không biết gì hết ạ.

5.

Thanh niên mười bảy, mười tám thích tỏ vẻ trưởng thành. Trì Nghiệm ngậm điếu thuốc, cố bắt chước dáng vẻ chững chạc nhưng chưa đủ đạt, khí thế quanh người nó chưa đủ. Nó nói với cậu:

– Coi như mày biết điều.

Ý nó là cái buổi bị gọi xuống văn phòng, cậu đã nói đúng ý nó muốn.

Nó chìa điếu thuốc đến trước miệng cậu:

– Hút không mày?

Cậu không hút. Nó bật cười, rít một hơi rồi nhả khói vào mặt cậu. Cậu ho sặc sụa:

– Mình đi được chứ?

– Đi đi, tao có chặn mày đâu.

Nói thế thôi, chứ cậu đi một bước, nó lại vượt lên trước mặt cậu. Nó chống tay lên tường, giam cậu vào góc nhà.

Đang giờ giải lao, học sinh đi vệ sinh nườm nượp. Họ thấy Trì Nghiệm chống tay nên chẳng dám can thiệp, vì họ sợ đại ca tính sổ.

Còn lớp trưởng lại chả để ý đến Trì Nghiệm làm gì. Lớp trưởng đứng kế bên nó, thản nhiên vạch quần, xả nước.

Trì Nghiệm đợi thằng nhãi này ra ngoài. Không ngờ thằng con ngoan trò giỏi trong mắt thầy cô vừa ra đến cửa nhà vệ sinh thì quay lại nói với cái thằng mà nó đang chặn:

– Cậu không ra ngoài hả Lê Nguyện?

Lê Nguyện nhận được tín hiệu giải cứu từ lớp trưởng. Thế là cậu cúi người qua cánh tay chống trên cửa của Trì Nghiệm rồi lẽo đẽo đi theo lớp trưởng.

Thật ra, cậu sợ lớp trưởng hơn cả Trì Nghiệm. Không phải là cậu sợ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, mà ngược lại – bạn lớp trưởng này chẳng kiêng nể gì cả.

Học sinh hư đi muộn, học sinh không làm bài, học sinh gây gổ đánh lộn… Dù lớp trưởng có thấy có biết thì lớp trưởng cũng không khuyên can gì hết.

Chưa kể lớp trưởng cứ hờ hững, không muốn tiếp xúc với ai cả. Ánh mắt lớp trưởng lạnh lùng như thể lớp trưởng chẳng quan tâm đến bất cứ việc gì, trừ việc học.

Sau khi Lê Nguyện ra khỏi nhà vệ sinh theo lớp trưởng, lớp trưởng Ngộ Tinh Diểu cũng chẳng chuyện trò gì với cậu, chẳng hỏi han xem cậu có bị bắt nạt hay chăng. Bước qua ngưỡng cửa lớp cậu với lớp trưởng, ai về chỗ người nấy.

Cậu thở phào nhẹ nhõm.

Trường Trung học phổ thông Số Ba là trường cấp ba duy nhất trong huyện này. Trường vừa có học sinh đậu Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh; vừa có học sinh suốt ngày ẩu đả, vô văn hóa.

Không cần học cao hơn, nhưng vẫn cần tốt nghiệp cấp ba. Trong huyện cũng chỉ có mỗi cái trường cấp ba này thôi.

Ngộ Tinh Diểu là học sinh đứng đầu từ trên xuống, Trì Nghiệm đứng đầu từ dưới lên, còn Lê Nguyện đứng giữa.

6.

Sáng thứ bảy là buổi học phụ đạo do cô chủ nhiệm thêm vào. Hồi lớp 10 hay lớp 11 đâu có những buổi học thêm thế này, năm nay cô yêu cầu mọi người đều phải học, đồng thời còn thêm tên cậu vào danh sách học sinh học thêm nữa.

Cậu không hề muốn học thêm một buổi sáng thế này vì nó tốn thêm 600 tệ. Ai cũng đóng tiền cả rồi, chỉ còn mỗi cậu chưa đóng.

Thế là cô chủ nhiệm bảo cậu báo phụ huynh.

Tối cậu về nhà, cậu nói với bà nội rằng cậu phải đóng thêm tiền học.

Bà nội hiền hậu hỏi cậu:

– Nguyện Nguyện phải đóng bao nhiêu?

Sáu trăm, cậu không dám nói thẳng. Cậu đành bảo bà: “Một trăm ạ.”

– Được, để bà lấy cho cháu. Nguyện Nguyện à, cháu phải cố gắng học hành nhé, học giỏi mới thoát khỏi đây được.

Nói rồi bà lôi một cái hũ sắt từ dưới gầm giường ra. Ban đầu, cái hũ này đựng bánh quy, giờ thì đựng tiền để dành của bà cháu cậu mấy năm nay.

Bà mở nắp hũ, lấy một trăm tệ cho cậu. Một trăm tệ ấy cũng không phải một trăm tệ chẵn, mà nó bao gồm vài đồng năm tệ, mười tệ, hai mươi tệ.

7.

Sau khi làm xong bài tập về nhà, Lê Nguyện chạy đến chỗ anh cả. Ô Kiều vừa tắm xong, người y vẫn chưa ráo nước. Y ngồi ăn kem trên sofa, thấy cậu đến, y hớn hở chạy ra đón cậu. Y không quên chìa kem mời cậu.

Anh cả đanh giọng nhắc y:

– Mày lo xem TV của mày đi.

Y lủi thủi bò về sofa, mắt ngóng về phía cậu. Y rất muốn nói chuyện với cậu.

Anh cả lấy cây kem mới trong tủ lạnh để mời Lê Nguyện.

Lúc cậu nhận kem, cậu nghe anh cả hỏi dò:

– Bằng lòng không?

Cậu nhìn cây kem trong tay cậu, không ngẩng đầu, miễn cưỡng đáp:

– Dạ…

– Muốn gì, cứ nói thẳng, – anh cả tỏ vẻ hòa nhã – nhé Nguyện Nguyện.

Cậu đề nghị:

– Cho em mượn năm trăm tệ, được không?

Anh cả lôi cả xấp tiền trăm tệ chẵn trong túi ra, đếm năm tờ rồi nhét vào áo đồng phục của cậu:

– Có công chuyện thì anh cả gọi mày nhé. Lúc đó, mày phải đến đấy.

8.

Sáng thứ hai, Lê Nguyện còn chưa vào lớp thì bị cô chủ nhiệm gọi xuống văn phòng.

Vẫn là vụ Tiểu Lỗi bị đánh trong trường, khác hôm trước ở chỗ: văn phòng hôm nay có thêm hai người – phụ huynh của Tiểu Lỗi.

Trì Nghiệm vẫn một mực khẳng định nó không đánh ai cả:

– Ai mà biết nó té chỗ nào chứ? Sao cứ bảo tôi đánh nó thế hả?

Trường không lắp máy ghi hình. Mỗi Lê Nguyện có mặt ở lớp vào thời điểm đó thôi. Cậu không muốn tạo thêm phiền phức gì cho bản thân nên cậu lặp lại lời cậu khai hôm trước. Giờ mà cậu khai khác ắt cậu sẽ có thêm tội lừa gạt.

Cô chủ nhiệm nhắc cậu:

– Lê Nguyện à, em cứ nói thật đi, đừng sợ. Cô sẽ bảo vệ em, không việc gì phải sợ Trì Nghiệm cả.

– Cô ơi, em không biết gì thật mà. Hôm đó em trực phía dưới nên em không thấy ạ.

Mẹ Tiểu Lỗi thở gấp vì tức giận, chỉ vào mũi cậu mà mắng:

– Mới bao lớn mà nói láo hết lần này tới lần khác! Sau này ra trường thì cũng thành sâu mọt của xã hội thôi!

Cô chủ nhiệm ngồi ghế xoay sang hướng mẹ Tiểu Lỗi, mở miệng qua loa: “Mẹ Tiểu Lỗi đừng giận.” Chính cô cũng chẳng buồn nhấc mông khỏi ghế.

– Dù gì hai đứa cũng đã học chung với nhau, thấy Tiểu Lỗi bị đánh thế này mà chẳng chịu thừa nhận gì cả. – Nói rồi mẹ Tiểu Lỗi “hừ” thẳng vào mặt Lê Nguyện.

9.

Cuối cùng thì Trì Nghiệm vẫn bị phạt nặng.

Nhân chứng của buổi đánh hôm ấy là một cậu học sinh lớp bên. Chiều đó, cậu chàng quên hộp bút nên quay lại lớp để lấy, lúc đi ngang lớp họ thì cậu chứng kiến.

Mẹ Tiểu Lỗi làm ầm trong văn phòng một hồi, ồn đến thầy chủ nhiệm lớp bên, thế là cô để cậu chàng quên hộp bút khai lại.

Không phải Lê Nguyện không muốn làm chứng cho Tiểu Lỗi. Cậu thấy Tiểu Lỗi còn có cha mẹ chở che, trong khi cậu lại chẳng còn ai.

Tuy cậu không khai ra Trì Nghiệm, nhưng nó vẫn bị phạt nặng. Thế nên nó cảm thấy Lê Nguyện đã khai ra nó.

Nó chặn cậu trong một con hẻm vừa nhỏ vừa vắng.

10.

Nó phẫn nộ:

– Tao bị phạt nặng lắm đấy Nguyện Nguyện à.

Lê Nguyện dựa lưng vào tường, tiến không được, mà lùi cũng chẳng xong:

– Mình không hề nói cậu làm mà.

– Tao biết. Có điều, tao muốn trút giận lên người mày, được chưa?

Cậu mím môi, không dám lên tiếng, không dám phản kháng.

Trì Nghiệm lôi một điếu thuốc Song Hỷ ra. Tiền tiêu vặt của thiếu niên tuổi này đâu có nhiều, sao mà tụi nó mua thuốc lá xịn được?

Trì Nghiệm rít một hơi, rồi nó vạch cổ áo Lê Nguyện ra, dí đầu thuốc đang cháy vào vùng xương quai xanh của cậu.

Mùi thịt khét lẹt bốc lên giữa hương cỏ thối rữa.

Đau quá!

Mặt mũi cậu tái nhợt.

Trì Nghiệm vô cùng hài lòng với kiệt tác của nó. Nó còn tấm tắc rằng cái nốt máu thịt lẫn lộn đỏ chót kia đẹp lắm.