Hôn Lễ Của Chúng Ta

Chương 7: End

14. 40 năm sau

Tiểu Vi là một hộ lý ở một viện dưỡng lão bên cạnh bãi biển Nam Thành.

Sau khi tốt nghiệp, cô đã phải bỏ ra nhiều công sức mới có thể bắt đầu làm việc tại viện dưỡng lão này. Chỉ mới nửa tháng nhưng các nội quy, quy định đều nắm rõ như lòng bàn tay.

Viện trưởng nói ở đây có rất nhiều người già cô độc, nếu là người không con không cháu thì sẽ cử hộ lý đến để chăm sóc, xem như là đảm bảo an yên cho những ngày tháng tuổi già của bọn họ.

Đặc biệt là bà cụ ở tòa nhà B, phòng 101 là cần phải lưu ý hơn cả.

Bà ấy bị mắc chứng bệnh tr.ầm cảm, người ta nói chồng bà ấy đã mất từ khi còn trẻ, vốn dĩ cũng đã có một đứa con nhưng rồi vẫn không giữ được.

Bà cụ ấy không chịu tái hôn, cứ thế sống cô độc một mình trong suốt 40 năm trời.

Khi người ta cử hộ lý đến đó, bà không nói rõ họ tên mà chỉ bảo gọi mình là “A Yến”.

Tiểu Vi từng gặp qua nhiều người có tên là biệt danh của họ, nói chung là không nên hỏi quá nhiều về nguồn gốc cái tên cũng như lai lịch.

Tiểu Vi gõ cửa phòng 101 và nhẹ nhàng nói "Bà A Yến, bà đã dậy chưa?"

Cánh cửa từ bên trong mở ra, một bà cụ ngồi lặng lẽ trên chiếc xe lăn ngay cạnh cửa. Đôi mắt đen ẩn sau làn da nhăn nheo, phảng phất như thể đã thấm đẫm những phong ba sương gió của cả đời người.

Bà A Yến trồng rất nhiều hoa và cây cảnh, lúc rảnh rỗi cũng hay nói chuyện với mọi người xung quanh, nhiều lúc còn mỉm cười nữa, mới nhìn qua thì không thể nhận ra đó là bệnh nhân mắc chứng tr.ầm cảm.

Tiểu Vi lại để ý đến chiếc nhẫn trên tay bà cụ, dù hiện tại thì loại nhẫn này đã trở thành mặt hàng lỗi thời. Nhưng nếu ở thời đại của bà ấy thì chắc chắn là một món hàng đắt tiền và xa xỉ.

Bà A Yến di chuyển bánh xe lăn về phía trước để nhường chỗ cho Tiểu Vi bước vào phòng.

Tiểu Vi rất rụt rè, thậm chí còn không dám nhìn thẳng vào mắt bà cụ.

Bởi vì cách đây không lâu, bà A Yến đã được chẩn đoán là mắc bệnh u não giai đoạn 4, kể cả có cắt bỏ tế bào ung thư thì chỉ được một thời gian sẽ lại tái phát.

Con người bà ấy ngày càng lẩm cẩm, trí nhớ cũng càng lúc càng kém đi.

Vì bà cụ không có con cái nên không có ai để ký giấy cả. Vài năm trước khi còn tỉnh táo, bà ấy đã tự mình ký vào bản thỏa thuận từ chối tất cả liệu trình điều trị từ bệnh viện.

Tiểu Vi còn nhớ rõ vẻ mặt của trưởng khoa khi nói về chuyện này.

"Bà ấy sống như vậy, kỳ thực là rất đau khổ.”

Theo lý thuyết, nếu không điều trị tích cực thì bệnh tr.ầm cảm sẽ nghiêm trọng hơn, nhưng cho tới tận bây giờ thì bà A Yến vẫn còn sống rất khỏe mạnh. Tiểu Vi cũng không hiểu lý do tại sao.

Bà ấy từng kể về một người bạn trai đã yêu nhau được 5 năm, sau khi tốt nghiệp vì quan điểm sống không hợp nên đã đường ai nấy đi.

Tình cảm thiên trường địa cửu gần như đã là một thần thoại, mà là thần thoại thì có mấy khi tồn tại trong cuộc sống thực này.

Khi Tiểu Vi thu dọn đồ đạc thì phát hiện một chiếc điện thoại thông minh cũ kỹ được cất ở trong ngăn kéo.

Hệ thống điện thoại rất khó hoạt động và đã lỗi thời, nhiều ứng dụng của 40 năm trước đây đã không còn mở ra được nữa.

Vậy mà Zhihu vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Tiểu Vi biết cô không nên lén xem chuyện riêng tư của bà cụ, nhưng vì vô tình bật màn hình nên mới thấy những nội dung trong đó.

“Tháng vừa rồi cháu trai và cháu gái đến thăm tôi, bây giờ trí nhớ của tôi ngày càng kém. Tôi và J tiên sinh ở lại viện dưỡng lão, ngày nào anh ấy cũng đưa tôi đi ngắm biển. Vậy mà chúng tôi cũng đã ngắm biển được hơn 40 năm rồi đấy.”

Bên dưới vẫn có người bình luận, xem ra là người dùng trẻ tuổi.

“Mấy đứa nhỏ bất hiếu này, sao lại để 2 ông bà cụ ở trong viện dưỡng lão chứ?”

“Haizzz… người già cô độc quả thực rất đáng thương.”

Lần cập nhật cuối cùng là cách đây vài phút.

"Hôm nay tôi đã ăn mặc thật xinh đẹp để đến gặp J tiên sinh.”

Tiểu Vi cảm thấy có chút kỳ lạ, nhưng cũng không biết nên nói cái gì.

Đợi đến khi quay đầu lại thì căn phòng đã hoàn toàn trống rỗng.

Mồ hôi lạnh toát ra như tắm.

Điều 1 trong quy định “Không được để người nhận chăm sóc bị khuất khỏi tầm nhìn của hộ lý.”

Tiểu Vi loạng choạng bước ra khỏi phòng và hoảng hốt gọi điện cho đồng nghiệp.

Sự việc này cũng đã làm kinh động đến cả trưởng khoa.

Đội bảo vệ đã được triệu tập rất nhanh, người ta bảo đã nhìn thấy bà A Yến một mình ngồi trên xe lăn, bà ấy đi từ con đường nhỏ lát đá ở cửa sau đến tận vùng biển rộng lớn phía sau viện dưỡng lão.

Đó là nơi có những vách núi cheo leo dựng đứng.

Đám đông ùn ùn kéo ra.

Đã nửa giờ trôi qua kể từ khi bà A Yến mất tích. Thậm chí trưởng khoa đã nghĩ đến việc viết đơn xin nghỉ việc, nhưng cũng may… bà A Yến không còn người thân nào khác nên sẽ chẳng có ai đòi bồi thường.

Bầu trời cuối tháng 6 nắng chói chang, thế nhưng cái nóng nực của mùa hè dường như vẫn chưa bao trùm nơi bờ biển.

Từ ngoài biển thổi vào một cơn gió mát rượi, ánh dương rực rỡ ngập tràn.

Tiểu Vi nhìn thấy trước mắt mình là vách đá trơ trọi, cùng với chiếc xe lăn nhỏ đang đứng bên trên vách đá, hướng ra mặt biển mênh mông vô tận.

Bà A Yến ngồi lặng yên không một tiếng động, đôi bông tai ngọc trai lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời.

Bà ấy mặc một bộ trang phục đẹp mắt, rất giống với phong cách thời trang thịnh hành của những năm 2020.

Cánh tay gầy guộc như lá sen khô, đoan trang đặt trước người mình.

Tiểu Vi thở phào nhẹ nhõm rồi vội vàng chạy tới “Bà A Yến ơi, lần sau nếu muốn đi đâu thì phải báo cho cháu biết đấy.”

Thế nhưng khi đến gần hơn, Tiểu Vi phát hiện bà cụ vẫn đang nhìn về phía trước, cũng không nghe thấy câu hỏi vừa rồi.

Trước đây, dù căn bệnh ung thư khiến cho phản ứng của bà ấy trở nên chậm chạp, nhưng nếu có ai gọi tên mình thì bà vẫn lên tiếng đáp lại.

Tiểu Vi chậm rãi dừng bước, ở một khoảnh khắc kia, không hiểu sao nhìn ra đường bờ biển rộng lớn thì cô lại muốn khóc.

Cô từ từ đặt tay lên vai bà cụ.

Thân thể có chút lạnh lẽo.

Tiểu Vi đã chứng kiến

nhiều người già qua đời.

Vào một ngày đầy nắng và gió, bà A Yến hướng ra mặt biển rộng, lặng lẽ ra đi không chút ồn ào.

Năm nay, bà ấy đã 64 tuổi rồi.

Qua đời vì căn bệnh ung thư.

Trưởng khoa và những người khác đi theo sau, họ cũng như cảm nhận được điều gì đó nên dần dần dừng bước.

Phía sau lưng bọn họ, trên tầng lầu của viện dưỡng lão là biểu ngữ cổ động vừa mới được treo hôm qua.

"Ngày Quốc tế Phòng chống Ma t.úy 26/6. Hãy trân trọng cuộc sống của mình, tránh xa tệ nạn ma t.úy và tri ân những cảnh sát nơi tiền tuyến.”

Trưởng khoa chợt nhớ đến ngày mà bà A Yến đến đây, lúc đó anh mới nhậm chức được 3 năm.

"Hôm nay là Ngày Quốc tế Phòng chống Ma t.úy, anh có thể treo biểu ngữ lên được không?"

15. Ngoại truyện A Yến

Vài tháng sau lễ truy điệu của Giang Thâm, tôi bị Trình Văn lôi xuống từ tầng cao nhất.

Cô ấy hét lên "Cô điên rồi! Nếu cô ch.ết thì tôi biết ăn nói thế nào với Giang Thâm.”

Tôi ngồi sụp xuống đất và trả lời "Trước khi ch.ết anh ấy đã đến gặp tôi.”

Trình Văn nói "Ban ngày cô nghĩ đến anh ấy quá nhiều nên tối mới nằm mơ. Người cũng đã mất rồi, cô nên sống tốt cuộc đời của mình mới phải.”

Nhưng tôi mơ hồ không nghe được lời cô ấy “Giang Thâm đang đứng ở trên boong tàu, tay trái của anh ấy bị thương.”

Khi nghe được câu này của tôi thì Trình Văn đã khóc.

Tôi biết, tôi nói đúng rồi.

Khi tôi gặp lại Giang Thâm thì anh ấy chỉ còn là một hộp đựng tro cốt. Tôi chỉ sợ anh ấy ch.ết rồi mà đến thân x.ác cũng không còn nguyên vẹn.

Sở dĩ ngày hôm đó là Giang Thâm đến để nói lời tạm biệt với tôi.

Giọng điệu của tôi bình tĩnh “Trình Văn, cô có tin rằng trên thế giới này có linh hồn không?"

Trình Văn nghẹn ngào "Tôi hy vọng là có."

Bởi vì chồng cô ấy cũng đã hy sinh.

Cô ấy nói "Tôi có sứ mệnh nên không thể ch.ết được, A Yến, cô cũng phải tìm thấy sứ mệnh của chính mình.”

Đúng vậy, tôi cũng có sứ mạng của cuộc đời mình.

Còn có nhiều thứ để làm hơn là đi tìm cái ch.ết.

Kể từ thời điểm đó, tôi từ bỏ ý định t.ự tử và tham gia một tổ chức tuyên truyền.

Chớp mắt 30 năm đã trôi qua, chắc hẳn Giang Thâm ở trên trời vẫn đang dõi theo tôi.

Tôi không thể để sự hy sinh của anh ấy trở nên uổng phí được.

Bố mẹ hết lần này đến lần khác giục tôi lấy chồng, thậm chí nhiều lúc còn cố ý giật chiếc nhẫn trên tay tôi.

Trong khi cãi vã với bọn họ, tôi đã dập đầu để m.áu chảy ra đỏ thẫm.

Bố tôi giận dữ hét lên "Người đã ch.ết rồi, người còn sống thì phải tiếp tục sống chứ. Con nhìn xem mình đã biến thành cái dạng gì?”

Tôi đã trở thành cái dạng gì?

Thân thể tôi khỏe mạnh, tính tình ôn hòa, là một công dân tốt và tuân thủ pháp luật. Chỉ là tôi không muốn yêu thêm một ai khác nữa, chẳng lẽ như thế là sai hay sao?

Tôi không muốn bố mẹ hiểu được mình, mà bọn họ cũng không muốn hiểu tôi.

Vì vậy, bố mẹ cứ liên tục thúc giục tôi trong nhiều thập kỷ, dần dần họ già đi thì cũng không còn hơi sức đâu mà thúc giục nữa.

Sau đó bố mẹ cũng đi rồi, trên thế giới này chỉ còn lại một mình tôi.

Cô độc.

Tôi vẫn tiếp tục cập nhật bài đăng đó, nhưng người theo dõi thì ngày càng ít đi.

Cũng phải thôi, tuổi trẻ thường yêu thích những chuyện tình yêu nồng cháy và ngắn ngủi, có chút giống với tôi và Giang Thâm năm nào.

Trong bài đăng ấy, chúng tôi đã có nửa đời sau hạnh phúc, con cháu đầy đàn, đất nước thái bình yên vui.

Đôi khi tôi đối mặt với chiếc nhẫn đeo ở trên tay thì lại không ngừng nghĩ tới mùa đông năm ấy, Giang Thâm đã đứng ở lễ đường và tỏ tình với khoảng không trung trước mặt.

Kiếp trước tôi chờ đợi mỏi mòn, kiếp này Giang Thâm xuất hiện và cầm theo hộp nhẫn trên tay, cuối cùng chiếc nhẫn này lại được tôi đeo vào ngón áp út.

Cũng gọi là thỏa ý nguyện, xem như tôi đã được gả cho anh ấy rồi.

Tôi sống một mình trong suốt 30 năm trời, vào một buổi sáng nọ, tôi đang đi xuống cầu thang để mua thức ăn thì bị ngã gãy chân, sau khi phẫu thuật xong thì không thể đi lại được nữa.

Người ta đã gửi tôi vào viện dưỡng lão.

Ngay cạnh bờ biển.

Mọi người thường bảo những người vào viện dưỡng lão thật đáng thương, cô quạnh không có ai bầu bạn, nhưng tôi lại không nghĩ thế.

Đây là nơi mà tôi được ở gần Giang Thâm nhất.

Từ khi mắc căn bệnh u não quái ác, trí nhớ của tôi ngày càng tệ, nhưng chỉ có khuôn mặt của Giang Thâm là dần trở nên rõ ràng.

Anh ấy thường ngồi bên cạnh và trò chuyện với tôi "A Yến, em không được trồng hoa như thế này, người ta đều nói lười làm vườn thì sẽ tưới nhiều nước, cây sẽ không sống được.”

Tôi trả lời anh ấy "Anh tự ngắm hoa của mình đi, đừng nói chuyện với em.”

Hoặc là khi tôi đang ăn, anh ấy bắt đầu cằn nhằn “Em bớt ăn thịt lại đi, đừng có suốt ngày kén ăn nữa, sức khỏe của em kém hơn rồi đấy.”

Nhiều khi lời nói của anh ấy khiến tôi phát phiền, thậm chí tôi còn khó chịu và tranh cãi với anh.

Thỉnh thoảng có lúc thần trí tôi tỉnh táo, tôi chợt nhận ra đó chỉ là những kỷ niệm từ kiếp trước của chúng tôi.

Năm nay, tôi đã 64 tuổi.

Kể từ ngày Giang Thâm qua đời vào năm tôi 24 tuổi, tôi đã sống thêm được 40 năm nữa, cũng làm được rất nhiều chuyện có ích cho mọi người.

Sáng sớm hôm nay, đầu óc mơ hồ của tôi bỗng nhiên tỉnh táo hơn bao giờ hết.

Gió biển từ ngoài cửa tràn vào mang theo hơi mặn đặc trưng, trong lòng tôi lại bắt đầu nhớ đến anh ấy.

Tiểu Vi quay lưng lại với tôi và thu dọn đồ đạc trong phòng.

Tôi muốn đi ra bờ biển.

Băng qua con đường đầy sỏi đá, tôi khó nhọc điều khiển chiếc xe lăn, mồ hôi vã ra khắp người.

Khi đến được vách đá thì mặt trời đã lên cao, từng tia nắng ấm áp chiếu xuống mặt biển mênh mông rộng lớn.

Tôi mở miệng gọi một cái tên mà đã 40 năm rồi chưa từng gọi “Giang Thâm!”

Anh ấy xuất hiện trước mắt tôi, vẫn là khuôn mặt và hình dáng khi còn trẻ, với mái tóc đen và đôi mắt dịu dàng, và khi anh mỉm cười, trong mắt anh ấy chỉ toàn là hình ảnh của tôi.

"A Yến, lại đây ôm anh."

Anh nắm lấy bàn tay khô gầy và khom người trước chiếc xe lăn.

Tôi bật cười "Hôm nay anh thấy em có đẹp không?”

"Đẹp lắm."

Cơ thể tôi đột nhiên nhẹ bẫng, tôi từ trên xe lăn đứng dậy, cánh tay trắng nõn mịn màng nắm lấy tay Giang Thâm, chiếc nhẫn kim cương trên ngón áp út vẫn còn trơn bóng như thuở ban đầu.

Tôi nhớ đến chuyện váy cưới thì lại cười “Em đi giày cao gót, anh phải bế em đấy nhé.”

“Được.” Giang Thâm đáp lời tôi, ánh mắt ôn nhu lại có chút dịu dàng.

Chim hải âu chao liệng phía cuối chân trời, tôi và Giang Thâm đan chặt ngón tay vào nhau như một đôi vợ chồng mới cưới. Ánh dương rực rỡ ngập tràn nơi bờ biển, khung cảnh nơi đây lộng lẫy tựa như một lễ đường.

"A Yến, chúng ta về nhà thôi."

[Hoàn]

- --------

Lời dịch giả:

Happy Ending nha hihi, sốp đã cười khà khà vì khóc quá nhiều. Kiếp trước không có chú rể, kiếp này không có cô dâu, sau 40 năm cuối cùng A Yến đã gặp lại J tiên sinh của cô ấy và có hôn lễ trọn vẹn, thôi cũng xem như viên mãn =)))