Buổi chiều, ông nội nằm trên ghế mây ngắm hoa hoàng lan dương nở vàng rực cả một góc sân. Tiết trời mùa thu mát mẻ, tâm tình cũng dễ chịu hơn rất nhiều.
Tôi mang một cốc trà ấm đặt xuống bàn, mỉm cười:
– Ông nội, trà Kim Qua Cống của ông này.
Ông nội lập tức quay đầu lại, ánh mắt đã mờ đυ.c theo năm tháng khi nhìn thấy tôi như sáng lên:
– Quỳnh Chi đến rồi đấy à?
– Vâng ạ.
– Thành đâu?
– Hôm nay anh ấy bận, không đến được, chỉ có con đến thăm ông thôi.
– Cái thằng này, bận gì mà đi suốt ngày. Không qua thăm ông cũng được, nhưng ít nhất cũng nên dành thời gian đưa vợ đi đây đó chứ.
Tôi biết ông nội thương mình, sợ tôi lấy một người chồng bận rộn như vậy thì phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng có những chuyện, dù khổ đau đến đâu chỉ bản thân hiểu là đủ, cho nên tôi chỉ nói:
– Cháu rể ông đi làm kiếm tiền để nuôi cháu gái ông mà, với cả anh ấy cũng thương con lắm, ngoài lúc bận rộn ra thì lúc nào có thời gian rỗi toàn dành cho con đấy. Mấy hôm trước còn bảo đợi sắp xếp thời gian sẽ đưa con đi du lịch nữa. Ông đừng lo.
– Đừng tưởng ông không biết, cái thằng cuồng công việc như nó thì làm gì có thời gian rỗi. Ngày trước còn ở đây, ngày nào cũng đi từ sáng đến khuya, có lần đi ký hợp đồng còn đi mấy đêm thông không về nhà. Cứ tưởng hai đứa lấy nhau rồi thì công việc của nó sẽ phải giảm bớt, thế mà lần nào cũng để con đến đây một mình.
Tôi cười cười, không muốn tiếp tục chủ đề này nữa nên đành lảng sang chuyện khác:
– Ông, con nghe thím Hà nói mấy hôm nay ông bị ốm à?
– Ừ, bệnh cũ lại tái phát ấy mà. Ốm vài hôm lại khỏi. Chẳng biết lúc nào thì c.hế.t thôi.
– Ông lại nói gở rồi. Người già không được nói gở thế đâu. Ông phải sống đến trăm tuổi với con chứ.
– Ông bệnh tật thế này thì làm sao sống được đến trăm tuổi. Chỉ mong thoi thóp được cho đến khi nhìn thấy mặt chắt thôi.
Nói đến đây, ông bỗng nhiên thở dài:
– Quỳnh Chi, hai đứa còn định kế hoạch đến lúc nào?
Tim tôi bỗng nhiên nhói lên một cái, cảm giác buồn bã như dội thẳng vào trong đáy lòng, rất nặng nề, rất bi ai, nhưng lại không có cách nào thốt ra ngoài miệng cả.
Ông nội tôi, một người đàn ông từng một thời hô mưa gọi gió trên thương trường, thăng trầm cả một thời tuổi trẻ, đến khi về già cứ nghĩ sẽ được nghỉ ngơi hưởng thụ an nhàn, thế nhưng bây giờ ông lại đang sống những ngày tháng cuối đời trong biệt thự rộng lớn hiu quạnh này.
Con trai duy nhất và con dâu của ông, tức là bố mẹ tôi đã mất trong một vụ tai nạn xe cộ cách đây 20 năm, hai đứa con gái còn lại vì hậm hực việc chia tài sản nên không mấy khi ngó ngàng đến ông. Rút cuộc, chỉ có một đứa cháu gái là tôi thường xuyên đến đây.
Nhưng thật đáng buồn, ông nội lo lắng và yêu thương tôi nhiều như vậy, thế mà ngay cả một việc đơn giản nhất, sinh một đứa chắt nội cho ông có thể nhìn mặt trước khi ra đi, tôi cũng không làm được.
Tôi hít vào một hơi dài, không dám nói thật, chỉ đành nâng ly trà lên đưa cho ông rồi dỗ dành:
– Ông, cháu năm nay mới 25 tuổi thôi mà, vẫn còn sớm lắm. Ông chờ cháu một năm nữa nhé, đợi đến khi công việc của anh Thành giảm bớt, vợ chồng cháu sẽ tính đến chuyện có em bé sau, được không ông?
– Công việc bên ấy của thằng Thành vẫn chưa giãn được ra à?
– Chưa ạ. Anh ấy dạo này làm nhiều dự án, còn nhiều thứ ngổn ngang chưa giải quyết được lắm.
Ông nội trầm mặc suy nghĩ rất lâu, từng nếp nhăn trên ấn đường xô lại thành một đường thẳng. Một lát sau, ông bỗng dưng hỏi tôi:
– Quỳnh Chi, nhà bên ấy có làm khó con không?
– Không ạ. Anh Thành tốt lắm, bố mẹ chồng và chị chồng con cũng tốt. Không ai làm khó con cả.
– Thật không?
Tất nhiên, sự thật không hề giống như tôi vừa nói, nhưng tôi vẫn gật đầu khẳng định:
– Thật ạ. Ông đừng lo, ông nuôi anh Thành hai mấy năm, ông cũng biết tính anh ấy mà.
– Nếu nó không phải đứa tử tế, ông đã không gả cháu nội duy nhất của ông cho nó.
Ông đột nhiên nâng bàn tay gầy guộc xương xương của mình, nắm lấy bàn tay của tôi. Trong ánh mắt là niềm yêu thương cùng day dứt vô bờ bến:
– Thằng Thành là người tốt, đáng để con dựa dẫm cả đời. Nhưng sau việc nó nhận lại bố mẹ, ông cứ sợ nó giận ông rồi lại không đối xử tốt với con.
Tôi lắc đầu nguầy nguậy:
– Không phải đâu, anh ấy tốt lắm. Chỉ là công việc hơi bận thôi. Ông đừng nghĩ nhiều mà hại sức khỏe. Lần sau con sẽ dẫn theo cả anh ấy đến thăm ông.
– Ừ, tốt với con là được rồi.
Ông nội nói đến đây thì bắt đầu ho khù khụ, mới đầu là một hai tiếng, sau đó thì ho sặc sụa, ho cả ra một ngụm máu lớn. Tôi thấy bàn tay ông đầy máu thì cuống lên, vội vàng gọi chú lái xe đưa ông đi viện, nhưng ông lại nhất quyết không chịu đi, còn nói chỉ cần uống mấy viên thuốc là khỏi.
Tôi sợ đến mức suýt khóc òa lên:
– Uống mấy viên thuốc sao mà khỏi được. Ông, ông dậy đi, con đưa ông đi viện.
– Ông uống thuốc khỏi thật mà. Uống xong ngủ một giấc là được. Con ấy, muốn ông sống thêm vài năm thì sinh con đi. Biết đâu nhìn thấy mặt chắt, ông lại vui vẻ rồi sống được thêm vài năm.
Tôi bất lực chẳng biết nói sao, cuối cùng vừa lau nước mắt vừa gật đầu lia lịa.
Sau khi dỗ ông ngủ xong, tôi kiểm tra lại đống thuốc ở đầu giường mới thấy thuốc giảm đau đã vơi bớt đi rất nhiều. Thím giúp việc nói gần đây ông đau không ngủ được nên hầu như hôm nào cũng phải uống, có lúc đau quá phải tiêm cả mocphin.
Nhìn người thân còn lại duy nhất của tôi gầy yếu như cành cây khô nằm trên giường, tôi thương đến đứt gan đứt ruột. Chẳng biết đời này còn có thể trông thấy ông được bao lần nữa nên tôi không nỡ về, cứ ngồi bên giường nắm thật chặt tay ông. Mãi đến khi bầu trời đã tối đen, bên ngoài lác đác mưa phùn, tôi mới dặn dò thím giúp việc chăm sóc ông rồi ra về.
Mẹ chồng thấy tôi bước vào, không hỏi han câu nào đã móc mỉa:
– Cái nhà này sắp thành cái chợ rồi. Sáng sớm tinh mơ đã ra khỏi nhà, chẳng biết làm gì bên ngoài mà hôm nào cũng tối mù tối mịt mới vác mặt về. Con trai tôi đúng là vô phúc, vất vả kiếm tiền để vợ ăn chơi đàn đúm. Rồi không biết bị cắm cho cái sừng lúc nào.
Những lời này tôi nghe đã quen, với cả cũng mệt nên không muốn đôi co cãi cọ làm gì. Tôi chỉ nói:
– Mẹ ạ. Hôm nay con sang nhà bên thăm ông nội nên về hơi muộn. Lần sau con sẽ về sớm ạ.
– Ai mà biết cô sang thăm ông cô hay đi đâu. Cô làm gì thì chỉ có trời biết đất biết. Chỉ khổ cho thằng con tôi, giờ này vẫn đang còng lưng kiếm tiền để nuôi báo cô cả nhà ai đó.
Mẹ chồng khinh khỉnh liếc tôi một cái, sau khi uống một ngụm trà, lại tiếp tục:
– Mà tôi chẳng hiểu sao thằng Thành cứ thích ôm rơm nặng bụng thế làm gì. Gia đình cô đã đối xử với nó thế nào, chia rẽ máu mủ nhà tôi ra sao, lẽ ra ông nội cô không chỉ phải chịu quả báo bằng bệnh ung thư đâu. Cái gia sản nhà cô cũng phải sụp đổ nữa mới xứng đáng. Nhưng con tôi có lòng thương người, không những đi giúp cả kẻ thù của mình cáng đáng công ty, còn cưới cháu gái của kẻ thù nữa đấy. Nó đã lấy ân báo oán thế thì cô cũng tự nên biết mà sống, đừng để thiên hạ cười gia đình tôi vì cưới phải một đứa con dâu đã vô dụng lại còn lăng loàn.
Vài năm trước, tôi là một đứa không thể chịu nổi một hạt cát trong mắt, bị sỉ nhục thế này nhất định sẽ cãi đến cùng mới thôi. Nhưng bây giờ cuộc sống khắc nghiệt đã mài mòn dần từng chiếc gai nhọn trên người tôi rồi. Hơn nữa, những lời mẹ chồng nói rất đúng, chính vì gia đình tôi đã gây ra nghiệp báo nên bây giờ mới phải chịu hậu quả thế này.
Cho nên, tôi không tranh cãi, chỉ nhẫn nhịn nuốt lại toàn bộ uất ức vào trong đáy lòng, mỏi mệt đáp một câu:
– Mẹ, những gì mẹ nói đều đúng cả. Nhưng mẹ muốn trút giận gì thì cứ trút lên con. Người già bệnh tật, mong mẹ đừng lôi vào.
– Thôi cô cũng đừng tỏ ra cao thượng với tôi làm gì. Đừng tưởng tôi không biết bụng dạ cô thế nào. Chính cô mới là người lừa thằng Thành, ép nó phải cưới cô trong khi nó đang yêu người khác. Loại đàn bà biết rõ người ta không thuộc về mình mà vẫn giở đủ thủ đoạn ra để ép cưới, thì cô cũng không khác ông nội cô lắm đâu. Ông trời có mắt cả đấy, bớt giả tạo đi, tôi thấy buồn nôn lắm.
Tôi lặng lẽ mỉm cười:
– Vâng.
Mẹ chồng tôi đang mắng hăng, thấy tôi không cãi mà vẫn bình thản “vâng” như thế thì càng tức mà không làm gì được. Bà ấy cầm cốc trà lên uống một hơi hết sạch, tôi cũng không muốn đứng lại thêm, sợ mẹ chồng lại buồn nôn nên nói:
– Con đi lên phòng đây ạ. Hôm nay con không đói, không ăn cơm đâu ạ. Bố mẹ cứ ăn trước nhé.
– Tốt nhất là nên như thế, nhìn mặt cô tôi nuốt không nổi.
Từ khi về đây, hầu như buổi tối nào tôi cũng không ăn cơm. Không phải là bố mẹ chồng bắt tôi nhịn, mà là không có chồng tôi ở nhà thì không khí trên bàn ăn rất nặng nề. Bố mẹ chồng ghét tôi như bát nước hắt đi, mỗi lần thấy tôi là mặt mày ai nấy đều sầm sì, không những mẹ chồng tôi nuốt cơm không nổi, mà ngay cả tôi cũng vậy. Thế nên bữa tối nào tôi cũng tự động nhịn.
Tôi xách túi đi lên cầu thang, khi vừa qua ngã rẽ thì nghe tiếng chén đĩa vỡ loảng xoảng, sau đó là giọng mẹ chồng tôi hét lên:
– Chị Tú, chị Tú đâu. Ra lau dọn sạch cái chỗ này. Lấy nước thơm xịt phòng cho tôi. Không khí vừa trong lành được một tý đã ô uế ngay rồi đấy. Cái mùi giả tạo không ngửi nổi. Chị mau dọn sạch đi, tốt nhất đừng để tôi ngửi thấy cái mùi bẩn thỉu đó ở cái nhà này nữa.
– Vâng vâng. Tôi dọn ngay đây ạ.
– Đúng là cái thứ miệng nam mô bụng một bồ dao găm, lòng dạ rắn rết, đi đến đâu buồn nôn đến đó.
Mẹ chồng tôi còn mắng thêm mấy câu nữa, nhưng tôi tự động bỏ ngoài tai, chỉ rảo bước thật nhanh lên phòng rồi đóng cửa lại, ngăn cách những tiếng chửi bới bên ngoài và không gian của riêng tôi bên trong.
Hôm nào cũng vậy, về đến nhà là tâm trạng nặng nề đến mỏi mệt. Tôi cất túi xách xong là đi thẳng vào phòng tắm, nằm ngâm nước ấm trong đó cho yên tĩnh, sau rồi ngủ quên lúc nào không biết. Mãi đến hơn 10 giờ đêm mới nghe loáng thoáng tiếng người nói ngay ngoài cửa:
– Con về rồi đấy à? Đã ăn gì chưa?
– Con ăn rồi. Muộn rồi, mẹ vẫn chưa ngủ à?
– Mẹ chờ con mà. Con trai mẹ đi làm về muộn, mẹ phải thức chờ chứ. Mẹ có dặn cô Tú nấu cháo tổ yến rồi, hay con ăn một bát nhé. Ăn thêm tý cho có sức con ạ. Nhìn con gầy lắm.
– Hôm nay con ăn đủ rồi, mẹ ăn đi. Mẹ, mẹ ngủ sớm đi. Con cũng vào phòng đi ngủ đây.
Nghe tiếng bước chân đến gần phòng, tôi vội vàng mặc quần áo, lúc ra khỏi phòng tắm thì cùng lúc Thành mở cửa bước vào phòng.
Thấy tôi đầu tóc ướt rượt, anh hơi ngạc nhiên:
– Sao giờ này vẫn chưa ngủ?
– Em vừa tắm xong. Anh về muộn thế?
– Ừ. Hôm nay ở công ty có việc nên về muộn.
– Vâng. Bên trong có sẵn nước nóng rồi, anh vào tắm đi.
Nói rồi, tôi đi lại gần định đỡ áo vest anh vắt trên khuỷu tay, nhưng anh chỉ nghiêng người tránh đi, sau đó đi thẳng qua tôi đến tủ quần áo. Lấy đồ xong, lúc chuẩn bị vào trong phòng tắm hình như nhớ ra chuyện gì đó nên anh quay đầu bảo tôi:
– Sấy tóc đi. Đừng để ướt giường.
– Vâng.
Trước giờ tính anh luôn sạch sẽ gọn gàng, còn tôi thì luộm thuộm, lại thích tùy hứng. Lúc chưa cưới sống sao cũng được, nhưng giờ kết hôn rồi, tôi lại đang ở nhà của anh nên buộc phải thay đổi.
Tôi cẩn thận sấy tóc cho đến lúc khô, xong xuôi lại gấp gọn máy sấy rồi đặt lên bàn, còn thay một bộ đồ khác rồi mới trèo lên giường. Nằm không lâu thì Thành đi ra, anh liếc qua mái tóc tôi, thấy đã khô mới yên tâm nằm xuống.
Chúng tôi vẫn chẳng ai lên tiếng, cũng không ôm nhau như những cặp vợ chồng mới cưới khác, mỗi đêm chỉ im lặng chìm vào trong thế giới yên tĩnh của riêng mình cho đến khi thϊếp đi.
Thế nhưng, hôm nay trong lòng tôi vẫn nặng nề mãi vì chuyện của ông nội nên không sao chợp mắt được. Trầm mặc một lúc rất lâu, cho đến tận khi hơi thở của người bên cạnh đã đều đều, tôi mới dè dặt nói:
– Anh ngủ chưa?
Trải qua vài giây im lặng, tôi cứ nghĩ Thành đã ngủ rồi, nhưng lát sau lại nghe anh nói:
– Em muốn nói chuyện gì?
– Hôm nay em mới đến thăm ông nội.
– …
– Bệnh của ông trở nặng lắm rồi, ngày nào cũng phải uống thuốc giảm đau, có lần phải dùng cả mocphin…
Tôi định bảo anh nếu có thời gian thì hãy qua thăm ông một lần, nhưng cứ nghĩ đến những việc ông đã làm với anh, tôi không sao mở miệng nổi. May sao, anh vẫn luôn là người hiểu tôi nhất, không cần tôi phải nói ra, anh vẫn bình tĩnh đáp:
– Tuần này tôi hơi bận. Tuần sau tôi sẽ sắp xếp thời gian đến thăm ông em.
– Vâng. Cảm ơn anh.
– Ngủ đi.
Có được câu đồng ý của anh, tôi yên tâm chìm vào trong giấc ngủ. Nhưng chợp mắt chẳng bao lâu, những cơn ác mộng lại bủa vây lấy tôi.
Tôi mơ đến một ngày cách đây nửa năm, khi ông nội tôi mới phát hiện ra bị ung thư phổi, ông đã nắm tay tôi rồi hỏi rằng:
– Quỳnh Chi, con có nguyện vọng gì không?
Lẽ ra tôi mới là người nên hỏi ông có nguyện vọng gì không, đằng này ông lại làm ngược lại, khiến tôi nhất thời không biết nói sao:
– Không ạ. Con không có nguyện vọng gì, chỉ mong ông thật mạnh khỏe, sống dài lâu với con thôi.
– Cái con bé này. Ông già rồi, sao mà sống dài lâu với con được? Người sống với con đến hết đời chỉ có chồng con thôi.
Nói đến đây, ông lặng lẽ hướng mắt ra bên ngoài. Dưới bóng cây cổ thụ cách đó không xa, Thành đang sửa lại chiếc xích đu tôi thường hay ngồi, một vài tia nắng xuyên qua kẽ lá, chiếu lên sườn mặt nghiêng nghiêng của anh, bất giác, tôi cảm thấy người đàn ông ấy còn đẹp hơn cả ánh nắng.
Ông thấy tôi ngẩn người thì khẽ cười:
– Con thích nó phải không?
Tôi giật mình, vội vã thu lại tầm mắt rồi bẽn lẽn lắc đầu:
– Không, con không thích anh ấy.
– Không phải chối, ông nuôi con từ nhỏ đến lớn, con thích ai chẳng lẽ ông không nhìn ra à?
Thời gian ấy, Thành vẫn là người cùng một nhà với tôi. Khi tôi còn nhỏ thì anh đã xuất hiện trong nhà rồi, tôi chỉ nghe nói ngày xưa ông tôi thấy anh bị bỏ rơi nên nhặt về, một tay ông nuôi nấng anh lớn. Sau khi ba mẹ tôi mất đi, ông lại đón tôi về nuôi, nhưng công ty của ông thời gian ấy lại đang vào guồng phát triển nhất, ông nội bận rộn, thành ra việc chăm sóc tôi lại giao vào một tay Thành.
Tôi chẳng rõ mình đã thích anh từ lúc nào, từ năm tôi 6 tuổi, bị lạc đường, sau đó anh chạy suốt đêm tìm được tôi chui rúc trong một con ngõ bẩn thỉu, hay năm 12 tuổi, tôi bị kinh nguyệt lần đầu tiên nhưng không có mẹ ở bên, sợ hãi không biết làm sao, anh là người tra google tìm cách giải quyết và đi mua băng vệ sinh cho tôi. Hoặc có thể năm tôi 18 tuổi, khi bị mối tình đầu từ chối, tôi hậm hực đòi đi uống rượu suốt đêm, sau đó vẫn là anh tìm thấy tôi trong quán Bar.
Anh nói:
– Đừng buồn, thằng đó không có mắt nên mới không thích em.
Tôi cầm cốc rượu lên, muốn uống, nhưng lại bị anh giật mất. Không làm gì được, đành phụng phịu hỏi:
– Thật không?
– Thật.
– Thế anh có thích em không?
Sắc mặt của anh trong thoáng chốc cứng lại, sau đó, tôi có thể trông thấy được vẻ nghiêm khắc trong đáy mắt anh:
– Không. Em là người nhà của anh.
Ông nội nói tôi với anh không phải là người nhà, ông chỉ nhận nuôi anh, chưa từng cho anh một danh phận. Có thể nói, những năm tôi còn nhỏ thì Thành là “vệ sĩ” của tôi, đi theo chăm sóc tôi. Sau đó khi tôi trưởng thành, không cần anh chăm sóc nữa thì ông mới bắt đầu giao cho anh các công việc ở công ty.
Từ nhỏ đến lớn ông rèn luyện anh rất nghiêm khắc, tôi ngã đau thì người bị mắng là anh. Tôi học hành kém cỏi, người bị mắng cũng vẫn là anh. Ông luôn coi anh là một người vạn năng, mà thực sự sau nhiều năm ở bên nhau, tôi cũng mới phát hiện ra anh là một người rất tài giỏi, tài giỏi đến mức hoàn hảo.
Anh có thể làm tốt mọi công việc, từ chăm sóc tôi cho đến làm việc ở công ty, thậm chí sau này quản lý và điều hành công ty của ông nội, anh cũng làm rất xuất sắc.
Có lẽ cũng bởi vì thế mà tôi rất ngưỡng mộ anh, dù thích bất kỳ ai tôi cũng luôn so sánh người đó với anh. Thậm chí cả giây phút uống say đó, tôi vẫn luôn hy vọng anh sẽ trả lời: “Nếu anh và em không phải là người nhà, anh sẽ thích em”.
Nhưng đáng tiếc, trong mắt anh ngoài coi tôi là “người nhà” thì chưa bao giờ có ý khác với tôi. Anh nói với tôi:
– Từ nhỏ đến lớn anh không có gia đình, em và ông là người thân của anh. Quỳnh Chi, đừng học theo mấy người không đứng đắn rồi nghĩ ngợi linh tinh.
– Em biết rồi, em biết rồi. Em chỉ nói đùa thế thôi mà.
– Nói đùa như thế cũng không được. Người ngoài nghe được thì không hay.
Bị anh mắng, tôi không dám ăn nói xằng bậy nữa, chỉ mím môi cúi đầu như một đứa trẻ biết lỗi. Thành thấy tôi thế cũng mủi lòng, cuối cùng đành dịu giọng:
– Được rồi. Lần sau đừng uống rượu nhiều như thế nữa. Ở mấy chỗ kiểu này không có nhiều người tốt đâu, đến lúc xảy ra chuyện gì thì người thiệt là em đấy. Biết chưa?
– Em biết rồi.
– Đi thôi, anh đưa em về.
Tôi say đến mức đứng không vững, rời khỏi quán mà chân nam đá chân chiêu, mấy lần suýt ngã. Cuối cùng anh đành phải cõng tôi về.
Nằm trên lưng anh, lần đầu tiên tôi cảm nhận thấy tấm lưng của một người đàn ông lại rộng lớn như thế. Có sự ấm áp và vững chãi tựa như một người cha, có sự dịu dàng như một người anh, còn có cả sự ngọt ngào của một người đáng để yêu.
Nhưng thật tiếc… tôi lại không thể yêu anh.
Tôi biết, tôi hiểu rất rõ mình không thể tiếp tục suy nghĩ lung tung, nhưng sau khi sang Mỹ du học, tôi vẫn không thể ngăn được trái tim mình nhớ thương một người ở Việt Nam da diết. Có đôi lần tôi lén lút trốn về nước, nhìn trộm anh một lần rồi lại đi, cũng có lần bị anh bắt gặp, sau đó đích thân anh ‘áp giải’ tôi quay về Mỹ. Lúc chia tay ở sân bay, tôi lưu luyến không nỡ xa anh, còn anh thì mặt lạnh như cục đá, lấy trong ví ra một xấp tiền dày, dúi vào tay tôi:
– Em muốn mua gì thì mua, thích tiêu gì thì tiêu. Nhưng nhớ là đừng có nhịn ăn nữa. Em gầy lắm rồi.
– Em nhịn ăn để dáng đẹp đấy chứ
– Phải béo mới xinh.
– Anh không biết à? Gầy đang là mốt đấy.
Anh cốc đầu tôi:
– Đừng nghe người ta nói linh tinh, gầy thì lấy sức đâu mà học? Phải tăng thêm 4, 5 cân nữa thì nhìn mới có da có thịt được.
Vì nghĩ anh thích phụ nữ có da có thịt, đầy đặn hấp dẫn như chị thư ký của anh nên sau đó tôi bắt đầu không giảm cân nữa. Quyết tâm tăng 5 kg như anh nói. Nhiều lúc học bài mệt, ăn vào không nổi, tôi lại lấy ảnh anh ra vừa ngắm vừa ăn. Bạn cùng phòng Maruko của tôi thấy thì hét ầm lên:
– Ôi mẹ, anh nào mà đẹp trai thế này?
Tôi đã nghe rất nhiều lần những câu khen ngợi anh như vậy, nhưng lần nào nghe xong cũng phổng mũi. Ở nước Mỹ xa xôi không có ai quen biết tôi, cũng chẳng ai quen biết anh, tôi biết có nói xằng bậy cũng không bị ai phát hiện nên vênh mặt đáp:
– Người yêu tao đấy.
– Thôi đi, mày cả ngày chỉ quanh quẩn ở phòng như mày thì làm sao hốt được anh người yêu ngon thế này được. Khai thật đi, mày copy hình ở trên mạng đúng không?
– Xùy, tao mà cần copy hình trên mạng à? Cứ chờ đấy, rồi một ngày nào đó tao sẽ dẫn người thật đến cho mày lác mắt.
Nói là nói vậy, nhưng trong lòng tôi tự biết rõ anh chưa bao giờ thích tôi. Sau này, khi tôi tốt nghiệp về nước mới biết anh đã yêu một người con gái khác, chính là chị thư ký tên Uyên, vừa xinh đẹp, vừa thông minh, cơ thể lại đầy đặn hấp dẫn. Còn tôi, dù đã tăng tận 5kg thịt nhưng không có ngực cũng chẳng có eo, so với một người xuất sắc như chị ấy, tôi giống như gà đứng cạnh hạc vậy.
Cuối cùng, mối tình đơn phương suốt từ thời thơ bé ấy tôi đành phải chôn chặt vào tim, ngoài Maruko ra thì chưa dám hé răng với ai một lời. Bây giờ, ông nội đột nhiên hỏi vậy khiến tôi rất chột dạ, tôi không dám nói thật, chỉ ậm ừ chống chế:
– Ông nội, anh ấy là người nhà của mình mà. Với cả anh Thành có người yêu rồi, con thích làm sao được.
– Có người yêu thì sao? Ông không đồng ý cưới, xem nó có dám đòi cưới không.
Tôi biết, ông đối xử với tôi rất tốt, còn với anh thì rất quân phiệt, xưa nay ông nói một là một, anh chưa bao giờ làm trái. Nhưng chuyện này liên quan đến hạnh phúc cả đời của anh, tôi không thể phá hỏng đời anh nên chỉ có thể khuyên nhủ ông:
– Ông, ông đừng làm thế. Từ nhỏ đến lớn, việc gì anh ấy cũng nghe ông, nhưng chuyện cưới xin, ông đừng ép buộc anh ấy. Anh ấy đã vì gia đình mình nhiều rồi, cũng làm rất nhiều việc cho ông rồi. Chuyện kết hôn của anh ấy, ông đừng ép anh ấy. Con không thích anh ấy đâu.
– Nó là thằng ngoan ngoãn, biết điều, lại giỏi giang, con mà lấy được nó thì an nhàn cả đời. Quan trọng nhất là nó cũng thương con, nó sẽ không làm tổn thương con.
Ông nội tôi rất ít khi khen ai, nhưng với riêng anh, ông dù nghiêm khắc nhưng chưa bao giờ keo kiệt lời khen ngợi. Ánh mắt ông vừa trìu mến lại vừa thâm thúy nhìn bóng lưng người đàn ông đang đứng dưới xích đu, khẽ nói:
– Con yên tâm, ông sẽ có cách để nó lấy con.
Tôi nghĩ với tính cách của anh, bất kỳ chuyện gì cũng có thể nghe ông, nhưng riêng chuyện hôn nhân đại sự cả đời thì anh sẽ không dễ dàng thỏa hiệp như vậy. Thế nhưng thật kỳ lạ, hơn nửa tháng sau có một đêm anh say khướt đứng ở ban công đợi tôi, khi thấy tôi bước ra, anh mới quay đầu lại. Lần đầu tiên, tôi trông thấy vẻ chán chường và bất lực tột cùng trong đáy mắt anh.
Tôi hơi hoảng sợ, vội vàng lên tiếng:
– Anh, có chuyện gì thế?
– Quỳnh Chi, cố chấp như thế để được gì?
Lúc ấy tôi vẫn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, vẫn ngây thơ đáp một câu:
– Anh nói gì thế? Em không hiểu gì cả. Em cố chấp chuyện gì?
Anh quay mặt đi nơi khác, chỉ để lại cho tôi một sườn mặt lạnh nhạt như chìm vào màn đêm. Lát sau, tôi trông thấy một nụ cười rất mỉa mai của anh:
– Anh không thích em. Cưới nhau em sẽ không hạnh phúc đâu.
Lúc đó tôi mới vỡ lẽ là anh hiểu nhầm tôi, anh nghĩ tôi đã ép ông, để ông bắt anh cưới tôi. Tôi không muốn mối quan hệ của chúng tôi xấu đi nên vội vàng giải thích:
– Em biết, em biết anh không thích em. Anh không muốn cưới thì em sẽ không ép anh. Chắc ông hiểu nhầm ý em rồi. Chuyện này anh để em nói lại với ông, chắc ông sẽ hiểu thôi. Anh đừng lo.
– Ông bị bệnh rồi.
Anh đứng ở đầu gió, hơi rượu nồng nặc bay đến cánh mũi tôi, rất nồng, cũng rất nặng, chắc hẳn rượu anh uống hôm nay phải trên 45 độ:
– Ung thư phổi giai đoạn 3. Quỳnh Chi, tâm nguyện cuối cùng của ông là do em nghĩ ra à?
Tôi há miệng định giải thích, nhưng anh lại không hề muốn nghe mà chỉ lạnh lùng xoay người bỏ vào phòng. Trước khi cánh cửa phòng bên đóng lại, tôi nghe loáng thoáng anh nhắc lại một câu:
– Em sẽ không hạnh phúc đâu.
Câu nói này có lẽ đã báo trước tương lai cho chúng tôi, định sẵn rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi sẽ gặp quá nhiều giông gió. Cho nên từ ngày ấy cho đến tận bây giờ, kể cả ngày trọng đại nhất trong đời tôi, tôi cũng chưa một lần được vui vẻ, tôi chưa từng thực sự hạnh phúc.
Lúc ngồi trong phòng chờ tổ chức đám cưới, tôi phát hiện ra điện thoại của anh reo liên tục. Chỉ một chữ Uyên nhấp nháy trên màn hình như từng mũi tên xuyên thẳng vào tim tôi.
Nhưng tôi không có quyền để hỏi, càng không có tư cách để ghen, rút cuộc chỉ có thể tỏ ra lạnh nhạt hỏi:
– Giờ vẫn còn kịp đấy, hay là anh bỏ trốn đi.
– Bỏ trốn để cả thiên hạ cười Hằng Phong? Ngày mai cổ phiếu sụt giảm, ông phát bệnh nặng, em bảo tôi bỏ trốn rồi cả đời này mang tội, không thể ngẩng lên nhìn ai à?
Anh nói đến đây, lại cười nhạt, lắc đầu:
– Tôi thà hy sinh cả đời mình, ràng buộc cả đời mình, còn hơn được tự do nhưng trên lưng gánh tội, làm trò cười cho thiên hạ.
Giây phút đó tôi mới nhận ra một sự thật vô cùng đáng buồn, tình cảm thân thiết 20 năm của chúng tôi cuối cùng đã tan thành mây khói. Đến bước đường này đây, anh đã không còn yêu thương tôi như “người nhà” của anh, điều duy nhất mà anh nghĩ tới bây giờ là Hằng Phong, là nợ ân tình đối với ông nội tôi, anh chỉ sợ nếu anh bỏ đi khỏi đây, gia đình chúng tôi sẽ trở thành một trò cười cho thiên hạ.
Nhưng anh có biết không, chuyện anh lấy tôi vốn dĩ đã là một trò cười rồi. Một trò cười lớn nhất cuộc đời đối với cả hai chúng tôi, đặc biệt là tôi…
Tôi nén lại toàn bộ đau lòng vào tận sâu trong tâm can, lẳng lặng xoay người lại nhìn người con gái trang điểm rực rỡ trong gương, dù lớp nền rất dày, nhưng không thể che được ánh mắt thất bại đến tột cùng của chính mình.
Tôi bình tĩnh dõng dạc nói:
– Thế thì anh phải nhớ kỹ, ngày hôm nay em cho anh cơ hội bỏ trốn nhưng anh không đi. Sau này đừng có hối hận.
– Từ hối hận nên dành cho em thì đúng hơn.
Nói rồi, anh đứng dậy định bỏ ra ngoài, nhưng cùng lúc này bỗng dưng có một đám người từ bên ngoài xồng xộc chạy vào. Một người đàn ông có khuôn mặt giống anh y như đúc bước tới, theo sau là hai người phụ nữ.
Khi vừa nhìn thấy anh, người phụ nữ sang trọng đột nhiên xông tới, không nói không rằng tiếng nào đã lôi kéo cổ áo anh. Thành bị bất ngờ, không kịp đề phòng, chỉ có thể vội vã lùi lại một bước:
– Bà làm gì thế?
Người phụ nữ kia không đáp, chỉ nhìn chằm chằm vết bớt màu đỏ trên ngực anh. Gương mặt bà ta từ kinh ngạc, sững sờ, dần dần chuyển thành đau đớn đến rúm ró vặn vẹo.
Qua vài giây sau, bà ta lập tức òa lên khóc:
– Con… con ơi… Mẹ là mẹ ruột của con đây!