Trở lại bến đò, từ xa đã trông thấy Thúy Thúy vẫy tay với họ ở mũi thuyền. Lên thuyền ô bồng, Thúy Thúy lấy một phong thư dán kín bằng xi gắn: “Ban nãy có ông cụ mặc áo nho tím than tới, nhờ em đưa cái này cho hai người.”
Ngô quản sự?
Tiết A Ất và Phùng Thiếu Mị nhìn nhau, họ bị trì hoãn chút thời gian ở đầu ngõ Song Long, hẳn đã để lỡ.
Phùng Thiếu Mị nhận ra con dấu đóng trên xi gắn, là ấn riêng của Giang Đô vương. Nàng cầm dao len vào giữa xi gắn cắt bỏ, lấy thư, mở ra đọc lướt: “Đại tiểu thư đào hôn, mất tích ở khu vực này, vương gia bảo chúng ta giúp đỡ tìm người.”
Thúy Thúy đang thừa lúc nắng đẹp thêu thêm hoa văn cho áo cưới, nghe vậy nhìn lại: “Đại tiểu thư?”
“Trưởng nữ dưới gối vương gia.” Phùng Thiếu Mị gấp thư lại, bỏ vào phong thư, “Hai năm trước đính hôn với cháu ruột của đại tư mã, đưa về Lạc Dương đợi cưới, ngày cưới ở ngay tháng sau.”
Thúy Thúy tỏ vẻ tò mò: “Tiểu thư nhà vương công cũng bị ép gả ạ?”
“Sinh ra ở đâu cũng giống nhau thôi.” Phùng Thiếu Mị mở túi giấy dầu đựng bánh hoa sen ra, may mà không vỡ, nàng đẩy túi giấy tới bên cạnh Thúy Thúy, “Nếm thử đi, nghe nói là món bánh ngọt đặc sản của Khai Phong đấy.”. TruyenHD
Thúy Thúy cảm ơn, buông áo cưới xuống nhận lấy.
Phùng Thiếu Mị vén mành đi ra ngoài, bên cạnh đưa tới một miếng đào đã gọt xong vỏ. Ngẩng đầu lên thì thấy Tiết A Ất đang cầm dao cắm nửa quả đào còn lại, đớp ba miếng là hết.
Nàng cảm ơn, cúi đầu cắn một miếng.
Quả đào này hái sớm, vào miệng vừa chua vừa hơi đăng đắng, dư vị thì lại ngọt nhẹ.
Tiết A Ất vẫy tay với Cát Sinh đứng bên bờ, ra hiệu cậu có thể chống thuyền rời đi.
Cát Sinh cởi dây thừng buộc trên cọc gỗ ra, sải bước nhảy lên thuyền ô bồng, cầm sào trúc bắc ngang trên mạn thuyền lên, hai tay nắm đan xen, chống mạnh xuống đá dưới nước. Khe nứt trên sào trúc phát ra tiếng “két” nhỏ, thuyền ô bồng chậm rãi rời khỏi bến đò.
Đúng lúc này, trên bờ bỗng ầm ĩ.
Dòng người đổ xô về phía đông, gương mặt ai nấy đều vừa hiếu kì vừa sợ sệt, như muốn hóng hớt cái gì. Thuyền ô bồng đã cách bờ một quãng, loáng thoáng nghe thấy mấy chữ “côn đồ” “cướp đường” “ấn đường có nốt ruồi son”.
Cát Sinh đứng ở mũi thuyền chống thuyền, mành trúc sau lưng bỗng bị vén lên, tiếng Phùng Thiếu Mị vọng ra: “Cát Sinh, quay đầu.”
Tiết A Ất cũng theo ra: “Là vị đại tiểu thư kia?”
Phùng Thiếu Mị cau mày: “Có lẽ.”
Lúc đại tiểu thư oe oe chào đời, ấn đường trời sinh đã có một nốt ruồi son. Li kì ở chỗ ngày kế sau hôm vương phi sinh con gái, có đạo sĩ đến cửa, phán giọng chắc nịch rằng đại tiểu thư là thần tiên hạ phàm độ kiếp, vương gia bèn đặt nhũ danh là “Tiên Nhi”, chuyện này rất nổi danh ở Lạc Dương. Vị tiểu thư phú hộ ấn đường có nốt ruồi son được nhắc đến này không thể không khiến người ta để ý.
Hỏi người nghe đồn, chuyện cách bến đò chỉ hai con phố về phía đông.
Tiết A Ất chẳng có hứng thú với đại tiểu thư gì đó, lấy tám thanh đao Tiết Côn Ngọc để lại trong hộp đao ra, khoanh chân ngồi ở mũi thuyền mài đao. Thúy Thúy tò mò trông quý nữ hoàng tộc ra sao, bèn theo Phùng Thiếu Mị xuống thuyền.
Đến nơi, chung quanh đã vây kín một bức tường người, y như mèo ngửi thấy mùi cá. Khó khăn lắm Phùng Thiếu Mị và Thúy Thúy mới chen được lên hàng trước, tức thì nghe thấy một tiếng bạt tai vang dội: “Chát!”
Chỉ thấy trung tâm để trống của vòng tròn tạo thành từ đám đông có hai nhóm người đứng đối lập, bên trái là năm, sáu tên côn đồ, bên phải là hai thiếu nữ chưa lấy chồng ăn mặc hoa lệ đứng một trước một sau. Cô gái đứng sau phục sức như a hoàn, cô nương đứng trước bận đào khoác biếc, lụa hoa giày châu, sườn mặt quay về phía hai người Phùng Thiếu Mị nên nhìn không rõ, bàn tay nâng lên để tát tai còn chưa buông xuống.
Tên côn đồ cầm đầu sờ nửa bên mặt bị tát đỏ, giận quá hóa cười: “Ôi ôi ôi, tiểu thư yêu kiều từ đâu ra mà cáu kỉnh quá nhỉ.”
Trên đường tới đây, Phùng Thiếu Mị và Thúy Thúy đã nghe không ít phong thanh, tên côn đồ này là cháu của đại phu nhân phủ họ Trương, rất được yêu chiều, hoành hành ngang ngược khắp đất Khai Phong, tội ác tày trời.
“Đánh ngươi đấy!” Bàn tay nâng lên chưa hạ xuống lại trỏ thẳng qua, thiếu nữ áo hoa lạnh lùng nổi giận, “Ban ngày ban mặt mà dám ra ngoài phố hành hung, ai cho ngươi cái gan ngang trời đấy, trong mắt không có vương pháp rồi đúng không!”
Giọng rất êm tai, tựa họa mi hót trên cành.
Côn đồ ngớ ra, tiếp đó phá lên cười: “Vương pháp? Tiểu mỹ nhân, trên cái đất này ca ca chính là vương pháp đây.”
Thiếu nữ áo hoa không nói được lời thô tục, tức đến mặt đỏ gay mà cũng chỉ phun ra được ba chữ: “Vô liêm sỉ!”
Côn đồ ngó lơ ánh mắt quanh mình, nghênh ngang đi tới bên cạnh thiếu nữ áo hoa, tóm cổ tay nàng giơ qua đỉnh đầu. A hoàn đi theo sau lưng thiếu nữ hét lên “Tiểu thư”, nhào tới đánh đấm, bị côn đồ đá văng ra ngoài.
Mắt thấy thiếu nữ áo hoa giãy giụa như con cá rời nước, côn đồ ghé tai vào sát miệng nàng: “Nào, nói ca ca nghe, bây giờ ai mới là vương pháp?”
Thiếu nữ áo hoa vặn vẹo người, nhổ nước bọt vào hắn: “Súc sinh, cút!”
Cái vặn người này đã giúp Phùng Thiếu Mị thấy rõ được mặt nàng: Gương mặt trắng hồng nhỏ cỡ bàn tay đẹp tựa hoa đào, giữa hai hàng lông mày lá liễu điểm một nốt ruồi son đỏ thắm – vừa khéo làm sao, chính là đại tiểu thư Tào Ngọc Doanh phủ Giang Đô vương.
Phùng Thiếu Mị định ra tay cứu giúp, hiềm nỗi đang đứng giữa đám đông, thoáng cử động là như con sóng trên mặt biển bị đẩy lên trước, thân bất do kỉ.
Khó khăn lắm mới đứng vững được gót chân, trong đám đông bỗng vang lên giọng một thiếu niên trong trẻo: “Ức hϊếp con gái nhà lành mà ghê gớm lắm đấy à?”
Động tác của côn đồ khựng lại, nhướng mày nhìn qua.
Đám đông như hai cánh môi tách ra rồi lại nhanh chóng mím vào, một thiếu niên nom như bạch dương đi ra, tuổi chừng mười lăm, mười sáu, sau lưng đeo thanh kiếm ba thước. Phùng Thiếu Mị càng nhìn gương mặt cậu lại càng thấy quen, nhất thời lại không nhớ ra nổi đã trông thấy ở đâu.
Thúy Thúy bỗng “ơ” một tiếng: “Đây không phải là đệ tử của Tô chưởng môn à? Hình như tên là Tạ…”
“Tạ Thiêm.” Phùng Thiếu Mị tiếp lời, nàng cũng nhớ ra rồi.
Cha vương phi Trương thừa tướng là hữu tướng, cha Tạ Thiêm Tạ thừa tướng là tả tướng, đương triều coi bên trái cao hơn, Trương tướng xưa nay không cam lòng chênh lệch tôn ti này, hai nhà xích mích đã lâu. Lúc trước, Trương tướng thường xuyên lôi đứa con út rời nhà lưu lạc giang hồ, bái làm đệ tử Tô Ngạo này của Tạ tướng ra tích cực chế giễu, trong sáng ngoài tối trào phúng nhà họ Tạ gia phong kém cỏi nên mới nuôi ra thằng con trai đại nghịch bất đạo.
Vậy mà lại quên mất, đệ tử Vô Nhai Tông giờ đã xuất hiện ở Khai Phong, thân là đệ tử thân truyền của chưởng môn, Tạ Thiêm đương nhiên cũng ở đây.
Lúc diễu võ giương oai ghét nhất là bị người khác chõ mõm, côn đồ buông tay Tào Doanh Ngọc ra, mặc nàng ngã nhào ra đất. Côn đồ đan hai bàn tay vào với nhau xoay cổ tay, nghển cổ lên vặn một lượt, phát ra tiếng “lách cách”: “Hôm nay lắm trò hay thật đấy, làm sao, muốn diễn anh hùng cứu mỹ nhân à? Tiểu tử, đừng có bảo ca ca không nhắc nhở mày, cứu mỹ nhân không xong lại thành mình tự bêu thì khó coi lắm đấy.”
Tạ Thiêm cười xì: “Lảm nhảm lắm lời.”
Côn đồ nổi giận, lấy từ tay lâu la đằng sau một thanh đao dài bảy thước, quát một tiếng chém về phía Tạ Thiêm.
Tác oai tác quái ở quê hương chẳng qua là ỷ vào gia thế nhà chồng cô ruột lớn chứ tên côn đồ cũng chẳng có công phu gì trên người, chỉ khoa đại chân múa bừa tay.
Tạ Thiêm còn chẳng thèm rút kiếm ra, dựa vào thân pháp ung dung tránh đòn: “Tuy nói dài được tấc nào mạnh tấc nấy nhưng võ công kém cỏi như anh thì cũng vô dụng.”
Đao bảy thước cao bằng nửa người Tạ Thiêm song đến góc áo cậu cũng chẳng chạm đến. Trường đao nặng chín cân, côn đồ cầm trong tay không được bao lâu thì bắt đầu đổ mồ hôi như suối, phồng đỏ mặt trừng Tạ Thiêm.
Một bên phì phò như trâu, một bên áo quần phẳng phiu, bận vẫn thong dong, dẫu có là ai cũng nhìn ra kết cục trận đấu này.
Không, nói là đấu thì chẳng bõ, cùng lắm là đùa cợt mà thôi.
Sau cùng, Tạ Thiêm chơi chán, cướp vũ khí của côn đồ, trong chớp mắt, trường đao đã gác lên cổ hắn: “Nào, nói tôi nghe, bây giờ ai mới là vương pháp?”
Lưỡi đao lạnh lẽo dán lên cổ, hai chân côn đồ run cầm cập: “Cậu, cậu là vương pháp!”
“Sai.”
Côn đồ hoảng loạn, tưởng là sắp chết tới nơi, hoàn hồn lại mới nhận ra đầu hãy còn trên cổ, trường đao đã dời đi.
Tạ Thiêm dùng mũi đao chạm lên ngực côn đồ: “Nơi này, nhớ lấy, nơi này mới là vương pháp của anh.”
Nói đoạn, không để ý tới hắn nữa, tiện tay vứt đao cho lâu la đứng sau lưng côn đồ, xoay người về phía Tào Ngọc Doanh đang tròn mắt líu lưỡi ngồi phệt dưới đất đã quên đứng dậy, chìa tay ra: “Cô nương, tỉnh táo lại đi.”
Tào Ngọc Doanh ngẩng đầu nhìn thiếu niên trước mặt, Tạ Thiêm đứng ngược sáng, áo bào thân đối xanh biếc tôn lên vẻ oai phong sôi nổi nơi cậu, ánh nắng chói chang soi mặt cậu mơ hồ.
Nàng buông nắm tay siết chặt vì căng thẳng ra, không đặt vào tay thiếu niên mà đứng dậy theo a hoàn dìu đỡ.
Tạ Thiêm sửng sốt bật cười, không để bụng, thu tay về.
Tào Ngọc Doanh cúi đầu sửa sang lại váy áo, nâng vạt thi lễ: “Đa tạ công tử cứu giúp, tiểu nữ cảm kích vô cùng.”
Phùng Thiếu Mị không xem tiếp nữa, kéo Thúy Thúy đi ngược dòng người ra ngoài. Vất vả mãi mới xuyên qua được đám đông, hai cô gái đều bất giác há to miệng hít thở, đứng chỗ nhiều người hồi lâu thật khiến người ta ngạt thở.
Thúy Thúy không hiểu: “Sao lại đi ra ạ?”
Phùng Thiếu Mị ra hiệu bảo cô nhìn sang bên, chỉ thấy hai bên phố tràn vào mấy chục quan binh, hò hét xua đuổi đám đông.
Phủ họ Trương là cường hào ở Khai Phong, lúc trước Tào Ngọc Doanh gắng hết sức che giấu hành tung mới không tìm được người, gây ra động tĩnh lớn như vậy thì làm sao mà không phát hiện. Trương thừa tướng là ông ngoại Tào Ngọc Doanh, đương nhiên sẽ đưa người về Lạc Dương ổn thỏa, khỏi cần bọn họ bận tâm.
Đi tới ngã ba, Phùng Thiếu Mị quay đầu nhìn lại, Tạ Thiêm đang nói chuyện với quân lính, sống lưng thiếu niên cao ngất như tùng, thanh kiếm ba thước sau lưng chĩa thẳng lên trời. Đây là một viên ngọc thô chưa qua mài giũa, đáng tiếc lại bị vùi vào bùn lầy hai cái ao nhà họ Tạ và Vô Nhai Tông.
Phùng Thiếu Mị hỏi Thúy Thúy: “Em xem có cảm thấy có gì lạ lẫm không?”
Thúy Thúy suy tư: “Không khác gì em cả.”
Đều khen thiện chê ác, đυ.ng phải nam nhi tốt sẽ thẹn thùng e dè.
Phùng Thiếu Mị bị chọc cười: “Cùng là cô nương hai mắt hai chân thì có thể có gì khác nhau.”
“Phùng tỷ,” Thúy Thúy đổi chủ đề, “Bây giờ mẫu đơn ở Lạc Dương có nở không ạ?”
Rời Khai Phong, không bao lâu nữa là đến Lạc Dương.
Năm nay nóng sớm, Phùng Thiếu Mị tính ngày: “Chắc đã tàn cả rồi.”
Ánh mắt Thúy Thúy lộ vẻ tiếc nuối, khóe môi rủ xuống.
Phùng Thiếu Mị phì cười: “Hoa năm nào chẳng thắm, sang năm xem cũng được mà.”
Trở lại thuyền ô bồng, lần này không còn việc gì vướng bận nữa, yên ổn rời khỏi bến đò, men theo sông tiếp tục ra bắc.