Rời khỏi nhà Quỳnh, Hoàng book grab về thẳng nhà, anh đóng cửa và nhốt mình trong phòng, dù nhiều lần ông Trung gõ cửa nhưng Hoàng nhất định giữ im lặng. Cùng lúc xảy ra quá nhiều chuyện ngoài ý muốn, ngay lúc này, Hoàng muốn dành cho mình một khoảng lặng để suy nghĩ và nhìn nhận lại bản thân.
6h chiều, khi Hoàng đang đứng ngoài ban công nhìn ngắm màn đêm dần nuốt trọn cả thành phố thì giọng nói của Hoa kèm theo những tiếng đập cửa rộn rã vang lên. Hoàng miễn cưỡng bước vào phòng và mở cửa cho chị gái. Vừa nhìn thấy anh, Hoa liên tiếp đặt câu hỏi truy vấn:
— Mày đi đâu cả đêm hôm qua không về thế hả? Công việc có vấn đề gì sao? Hay lại yêu đương thất tình?
Đáp lại thái độ lo lắng của Hoa là gương mặt không thể bình thản hơn của Hoàng. Anh mỉm cười đáp:
— Chị đoán cái gì cũng đúng cả!
Hoa thần mặt ra, cô không hiểu câu nói ấy của Hoàng là đang ám chỉ điều gì.
— Có chuyện gì nói chị nghe xem nào?
— Không có gì nghiêm trọng đâu.
— Ba đang chờ mày xuống nhà để nói chuyện đấy.
— Chị về phòng đi. Em lớn rồi, chuyện của em, em có thể tự mình giải quyết được.
Thấy Hoàng không mở lòng nên Hoa cũng không miễn cưỡng hỏi thêm, cô nhanh chóng trở về phòng riêng của mình. Nhốt mình trong phòng cả buổi, cuối cùng Hoàng cũng đã nghĩ thông một số chuyện, anh rời khỏi phòng và đi xuống lầu 1. Ông Trung đã nấu xong bữa tối, mùi thơm xào nấu tỏa ra khắp nhà, thấy ba ngồi bên sofa đọc báo, Hoàng chủ động đến gần và ngồi đối diện ba. Ông Trung đặt tờ báo xuống bàn và nhẹ nhàng hỏi:
— Có chuyện gì xảy ra đúng không???
Hoàng khẽ gật đầu:
— Vâng. Thưa ba. Công việc có chút không thuận lợi. Nguyên nhân là do con, khả năng con bị sa thải là rất cao.
Nhìn thái độ nghiêm túc của Hoàng, ông Trung lặng im không nói. Lát sau, ông nhấp môi ly trà nóng và chậm rãi cất lời:
— Con người, đừng nên hy vọng cả đời không gặp phải thất bại suy sụp, không trải qua những thời điểm khó khăn, cũng như không bao giờ chịu tổn thương hay chỉ trích, điều đó là không thể!
Chỉ cần vào lúc sắp đi đến cuối con đường, quay đầu nhìn lại quá khứ có thể nói với chính mình: “Tôi đã nỗ lực, đã từ bỏ, đã thành công, đã thất bại, nhưng tôi không có gì tiếc nuối, tôi đã không làm cho người thân, người yêu, bạn bè mình thất vọng.”
Nghe lời nhắn nhủ, khích lệ động viên của ông Trung, Hoàng rưng rưng cảm động. Ông Trung vốn là một nhà giáo ưu tú, những quan điểm và suy nghĩ của ông luôn sâu sắc và đầy ẩn ý, Hoàng cảm thấy rất may mắn vì có một người cha tuyệt vời như vậy. Ngay cả những lúc tinh thần kiệt quệ nhất, thì ba anh, dẫu cách biệt về thế hệ nhưng vẫn luôn biết cách đồng cảm và thấu hiểu cho tâm trạng và nỗi lòng của chàng trai mới bắt đầu va vấp xã hội này.
— Trước đây con cứ ngỡ, chỉ cần nắm trong tay tấm bằng giỏi, kiến thức có sẵn trong đầu thì có thể tự tin bắt tay vào công việc, cho dù là ở bất cứ đâu. Nhưng con đã lầm. Sau khi trải qua một số chuyện con mới thấy, những suy nghĩ lúc trước của bản thân là đúng, nhưng chưa đủ, có những lúc con thấy bản thân mình hành động thật ấu trĩ.
— Đây mới chỉ là bước đệm đầu đời thôi, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn và thử thách. Trong cuộc sống, có rất nhiều thứ không đi theo kế hoạch, nếu như có vấp ngã, hãy đứng lên; nếu sảy chân, hãy giữ thăng bằng lại. Đừng bỏ cuộc!
Ba tin, con trai của ba sẽ vượt qua được.
— Bỗng nhiên con cảm thấy sợ, như vậy có phải là yếu đuối và nhu nhược không ba?
— Để ba kể cho con nghe câu chuyện này nhé!?
— Chuyện gì thế ạ?
— Trên núi có một tảng đá lớn, một nửa dùng làm bậc cửa, một nửa tạc thành tượng Phật. Một ngày kia, bậc cửa nói với tượng Phật:
“Thế gian này đối với ta thật bất công. Chúng ta đều đến từ cùng một ngọn núi, ta bị ngàn vạn người giẫm đạp qua lại, còn ngươi, ngày nào cũng được cúng bái, tôn thờ.”
Tượng Phật nói:
“Cuộc sống rất công bằng, ngươi chỉ bị thợ bổ làm hai, còn ta phải trải qua ngàn khắc vạn tạc, chịu đủ đau đớn cùng tôi luyện mới có thể trở thành một pho tượng Phật”.
Kể đến đây, ông Trung giữ im lặng và theo dõi biểu hiện của Hoàng, thấy con trai dường như còn đang mơ hồ chưa hiểu được ý nghĩa của câu chuyện nên ông Trung lại nói thêm:
— Qua câu chuyện ba vừa kể, con cảm nhận được điều gì không?
Hoàng khẽ gật đầu, anh dùng ánh mắt bối rối nhìn ba và tiếp tục giữ im lặng. Ông Trung bình thản nói:
— Con cam tâm làm bậc cửa, hay kỷ luật bản thân, cố gắng nỗ lực mỗi ngày để có thể tỏa ánh hào quang như “bức tượng Phật”? Kết quả sau cùng đều là do lựa chọn lúc đầu và sự nỗ lực cố gắng của con mà thành. Chỉ cần con không chùn bước, ba tin, con nhất định sẽ thành công!!
***
Cùng thời điểm đó, tại nhà Quỳnh, gia đình ông Tâm quây quần bên bàn ăn để dùng bữa tối. Sau sự việc xảy ra vào đêm qua, Quỳnh như người trên mây, cô nhốt mình trong phòng cả buổi, đến bữa ăn cũng chỉ khẽ động đũa nhấm nháp qua loa. Ông Tâm cũng vì chuyện của con gái mà trăn trở cả ngày dài. Đúng lúc Quỳnh định buông đũa đứng dậy thì ông cất lời:
— Ngồi xuống nói chuyện với ba một lát!
Quỳnh ngơ ngác hỏi lại:
— Ba có chuyện gì ạ?
— Cậu Hoàng đó… con quen từ khi nào? Cậu ấy làm nghề gì? Bao nhiêu tuổi? Nhà ở đâu?
— Ba hỏi kỹ lưỡng như vậy để làm gì ạ?
— Chuyện hôn nhân cả đời người, ít nhất thì ba cũng nên biết con rể tương lai của ba tuổi tác thế nào, nghề nghiệp ra sao, tình hình tài chính có ổn không, có khả năng chăm lo cho con gái của ba không? Ba quan tâm những điều đấy là vì muốn tốt cho con đấy.
— Chúng con mới chỉ đang tìm hiểu nhau thôi, ba làm ơn đừng đặt nặng chuyện hôn nhân đại sự vào thời điểm này được không ạ? Con cảm thấy rất áp lực.
— Chính miệng cậu ấy nói muốn kết hôn với con chứ ba có đặt nặng gì đâu?
— Nhưng để khi khác nói chuyện này được không ba? Con thấy hơi mệt, con lên nhà nghỉ ngơi.
— Thế con nói cho ba nghe, yêu đương tìm hiểu kiểu gì mà 2 đứa dẫn nhau đi qua đêm không về??
Quỳnh nghe vậy bỗng ngồi im, cô thần mặt ra, câu hỏi này của ông Tâm thực sự rất khó trả lời.
— Con muốn được tìm hiểu yêu đương tự do, ok, ba đồng ý. Nhưng tình cảm cũng phải tiến triển ở một ngưỡng nhất định thì 2 đứa mới dẫn nhau đi chơi qua đêm như vậy chứ. Có đúng không nào? Nếu như Hoàng đã có ý muốn kết hôn thì chúng ta cũng nên cân nhắc chuyện này sớm đi. Tuổi của con chưa phải là già, nhưng nói còn trẻ thì cũng không hẳn, không nên lãng phí thời gian để tìm hiểu hết người này đến người khác. Nếu như cậu ấy thỏa mãn được những tiêu chí cần phải có để tiến đến quan hệ hôn nhân thì ba cho phép 2 đứa làm đám cưới.
Quỳnh nghe vậy bỗng làm mình làm mẩy, cô nũng nịu nói:
— Ba à, con thật sự chưa muốn kết hôn đâu.
— Thế tóm lại cậu ấy sinh năm bao nhiêu, nhà ở đâu? Làm công việc gì?
Quỳnh thực sự chưa lường trước được tình huống này, nhưng khi nghe ông Tâm phân tích, cô bỗng nghĩ lại thái độ quan tâm của Hoàng dành cho mình, từng cử chỉ đều như khắc sâu vào tâm trí. Cô thật thà kể lể:
— Anh ấy… kém con 2 tuổi!
Mới nghe đến đây, ông Tâm bỗng tròn mắt, buông đôi đũa xuống bàn và ồn ào nói:
— Ôi trời ạ, cậu ấy thua tuổi con à? Tuổi này chưa chín chắn, chưa sâu sắc… Không được, trẻ quá. Ba không đồng ý.
Bà Ly thấy chồng sốt sắng như vậy liền cất lời chen ngang:
— Anh bị ám ảnh chuyện kết hôn của con quá đấy. Con bé mới 25 tuổi, nhan sắc có, hiểu biết có, không lẽ anh sợ con ế chồng đến mức này sao? Không để cho bọn trẻ được thoải mái tìm hiểu một chút à?
— Mấy đứa nó đi chơi qua đêm với nhau rồi, bây giờ không tính dần đi, đợi khi nào mới tính nữa?
Bà Ly khẽ thở dài, thật không thể nói được lý lẽ của ông chồng ngang bướng. Ông Tâm quay sang tiếp tục truy vấn Quỳnh:
— Tuổi tác tạm thời thế đã. Thế cậu Hoàng làm nghề gì? Đã có nhà riêng, đã có xe riêng chưa?
— Baaaa!!
Quỳnh nói như hét lên. Đến khúc này thì cô thực sự không chịu được nữa.
— Con bé này, làm cái gì mà hét toáng lên thế hả?
— Ba lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền thôi!!
Quỳnh nói như khóc.
— Ơ hay, ba đã làm gì mà bảo ba chỉ nghĩ đến tiền??
— Ba không nói nhưng con quá hiểu tính ba rồi. Ba muốn biết rõ về anh ấy để rồi so sánh với Thịnh đúng không. Trong mắt ba, không có ai xứng đáng làm con rể của ba hơn Thịnh, con nói đúng chứ?
Ông Tâm chột dạ, ngập ngừng đáp:
— Khả năng tài chính của Thịnh rất tốt, có thể làm chỗ dựa cho con cả đời. Ba chưa bao giờ phủ nhận điều đó.
— Ba nghĩ lại xem, ngày xưa, lúc ba cưới mẹ, ba có nhà, ba có xe không? Hay ba chỉ có 2 bàn tay trắng??
Ông Tâm thoáng giận dữ nhưng vẫn cố bình tĩnh để phân tích cho con gái hiểu:
— Thời của ba và mẹ con, cuộc sống rất khó khăn. Mẹ con, bà ấy đi theo ba đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Chính vì vậy nên ba không muốn tương lai của các con cũng phải chịu khổ giống ba mẹ ngày trước. Ba quan tâm là vì muốn tốt cho con, tại sao năm lần bảy lượt con luôn tìm cách bài xích chuyện này thế hả? Yêu đương có thể lãng mạn một chút, nhưng hôn nhân thì khác hoàn toàn. Nhất định phải thực tế. Không có tiền thì rất nguy hiểm.
— Hễ nói đến chuyện yêu đương, cưới xin là ba nói muốn tốt cho con. Ba đã khi nào nghĩ, muốn tốt cho con thật sự là như thế nào chưa? Ba đã từng nghĩ con mong muốn điều gì, con muốn được ở bên người như thế nào chưa? Tiền rất quan trọng. Điều này con không phủ nhận. Nhưng nếu chỉ vì tiền mà chôn vùi tuổi xuân của mình dành cho một người không xứng đáng thì con thà ở bên một người với hai bàn tay trắng!!
— Quỳnhhh!!
Ông Tâm bất lực thốt lên.
Quỳnh dứt khoát đứng dậy và bước lên lầu, càng lúc cô càng cảm thấy áp lực chuyện yêu đương và cưới xin kinh khủng. Ba mẹ rất yêu chiều con gái, tuy nhiên, sự yêu thương và quan tâm này đôi khi khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt vô cùng.
***
Buổi tối, Hoa ngồi bên cửa sổ và thong thả lướt web, Huấn đi công tác trong Sài Gòn đã 5 ngày. Những ngày này, thời gian rảnh rỗi của Hoa quá nhiều, những khi buồn, cô thường mở tin nhắn giữa cô và anh ra đọc, thỉnh thoảng lại mỉm cười ngẩn ngơ. Có những khi vì chờ đợi tin nhắn của anh gửi đến mà cô ngủ quên lúc nào không hay.
Đang xem một video hài trên facebook thì Huấn gọi điện tới, Hoa mỉm cười ấn nghe máy. Ở đầu dây bên kia, giọng nói ấm áp của Huấn dịu dàng vọng đến:
— Tình yêu bé nhỏ của anh đang làm gì thế? Nhớ em quá!
Chỉ một câu nói yêu thương đó thôi nhưng cũng đủ khiến trái tim trong ngực Hoa thêm xốn xang. Cô nhẹ nhàng đáp:
— Em đang ngồi chơi, và nhớ anh nữa! Khi nào anh ra Bắc vậy, hôm trước anh nói đi công tác 4 ngày thôi mà?
— Sớm nhất thì tối mai anh về, chậm thì sáng ngày kia. Nhớ anh không chịu được hả?
— Cũng nhớ anh, nhưng không đến mức không chịu được.
Hoa phụng phịu đáp.
— Thế mong anh về để làm gì?
— Tại em thấy lịch trình của anh kéo dài nên em quan tâm một chút thôi, như thế cũng không được sao?
— Được chứ. Có người quan tâm và lo lắng như vậy, anh cầu còn chẳng được.
— Chỉ giỏi xạo thôi!
— Anh nói thật mà. Thế hôm nay ở cơ quan có chuyện gì vui không? Kể cho anh nghe đi.
— Cơ quan thì ngày nào cũng như ngày nào. Có gì thú vị đâu ạ. Ai như anh, được đi công tác thường xuyên, khéo khi vào Sài Gòn bị mấy cô hot girl giữ mất hồn vía rồi cũng nên.
— Sài Gòn đúng là có nhiều gái xinh thật. Nhưng tiếc là, anh bị cô hàng xóm cho dính bùa gì ghê lắm, đi đến đâu cũng chỉ nghĩ về cô ấy thôi, không còn tâm trí để nghĩ đến người khác nữa.
— Ai mà biết được!
— Anh có thể hiểu là em đang ghen không nhỉ?
— Ai thèm ghen với anh chứ?
— Sao anh cứ ngửi thấy mùi ghen??
— Không đùa với anh đâu. Công việc có vấn đề gì hay sao mà anh phải ở lại thế?
— Ừ. Có chút vấn đề thật. Dự án phim hoạt hình lần này của công ty có chút rắc rối về bản quyền nên giám đốc của anh đang nhờ người xử lý.
— Có nghiêm trọng lắm không ạ?
— Cũng nghiêm trọng. Vì những bản vẽ ấy một bên thì muốn phát triển thành game mobile, một bên thì sáng tạo và phát hành phim hoạt hình 3D. Đang nghi vấn nội bộ có người bị mua chuộc.
— Ôi, phức tạp như vậy thì khi nào mới giải quyết xong được. Em nhớ anh lắm.
— Không sao. Bên anh có đầy đủ chứng cứ để chứng minh quyền sở hữu, chỉ là quá trình xử lý hơi phức tạp một chút. Anh sẽ sớm về với em mà. Muốn được ôm em quá.
— Anh làm việc xong chưa? Hôm nay có phải thức khuya nữa không ạ?
— Anh vừa ăn tối xong, tranh thủ gọi điện cho em một lát rồi tiếp tục công việc. Anh muốn mau chóng hoàn thiện để về sớm với em nên ngủ ít một chút cũng không sao.
— Thương anh!
— Em ngủ sớm nhé. Đợi anh về. Yêu em nhiều!
— Anh nghỉ sớm, nhớ giữ gìn sức khỏe.
— Không nói yêu anh à?
— Yêu anh!
— Anh tắt máy nhé.