Mọi người nghe thấy lời ông cố tôi thì bị dọa cho tím cả mặt, còn chưa đến giờ cơm thì tin tức đã lan khắp mọi nơi. Mọi người lấy lý do quần áo chưa khô, nằng nặc đòi về nhà. Cán bộ hợp tác xã cấm cản thế nào cũng vô dụng, may thay lão Ngụy nấu bếp nảy ra chủ ý, nói trưa nay ăn cá mới giữ lại được một số người.
Cá ở đâu tới? Chính là cá khi mọi người làm việc bắt được, người bắt được cá không được một mình hưởng mà phải nộp lên trên, mọi người cùng nhau ăn. Nhưng nói thẳng ra, cá nộp rồi chờ cả nửa tháng cũng chẳng thấy xương cá chứ đừng nói cá. Lão Ngụy vừa nói ăn cá mọi người đã vui mừng. Một số người hành lý đã vác lên rồi lại đặt xuống, nói hành lý tự nhiên sao lại nặng thế này…
Cách lão làm món cá cũng rất đơn giản, bỏ vào nồi hai muỗng mỡ, nhóm lửa, bỏ hành lá, gừng, tỏi, hạt tiêu, ớt vào nồi, lấy muôi xào xào xào vài nhát rồi cho cá vào, sau đó lại đổ thêm hai xô nước lạnh, đun sôi. Cũng không biết lão học ở đâu ra cách làm cá như vậy, vừa cay vừa thơm vừa tươi, mọi người ăn cũng không dám ăn nhanh, sợ ngon quá nuốt luôn cả lưỡi.
Đến buổi trưa, nguyên con đê sông Nghi Hà khắp nơi đều đã thơm lừng mùi cá, bay xa cả mấy trăm mét. Cái gì cán bộ cục thủy lợi gì gì đó đều đã bị mọi người quên từ lâu. Cán bộ hợp tác xã cũng ăn chung với mọi người, ăn được một nửa, người của cục thủy lợi trở về, nghi hoặc hỏi mọi người: “Các anh đang làm gì đây?”
Người của hợp tác xã vừa nhìn thấy, ôi chưa chết, vội vàng chào mời: “Lại đây ăn cá nhanh lên, trưa nay ăn cá.”
Cán bộ cục thủy lợi vừa nhìn đã nổi điên lên: “Ăn cá ăn cá, ăn cái mông, công nhân đâu hết rồi?”
Người hợp tác xã bỗng cảm thấy chán nản, kể lại sự tình. Vị cán bộ thủy lợi dở khóc dở cười nói: “Chúng tôi về huyện báo lại tình hình một đêm, sao chỉ một cái quan tài mà có thể dọa mấy trăm người chạy hết rồi.”
Cán bộ hợp tác xã nói: “Anh không biết cái quan tài đó đáng sợ đến thế nào đâu.”
Cán bộ thủy lợi nhướn mày: “Nhân dân thì thôi đi, các anh là Đảng viên, sao lại đi tin mấy chuyện hù ma dọa quỷ này được?”
Dưới sự dẫn đường của cán bộ hợp tác xã, các cán bộ cục thủy lợi đã xem xét chiếc quan tài, sau đó lắc đầu nói: “Điêu khắc trên quan tài này không phải kênh dẫn sông Nghi Hà của chúng ta đâu, đây là cảnh dân cổ đại lao động đào kênh đào đấy. Cỗ quan tài này cũng không phải quan tài, đây là chiếc thuyền gỗ kín dùng để vận chuyển những vật có giá trị.”
Có một số người nghi ngờ, thuyền sao lại trên rộng dưới hẹp? Ngay lập tức có người mắng át đi: “Người ta là lãnh đạo nói cái gì là cái đấy, mấy người thắc mắc làm gì?” Cuối cùng, cán bộ thủy lợi ra quyết định: “Thôi được rồi, gọi mọi người quay lại công trình làm việc đi, chờ khi nào sửa xong đập rồi chúng ta chon con thuyền này đi.”
Nhưng trước khi mọi việc được hoàn thành thì đã xảy ra chuyện.
Ngay tối hôm đó, khi mọi người vừa ngủ thì nghe thấy thấy tiếng hát của một người phụ nữ, tiếng hát văng vẳng vọng lại, vừa hay vừa quái dị. Trên đê lúc đó người ngồi người nằm đều là thanh niên trai tráng, vừa nghe giọng hát thánh thót như vậy, mọi người đều hứng thú. Ông nội tôi sinh năm 42, năm đó cũng chỉ 21 22 tuổi, là tuổi nhiệt huyết thanh xuân dâng trào, nghe giọng hát hay như vậy, trong lòng ngứa ngáy vô cùng. Có một số người to gan muốn đi xem xem ai đang hết, ông nội tôi cũng muốn đi. Kết quả là bị ông cố tôi quạt cho một trận mà quay lại. Ông cố tôi nói: “Mày nghe xem, đây là đang hát cái gì?” Ông nội tôi làm gì hiểu được đang hát gì, chỉ là cảm thấy hay thôi.
Ông cố tôi nói: “Đây gọi là kinh kịch, đang hát khúc 《Đỗ Thập Nương nộ trầm bách bảo tương》”. Bên bờ sông Nghi Hà trước nay làm gì có ai hát kinh kịch, mọi người chỉ nghe Lạp Hồn Xoang, hay gọi là hát đàn Liễu, dùng phương ngữ để hát, thô xì xì, làm gì được uyển chuyển như kinh kịch.” Bố Thẩm Đinh không cho Thẩm Đinh đi, Thẩm Đinh giận, kê gối quay đầu ngủ, hai bố con ông nội cả đêm không thèm nói chuyện với nhau.
Lại nói đám hậu sinh trẻ trung hừng hực kia, có 4 người to gan, thật sự là theo hướng phát ra tiếng hát đi tìm cô em kia, tìm tới tìm lui đến khi trời sáng mà vẫn không thấy về.
Đến sáng hôm sau khi điểm danh, cán bộ thôn không vui, phồng má chửi: “Cái lũ nhóc con này, có sữa ngoài là quên vυ' mẹ!”
Có người lại nói, mong là không xảy ra chuyện gì, lỡ mà cô nào quanh đây bị mấy ông tướng này chọc phá thì lại lớn chuyện, mọi người mặt mũi đều khó coi.
Cán bộ thôn nói vậy thôi cứ đợi bọn nhóc này về rồi hỏi xem.
Nhưng lần này mọi người chờ lâu lắc, đến tận lúc công nhân đều đã vào làm, đến tận giờ nghỉ ăn trưa mà đám người kia vẫn chưa về. Lão Ngụy vừa khều bếp vừa bảo: “Ê, đừng có nói tụi nó bị quỷ kéo xuống sông rồi nha.”
Cái miệng quạ của ông ta, nói việc tốt không trúng chứ xui rủi thì trúng phóc, nồi cải trắng còn chưa nấu xong, một đứa trẻ 13 14 tuổi kêu gào chạy vào, nói có người chết. Cán bộ xã sợ ngây người, vội nói nó dẫn đi xem. Còn chưa đến nơi, chân cán bộ xã bỗng bị trật khớp, đau đến độ nằm lăn nằm bò ra đất, ầm ỹ kêu đau không đi nổi. Cán bộ thủy lợi cũng nghe tin lái xe máy kéo đến. Nhìn thấy dáng vẻ của cán bộ xã thì trợn mắt mắng: “Vô dụng!”.
Cán bộ xã chuột rút đau quá, không còn cách nào khác đành để người khác cáng về. Vừa về tới ngồi xuống chỗ ông cố tôi thì nghe có người về báo, nói bốn người kia chết trên nắp quan tài, quần áo bị lột sạch, chết lộ cả mông trắng còn cười híp cả mắt. Ông cố tôi còn chưa nắn lại chân cho cán bộ xã xong, ông ta nghe tin báo đã nhảy dựng lên, ai ngờ đau quá hét ầm lên, giơ chân đá cho ông cố tôi một phát lộn nhào: “Ông nắn cái kiểu gì không biết?" Ông cố tôi không tức giận mà chỉ híp mắt cười.
Chẳng bao lâu sau, cán bộ thủy lợi huyện trở về, phía sau là mấy người trai tráng đang cáng những người chết. Người của cục thủy lợi trầm mặt, hỏi những chuyện xảy ra hôm qua. Có người đem chuyện nghe thấy tiếng phụ nữ hát kể lại. Người cán bộ thắc mắc: “Nửa đêm không ngủ ra bờ sông hát, có phải là bị điên không nhỉ?”
Ông nội tôi nhìn thấy bốn cái xác được vác về thì người phát run lên, trong lòng đang cám ơn ông cố đến cả trăm lần, nghe thấy lời của cán bộ cục thủy lợi liền tiếp lời: “Không bị điên chứ còn gì nữa? Nửa đêm ra sông hát, còn quan tài khổng lồ nữa chứ, đúng là dọa người mà!”
Ông nội tôi vừa nói xong liền bị ông cố táng cho một táng, vừa bị đánh xong thì chút cảm kích với ông cố trong đầu ông nội tôi đã bay biến sạch. Ông cố mắng ông nội: “Mông mình lau còn chưa sạch mà nói lung tung.”
Cán bộ nghe lời ông nội dường như hiểu ra gì đó, cho người vác mấy cái xác lên đê, lấy cỏ đắp lại, bảo người thông báo cho người nhà họ, nói bọn họ nửa đêm ra sông tắm bị chết đuối.
Cái chết của bốn người nọ đã ảnh hưởng không nhỏ tới mọi người, buổi trưa đắp đập đã không còn sức lực nữa. Mãi đến buổi tối thì mới miễn cưỡng làm xong, nhưng lúc này, những lời đồn đại về quỷ dưới sông đã lén lút truyền khắp công trình. Hôm qua mưa lớn, lại bị chuyện về cỗ quan tài dọa cho một trận kinh sợ, đi mất không ít người. Vốn dĩ đã thiếu nhân công, sau khi tin đồn lan truyền thì đến bữa cơm tối đã lại có có không ít người lén lút trốn về mất.
Ông nội vốn dĩ cũng tính chuồn đi, nhưng bị ông cố kéo lại: “Người ta đi rồi lúc về vẫn còn có cháo mà húp, cha con ta về rồi thì lấy gì mà ăn?” Ông nội nghĩ cũng phải, thế là lại ở lại kiếm thêm vài bữa cơm.
Ban ngày sửa đập so với việc kéo bùn dưới lòng sông Nghị Hà vẫn nhẹ nhàng chán, mấy người không bỏ về nằm trên đê tám chuyện xảy ra ban ngày. Có người nói cái quan tài to thế kia thì bên trong không biết phải có bao nhiêu người. Có người lại nói, quan tài to để nhốt người làm to. Lão già nấu cơm bảo: “Quan tài to chưa chắc để chứa người, nói không chừng là để chứa quỷ cũng nên.” Ông ta vừa nói xong mọi người đã sợ rúm lại, không ai thèm để ý đến ông ta nữa. Lão ta cười toe toét chửi: “Đám nhát chết!”
Trong đám công nhân có người không bị lão Ngụy dọa, nói: “Lão Ngụy, ông không nhát chết, vậy ông đi mở cái quan tài ra xem thử đi, xem bên trong có cái gì?”
Lão Ngụy lại toe toét cười, châm một điếu thuốc thuốc nói: “Mày làm như tao giống mày ấy, tao đâu phải là thằng ngu.” Nói xong quay người bỏ đi.
Mọi người sôi nổi bàn tán, nói lão Ngụy mồm thì cứng chứ lão cũng nhát, không dám đi. Mọi người lại nói một hồi, không biết sao lại nói đến ông nội tôi. Nói Thẩm Đinh may mà có cha cản lại, chứ không cũng đang cởi chuồng phơi mông trên quan tài. Ông nội tôi chửi: “Anh mới phơi mông trên quan tài ấy.”
Ông nội vừa nói xong, dưới sông đột ngột đưa lại một trận gió xào xạc, lần này, tiếng hát trong gió còn hay hơn hôm qua, tà mị mà ngọt ngào quyến rũ, giống như trái dưa hấu bị ngâm dưới nước giếng, trong lành ngọt mát. Đám người bọn họ nghe đến mê mẩn, không ai nói được lời nào.
Ông cố tôi lắng tai nghe một lúc nói: “Lần này không hát《Đỗ Thập Nương》nữa mà hát 《Mộ uyên ương》.”
Ông nội tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao cha cái gì cũng biết vậy?”
Ông cố liếc ông nội một cái: “Hồi mày còn chưa đẻ ra, bà nội mày thích nghe, nhà chúng ta từng mời gánh hát đến. Đó là hồi còn ngon lành... ”.
Ông nội nói: “Cô ta lảm nhảm hát cái gì thế?”
Ông cố lại nghe thêm một lúc, đọc từng câu từng chữ:
“Soi gương dung mạo gầy mòn,
Ngàn sầu vạn hận vẫn còn nguyên đây
Thề non hẹn biển từng nầy,
Hồng nhan bạc mệnh héo tàn xác xơ.
Đọc thư chàng đau như dao cắt,
Cô đơn ngồi một khắc ngàn thu
Lòng chàng thay đổi ai ngờ
Yếu mềm thân thϊếp nhờ ai bạn bầu.”
Đọc xong, ông cố nói: “Đây là một người phụ nữ nhớ chồng, có lẽ không ổn rồi...”
Ông cố tôi còn chưa dứt lời, bên ngoài đã truyền tới tiếng chân người, còn có ánh sáng đèn pin quét tới cùng âm thanh ồn ào náo nhiệt: “Vài người mau tới đây, chúng ta đi bắt quỷ thôi!”