Vào trong Nam mới biết màn thầu có nhân, trước giờ chỉ ăn bánh đặc ruột.
Hồi bé toàn ở nhà ông bà ngoại, tại một con xóm nhỏ giáp ranh Tây Bắc. Bà ngoại nấu đồ bột đảm lắm, nào màn thầu nào bánh bao nào bánh nướng đều là chuyện nhỏ. Mỗi khi đông về, tôi ngủ dậy thì bà đã tất bật lọ mọ. Tôi bò dậy trông ra ngoài cửa sổ, thấy nhũ băng rủ trĩu nặng cành cây khô là biết tuyết lại rơi cả đêm qua.
Tôi muốn gặp bà, bèn lật đật xuống giường xỏ giày chạy ra ngoài. Tuyết ngoài sân dâng tận mắt cá chân, giẫm một bước là sụt một hố, giẫm hai bước là tuyết chui đầy giày. Tôi lười cúi xuống xỏ lại giày cho hẳn hoi nên cứ kệ chân lạnh buốt.
Bà ngoại không đóng cửa nhà bếp, mùa đông mắc rèm bông dày, có lẽ là ông ngoại lấy áo choàng quân đội cũ làm, nặng lắm. Vừa tới cửa tôi đã ngửi được mùi bánh bao hấp với màn thầu hấp thơm lừng, hòa quyện vào hơi đông buốt giá.
Tôi kêu Bà ơi, bà hay mải việc nên không nghe thấy. Tôi kéo rèm ra, bà sẽ bảo tôi đợi bà một tí. Hồi nhỏ tôi ngoan lắm, bà bảo đợi là đợi. Tôi ngồi chồm hỗm ở cửa, vừa hít hà mùi thơm vừa nặn bóng tuyết. Mà gọi là bóng tuyết cũng chẳng phải, dù gì trong căn nhà nông thôn nho nhỏ ấy cũng chỉ có mình đứa con nít là tôi đây, chẳng có ai chơi ném bóng tuyết cùng, nặn ra cái gì thì là cái đó thôi. Tôi xếp đống đồ chơi tuyết tí hon thành một hàng, thấy chân đau, đau vì cóng quá. Lúc ấy mới thấy ghét tuyết, bèn rụt đôi bàn tay đỏ ửng ngứa ngáy vì cóng về, nhét vào trong túi rồi bắt đầu nhảy tưng tưng cho ấm người.
Cứ vài phút tôi lại hỏi một lần: “Chín chưa ạ? Xong chưa ạ?”
Nếu bà nghe thấy sẽ bảo: “Năm phút nữa!”
Năm phút là bao lâu nhỉ, trẻ con đứa nào biết đâu. Tôi chỉ biết là nhanh thôi, màn thầu với bánh bao sắp tới rồi. Chốc sau tôi lại hỏi, bà lại bảo năm phút. Năm phút sao mà dài thế, màn thầu với bánh bao của tôi chừng nào mới ra. Đến khi chín, chẳng cần bà gọi, tự tôi đã chầu sẵn.
Màn thầu mới chín lấp ló qua những cuộn hơi trắng phau, chen chúc vào nhau. Bà ngoại đổ bánh ra thớt rồi lật nhặt bánh nhanh như chớp. Bánh nóng như vậy mà bà lật thản nhiên như không. Tôi cảm thấy chiêu này mình cũng làm được, bèn nhặt theo bà, nhặt cái nào chén luôn cái đó.
Cái màn thầu tròn ú bưng trong tay nóng tới nỗi tôi muốn ném về. Khổ nỗi thèm quá không nỡ, đành phải thảy qua thảy lại hai tay cho nó bay hơi nguội bớt. Thảy một cái là cắn một miếng, cắn một miếng là sướиɠ hết cả người, dù bỏng tới mức không nói nổi nhưng vui thì cũng vui thôi rồi, ngỡ như ngủ dậy chỉ để ngóng chờ một miếng ấy thôi.
Về sau tôi đến Ôn Châu Chiết Giang, kêu màn thầu thì người ta bảo có nhân này nhân này, tôi muốn ăn loại nào. Tôi bảo tôi muốn ăn màn thầu lớn đặc ruột bình thường, không muốn bánh nhào máy mà là bánh nhào tay. Lúc đó không có, chỉ sáng mới có bán ở tiệm bánh bao. Có lần tôi thức xuyên đêm, năm giờ mò xuống nhà đi bộ kiếm màn thầu, kiếm được thì đứng luôn ngoài cửa tiệm ăn, vị tuy ngon nhưng chẳng hiểu sao nhai mãi chẳng ra hương vị ấy, hẳn là vì mùa đông trong Nam không có tuyết.
Ngoài màn thầu ra, bà ngoại còn làm cả bánh bao ngọt, bánh nướng ngọt cho tôi ăn. Bánh bao ngọt có cả đường nâu lẫn đường trắng, bánh hấp chín là đường bên trong đã chảy hết, cắn một miếng, nước đường rây đầy ra mặt, ngọt ngọt dai dai, một lúc có thể ăn tận hai cái.
Vầng dương ló dạng, nắng chiếu vào người xua tan hơi lạnh. Tôi vừa ăn bánh bao vừa chọc lũ gà đi ngang qua. Nghe tiếng bà ngoại bận rộn trong bếp, thấy ông ngoại khoác tấm áo bông dày đang quay trở về từ chỗ đàn dê. Tôi chờ ông gọi tôi, rồi chúng tôi cùng nhau quét tuyết. Ông đứng trước dùng chổi to quét, tôi theo sau dùng chổi nhỏ quét. Tôi khoe ông màn thầu bánh bao ngon tuyệt cú mèo, ông bảo tôi ngoài ao cá đóng băng có một cái lỗ, có con chim đang uống nước.
Tôi hỏi ông chim gì ạ.
Ông trả lời là con hạc tiên. Quét một lát nữa lại bảo, con cò trắng. Đến lúc tôi theo ông ra tới bờ ao thì ông lại bảo là con nhạn lạc đàn. Tôi cũng chẳng biết là chim gì, nhưng nó đến thật, đứng trên cái hố băng đó tỉ mẩn nhấp nước.
Hình ảnh ấy tựa một giấc chiêm bao, có lẽ vì sau này tôi toàn hình dung nó như vậy nên bây giờ khi nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy xung quanh nó có một làn sương mù bao phủ.
Năm nào tôi cũng chờ nó tới, cho đến ngày tôi rời căn nhà ấy, rời ngọn núi tuyết từng ngay trong tầm mắt.