Mùa Đông Ở Berlin

Chương 18: Là anh trai em (2)

Góc nhìn A: Thụ

Góc nhìn B: Công

B9

Khóe miệng Ngu Nam dính kem.

Vốn dĩ em ấy đã trắng, sau khi bị dính kem, em ấy lập tức trở thành một chiếc bánh kem thơm ngọt.

Tôi ngồi đối diện em ấy, vài giây sau không nhịn được vươn tay ra, lau kem trên khóe miệng em.

Hứa Trình bất ngờ đập tôi, tôi cũng chợt tỉnh táo lại vì điều này.

Sau đó nhịp tim rối loạn mất vài phút.

Cũng may hai anh em đối diện không nhận ra sự khác thường của tôi.

Ngu Nam cười nói cảm ơn với tôi, sau đó cầm khăn giấy bên cạnh tự lau khóe miệng.

Em trai em cúi đầu, cầm nĩa nhựa chọc một miếng bánh kem, không chú ý tới hành động của tôi.

Hứa Trình căng thẳng nhìn tôi, tôi xoa mũi, cầm khăn giấy lau ngón tay thật mạnh.

Sau đó tôi không dám tùy tiện nhìn Ngu Nam nữa. Hễ chúng tôi đối mặt với nhau, sẽ rất dễ khiến tôi quên mất mình là ai.

Khi bước ra khỏi KFC, Hứa Trình đề nghị đi xem phim.

Tôi rất biết ơn Hứa Trình vì đã phối hợp với sở thích của Ngu Nam, bỏ lịch trình đến quán net.

Chúng tôi đi bộ đến rạp chiếu phim.

Lúc trước tuyết rơi rất nhiều, bây giờ trên đường không có tuyết đọng nhưng thỉnh thoảng sẽ có những lớp băng mỏng.

Ngu Nam đi bên cạnh tôi, bên cạnh em là em trai.

Khi đi qua lớp băng, em đột nhiên trở nên rất thận trọng, hai tay hơi xòe ra, ngón chân đặt trên mặt băng, trông em bước đi như mọt chú chim cánh cụt nhỏ.

Em trai thì khác, nó băng qua rất hùng hổ, còn cười em ấy nhát gan.

Hứa Trình nói: “Hai đứa trượt tuyết bao giờ chưa?”

Ngu Nam lắc đầu.

“Mấy nữa chúng ta đi trượt tuyết đi.” Hứa Trình nhìn Ngu Nam, “Đến mùa xuân ấm áp là không chơi được nữa đâu.”

Em trai Ngu Nam gật đầu lia lịa, Ngu Nam lại nhìn sang tôi.

“Muốn đi không?” Tôi hỏi.

Ngu Nam chỉ cười.

Em cười một tiếng là tôi hiểu, quay lại hỏi Hứa Trình: “Cậu rảnh ngày nào?”

“Tớ ngày nào cũng được,” Hứa Trình nói, “Dù sao cũng sắp tết rồi, mẹ tớ không quan tâm đến tớ.”

Vì vậy trên đường đi, chúng tôi đã lên kế hoạch đi trượt tuyết vài ngày tới.

Ngu Nam chưa từng trượt, không, mặc dù em không nói nhưng tôi có thể nhận ra, em ấy hơi lo lắng nhưng rất mong chờ.

Tôi tưởng tượng em ấy lúng túng đứng trên ván trượt, bất lực đứng đó, nghĩ thôi cũng thấy đáng yêu.

Khi bốn người chúng tôi đến rạp thì bất đồng trong việc chọn phim.

Cuối cùng, Hứa Trình và Ngu Bắc cùng xem một bộ phim, tôi và Ngu Nam đến phòng chiếu khác.

Lúc kiểm tra vé, Ngu Nam nói: “Đây là lần thứ ba em đến rạp chiếu phim.”

Cầm tấm vé trên tay, em ấy cười nói: “Mấy năm trước chỗ chúng em mới xây một cái nhà hát, có thể chiếu phim, trường từng tổ chức một lần, năm ngoái sinh nhật chúng em, mẹ cũng dẫn đến đó một lần.”

Em kể: “Thị trấn của chúng em rất nghèo, rạp chiếu phim không xịn thế này.”

Tôi biết họ đến từ thị trấn xa xôi, nhưng chưa bao giờ hỏi họ ở đó thế nào.

Khi Ngu Nam nói với tôi những điều này, tôi biết dù quá khứ em ấy sống thế nào cũng chẳng liên quan đến mình, nhưng trong lòng vẫn khó chịu.

Chúng tôi bước vào, tôi không kìm được vươn tay xoa nhẹ mái tóc em.

Rất mềm, rất mượt.

Tôi nhớ tới một quảng cáo socola mà mình từng xem trước đây. Trong quảng cáo đó, họ so sánh socola mềm mượt như tơ. Nhưng khi ngón tay tôi đan vào mái tóc Ngu Nam, tôi cảm giác tóc em ấy còn mềm hơn tơ.

Tôi nói: “Nếu em thích, sau này chúng ta có thể đến thường xuyên.”

Em ấy nhìn tôi cười: “Thôi ạ, chúng ta không kiếm ra tiền, không thể tiêu tiền bố mẹ như vậy được.”

Có một thoáng, tôi bỗng thấy tự ti khi đối diện với em.

Nhỏ hơn tôi một tuổi, nhưng lại hiểu chuyện hơn tôi.

“Không sao đâu,” Tôi nói, “Bao giờ anh thi đại học xong sẽ đi làm thuê, anh kiếm tiền cho em tiêu.”

Em ấy cười nói: “Vậy cũng không được.”

“Không gì là không được.” Sau đó tôi như tự cảnh cáo bản thân, nhỏ giọng lẩm bẩm, “Anh là anh trai của em.”

Tôi là anh trai em ấy.

Tôi phải gạt đi những suy nghĩ đáng xấu hổ đó.

Như tuyết vùi lấp đất, mưa chấn chìm thành phố.

Tôi phải khiến tình yêu chớm nở này lụi tàn càng sớm càng tốt.