Mùa Đông Ở Berlin

Chương 1: Chuyển đến (1)

Góc nhìn A: Thụ

Góc nhìn B: Công

A1

Ngày chúng tôi chuyển đến, thành phố này đang có tuyết rơi.

Từ nam chí bắc, mười bảy năm qua, chưa ai trong chúng tôi từng thấy tuyết rơi dày như vậy.

Ngồi trong xe, ngoài cửa sổ là một thế giới khác.

Cảnh tuyết trắng xóa, mù sương, rơi thành từng đám không giống những gì tôi đọc trong sách.

Có lẽ đó không phải lỗi sai của cuốn sách, mà sai là thời điểm tôi đọc nó, với lượng kiến thức hạn hẹp của mình, tôi không thể hình dung được nó, vậy nên tôi đã tự nhận định, tự dựng hình ảnh trong tâm trí.

Bây giờ thấy tuyết thật, khó tránh khỏi có chút khác biệt.

Ngón tay tôi chọc lên cửa sổ kính, để lại những dấu vân tay mờ mờ. Khi tôi đang cố gắng mở cửa sổ và với tay ra để hứng một nắm tuyết sắp rơi, đứa em trai hiếu động ngồi bên cạnh lập tức nắm lấy tay áo tôi, nói: “Anh, anh xem cái gì kia?”

Tôi ngoảnh lại, nhìn ra cửa sổ bên kia.

“Pizza đấy.” Tôi đáp.

Nó vỗ vào người tôi, không hài lòng với câu trả lời ấy: “Dĩ nhiên em biết đó là pizza, ý em là tên cửa hàng! Chỗ chúng mình không có!”

Thành phố chúng tôi từng sống cách đây rất xa, xa tới mức cùng một quốc gia mà như khác múi giờ.

Thời gian mặt trời mọc và mặt trăng lặn khác nhau, thời gian mọi người ra ngoài và về nhà cũng khác nhau.

Thật ra chúng tôi sống ở đó khá ổn, nhưng buộc lòng phải theo mẹ đến đây để đoàn viên với bố.

Em trai nói: “Buổi tối ăn pizza được không?”

“Không được.” Tôi quả quyết từ chối nó, “Anh không thích.”

“Nhưng em muốn ăn.”

Chúng tôi luôn như vậy đấy. Là anh em sinh đôi, nhưng trước nay chưa bao giờ ăn ý với nhau.

Năm xưa khi sinh ra chúng tôi, mẹ đã đặt tên một Nam một Bắc, ngụ ý rằng bố và mẹ cách nhau trăm sông nghìn núi, hai chúng tôi là nhân chứng tình yêu của họ.

Nhưng có lẽ cái tên cũng quyết định tính cách.

Tính tình chúng tôi trái ngược nhau giống như tên.

Nó dựa vào người tôi, lẩm bẩm: “Ở đây có vẻ lạnh thật.”

“Chắc thế.”

“Ở đây hình như rất ít người.”

“Chắc thế.”

“Ở đây trông chẳng khá hơn chỗ chúng mình là bao.”

“Chắc thế.”

Nó cười tôi: “Anh có thể nói câu khác không?”

“Có thể.” Tôi đáp, “Em ồn quá.”

Chúng tôi đang “đấu võ mồm” thì đã đến nơi… trước một tòa nhà dân cư bình thường ở thị trấn nhỏ phía bắc này.

Em trai phàn nàn: “Sao ông ấy không tới đón chúng ta?”

Mẹ ngồi phía trước im lặng nãy giờ, quay lại nói: “Chút nữa vào nhà, các con đừng nói linh tinh.”

Một ngày trước khi chúng tôi đến, hành lý đã được chuyển đến.

‘Kiện hàng’ cuối cùng chính là thân xác chúng tôi đây.

Vừa mở cửa xe, một làn gió mát lập tức lùa vào, tôi nghe em trai sau lưng lẩm bẩm chửi bậy.

Tôi quay lại nhìn, nó đã xuống xe từ bên kia.

Nhìn mặt đất trắng xóa trước mặt, tuyết bị bánh xe đè lên nom như kem được tạo hình bằng khuôn.

Tôi cẩn thận bước lên như sợ mình sẽ bước hụt, rơi từ lớp kem bên trên vào ruột bánh gato mềm mịn bên trong.

Vì tôi không thích ăn bánh gato, nên rất sợ.

Khoảnh khắc ngón chân chạm đất, tôi suýt trượt chân.

Em trai quấn áo khoác chạy lại kéo tôi: “Lề mà lề mề!”

“Trơn đấy.”

Tôi vừa dứt câu thì nó ngã lăn quay ngay dưới chân tôi.

Tôi cười hả hê, nhìn nó nhướng mày nhưng không đưa tay ra kéo nó dậy.

Trong khi hai chúng tôi quậy ở đây, mẹ đã cầm chiếc túi xách mà bà mua bằng rất nhiều tiền, bước tới cửa tòa nhà.

Bà ngoảnh lại gọi chúng tôi, “Lại đây nhanh lên, đừng làm ồn.”

Em trai ngửa đầu nhìn tôi, bĩu môi vươn tay ra với tôi.

Tôi kéo nó dậy, cẩn thận đi về phía cửa đơn nguyên* kia.

(*Một tòa nhà trong quần thể nhiều tòa nhà dân cư)

Đây chỉ là một tòa nhà dân cư bình thường, trông chỉ mới hơn tòa nhà chúng tôi từng ở một chút.

Mẹ bấm chuông cửa tầng dưới, trong mấy chục giây chờ câu trả lời, có vẻ bà ấy rất căng thẳng.

Lúc đó tôi không hiểu tại sao mẹ lại căng thẳng, nhưng vài phút sau thì tôi hiểu ra.

Giọng người đàn ông vang lên, trầm thấp và chững chạc khiến tôi thấy lạ nhưng cũng hơi quen thuộc.

Trong mười bảy năm qua, số lần tôi gặp người đàn ông này có thể đếm được trên đầu ngón tay. Tôi gọi ông ấy là bố, nhưng ông ấy luôn vắng mặt.

Ông ấy vắng mặt trong cuộc sống của chúng tôi, mang theo chiếc vòng nguyệt quế ‘Người cha’ đến xứ lạ.

Mãi sau này tôi mới biết, đây không phải ‘xứ lạ’ với ông ấy, chỗ chúng tôi mới là ‘xứ lạ’.

Tôi và em trai đứng trên bậc thềm sau lưng mẹ, nhìn chiếc túi mới mua, áo khoác mới sắm và bộ tóc mới uốn của bà.

Bà rất xinh đẹp, đã ngoài bốn mươi nhưng bóng lưng còn trẻ hơn cô gái xinh đẹp nhất trong thị trấn của chúng tôi.

Mái tóc bà rất dày, lúc nào cũng buộc bừa sau đầu, giống như thái độ sống tùy ý của bà. Nhưng khi sắp chuyển nhà, bà đã đến tiệm cắt tóc xịn nhất trong thị trấn, tìm thợ làm tóc đắt nhất để uốn tóc cho mình.

Trong mắt tôi, mái tóc này uốn hơi lỗi.

Phần đuôi tóc xoăn lại, từng lọn tóc cuộn vào nhau, khiến bà trông như nữ ca sĩ Thượng Hải xưa trong phim truyền hình. Ý tôi không phải là bà không đẹp, bà không xuất sắc, chẳng qua là tôi thấy không hợp với bà.

Khuôn mặt thanh tú của bà phù hợp với kiểu búi tóc hơi xõa hơn.

Rất xinh đẹp.

Nhưng em trai tôi lại nói bà thế này rất đẹp, giống như nữ chính trong phim, có thể khiến mọi người yêu mến ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Hiển nhiên lời khen của nó càng khiến bà vui hơn, tôi cũng đành im lặng.

Không biết tại sao, giây phút chúng tôi đứng trong gió lạnh chờ mở cửa, tôi nhìn theo bóng lưng bà, vậy mà lại nhìn ra chút buồn bã.

Buồn gì vậy?

Tôi cũng chẳng biết.

Sau khi giọng người đàn ông vang lên, mẹ tôi mừng rỡ.

Bà trìu mến gọi tên ông rồi nói: “Chúng em đến rồi.”

Tôi nghe thấy tiếng mở khóa, cửa lầu mở ra.

Mẹ giục chúng tôi lên lầu, nói: “Có anh trai ở đây, các con vào nhà không được làm ồn.”

Chúng tôi đều không hiểu ý bà, cho đến khi bước vào nhà, đứng ở cửa và lúng túng nhìn vào.

Một chàng trai cao ráo, trạc tuổi chúng tôi, mặc quần jean và áo len trắng đang đứng đó, nhìn chúng tôi ngoài cửa.

Anh đứng cách đó vài bước, không xa sau lưng người mà chúng tôi gọi là bố.

Nhưng khi nhìn chúng tôi, anh như con đại bàng đơn độc đang nhìn những ngọn núi phía xa, và con mồi mà anh nhắm đến trong những ngọn núi.

Tôi hơi sợ anh.

Tôi định tránh xa ngôi nhà này.