Tâm Lí Học Mỗi Ngày

Chương 4: 10 Biểu Hiện Của Người Mắc Hội Chứng “Tự Yêu”

10 BIỂU HIỆN CỦA NGƯỜI MẮC HỘI CHỨNG “TỰ YÊU”

Hội chứng Tự Yêu (NPD: Narcissist Personality Disorder) là hội chứng hành vi tránh bị tổn thương xúc cảm, luôn cố tìm kiếm vị trí cao hơn, thái độ tỏ ra hơn người, ít có sự thông cảm thấu hiểu cho người khác.

Nguyên nhân của việc mắc hội chứng Tự Yêu chưa được chứng minh rõ ràng nhưng được tìm thấy ở số đông người có gen Tự Yêu di truyền hoặc từ người có tuổi thơ chứa nhiều bi kịch lớn, hoặc người chịu đựng mất mát sâu sắc về người thân, thân thể, tài chính, tình yêu thương của cha mẹ anh chị em.

Thái độ của những người có hội chứng Tự Yêu thường hay nghi ngờ tất cả mọi người thậm chí cả những người thân thiết nhất như bố mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng, bạn bè.

Lý do bởi người mắc NPD thường không tin bất cứ ai nên họ thường không bao giờ đặt mình vào tình huống rủi ro, dù cho bên ngoài họ có tỏ vẻ tự tin, lạnh lùng hay cao ngạo. Người tự yêu sẽ không bao giờ lộ điểm yếu bởi với họ nói về điểm yếu của mình sẽ là cách để người xung quanh lợi dụng tấn công và kiểm soát họ. Do đó, nhiều nhất có thể, họ sẽ tìm cách để tỏ ra mình mạnh mẽ, giàu có, tự tin, giỏi giang, thành đạt hơn những gì họ thực có hoặc thực cảm thấy.

Người mắc hội chứng Tự Yêu thường không bao giờ muốn đi gặp bác sĩ tâm lý, tìm kiếm lời khuyên từ người thân bạn bè bởi họ không muốn để lộ ra điểm yếu của mình khi phải nói với bác sĩ hoặc người thân nỗi khổ đau, giận dữ, mất tự tin hay lo lắng của mình. Họ sẽ tự sống trong thế giới của mình, tự bảo vệ mình bằng vỏ bọc mạnh mẽ và cao ngạo.

Sau đây là những thử thách vô cùng lớn khi giao tiếp hoặc sống chung với những người Tự Yêu:

1. Họ chỉ hài lòng khi thấy những việc bạn làm tốt cho họ

Họ thích mọi thứ người xung quanh làm phải quay quanh họ: công việc của họ, sức khỏe của họ, con cái họ, bạn bè họ, cảm xúc và nhu cầu của họ. Mọi câu chuyện sẽ chỉ xoay quanh họ, nếu bạn định nói gì, làm gì không liên quan đến quyền lợi họ mong muốn, họ sẽ lập tức ngắt lời, chen ngang, tảng lờ để lái câu chuyện hay việc làm trở về hướng nghĩ của họ theo mong muốn của họ.

2. Họ luôn tỏ ra là nạn nhân

Nếu như họ thất bại trong công việc, đó sẽ luôn là lỗi ở đồng nghiệp hay sếp hoặc khách hàng, nếu như họ thất bại trong hôn nhân, đó luôn là lỗi của người bạn đời, con cái hay xã hội. Họ sẽ nắm rất chắc trong tay khó khăn của bản thân và dùng nó vào việc xin cảm thông, yêu thương và giúp đỡ vô điều kiện của người khác.

3. Họ sẽ không bao giờ lắng nghe, không bao giờ thấu hiểu

Cho dù bạn có cố gắng nói cho họ biết, giải thích cho họ hiểu hàng trăm lần, dù lời nói của bạn có hợp tình hợp lý bao nhiêu cũng chỉ như nước đổ đầu vịt. Họ có thể sẽ nhắc lại y nguyên những gì bạn cố gắng diễn đạt nhưng họ chẳng bao giờ để vào đầu hoặc thậm chí cải biến nó đi theo nghĩa xấu. Bởi vì suy nghĩ và cảm xúc của họ đang rất bận rộn yêu thương bản thân họ. Nếu bạn nói về niềm vui hay nỗi buồn của bạn, mong muốn thầm kín của bạn, họ sẽ lập tức chuyển sang vấn đề của họ.

4. Họ sẽ không bao giờ làm gì vô tư

Một bữa tiệc sẽ không chỉ đơn giản là một bữa tiệc vui, nó sẽ là sự tham gia của bạn sẽ đem lại cho họ một lợi ích lớn về làm ăn, một món quà không phải là để làm bạn vui mà món quà đó sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho họ như nếu là máy ảnh, thời gian tới, bạn sẽ là chuyên gia chụp ảnh cho họ, nếu là điện thoại, là để họ có thể liên lạc và dò tìm bạn, một chuyến đi xa, là để thực hiện vụ việc làm ăn của họ.

5. Họ không bao giờ xin lỗi

Những người Tự Yêu sẽ không bao giờ có thể nói rằng: “Tôi sai rồi, tôi kém quá, tôi cần sửa chữa, tôi cần cải thiện, tôi thật ngớ ngẩn, …” bởi đối với họ, nói những lời nói đó ra gây cảm giác đau khổ, thất bại và ngu ngốc.

6. Họ sẽ luôn là trung tâm của vũ trụ

Bởi vì khao khát là trung tâm của vũ trụ quá mạnh, người Tự Yêu thường chỉ nói những lời nói khẳng định bản thân như: “Tôi luôn là số một, người ta chỉ thích tôi thôi, tôi luôn đúng giờ, tôi chẳng bao giờ mắc lỗi đó, tôi là người đặc biệt,…”. Họ rất nhanh chỉ ra yếu điểm của người xung quanh và nhấn mạnh ưu điểm của mình khiến lời nói của họ càng thêm thuyết phục.

7. Khao khát kiểm soát và thống trị

Người Tự Yêu có khao khát cháy bỏng được kiểm soát và thống trị người xung quanh hoặc bằng tiền bạc, địa vị hoặc cảm xúc. Khi họ chi tiền cho ai, đó là khi họ cần người đó làm gì gì đó to tát cho họ sau đó. Khi họ bày tỏ tình cảm hay im lặng là họ muốn người liên quan bị cuốn theo thái độ của họ. Khi họ giận dữ thường do không phải ai đó làm họ buồn hay giận và họ chỉ tỏ thái độ giận dữ để muốn người liên quan hoảng sợ, chịu thua để họ bắt nạt, chèn ép hoặc thống trị.

8. Họ sẽ không bao giờ trao đổi trực tiếp

Vì luôn muốn đặt mình vào thế chủ động và người liên quan vào thế yếu, người tự yêu thường không giao tiếp trực tiếp. Họ sẽ đưa ra những lời hứa hão, những động tác giả, những hàm ý không thật để người liên quan tin tưởng hy vọng và cố gắng hết sức để làm việc tốt cho họ nhưng khi người tự yêu đối xử không tốt với người liên quan, không ai có lí do gì để khiếu nại hay chỉ trích. Hơn nữa họ cũng hãy nói những lời nước đôi, nửa nạc nửa mỡ khiến người xung quanh càng khó nhận ra họ đang bị lòe bởi thói Tự Yêu.

9. Họ sẽ không bao giờ cho ai sự bình yên hay an toàn về xúc cảm

Những người mắc hội chứng Tự Yêu thường hay cố tình làm cho người khác phải cần mình, họ không cho người xung quanh khoảng không gian riêng, bày tỏ ý kiến và cảm xúc cá nhân riêng để phát triển bản thân. Ngược lại họ sẽ làm mọi việc để người liên quan ít được chủ động nhất và luôn phải phụ thuộc và chờ đợi họ. Bên cạnh đó, họ luôn đưa ra các ý kiến trung lập, thể hiện cảm xúc trung lập hoặc lúc nóng lúc lạnh, không thống nhất để người xung quanh luôn có cảm giác không chắc chắn, không an toàn. Ngược lại, họ lại đòi hỏi người liên quan phải có quan điểm rõ ràng, phải bày tỏ hết các góc sâu của xúc cảm và suy nghĩ để họ có thể có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó và đẩy người liên quan vào tình thế mong manh, vô định.

10. Họ sẽ không muốn hoặc không bao giờ thay đổi

Bởi vì những chấn thương về tâm lý thời thơ ấu để lại quá mạnh, cộng với thói quen sống, sinh hoạt và ứng xử nhiều năm và được chấp nhận bởi những người xung quanh họ sẽ gần như không thể thay đổi được tính cách cũng như ứng xử của mình. Suốt cuộc đời họ sẽ cư xử như thế, dù người liên quan có bỏ đi, có cảnh báo, có yêu thương, có mềm nắn rắn buông, mọi việc sẽ vẫn thế, trái đất sẽ vẫn luôn quay quanh người Tự Yêu. Nếu người liên quan bỏ họ đi, họ sẽ tìm đến những người hay cảm thông khác để tiếp tục hành trình tỏ ra là nạn nhân hoặc trên cơ với người liên quan.

Ít hay nhiều, chúng ta đều có biểu hiện hội chứng Tự Yêu, tuy nhiên trong mức độ bình thường chúng ta không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và cảm xúc của người xung quanh. Nhưng, nếu mức độ Tự Yêu (NPD) lên đến mãn tính, chúng ta thấy rằng, người bình thường gần như không thể chung sống bình yên và hạnh phúc và yêu thương một người mắc hội chứng Tự Yêu mãn tính. Bởi sống chung với họ quá gian nan khi họ không bao giờ chia sẻ hay thừa nhận điểm yếu của mình, không biết yêu thương thông cảm và thấu hiểu cho người người khác, một người luôn sống trong vỏ bọc mạnh mẽ rằng người ấy không cần ai cả, không cần cả chính người bạn đời hay người yêu thương họ nhất, người phủ nhận hết những đóng góp, yêu thương của người liên quan.

Tuy nhiên, khoa học thực nghiệm đã chứng minh rằng được một vài phương pháp chuyển tiếp tâm lý trị liệu, tâm lý tập trung, thần kinh hóa có tác dụng tích cực trong việc giúp người NPD tư duy thấu tình đạt lý hơn, nhiều sự thông cảm thấu hiểu và chia sẻ hơn. Hơn tất cả, sự kiên nhẫn, thấu hiểu, yêu thương, kiên nhẫn và kiên định của người thân cũng có thể là phương pháp hữu hiệu nhất để giúp chúng ta sống chung hòa bình với người NPD.