Hoa Vong

Chương 19: Sắp không thái bình nữa rồi!

Sau khi dành cả một buổi chiều để chào tạm biệt mọi người và ăn bữa cơm chia tay cùng Lâm với Dũng mất cả buổi tối, thì cũng đã hết một ngày.

Đêm đến ngồi trên giường nghìn đống hành lý chất đầy một góc nhà mà lòng Nguyệt Hoa não nề. Cô buồn chán mở tủ cầm một lon bia rồi bác thang trèo lên mái nhà ngồi vắt vẻo, vừa nhâm nhi uống bia lạnh vừa ngắm trăng. Nhìn những ngôi nhà cấp bốn đã cũ kĩ rồi lại nhìn những ngồi nhà cao tầng mới xây, cô chợt nhớ đến khung cảnh tấp nập mỗi khi đêm về ở Hà Nội. Trên đó tầm này xe cộ vẫn còn đông đúc, nơi phố thị dòng người nườm nượp khiến cho một số kẻ bị cuốn vào mà lạc mất đường về nhà. Trên thành phố đúng là cái gì cũng có, cái gì cũng tốt, chỉ là không yên bình như ở dưới quê. Nếu có thể cứ mãi như bây giờ, thì tốt biết mấy...

Ngồi thêm một lát Nguyệt Hoa quyết định đi ngủ, lấy sức lực để ngày mai còn lên đường.

...

Sáng sớm hôm sau đồng hồ báo thức còn chưa kêu, Nguyệt Hoa đã bị đánh thức bởi một cuộc điện thoại. Mà sau khi nghe xong cuộc gọi này cô lại vui như vừa nhận được tin trúng số độc đắc, hất chăn xuống giường quên cả xỏ dép cứ thế chạy qua phòng Lâm và Dũng hét toáng lên. Không rõ là tại sao hay có chuyện gì, nhưng bố mẹ cô vừa gọi điện cho cô và nói rằng tạm thời bố mẹ bận việc nên chưa về quê đón cô được, kêu cô cứ ở lại đây chơi thêm một thời gian nữa. Còn về chuyện học hành của cô trên này bố mẹ cô đã lo liệu hết cho rồi, bảo cô không cần phải lo. Lúc nghe cô thông báo, Lâm và Dũng bất ngờ tới nỗi tỉnh cả ngủ, rồi cả ba người mặc nguyên bộ đồ ngủ nắm tay nhau hò reo, nhẩy cẫng lên đầy vui sướиɠ.

Trong nhà bà Đào.

- Vậy là tạm thời cháu không phải quay về thành phố nữa hả? - Tiếng của bà Đào.

Nguyệt Hoa ngồi trên ghế vừa ăn kem vừa tí tởn đáp:

- Dạ. Bố mẹ cháu bảo ở xưởng may đang có lô hàng cần gấp nên không có thời gian về đón cháu, kêu cháu cứ ở nhà chơi rồi độ khoảng nửa tháng nữa xong việc thì sẽ về đón ạ. À mẹ còn bảo, bây giờ ông ngoại có tuổi rồi ở một mình sẽ thấy cô đơn, nên kêu cháu nhân dịp này ở lại chơi với ông một thời gian cho ông đỡ buồn.

Bà Đào gật gù:

- Ừ, thế cũng tốt. Dù rằng ông ngoại cháu có thằng Lâm và thằng Dũng chăm lo cho rồi, nhưng chung quy cũng không bằng con cháu trong nhà.

Nói tới đây bà bỗng nhớ ra gì đó, liền hỏi:

- Thế ông ngoại cháu bảo khi nào thì công tác về?

- Dạ ông bảo mấy hôm nữa sẽ về ạ!

Nguyệt Hoa vui vẻ trả lời, bàn tay phải còn đang không ngừng bấm bấm điện thoại gửi tin nhắn cho một bà chị chơi thân học cùng trường, báo tin sẽ đi học muộn.

Chú Nhất ngồi bên cạnh cúi đầu vân vê cây kem vị dâu, đây là quà mà Nguyệt Hoa mua cho mọi người mừng được ở lại thôn chơi, vì biết chú thích ăn vị này nên đã đặc biệt mua riêng cho chú. Phần tóc mái ở trước trán mới cắt chưa được bao lâu nay đã dài lại làm che mất cả tầm nhìn, nhưng chú có vẻ không cảm thấy vướng, cứ để lòa xòa như vậy cũng chẳng buồn vuốt lên.

- Chú sao thế? Không bóc được vỏ kem hử?

Bên tai bỗng vang lên giọng nói trong trẻo của Nguyệt Hoa, sau đó một bàn tay mũm mĩm xòe đến trước mặt chú.

- Chú đưa đây cháu bóc cho.

Chú thẫn thờ nhìn bàn tay đó mấy giây rồi nhẹ nhàng đặt cây kem lên, sau đó chú ngẩng mặt nhìn cô vui vui vẻ vẻ mạnh mẽ xé vỏ cây kem ra làm đôi và đưa lại cho mình. Chú đón lấy cây kem rồi đột nhiên hỏi:

- Hoa vui đến thế sao?

- Dạ?

Nguyệt Hoa không hiểu câu hỏi của chú nên nhìn chú nhướn mày hỏi lại.

- Được ở lại đây ấy, Hoa thấy vui lắm hả? Thấy Hoa cứ cười suốt.

- Đương nhiên rồi ạ! Vui cứ như tết ấy!

Nguyệt Hoa không chần chừ mà đáp lại ngay, lại còn bonus thêm nụ cười kéo tới tận mang tai nữa.

Chú Nhất nhìn khuôn mặt cười tươi như hoa của cô thì cũng không nói gì thêm nữa, chú gật gật đầu rồi quay đi. Nhưng niềm vui sướиɠ của Nguyệt Hoa chưa được mấy chốc thì đã bị một giọng nói oang oang làm cho tắt ngấm.

- Mẹ ơi! Mẹ Nguyệt Hoa! Mẹ đâu rồi?

Ngoài cửa đột nhiên xuất hiện một bóng dáng quen thuộc, Điệp vừa mới chạy tới cửa đã gọi ầm lên. Trông thấy Nguyệt Hoa đang ngồi trên ghế nhăn mặt nhìn mình chằm chằm, nó tức giận hùng hổ xông đến và hỏi tới tấp như tra khảo:

- Mẹ, quay về Hà Nội là sao hả? Sao lại đột ngột như thế? Sao trước đó con không nghe mẹ nhắc gì đến chuyện này hết vậy?

Buổi chiều hôm qua Điệp phải đi học thêm đến tối mới về, vì mệt quá nên nó đã lên giường ngủ luôn. Đến buổi buổi hôm nay ngủ dậy thì nghe bà ngoại nói hôm nay Nguyệt Hoa sẽ quay về Hà Nội để đi học và phải một năm nữa mới về lại quê. Vừa nghe xong nó liền hoảng hốt vội vã, không cả ăn sáng mà chạy một mạch qua bên này tìm cô. Khi nãy nhìn thấy cô nó không kìm được mà xém nữa thì bật khóc, nhưng thật may cô vẫn còn ở đây, người có mùi của mẹ vẫn đang ngồi trước mặt nó.

- Nhóc phiền phức thật đấy.

Nguyệt Hoa chán ghét lên tiếng, cô chọn đại một cây kem trong thùng đá rồi dí đến trước mặt Điệp, nói tiếp:

- Chị đây có phải phạm nhân đâu mà nhóc tra khảo dồn dập thế. Còn nữa, vào nhà thấy có người lớn thì phải chào hỏi đàng hoàng chứ, hét cái gì mà hét.

Lúc này Điệp mới ý thức được mình đã hơi lố, vội vàng quay sang nhìn bà Đào và cúi đầu lễ phép nói:

- Cháu chào bà Đào ạ!

Bà Đào đang ngồi nhặt rau liền bật cười, gật gù đầu:

- Ừ, bà chào cháu.

Rồi bà quay sang nói với Nguyệt Hoa:

- Mấy đứa cứ ngồi chơi đi nhé. Bác xuống bếp nấu cơm cái đã.

- Dạ vâng ạ.

Bà Đào vừa khuất bóng, Nguyệt Hoa liền giơ tay cốc vào đầu Điệp một cái rõ đau, cô dụng sịu:

- Đã bảo là đừng có gọi như thế nữa rồi mà! Nhóc bướng bỉnh thật đấy.

Cái cốc đầu này còn đau hơn cả cái lần đầu tiên hai người gặp nhau, nhưng chẳng hiểu làm sao Điệp lại không cảm thấy ghét, ngược lại còn cảm thấy vui vui. Cậu chu mỏ xoa xoa đầu, bẽn lẽn hỏi:

- Thế… mẹ phải đi thật sao?

Nguyệt Hoa hừ một tiếng, không tình nguyện đáp:

- Đồ ngốc. Nếu phải đi thì giờ này đã đi rồi, làm gì mà còn được ngồi ở đây để nhóc tới tra khảo nữa. Thật là!

Điệp nghe xong thì vui mừng khôn siết, cậu nhóc cười he he rồi cầm theo cây kem đi tới ngồi cạnh chú Nhất và bắt đầu bóc ăn. Nguyệt Hoa nhìn khuôn mặt tươi cười như mùa xuân hoa nở của nó thì sởn hết cả gai ốc, chê bai nói:

- Nhóc đừng có mà cười như thế, gớm ghiếc quá đấy! Làm người ta nổi hết cả da gà rồi đây này.

- Kệ mẹ chứ.

Điệp chẳng vì vậy mà bị ảnh hưởng tâm trạng, cậu nhóc vẫn tấm tắc cười và còn quay sang hỏi chú Nhất có ăn vị này không. Chú Nhất liền lắc đầu, giơ cây kem trong tay lên ý nói là chỉ thích ăn vị này thôi, Điệp liền gật gật đầu rồi nói cái gì mà "Vị dâu rất ngon, lần sau cháu sẽ bảo mẹ mua cho". Nguyệt Hoa nhìn hai người trao trao đổi đổi mà không tin nổi lắc lắc đầu. Cái thằng Điệp láo toét kia mới hôm nào còn gọi chú Nhất là thằng ngốc mà giờ lại ngồi nói chuyện thân thiết với chú ấy như thế kia, đúng là không lường trước được điều gì mà.

Bên ngoài đột nhiên vang một giai điệu nhạc quen thuộc, sau đó là giọng đọc thu cài đặt sẵn của một nữ cùng với nam phát thanh vang lên đều đều.

- Đây là đài phát thanh thôn Chiềng

- Đây là đài phát thanh thôn Chiềng.

- Kính thưa toàn thể bà con nhân dân, sau đây là thông báo khẩn cấp trừ trưởng thôn. Những ngày gần đây trong thôn Chiềng thường xuyên xảy ra vụ việc trẻ em mất tích không rõ nguyên do, cho tới hôm nay đã có ba đứa trẻ được cho là mất tích và hiện chưa thể tìm về. Đối với vụ việc này, chúng tôi đã báo cáo lên chính quyền địa phương và yêu cầu cơ quan chức năng cùng bắt tay vào việc tìm kiếm các cháu bé. Tuy nhiên, để các sự việc đáng tiếc như vậy không xảy ra nữa, chúng tôi yêu cầu các bận phụ huynh, cha mẹ hãy trông nom và bảo vệ con em mình thật tốt, không cho các cháu lang thang một mình ngoài đường, đặc biệt là khi trời đã tối. Cuối cùng, nếu có gia đình nào nghi ngờ hoặc phát hiện con em mình mất tích xin hãy ngay lập tức thông báo ngay cho trưởng thôn, để chúng tôi có thể kịp thời nhanh chóng xử lý vụ việc. Xin cảm ơn!

Tiếng loa phường đột ngột phát vào buổi trưa vừa kết thúc, ngoài đường im ắng một hồi rỗi bỗng dần dần xôn xao những tiếng nói chuyện to nho. Ở trong này, bà Đào đang ngồi dưới bếp nấu cơm nghe thấy tiếng loa thông báo cũng dập vội đống củi đang cháy rồi đi nhanh ra ngoài. Nguyệt Hoa thấy vậy cũng hớn hở cầm cây kem chạy theo.

Bên ngoài lúc này mấy ông bà hàng xóm xung quanh đã đứng túm tụm lại một chỗ, vẻ mặt ai nấy cũng đều tỏ ra lo sợ bàn luận không ngớt mồm. Trong đó một người đàn bà tuổi khoảng năm mươi tay bế một đứa bé gái, mở miệng bô bô trách cứ:

- Sao đương đâu lại mất tích? Bố mẹ trông nom con cái kiểu gì mà lại để chúng nó đi lạc mất, chết dở!

- Ôi dào ơi, này chắc là lại mải ăn chơi đàn đúm đây mà! Chỉ tội nghiệp mấy đứa nhỏ, mất tích mấy ngày trời thế này thì làm gì còn hy vọng nữa.

- Công nhận. Giờ chỉ còn biết cầu trời khấn phật soi sáng cho mấy đứa nhỏ tìm được đường về nhà thôi, A Di Đà Phật!

- Mà nói chớ, dạo gần đây cái thôn này cũng làm sao ấy chứ, cứ hết chuyện này lại đến chuyện kia.

Mấy ông bà hàng xóm mỗi người một câu bàn tán xôn xao, bà Đào và Nguyệt Hoa không tới tham gia mà chỉ đứng ở cửa nhà nghe ngóng tình hình. Thiết nghĩ, nếu có hơi sức lo chuyện của người khác không bằng trông nom con cháu nhà mình cho tốt, chứ cứ đứng đấy bàn tán chuyện nhà người ta thì cũng chả giải quyết được việc gì.

- Này các bà. Liệu có khi nào mấy đứa trẻ mất tích này cũng là do âm b… bắt đi không nhỉ? – Bất chợt trong đám đông có một người phụ nữ trung niên lên tiếng phá vỡ bầu không khí đang sôi nổi trong tích tắc.

Người đó vừa dứt lời mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía bà ta. Mặc dù bà ta không nói hẳn cái tên kia ra, nhưng những ai đã từng có mặt trong ngày cúng cô hồn đợt vừa rồi cũng đều hiểu bà ta đang ám chỉ tới ai. Ngay lập tức trong đám đông liền có người lên tiếng phản bác:

- Cái bà này đừng nói linh tinh! Tối hôm đó bà không nghe thầy Tòng nói gì sao? Thầy ấy đã mang bùa phép và vôi bột rải ở quanh cổng thôn rồi, cái “thứ đó” tuyệt đối sẽ không thể vào thôn được nữa. Cho nên chuyện mấy đứa nhỏ bị mất tích phỏng là do chúng đi lạc, hoặc có thể đã bị bọn buôn người bắt mất rồi.

- Đúng đúng, bà ấy nói phải đấy! Đợt nọ làng mình chả um xùm lên vụ mấy thằng cha lạ mặt chuyên đi xem máy chở cái sọt sắt phủ bạt xanh ở sau xe, rồi lượn lờ khắp xóm làng rao mua chó, nhưng thực chất là để rình rập bắt cóc mấy đứa trẻ con bán sáng Trung Quốc đấy như. Theo tôi thấy à, lần này chắc chắn cũng là lũ khốn nạn đấy rồi!

Một người khác trong đó vừa nghe người kia nói vậy liền nhanh chóng hùa theo. Như sợ nhắc tới cái tên nọ sẽ gặp điềm xui rủi, đám đông cũng ngay lập tức thay đổi chủ đề bàn tán.

-Trời đất ơi, đúng là lũ mất nhân tính. Loại này mà bắt được ấy à, cứ phải thẳng tay đánh chết thì nó mới kinh!

-Phải đấy! Tốt nhất là cứ gô cổ hết chúng nó đem đi xử bắn cho đỡ chật đất!

Bà Đào nhìn đám người tranh luận sôi nổi mà ngán ngẩm trong lòng, chẳng buồn nghe thêm nữa. Bà lắc đầu giơ tay đập nhẹ vào người Nguyệt Hoa rồi đi vào trong nhà ngồi xuống ghế, tiện tay cởi cái khăn mặt đang phủ trên đầu ra, lau đi vài giọt mồ hôi còn đọng trên trán.

Bà lo âu thở dài nói:

- Hết âm binh vào làng rồi lại yêu khuyển tìm đến. Yên yên chưa được mấy ngày, giờ lại đến chuyện trẻ em liên tục mất tích không rõ nguyên do nữa. Đại nạn ập đến, có vẻ cái thôn Chiềng này sắp không còn thái bình nữa rồi!