Trọng Sinh Về Thập Niên 70 Tái Hôn Với Bạn Thân Chồng Cũ

Chương 31: Phơi Quần Áo (1)

Bà Tôn Nhị nghe thấy tiếng của cô, nước mắt cũng suýt nữa rơi xuống: "Vọng Thư, là cháu à, cháu trở về rồi à, sao cháu lại trở về, trở về lúc nào?"

Bà ấy hỏi một loạt câu hỏi, còn kéo tay cô.

Lâm Vọng Thư kể cho bà ấy nghe về tình hình của mình, nhiều năm không gặp, tự nhiên không tránh được hỏi đông hỏi tây, bà Tôn Nhị còn lấy điểm tâm từ trong ngăn kéo ra cho cô ăn: "Mau ăn, mau ăn đi, cháu ở bên ngoài chịu tội mấy năm, giờ cũng được trở về rồi."

Lâm Vọng Thư giới thiệu Ninh Bình với bà Tôn Nhị, kể ra chuyện của Ninh Bình, sau đó nhắc tới chuyện làm quần áo.

Bà Tôn Nhị nói: "Được, để bà làm cho các cháu, đừng nhìn bà già rồi, nhưng bà vẫn làm được đấy, cũng biết làm kiểu quần áo đang thịnh hành bây giờ. Hiện tại đang phổ biến áo lưỡng dụng đúng không, bà biết làm, bà đảm bảo sẽ làm cho cháu bộ quần áo nhìn tây nhất, mặc lên nhìn rất có thể diện!"

Lâm Vọng Thư: “Được, vậy làm phiền bà Tôn Nhị rồi."

Ninh Bình ở cạnh đó nghe thấy vậy, nhỏ giọng hỏi: “Chị ơi, chị cũng muốn làm một bộ quần áo cho yêm à?"

Lâm Vọng Thư: “Ừ, hai chúng ta mỗi người một bộ."

Ninh Bình lắc đầu xua tay: "A? Không cần đâu, không cần đâu! Em không thiếu quần áo, bộ quần áo em đang mặc rất tốt."

Lâm Vọng Thư liếc nhìn cô: "Em mặc thế này, chị dẫn em ra ngoài cũng cảm thấy mất mặt, người không biết còn tưởng chúng ta rất nghèo, sau này cũng ảnh hưởng đến chuyện chị tìm đối tượng."

Ninh Bình mở to hai mắt: "... Vậy hả?"

Lâm Vọng Thư gật đầu nói: "Đúng vậy."

Ninh Bình: "Vậy, vậy thì làm đi."

Bà Tôn Nhị ở cạnh đó thấy vậy, suýt nữa không nhịn được cười rộ lên: "Để bà may cho các cháu mỗi người một bộ, con gái trẻ tuổi vẫn nên ăn mặc đẹp. Nhớ hồi đó, mẹ Vọng Thư cũng là người chú trọng đến ăn mặc, chưng diện nhìn mới đẹp!"

Sau khi ra khỏi nhà bà Tôn Nhị, Lâm Vọng Thư đi vòng qua sân sau, ở sân sau có một cái cửa nhỏ, có thể đi thẳng qua con ngõ nhà mình.

Hiện tại thân phận của Ninh Bình không rõ, nếu đã để cô ấy ở lại nhà mình, cũng không nên quá giống trống khua chiêng. Lỡ có người hỏi tới chuyện của anh trai cô, cũng rất khó trả lời.

Vừa đi qua cánh cửa nhỏ, cô nhìn thấy một bóng người khá quen, nhìn kỹ mới nhận ra, là bà Hồ nhà Lục Điện Khanh, bà Hồ mặc chiếc áo đối khâm ngắn màu xám tro, phần áo ngoài có thêu họa tiết, phía dưới là quần đèn l*иg màu xanh đen, tay bê một chậu quần áo to, đang cúi người đi ra sân.

Bà Hồ hình như là người bên nhà mẹ Lục Điện Khanh vẫn luôn dùng, nhìn mẹ Lục Điện Khanh lớn lên.

Khoảng mười năm trước, cha Lục Điện Khanh bị tống cổ đến con ngõ nhỏ, lúc đó sức khoẻ của mẹ Lục Điện Khanh không tốt, bà Hồ và một ông nữa cùng đi theo tới chăm sóc. Sau đó, mẹ Lục Điện Khanh được gửi đến Hong Kong, ông kia được đưa đi, bà Hồ không có nơi để đi, ở lại nhà Lục Điện Khanh, chăm sóc cho cha con Lục Điện Khanh.

Bà Hồ là người rất tốt, cũng không quá kiểu cách, tới đây nhanh chóng hòa nhập với tất cả mọi người, tính tình hiền hòa, làm việc chăm chỉ, bình thường trong ngõ có nhà nào gặp khó khăn, bà ấy đều cố gắng giúp đỡ.

Lâm Vọng Thư nhớ hồi mình học trung học cơ sở, vợ của lão Trần đầu ngõ bị bệnh không có tiền chữa bệnh, may nhờ có bà Hồ bỏ ra một nửa số tiền, lại kêu gọi tất cả mọi người quyên tiền, mới giúp vợ lão Trần trị hết bệnh.

Lúc đó nhà cô rất nghèo, mấy tháng cũng không có thịt ăn. Có một lần bà Hồ đặc biệt gọi cô sang, đưa cho cô một hộp cơm có thịt, để cô lén ăn.