Một Đời Một Kiếp

Chương 2

7.

Bác sĩ Trần Thục âm thầm quan sát biến hoá của tôi, bà ấy phát hiện tôi hơi run rẩy, sờ vào lưng tôi thấy đã ướt đẫm mồ hôi, bèn bảo Tiểu Oánh mau chóng lấy thuốc cho tôi uống.

Nhân viên phá dỡ có vẻ kiên nhẫn và khách khí, tôi uống thuốc rồi nghỉ ngơi một lát mới nghe xem bọn họ muốn nói cái gì.

Đối phương lấy túi văn kiện ra mở ra trước mặt tôi, sau đó bắt đầu giải thích cặn kẽ tỉ mỉ về quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai, nơi tôi ở được chỉ định là đường quốc lộ, cần sự phối hợp của tôi, cũng như các chính sách ưu đãi khi di dời của bọn họ, hoàn toàn không cần lo về vấn đề sinh hoạt sau khi di dời.

Tôi lắng nghe nửa ngày, ngẩng đầu hỏi Tiểu Oánh: "Bọn họ đang nói cái gì vậy?"

Tiểu Oánh nói: "Ý của bọn họ là bảo ngài chuyển đi càng sớm càng tốt trong năm sau."

Tôi lập tức hiểu ra, hơi mỉm cười nói với bọn họ: "Không chuyển."

Bởi vì bọn họ mở ra mấy cái văn kiện đó nên làm bàn của tôi rối tung cả lên, bình sứ trắng cũng không biết bị đặt ở đâu rồi. Tôi đưa lại văn kiện cho bọn họ, tìm một vòng cuối cùng cũng tìm được chiếc bình, thay cành cát cánh mới rồi đặt nó trở về chỗ cũ, sau đó lấy giẻ lau lau mặt bàn.

Hai người hai mặt nhìn nhau, nhất thời không biết nên nói thế nào cho phải.

Tiểu Oánh ở một bên lên tiếng: "Tôi biết một người, các anh liên hệ với người ấy xem, bà ấy cũng là chủ nhân của căn nhà này."

Tôi hoàn toàn không để ý đến bọn họ, ra ngoài sân lấy cái chăn bông đang phơi vào phòng.

Tôi lại dọn dẹp toàn bộ căn nhà một lần nữa, khi tôi đang rán cá trong bếp, Tiểu Oánh mới đi vào, đứng bên cạnh chậm rãi khuyên nhủ tôi: "Lần này có vẻ là cuộc phá dỡ quy mô lớn, một nhà cứ ăn vạ không chịu chuyển đi cũng không hay. Vì sao ngài lại không muốn dọn đi?"

Tôi hơi bàng hoàng, một giọt dầu bắn ta, tình cờ rơi trúng vết sẹo sâu trên cổ tay, đau đến thấu tim.

8.

Ngày đó Thịnh Tuân tặng tôi kim cài áo, anh nói: "Nguyện cho từ nay về sau, có thể ở cạnh bên em ngày ngày tháng tháng."

Nhưng thứ mà tôi tặng cho anh lại là một đôi giày.

Mãi cho đến sau khi A Tuân mất tích, tôi mới nghe được một câu nói: Vợ chồng với nhau không được tặng giày, như vậy sẽ khiến đôi phương càng đi càng xa.

Bây giờ nhớ lại, từ sau khi tôi tặng đôi giày cho anh, anh quả nhiên trở nên bù đầu bù cổ với công việc, giống với cha tôi khi còn nhỏ vậy, phải đi công tác khắp nơi. Mới đầu đi ít, thời gian ngắn nên tôi không lo lắm; Về sau, anh đi công tác bên ngoài ngày càng thường xuyên, thời gian cũng rất dài. Tôi dạy học xong, không có việc gì làm nên cứ mãi ngồi ở đầu ngõ chờ anh về.

Chờ anh về nhà đã trở thành điều duy nhất mà tôi kiên trì trong một khoảng thời gian dài.

Có một lần, nửa đêm trời đổ tuyết lớn, anh nói hôm đó sẽ về, nhưng mãi vẫn không thấy đâu, tôi ở trong nhà lo lắng không ngủ được, bèn chạy ra đầu ngõ chờ anh, mới đứng một lát mà tuyết đã bám trắng xoá đầu vai.

Cuối cùng tôi cũng chờ được, lúc anh về thấy đầu tóc và người tôi đều phủ đầy tuyết, mặt cũng bị lạnh đến đỏ bừng, anh lấy áo khoác từ trong túi ra sưởi ấm mặt cho tôi, mặt tôi đã đông cứng, nói không lưu loát nữa, vậy mà anh lại bật cười chế nhạo nói: "Đã muộn thế này rồi, bà lão nhà ai vẫn chưa về nhà ngủ vậy?"

Tôi không nói lời nào mà chỉ nhào đến ôm chặt lấy anh, vùi mặt vào lòng anh một lúc lâu mới từ từ cảm nhận được hơi ấm.

Anh không biết rằng trong khoảnh khắc ấy, anh đối với tôi giống như món quà đã mất nay tìm lại được. Tôi chờ anh, khi ấy cả người đều run bần bật, nhưng không rõ là vì lạnh hay vì sợ hãi nữa.

"Sau đó thì sao?"

9.

Lúc Sơ Tuyết gọi điện thoại tới, tôi đang ngồi dưới hiên phơi nắng, tôi không biết cô ấy có việc gì gấp mà lại không theo thói quen, sớm như vậy đã gọi điện hỏi thăm.

Tôi nghe cô ấy lải nhải kể về sinh hoạt và công việc lặt vặt, trong lòng bất chợt nổi lên một dự cảm chẳng lành. Quả nhiên, rõ ràng lần này Sơ Tuyết nói chuyện có mang theo mục đích, rẽ trái rẽ phải cuối cùng nói tới về đề chuyển đi.

Sơ Tuyết giống như một nhà diễn thuyết hùng hồn, biểu đạt quan điểm của cô ấy.

Cô ấy bảo tôi mau chóng dọn khỏi khu vực này, đến ở căn nhà mà bọn họ đã bố trí. Cô ấy còn nói, chỗ chuyển tới tốt hơn rất nhiều, tôi không có bất kỳ lý do gì để cự tuyệt.

Tôi bật dậy, không ngừng lắc đầu, siết chắc ống nghe: "Không chuyển, tôi không chuyển."

Nhưng tôi lại không tìm được bất cứ lí do gì để không dọn đi cả, chỉ có thể lặp đi lặp lại nhận định duy nhất với cô ấy.

"Vì sao không chuyển đi?" Sơ Tuyết lớn tiếng ngắt lời tôi: "Chẳng lẽ người vẫn còn đợi ông ấy sao?"

Tôi như bị người ta đâm một nhát đau điếng, im lặng, không dám nói câu nào nữa. Hai đầu điện thoại chìm vào sự tĩnh lặng khó chịu. Tôi gần như có thể nghe thấy tiếng bụi bay trong không khí, chúng bay vào khoang mũi tôi, lấp kính cổ họng tôi, khiến tôi không thể nói ra câu nào.

"Mẹ." Sơ Tuyết lại thấp giọng thở dài, phá vỡ bầu không khí im lặng: "Chờ con trở về rồi nói tiếp."

10.

Từ trước đến nay Sơ Tuyết làm việc đều mạnh mẽ và kiên quyết, chưa qua mấy ngày đã vội vã từ nước ngoài trở về. Cô ấy đã là một bà lão ngoài năm mươi, mái tóc ngắn hơi xoăn, trên người đã sớm không còn bộ dạng yếu đuối của một cô gái nữa, hiển nhiên là cô ấy muốn nhanh chóng giải quyết hết thảy mọi chuyện.

Nhân viên phá dỡ cũng đã đến thương lượng một lần nữa. Tôi thất thần ngồi dưới mái hiên, hệt như một đứa nhỏ phạm lỗi mà nhìn mọi chuyện.

Sơ Tuyết đã nói sơ bộ cùng đối phương qua điện thoại, rất hài lòng với sự sắp xếp của đối phương, hai bên nhanh chóng đạt thành thoả thuận. Sơ Tuyết ký xong, đối phương có hơi khó tin mà hỏi một câu: "Ngài đã bàn bạc với lão phu nhân rồi sao? Lần trước chúng tôi tới, bà ấy tỏ ra không tình nguyện lắm."

"Tôi sẽ nói rõ với bà ấy, sẽ không gây phiền phức cho các cậu." Thịnh Sơ Tuyết mỉm cười, khuôn mắt già nua lộ ra một tia bất đắc dĩ: "Cứ mãi như vậy cũng không phải cách."

Cậu thanh niên trẻ tuổi quét mắt vào nhà một vòng, phát hiện trên bàn thờ không treo tấm di ảnh nào, trên tường chỉ treo những bức ảnh kết hôn vô cùng cũ kỹ, nên thận trọng hỏi: "Cha ngài cũng đồng ý chuyển rồi sao? Dù ngài đã ký nhưng ngài phải đảm bảo những người già đều thông suốt, có như vậy thì công việc tiếp theo của chúng tôi mới triển khai thuận lợi được."

Tôi nghe thấy Sơ Tuyết ở trong phòng chậm rãi nói: "Cha tôi đã qua đời nhiều năm rồi." Dường như cô ấy chuyển mắt nhìn về phía tôi: "Là tàu thuỷ bị đắm, ngay cả thi thể cũng chưa tìm được, chúng tôi vẫn đợi suốt ba năm, mới chờ được phản hồi điều tra cụ thể từ phía chính phủ."

Giọng Sơ Tuyết nhẹ tênh, tôi ngồi dưới ánh nắng lắng tai nghe nhưng không nghe rõ, chỉ lờ mờ nghe thấy đối phương đáp: "Ồ, tôi xin lỗi vì nhắc đến chuyện thương tâm thế này."

Sau đó bọn họ đi ra, cúi người chào tôi rồi rời đi.

Sơ Tuyết cũng đi ra, cô ấy ngồi xổm xuống trước mặt tôi, lòng bàn tay khô ráo ấm áp không một tiếng động đặt lên mu bàn tay tôi, tôi lẩm bẩm nói: "Cha cô cũng mất tích trong sự cố đắm thuyền sao?"

Cô ấy kinh ngạc nhìn tôi.

"Mênh mang biển rộng không biết tìm nơi đâu, tôi nghĩ cô nhất định cũng vô cùng thương tâm."

11.

Sơ Tuyết dẫn tôi đi tìm bác sĩ Trần Thục, đây là lần tư vấn cuối cùng, bọn họ lại để tôi ở ngoài cửa, hai người vào phòng hội chẩn một mình.

Tôi đi đi lại lại trên hành lang, lòng cứ thấp thỏm lo âu, nhịn không được mà dán tai lên cửa nghe xem bọn họ nói gì.

"Xin lỗi Thịnh phu nhân, sau khi trở về từ vùng biển bị đắm, có vẻ như vụ tai nạn xe đã làm trí nhớ của bà ấy ngày càng tệ. Ngài xem tư liệu này đi, bà ấy điền mình 28 tuổi vào mục tuổi."

"Trầm cảm nặng kéo dài, có khuynh hướng tự sát nghiêm trọng, tai nạn xe khiến cho ký ức khuyết thiếu... Những thứ này đều chầm chậm phá huỷ thân thể của bà ấy."

Giọng nói nhẹ nhàng của Sơ Tuyết vang lên: "Trước kia mỗi lần bà ấy tự sát, đều là tôi khóc lóc cầu xin cho bà ấy tỉnh lại, nếu không phải trong sâu thẳm bà ấy còn quan tâm đến tôi, có lẽ bà ấy sớm đã..."

"Bà ấy đồng ý giao lưu với tôi, nhưng lần nào cũng chỉ kể từ đầu, đến trước đêm cha ngài xảy ra bất trắc đều đột nhiên im bặt. Quãng thời gian quen biết mười mấy năm chính là toàn bộ cuộc đời của bà ấy."

"Tôi nghĩ tôi không có biện pháp nào tốt hơn cả, tình trạng của bà ấy hiện giờ, tôi miêu tả cho ngài một chút: Giống như bị nhốt ở một nơi nào đó, người khác không vào được thế giới của bà ấy, bà ấy cũng không đi ra, càng không muốn đi ra."

"Giờ đây bà ấy tự xây đắp cho mình một thế giới, thế giới mà bà ấy cho là an toàn nhất, dừng lại ở đoạn thời gian sau khi cha ngài mất tích, không có tin tức gì. Chỉ có dừng lại ở nơi đó, bà ấy mới cảm thấy an tâm, mới có thể lừa gạt chính mình."

"Lão phu nhân cũng đã lớn tuổi, hay là đừng đi theo bà ấy nữa, để bà ấy một mình..."

12.

Lúc ngồi trên xe, Sơ Tuyết cúi người thắt đai an toàn cho tôi. Tôi nhìn thấy mái tóc cô ấy đã điểm bạc, khoé mắt đã xuất hiện nếp nhăn. Tôi gian nan mà liên hệ Sơ Tuyết bé nhỏ của tôi với người phụ nữ cận kề tuổi già này, vươn tay chậm rãi xoa đầu cô ấy, ảm đạm nói: "Sơ Tuyết bé nhỏ của mẹ đã lớn thế này rồi."

Phong cảnh bên ngoài vυ't qua cửa sổ xe.

Hoá ra một mùa xuân nữa lại đến. Bức tường trong sân đã được tu sửa nhiều lần, màn trúc dưới mái hiên đã cũ quá rồi, hiu hắt đung đưa theo gió, phát ra tiếng vang khe khẽ. Hoa cắm trong bình như khô héo trong nháy mắt, chỉ còn lại nhành cây khẳng khiu, ngay cả bộ quần áo treo trên tường lâu ngày chưa mặc cũng đã bám một lớp bụi dày.

Hết thảy mọi chuyện đều đã trôi qua quá lâu, người ta không còn nhớ nổi đã bao nhiêu năm rồi, cứ thế mà lặng lẽ trôi qua.

Tôi bỗng nhiên nhớ tới một câu nói không biết đọc ở đâu: "Em cảm thấy ngày tháng trôi đi rất chậm, em chờ anh, chờ từ khi bình minh ló dạng đến lúc sương chiều giăng lối, từ xuân tươi đến thu tàn, chờ đến khi cả người mệt mỏi muốn chìm vào giấc ngủ, cuối cùng vẫn không chờ được anh."

Biết bao lần đi qua con đường dài lát đá trong ngõ nhỏ, chờ ở nơi đó, từ khi mặt trời ló dạng đến khi khuất bóng, tôi không dám đi quá xa, vì sợ một lúc nào đó anh đột nhiên xuất hiện trước mắt tôi. Giống như đêm tuyết ấy, anh trễ chuyến xe lửa nên đến khuya mới về, tôi ở nhà chờ đợi lo âu, không ngờ bước dạo ở đầu ngõ lại chờ được anh về.

Nhưng lúc này đây, những gì tôi chờ được lại là con dấu xác định mất tích của chính phủ.

Đây cũng có nghĩa là anh vĩnh viễn không trở lại nữa.

Khi về đến nhà, tôi hoảng hốt nhẹ đẩy tay Sơ Tuyết ra, chậm rãi bước lên lầu, ngồi trước gương trang điểm trong phòng ngủ, cầm chiếc lược trên bàn, cẩn thận chải mái tóc vốn đã bạc màu của mình.

Tôi nhìn khuôn mặt già nua phản chiếu trong gương, gần như không nhận ra được đây là ai. Tóc được búi gọn, tôi cúi đầu nhìn xung quanh một vòng, lấy đôi hoa tai trong hộp trang sức đeo vào. Đôi hoa tai này được đặc biệt làm cho buổi kết hôn của tôi và A Tuân, đầu ngón tay chạm vào lạnh buốt.

Trong nháy mắt, tôi bỗng ý thức rằng năm nay tôi đã 75 tuổi rồi.

Năm tháng bất chợt qua đi, đến khi bừng tỉnh thì A Tuân đã rời đi năm mươi năm rồi.

Tạm biệt là cả một đời.

Tim tôi không còn cảm thấy đau đớn nữa, tôi chỉ cảm thấy lòng bàn tay mình nóng ran úp lên mặt, dần dà, hốc mắt âm ấm vùi vào lòng bàn tay một lúc lâu, rốt cuộc nhịn không được mà bật khóc.

13.

Màn đêm buông xuống, tuyết bên ngoài đã bắt đầu rơi, tôi cuộn mình bên lò lửa, nửa tỉnh nửa mê mơ về giấc mộng rất lâu trước kia.

Trong mơ, ngày hôm đó cũng có một trận tuyết nhỏ, A Tuân phải dậy sớm để đi công tác. Tôi tiễn anh đến đầu ngõ, đưa cho anh phần cơm đã chuẩn bị sẵn, dặn dò anh lúc lên xe lửa nhớ ăn, rồi đứng ở nơi đó nhìn anh bước từng bước vào sắc trời u ám.

Tuyết mịn rơi xuống đất không một tiếng động, bước chân anh dẫm lên thật nhẹ, chỉ phát ra âm thanh rất nhỏ, như mèo vậy. Anh đi được vài bước, bỗng nhiên nhớ tới gì đó mà lại quay về, dừng trước mặt tôi, khẽ cười nói: "Ý Vân, chờ anh trở về sẽ đưa em đi chùa Linh Sơn tạ lễ."

Tôi ở trong mơ cũng không nhớ mình từng cầu nguyện điều gì, chỉ nhẹ cong khoé môi trả lời anh: "Vâng, em chờ anh trở về."

Cơn gió thổi qua, những bông hoa trong sân đã tàn, tôi chợt tỉnh giấc, như bừng tỉnh từ trong sự chờ đợi một đời một kiếp.

Người đã từ từ già đi, mà một đời một kiếp của hai người đã thật sự qua rồi.

— Hoàn —