Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 9: Trải nỗi lòng

Thương đội băng qua Lũng Sơn, xuôi theo bờ Vị Thủy, bôn ba tám trăm dặm Tần Xuyên Xa xa trông thấy núi Long Thủ của Trường An, thành quách lộng lẫy, đã hiện ra ngay trước mắt.

Quản sự Đoàn gia dẫn theo tôi tớ ra cổng Khai Nguyên ngoài thành Trường An đứng đón từ sớm. Vừa thấy Đoàn Cẩn Kha trở về, bên thì rối rít sai người về báo tin mừng, bên lại dẫn mọi người tiến vào thành Trường An.

Qua một phen tiếp đãi nồng nhiệt, mấy người Lý Vị không nán lại ở Trường An lâu, bèn từ biệt Đoàn Cẩn Kha. Đoàn Cẩn Kha biết họ phải về Cam Châu ăn Tết, liền dặn Tào Đắc Ninh lấy tiền bạc tơ lụa làm quà tặng, rồi hai bên cứ thế chia tay.

Mấy người mang theo lương khô rượu nước, ngày đi trăm dặm, vội về Hà Tây cho kịp tháng chạp. Về tới Cam Châu chính vào ngày mười lăm, là ngày dân gian thờ phượng Ngọc Hoàng đại đế. Mấy người tạm biệt nhau ở cổng phường, ai ở nhà nào thì về nhà nấy.

Vương tú tài sống ở đầu hẻm Người Mù mặc một chiếc áo bào màu xanh mới tinh, đầu đội khăn chít, ngồi trong vòng vây xúm xít của đồng hương láng giềng viết công văn bình an. Không biết thím nào tinh mắt trông thấy Lý Vị, đứng từ xa vỗ tay hô: "Cháu trai ông ấy về rồi kìa!"

Vì tiếng gọi đó, nét bút của Vương tú tài nguệch hẳn một đường cong queo, mực tàu làm lem cả lạc khoản, lão tú tài cau mày gác bút sang bên: "Đang yên đang lành mà la lối cái gì, tự dưng đi tong một tờ giấy đẹp!"

Hàng xóm chung quanh có người thấy Lý Vị, ai nấy đều bước đến niềm nở chào hỏi: "Hôm trước tới nhà tìm anh, Lý nương tử bảo chưa về, hôm nay cuối cùng cũng về rồi đấy."

"Đi bao nhiêu lâu, trên đường không sinh chuyện gì chứ?"

Lý Vị bụi đất đầy người, sắc mặt mỏi mệt, nhưng ý cười chẳng hề suy giảm, chắp tay chào từng người một: "Đường đi thuận lợi, ra ngoài đã lâu, trong nhà làm phiền các chú bác các thím chiếu cố, Lý Vị cảm kích vô cùng."

Vương tú tài cằn nhằn quở trách thím Xuân, nhìn thấy Lý Vị thì hân hoan khôn xiết: "Vị Nhi, Vị Nhi, lại đây xem thϊếp của thầy này!"

Xuân Thiên ngồi trong phòng thêu thùa may vá, năm hết Tết đến, mấy hộ nhà giàu lũ lượt đặt mua quần áo trang sức. Lục Minh Nguyệt bận tối mặt tối mày, bèn gửi gắm cho tay nghề của Xuân Thiên, giao chút việc đến để Xuân Thiên hỗ trợ.

Triệu đại nương dậy sớm dẫn Tiên Tiên ra ngoài mua đồ gia dụng, cửa phòng Lý nương tử khép chặt, chắc vẫn đang ngủ, Trường Lưu đã đi ôn tập bài vở với Gia Ngôn, trong nhà còn mỗi hai người, một người còn nghỉ, một người lặng lẽ làm việc. Xuân Thiên bận bịu nửa ngày trời, cả căn nhà im lìm không tiếng động, tìm một vòng quanh phòng chính, cũng chỉ có con Vàng lười biếng co người, lim dim gà gật bên cạnh bếp than.

Xương ngực của nàng chưa lành, không thể khom người, đành dùng mũi hài đá đá chân con Vàng: "Vàng, Vàng."

Con Vàng nhấc cặp móng vuốt đang che hai mắt ra, uể oải liếc nhìn nàng, cổ họng nó hừ hừ vài tiếng, đồng thời khép chân cuộn sát hơn vào bếp than.

"Nương tử chưa dậy, mày không trông cửa phòng mà lại nằm bẹp ở đây làm biếng hả."

Con Vàng ghét nhất là bị người khác quấy rầy, nó nhích người vào trong góc tối.

"Con chó ghẻ này." Xuân Thiên nghiêng đầu nhìn con Vàng hồi lâu, thở dài than: "Nếu mày sống ở nhà chị thì đã bị người làm đánh đuổi tơi bời rồi."

Con Vàng ngửa đầu, hơi bất mãn sủa một tiếng với nàng, rồi nó trở mình lật úp chiếc bụng mềm mại, hiện ra một mảng lông bị bếp than hơ cháy sém.

Hài của nàng đυ.ng vào vuốt con Vàng, "Ngày nào mày cũng ngủ quanh bếp than, có phải rất sợ lạnh không."

Con Vàng xụi lơ dưới đất, mắt ti hí, lăn vòng vòng không buồn để ý đến nàng. Xuân Thiên nhìn nó cả lúc lâu, tự dưng lại thở hắt ra, cuối cùng khóe miệng nhếch lên: "Đồ chó ghẻ."

Tuyết ngoài sân đã được dọn sạch, mặt đất ẩm ướt, chỉ còn sót bãi tuyết đọng đông cứng dưới tàng cây táo tàu già. Không khí lành lạnh, bầu trời trong veo, xanh mướt như ngọc.

Nàng đi vòng trong sân, đứng dưới cây táo tàu, cúi người vốc tuyết vào tay, nặn thành một quả cầu tuyết. Cho tới độ ngón tay tê rần không nặn nổi nữa, nàng mới giơ tay lên, lấy đà rồi ném thẳng quả cầu tuyết xuống đất.

Tuyết vỡ tan, văng tung tóe trên nền gạch đất xám. Ngay tức thì, cánh cổng bất thình lình bị đẩy ra, kêu thành tiếng "kẽo kẹt".

Bước vào là một người đàn ông xỏ đôi ủng da đen, người quấn tấm áo nỉ màu xám, tay trái đeo bọc đồ bằng lụa xanh, tay phải dắt con ngựa xám đang thở hồng hộc, đứng ngay ở cổng.

Thiếu nữ từ từ giấu đi thần sắc trên gương mặt, cặp mắt trắng đen rõ ràng chăm chú nhìn người tới.

Nàng không biết hắn.

Lý Vị thấy Xuân Thiên mặc chiếc váy hoa xanh lam nửa cũ nửa mới, mặt mày tái nhợt, hai gò má gầy yếu, mắt hạnh nhìn hắn với vẻ cảnh giác. Hắn rảo bước vào đứng trong sân, giọng nói vừa trầm vừa dày, mang chút khàn khàn như mắc sỏi cát, hay như cơn gió của đồng cỏ bao la: "Vết thương đã lành chưa?"

Xuân Thiên buông lỏng ngón tay cứng ngắc, khẽ rũ mi, nhẹ nhàng gật đầu, môi mấp máy: "Đỡ hơn nhiều rồi ạ."

Người đàn ông dỡ hàng trên lưng ngựa xuống, dắt ngựa vào chuồng rồi ôm thảm nỉ bước đến. Hắn có hàng mày kiếm rậm và cực kỳ sắc nét, bấy giờ đây đang nhướng mày cười nói với nàng: "Ta là Lý Vị."

Lý Vị, nghe bao lần, nàng đã nằm lòng cái tên ấy.

Bất thình lình trong phòng truyền tới tiếng chó sủa vang, con Vàng phi ra khỏi nhà chính như cơn gió, cái đuôi lông lá vẫy tít mù, nhảy tưng tưng nhào vào người Lý Vị. Lý Vị vỗ đầu con Vàng, bật cười sang sảng: "Được rồi được rồi, Vàng, đừng quậy nữa."

Xuân Thiên đứng cách Lý Vị một khoảng, như có điều muốn nói, Lý Vị quay đầu hỏi: "Ở đây có quen không?"

Nàng gật đầu: "Tốt lắm." Nàng nhìn người đàn ông trẻ tuổi, vuốt ve đầu con Vàng, tiếp lời, "Nương tử còn đang nằm trong phòng, Triệu đại nương và Trường Lưu ra ngoài cả rồi."

Lý Vị gật đầu, đáp: "Ta biết rồi." Trước tiên hắn chuyển đống đồ vào nhĩ phòng, sau đó đi đến nhà chính, đứng dưới bài vị của Lý phụ và Lý phu nhân, đốt nhang bằng lửa bếp than rồi vái lạy.

Con Vàng như mở cờ trong bụng, liên tục lắc đuôi, nom tinh thần nó hưng phấn sợ, cứ chăm chăm đuổi theo bước chân của Lý Vị. Lý nương tử ở phòng chính ho mấy tiếng, hỏi: "Ngoài có ai đến thế?"

Xuân Thiên đi tới chỗ cửa sổ: "Đại gia về rồi ạ."

"Đại gia về rồi?" Lý nương tử vừa ngạc nhiên vừa vui mừng.

"Vân tỷ, là ta."

"Đại gia ngôi đi, để ta đi thu dọn rồi rót trà."

Triệu đại nương đi vắng, Xuân Thiên giúp Lý nương tử soi gương chải tóc, chọn bộ xiêm y sáng sủa. Phụ nhân sửa sang xong xuôi, đầu bới kiểu uy đọa kế*, má thoa phấn hồng, mặc chiếc áo ngắn ở trong cùng áo đối khâm khoác ngoài*, áo ngắn và váy dài mang sắc vàng rơm, màu sắc tươi tắn càng tôn lên nét kiều diễm đằm thắm, xóa sạch vẻ ốm yếu xanh xao vì bệnh tật giày vò.

*Áo ngắn và áo đối khâm hay Đối khâm nhu (对襟襦), nhu (襦) là áo ngắn, đây là trang phục truyền thống thời Hán của người Trung Quốc.

Lý nương tử được Xuân Thiên dìu bước ra khỏi phòng, nhìn thấy Lý Vị thì mừng rỡ vô cùng: "Hôm qua Trường Lưu đi hỏi thăm đội lạc đà, còn bảo chậm mấy ngày nữa mới về được, ai ngờ nhanh như thế đã về đến nhà rồi."

Lý Vị cẩn thận quan sát Lý nương tử, thấy khí sắc cô ấy hồng hào, mỉm cười trả lời: "Đường đi suôn sẻ, không nấn ná thêm, cố ý về nhà sớm một chút."

Trong hẻm Công Đức, Gia Ngôn kéo Trường Lưu, cười trêu: "Đi thôi, đừng dỗi nữa, về nhà bảo mẹ tôi vá cho cậu, chắc chắn sẽ không bị lộ hàng đâu."

"Nếu cậu nghe lời tôi thì cũng đâu có kéo rách quần áo của tôi." Trường Lưu cau mày nói, "Tí nữa cô Lục lại không vui cho xem."

"Khà khà." Gia Ngôn gãi gãi đầu, "Sợ gì, mẹ tôi chỉ là con hổ giấy thôi!"

Cậu nhóc đẩy Trường Lưu vào cửa, đập ngay vào mắt là con ngựa đen được buộc đứng dưới mái hiên. Đột nhiên, cậu la toáng lên, thả Trường Lưu ra lao

vào trong phòng: "Chú Quảng! Chú Quảng! Chú Quảng----"

Hách Liên Quảng đi ra khỏi phòng mình, nắm lấy áo sau gáy Gia Ngôn như xách con gà, cười nói: "Thằng khỉ con này!"

Gia Ngôn cười hì hì, hai tay hai chân cậu nhóc bám lên người Hách Liên Quảng, dính rịt vào hắn như bôi keo con chó, mừng rỡ như điên: "Chú Quảng, cuối cùng chú cũng về!"

Trường Lưu thấy Hách Liên Quảng thì cũng giậm chân vội vàng chạy tới: "Chú Quảng, cha con, cha con... về rồi ạ?"

Hách Liên Quảng nhếch miệng cười, vuốt mái đầu nhỏ của Trường Lưu: "Về rồi."

Trường Lưu phất tay áo, xoay người chạy như chớp về nhà mình. Lục Minh Nguyệt đi từ phòng thêu ra, gọi với theo: "Trường Lưu, cẩn thận đấy, coi chừng té!" Dứt lời, chị quay sang nhìn Gia Ngôn, bỗng chốc mặt đen hẳn đi, "Gia Ngôn, con đi xuống."

Triệu đại nương cắp giỏ thức ăn vừa mua, trên đường có mấy người hàng xóm quen biết báo với thím rằng Lý Vị đã trở lại. Lúc về đến nhà, quả nhiên trên chiếc bàn thấp* xếp đầy là mạch nha trái cây. Lý Vị ôm Trường Lưu ngồi ở giường lò nói cười, Lý nương tử ngồi bên thu dọn bọc hành lý, cả căn phòng ngập tràn tiếng cười đùa, không khí hòa thuận ấm cúng.

Tiên Tiên bện tóc hai chùm, cười khúc khích chạy lại chào Lý Vị: "Con chào đại gia!" Cô bé đã ở Lý gia từ khi còn rất nhỏ, có thể coi như là em gái Trường Lưu, Lý Vị cũng đối xử với cô bé như một nửa con gái của mình.

Cô gái nhỏ thoáng nhìn Trường Lưu cúi đầu nghịch món đồ chơi mới tinh trong tay, rồi cặp mắt bừng sáng long lanh chuyển qua nhìn Lý Vị.

Lý Vị biết tỏng suy nghĩ của cô bé, cười bảo: "Thích gì cứ ra chỗ nương tử chọn."

Lý nương tử cầm chiếc khăn tay, đều là những thứ đồ mới hiện nay, Lý Vị nhớ mấy đứa nhỏ trong đội lạc đà, mỗi lần đi đâu về là chắc chắn sẽ có quà.

Triệu đại nương cũng không nén được niềm vui: "Ngày ngóng đêm mong, mừng là đại gia đã về nhà bình an. Ngày nào nương tử chẳng nhớ đại gia, giờ cũng đã yên tâm được rồi."

Lý Vị đáp: "Có lỗi quá, một mình tôi ở ngoài không ý thức được, lại khiến cả nhà bận tâm lo nghĩ."

Lý nương tử ở bên mím môi cười: "Quen cả rồi, hồi cha còn thì cũng đã như thế, có gì mà lo nghĩ với không lo nghĩ chứ."

"Hai năm nay ít nhiều có thím giúp đỡ, tôi thường đi vắng, mọi vất vả trong nhà đều nhờ cậy vào thím." Lý Vị đẩy một bao tiền đồng cho thím Triệu, "Coi như là tiền tôi biếu, xin kính thím mấy chén rượu nhạt."

"Dào ôi, không được." Triệu đại nương bước xuống giường lò, "Chẳng qua tôi chỉ làm tí việc giặt đồ nấu cơm thôi, còn dẫn theo đứa nhỏ ăn nhờ ở nhờ, nương tử lại săn sóc chu đáo. Thành Cam Châu này đi chỗ nào để tìm được chủ nhà tốt vậy chứ!"

"Thím cứ nhận đi."

Từ chối đến lần thứ ba, Triệu đại nương đành nhét tiền đồng vào tay áo, thầm áng chừng trọng lượng, không khỏi vui vẻ ra mặt: "Tôi sẽ nấu thật nhiều món, chuẩn bị rượu ngon, đón gió tẩy trần cho đại gia!"

Triệu đại nương tay chân lanh lẹ, nấu nước nhào mì, mổ gà thịt cừu, nấu mấy món rau và thức ăn dân dã cho buổi tối, bánh bơ rán, thịt cừu, bánh cuộn thừng, bánh chiên* có tất. Lại hâm một hũ rượu ngon, chung chén tròn tròn, làm bữa cơm đoàn viên phong phú thịnh soạn.

Trường Lưu xưa nay ngoan ngoãn ít nói, nhưng ngày này là ngày đặc biệt, chung quy vẫn là trẻ con, cứ quấn lấy Lý Vị nói từ đầu bữa đến cuối bữa, lúc ăn cơm vừa muốn cha gắp rau, vừa muốn mẹ lau tay cho.

Xuân Thiên biết một nhà sum họp, cốt nhục tình thân hạnh phúc thắm thiết, nào còn tâm tư tiếp đãi người ngoài. Nàng sớm đã quen với việc ấy, nên bèn nhanh nhanh chóng chóng về chái Tây thêu đồ. Ngồi dưới ánh đèn se kim luồn chỉ, tầng tầng lớp lớp, lật qua lật lại, thêu một bụi mẫu đơn là mắt đã cay xè, càng dụi càng thêm đau.

Hằng năm Lý Vị ra ngoài, sau khi về nhà thì hơn nửa thời gian là bầu bạn cạnh thê tử bệnh liên miên cùng đứa con trai yếu người. Đêm xuống là hắn sẽ kiểm tra bài vở của Trường Lưu trước, rồi dỗ thằng bé đi ngủ.

"Cha, thành Trường An xa lắm sao, có vui không ạ, có phải có rất nhiều người không cha?" Trường Lưu nắm tay Lý Vị, "Chị Xuân Thiên từ Trường An đến, thầy giáo cũng từ Trường An đến, đó là một nơi rất tốt rất tốt..."

"Trường An là thủ đô, hoàng đế đại thần hay sứ giả ngoại quốc đều ở đó, đâu đâu cũng có chợ, vô cùng náo nhiệt." Lý Vị sờ đầu Trường Lưu, "Khi nào con lớn hơn một chút, cha sẽ đưa con đi ngắm nhìn Trường An, được chứ?"

"Vâng ạ." Trường Lưu níu góc tay áo Lý Vị, "Cha, sắp đến Tết rồi, cha đừng đi nhé."

Lý Vị gật đầu: "Không đi, lần này cha ở nhà."

Hắn trông Trường Lưu ngủ, nhìn lông mi dài của cậu khép lại rồi dém góc chăn cho cậu. Lúc ra ngoài thì gặp Triệu đại nương bưng chén thuốc định đưa qua cho Lý nương tử uống, hắn nhận lấy chén: "Để tôi."

Lý nương tử cầm hòm tiền, ngồi dưới đèn cẩn thận tính toán. Tào Đắc Ninh cho đội ngựa thồ lạc đà tổng cộng sáu ngàn vé trà làm thù lao phí tổn, khác thì có ít bạc vụn. Cả đội phân chia, cuối cùng tới Lý Vị là được khoảng tầm hơn bốn trăm vé trà và một túi hạt mây của dân tộc Hồi Hột, nhưng đã nhờ người chuyển ra chợ bán, cũng thu về được trăm vé trà. Tổng là năm trăm vé trà có lẻ, đều giao hết vào tay Lý nương tử.

Lúc bấy giờ, triều đình siết chặt, quan phủ thu thuế trà, vùng Quan Trung Hà Tây mua bán không dùng bạc trắng làm tiền mà dùng vé trà để trao đổi, mỗi vé trà có thể sử dụng tương đương một số tiền nhất định, đường lưu thông của thương nghiệp quốc doanh cũng không bị cản trở.

Lý Vị nhìn tú nương vuốt tấm vé trà trong tay, nói: "Ra Tết phải rút ra một ít, ta sẽ đi một chuyến đến hồ Cư Diên ở Nhược Thủy."

Lý nương tử gật đầu: "Cũng được, năm rồi chàng đều đi vào tháng chạp, năm nay về hơi muộn, ta cũng không để ý mấy, khi nào ra Tết thì mang ít đồ qua... Cũng không biết tình hình mấy nhà kia sao rồi..."

Lý Vị chậm rãi "ừ" một tiếng.

Lý nương tử thầm trù tính trong lòng, nhẹ nhàng nói: "Kết luận bên triều đình, thực sự không đổi được sao?"

Lý Vị im lặng, gương mặt hắn tranh tối tranh sáng trong ánh nến vàng vọt, sườn mặt rắn rỏi mơ hồ hắt bóng lên tường. Lý nương tử giật mình, chợt cảm giác như trượng phu lớn lên cùng mình từ nhỏ có phần xa lạ, cô ấy thở dài: "Thôi, chỉ là mấy lạng bạc thương hại, có tác dụng gì đâu."

Lý nương tử lại chuyển đề tài: "Thực ra ta có chuyện này, hiện giờ Trường Lưu đã lớn, cũng phải lo liệu cho nó, về sau đi học thử công danh, cưới vợ sinh con đều là chuyện trọng đại. Mấy hôm trước trượng phu Vương Thành của Triệu đại nương từ quê lên, bảo là có người đang bán điền trang ở ngoài đấy, giá cả phải chăng. Ta thấy cũng hay, nếu chàng thấy được, ngày mai tìm người môi giới thương lượng, nếu bàn bạc ổn thỏa, ngày sau cũng có thêm chỗ nương thân."

Lý Vị nói: "Nàng coi ổn thì cứ tự quyết, ta thường không ở nhà, việc này cũng chẳng xử lý được." Vẻ mặt hắn bỗng ảm đạm hẳn đi, "Sức khỏe nàng trước giờ yếu ớt, vốn nên bớt lo bớt nghĩ... Nhưng giờ đây nhà cửa có mỗi mình nàng cáng đáng, Vân tỷ, bao nhiêu năm qua vất vả cho nàng rồi..."

Hắn gọi Lý nương tử một tiếng "Vân tỷ", vì cô ấy vốn là con gái của cha mẹ nuôi hắn.

Bản thân Lý Vị không phải họ Lý.

Hai mươi tám năm trước, Lý phụ theo thương đội đi xuống phía Nam đến Quan Trung, trên đường về thì vô tình nhặt được một đứa bé trai nằm thoi thóp bên sông Vị. Theo lời người qua đường, hôm bữa có hành thương* dẫn gia đình đi ngang qua đây, sơ ý để lộ tài sản, bị hãn phỉ nhòm ngó. Hãn phỉ sát hại cả nhà rồi quẳng xác xuống sông, còn lại đứa nhỏ mới sinh nằm trong tã lót, chẳng biết kẻ nào động lòng trắc ẩn, không dìm đứa nhỏ chết mà chỉ vứt bên bờ sông Vị để nó tự sinh tự diệt.

(*Hành thương: Chỉ những tiểu thương kinh doanh lưu động)

Ở nhà Lý phụ chỉ có đứa con gái nhỏ suy nhược, thế nên bèn đưa đứa nhỏ này về nhà cho thê tử nuôi nấng, đặt tên là Lý Vị.

Lý phụ là người cưỡi ngựa nổi tiếng thành Cam Châu, Lý Vị mười hai tuổi đã theo chân Lý phụ lặn lội núi tuyết, băng qua sa mạc. Cho tới khi Lý nương tử đến tuổi cưới, vì cơ thể bệnh tật khó lấy chồng, Lý phụ đành nhận Lý Vị làm con rể, gả Lý nương tử cho Lý Vị, vậy là buông bỏ được nỗi âu lo luôn canh cánh trong lòng.

"Chàng nói thế thì ta tổn thọ mất." Lý nương tử che khăn ho khù khụ, "Vị Nhi, rõ ràng là ta có lỗi với chàng."

Hai người bộc bạch nỗi lòng với nhau, nhẹ nhàng lịch sự. Triệu đại nương đứng ngoài cửa sổ nhìn cái bóng của họ dưới ngọn đèn, lại cảm thấy đôi vợ chồng này đúng là nâng khay ngang mày, tương kính như tân.

Lý nương tử kể về những chuyện cũ một hồi lâu, cầm lòng chẳng đặng ứa giọt nước mắt, nhìn trời đã khuya, bèn bảo: "Ta đã dặn thím Triệu quét dọn chái Đông, trải đệm chăn sạch sẽ như thường lệ. Phòng của ta nồng nặc mùi thuốc, người khác không ở được."

Lý Vị ở chái Đông bảy tám năm, từ lâu đã tập thành thói quen, gật gật đầu: "Nàng nghỉ ngơi cho khỏe, có gì ngày mai nói sau."

(còn tiếp)

*Chú thích:

vi-bac-xuan-thien-thu-9-0