Côn Luân

Chương 47: Cùng đồ mạt lộ

Hôm sau, Lương Tiêu cắm cọc cách thành Tương Dương chừng hai ngàn bộ, đánh dấu vị trí xây đài. Cùng lúc, quân Tống cũng dỡ nhà lấy gỗ, chế tạo giàn nỏ Thiên Cương phá trận thứ ba để tăng uy lực tấn công. Vân Thù nhìn quân Nguyên lũ lượt chuyển đất đến đắp thì hiểu ngay mục đích của họ, lập tức cho lính đánh phá, hiềm nỗi hai bên cách nhau đến mấy dặm, thay đủ mọi loại tên đạn mà nỏ giàn đều không bắn tới nơi. Lương Tiêu còn phái kỵ binh ra kɧıêυ ҡɧí©ɧ Thiên Cương phá trận nỗ, thử xem cự ly xa nhất đến đâu thì vẽ vạch trắng ở đó, hễ thấy quân Tống vượt qua vạch là xáp lại tấn công, còn chưa thì chỉ đối kháng từ xa bằng cung nỏ.

Trong ba ngày hai bên giằng co, pháo đài cũng được cấp tốc hoàn thành, hiện lên sừng sững trên đồng trống. Đài cao bốn trượng, rộng tám trượng, bên trên còn dựng thêm một bệ gỗ cao bốn trượng, chỉ sáu trượng nữa là ngang bằng với mặt thành. Trát Mã Lỗ Đinh tháo rời Tương Dương pháo, kéo lên đài rồi ráp vào như cũ. Khẩu pháo cao mười trượng, lắp đặt xong đã vượt hẳn bờ tường Tương Dương.

Vân Thù đoán ra ý đồ của quân Nguyên, vội chạy đi báo Lữ Đức. Họ Lữ hoảng hồn dốc hết lực lượng tấn công, Lương Tiêu bèn lập trận chống trả. Hai đạo quân hò hét vang lừng. Chiến binh Khâm Sát dũng mãnh vô song, quân Tống có Vân Thù, Cận Phi và đám hào kiệt phương nam trợ giúp mà vẫn không sao lay chuyển được trận thế của họ. Vân Thù định đưa Thiên Cương phá trận nỗ ra ngoài thành, nhưng giàn nỏ quá kềnh càng, xoay ngang xoay dọc đều không lọt qua cổng. Cấu tạo của nó lại phức tạp, gá lắp rất tốn thời gian, nếu tháo rời đem xuống chân thành ráp lại, chẳng may Lương Tiêu dẫn thiết kỵ lao ập tới như lần trước thì nhất định nỏ sẽ bị phá hủy ngay tại chỗ.

Dưới đồng hai bên lăn xả vào chém gϊếŧ, trên đài cao pháo đã chuẩn bị xong. Tương Dương pháo đối mặt với Tương Dương thành, vị thế hai bên hoàn toàn đảo ngược. Khẩu pháo ung dung chĩa xuống, thay vì phải ngóc lên cao như xưa.

Trát Mã Lỗ Đinh phát lệnh khai hỏa. Quân Nguyên thả một khúc gỗ nhồi đầy thuốc nổ và phết dày dầu mỡ vào lưới, châm lửa bắn. Khúc gỗ nhẹ vạch một đường sáng rực trên không, băng qua khoảng cách hai ngàn bộ, lao vù về phía thành Tương Dương. Lửa mạnh bắt dầu cháy rất nhanh, xuống gần vọng lâu, nó đã ăn qua lớp vỏ gỗ, liếʍ vào phần thuốc nổ bên trong. Khúc gỗ kêu “đoành” một tiếng như pháo Tết, vọng lâu bốc cháy phừng phừng.

Lữ Đức vội vã cứu hỏa, nhưng quân Nguyên liên tục bắn pháo, cứu chữa không kịp, ngược lại rất đông binh lính bị thương thêm. Chưa đến một canh giờ, mặt thành Tương Dương đã cháy ngùn ngụt như biển lửa. Ba giàn nỏ Thiên Cương phá trận đều gắn cố định tại chỗ, không di chuyển ngay được, hứng một đợt pháo hỏng mất hai. Vân Thù liều chết dỡ giàn cuối cùng xuống, nhưng phần lẫy đã bị cháy, dễ phải mất nhiều thời gian mới sửa xong.

Pháo kích liên miên mấy ngày, quân Tống thương vong nặng nề. Khi cỗ pháo thứ hai hoàn thành, Lương Tiêu đưa nó vào gần mục tiêu hơn một ngàn bộ, trong lúc đó cỗ thứ nhất vẫn tiếp tục oanh tạc, gây sức ép ngăn cản quân Tống lắp lại Thiên Cương. Với sự bảo vệ của quân Khâm Sát, một đài cao sáu trượng được đắp lên để đặt cỗ pháo mới.

Pháo mới lắp xong liền phát huy tác dụng cao độ. Hàng trăm cân đá tảng cứ tạt thẳng vào thành Tương Dương như sét đánh. Đã mấy lần Vân Thù dẫn bọn hào kiệt phương nam lao ra khỏi thành toan cướp pháo, song phương huyết chiến đến hơn chục trận, nhưng quân Tống mỗi đánh mỗi bại, không tài nào địch nổi thiết kỵ Khâm Sát.

Trước sự chống trả ngoan cường của đối phương, Lương Tiêu quyết định phải dùng biện pháp cứng rắn hơn. Gã cho thợ mộc đẽo những con lăn thật to, khoét rỗng ruột, nhồi đầy thuốc nổ, châm lửa xong bắn vào thành. Thứ đạn bắn này gọi là Mộc phích lịch[1], hễ phát nổ là hủy diệt hoàn toàn sự sống trong phạm vi ba mẫu xung quanh, uy lực khủng khϊếp gấp nhiều lần Chấn thiên lôi của quân Tống.

Sau hai ngày đêm tấn công dai dẳng, sáng tinh mơ ngày thứ ba, một phát Mộc phích lịch bắn trúng kho hỏa khí của Tương Dương, đâm thủng mái kho, dẫn nổ toàn bộ quân dụng bên trong. Những tiếng nổ đinh tai nhức óc làm rung chuyển cả thành trì, phá nát mọi vật xung quanh, gây chấn động đến hơn trăm dặm. Lửa được thế gió mau chóng lan rộng, cháy rừng rực khắp thành Tương Dương.

Kho hỏa khí cháy rụi hoàn toàn, kho lương thảo bị thiêu hủy gần hết. Hơn một vạn dân chúng mất nhà mất cửa, rơi vào cảnh ăn gió nằm sương, khóc gào náo loạn. Quân Nguyên thừa thế từ hai hướng tây và nam tiến công Tương Dương, quân Tống chật vật chống cự. May thay, khi bộ binh Nguyên triều sắp leo được lên mặt thành thì Vân Thù đã sửa xong Thiên Cương phá trận nỗ, vừa kịp đem bắn cản bước kẻ thù. Lúc này Dĩnh thành mới nhận được tin khẩn của Tương Dương, Trương Thế Kiệt vội tiến quân cứu viện, nhưng bị A Truật đánh lui hết lần này đến lần khác. Tương Dương lâm vào cảnh ngộ tuyệt vọng hoàn toàn.

Từ lúc thi hành biện pháp mạnh, Lương Tiêu vẫn áy náy không yên. Sau hôm tiêu diệt được kho hỏa khí, nghe tiếng dân chúng khóc than nháo nhác, gã đâm chột dạ, hạ lệnh ngừng dùng Mộc phích lịch, chỉ nạp đá tảng bình thường bắn lên đầu thành. Khổ chiến dằng dai như thế, Tương Dương tiếp tục cầm cự được thêm một tháng.

.

Mùa đông rét mướt tràn tới, thời tiết mỗi ngày một lạnh, tuyết đổ lấp xấp, bay phiêu phất trên đất Tương Phàn. Chỉ sau mấy đêm, không gian đã nhuộm một màu trắng toát. Bị cướp đi mái ấm che thân cũng như lương thực thực phẩm, vô số người chết vì đói, vì rét, nhiều người may mắn sống sót thì nghĩ quẩn, bắt đầu vật các xác chết ra nấu ăn.

Lương Tiêu đánh mãi không hạ được thành, thường băn khoăn tự hỏi không hiểu Tương Dương còn sức mạnh bí mật gì mà vẫn khăng khăng chống cự. Một hôm, gã trèo lêи đỉиɦ pháo nhìn sang quan sát tình hình, chợt chứng kiến hành động rùng rợn đó thì choáng váng như bị sét đánh. Từ lúc hạ quyết tâm công phá tòa thành hòng bắt gϊếŧ Vân Thù, gã chưa bao giờ ngờ rằng mình sẽ gián tiếp tạo nên một thảm cảnh như vậy. Nhất thời, Lương Tiêu đứng chết trân trên đỉnh pháo, vừa ăn năn vừa căm hờn, đồng thời không lý giải nổi vì sao đã đến nước này mà quân Tống còn ngoan cố tử thủ không hàng. Thẫn thờ hồi lâu, gã tụt xuống khỏi pháo đài, cưỡi ngựa đến gặp Bá Nhan, thỉnh cầu chiêu hàng Lữ Đức.

Bá Nhan nghe Lương Tiêu thuật lại, suy nghĩ một thoáng rồi triệu các tướng vào trướng thương nghị. Lưu Chỉnh vẫn ôm mối hận trúng tên hôm trước, cứ điều một điều hai là phải bắn tan tành Tương Dương, gϊếŧ sạch dân chúng mới hả dạ. Đa số tướng lĩnh chôn chân ở đất này đã lâu, vất vả đã nhiều, cũng muốn nhân cơ xả giận nên cùng gật đầu hưởng ứng. Chỉ có Sử Thiên Trạch và A Lý Hải Nha là không nói một lời, nét mặt nặng nề.

Lương Tiêu thấy mọi người đều tán đồng Lưu Chỉnh thì rất bức xúc, lớn tiếng hỏi:

- Người sống hữu dụng hay là xác chết đây, hả? Đập vỡ bát sứ thì ai chả làm được, nhưng mấy kẻ biết nặn một cái cho ra hồn? Hủy hoại thành trì sẽ rất nhanh thôi, nhưng bao lâu mới có thể tái kiến thiết?

Các tướng nghe phân tích hợp lý, tự dưng đắn đo.

Lưu Chỉnh thực ra chỉ nói bừa cho đỡ tức, nào ngờ Lương Tiêu còn trẻ, tính tình nóng nảy nên phản ứng gay gắt, khiến họ Lưu ngượng quá hóa giận. Y đường đường là đại tướng, chiến công hiển hách, đời nào cho phép một tên tiểu tử trèo đầu cưỡi cổ mình, bèn sừng sộ mắng ngay:

- Ngươi thì hiểu cái gì? Hôm nay làm cỏ Tương Dương, ngày mai các thành trì khác đều táng đởm kinh hồn, không ai dám chọc giận đại quân ta nữa. Ngươi chẳng qua mới nhập ngũ dăm ba bữa, lập được một dúm công lao mà tưởng mình ghê gớm lắm sao? Hừ, thời lão phu thống lĩnh thiên quân vạn mã đánh đông dẹp bắc, ngươi còn bú tí mẹ kia kìa!

Lương Tiêu cười nhạt:

- Đã nói thì nói rõ hẳn ra, ông thống lĩnh thiên quân vạn mã nào? Tống hay Nguyên? Ông phản bội Đại Tống thì được, mà người khác đầu hàng Nguyên triều thì không được hay sao?

Những lời cay độc ấy làm các tướng tái mặt. Bá Nhan quát:

- Lương Tiêu!

Lương Tiêu giật mình, tạm thời ngừng lại. Lưu Chỉnh nhảy nhổm lên như phải bỏng, mặt mày xanh lét.

- Chỉnh này sống nửa đời người, hôm nay mới biết có thứ hậu sinh vừa nứt mắt mà miệng lưỡi đã đầy nanh nọc! Tre già măng mọc, Lưu mỗ không những già lại còn vô dụng, đành nhường thiên hạ cho người trẻ tuổi vậy! Mong Đại Nguyên soái rón tay làm phúc để thuộc hạ được về quê cày ruộng!

Lưu Chỉnh ngoài miệng nói nhún, thực chất đầy ý hăm dọa: “Hoặc là Lưu Chỉnh này đi, hoặc là Lương Tiêu bị phạt. Bá Nhan, ngươi hãy tự chọn đi!”.

Bá Nhan không trả lời thẳng, chỉ gọi:

- Na Tốc!

Một thân binh đáp lời bước ra. Bá Nhan nghiêm nghị nói:

- Lột mũ áo Lương Tiêu, đánh ba trăm hèo thật nặng rồi treo lên cổng doanh thị chúng một ngày.

Na Tốc vâng lệnh, cùng các thân binh khác chạy lên định bắt giữ. Lương Tiêu một tay chống nạnh, quát to:

- Kẻ nào dám?

Đám quân sĩ biết gã kiêu dũng tuyệt luân nên tạm thời chưa dám đến gần. Bá Nhan biến sắc, lừ lừ đứng dậy:

- Ngươi dám chống lệnh ta ư?

Tất cả đều nín thở. Chống lại quân lệnh, chỉ có một con đường chết!

Lương Tiêu cao giọng:

- Tôi chả làm gì sai cả!

A Truật thấy gã quá ương bướng, chỉ sợ tình hình xấu thêm, vội khuyên nhủ:

- Kẻ cưỡng lệnh Nguyên soái sẽ bị chém đầu, không cân nhắc nhiều.

Lương Tiêu vẫn khăng khăng:

- Tôi chả làm gì sai!

A Truật mắng:

- Ngươi ăn nói ngông cuồng, là kẻ dưới mà vô lễ với người trên, chẳng sai thì đúng vào đâu? Đã tòng quân phải trọng kỷ luật. Thổ Thổ Cáp hiểu, Lý Đình cũng hiểu, vậy mà ngươi không hiểu hay sao?

Lương Tiêu nghe giọng A Truật, hiểu ngay điều y ngầm nhắn nhủ. Gã chết là yên phận gã, nhưng còn A Tuyết và đám bạn bè đang ở trong doanh trại, tất đều bị liên đới.

Lương Tiêu cụp mắt xuống, muôn vàn ý nghĩ quay cuồng trong đầu, sự hung hăng lúc trước dần dần bay biến cả. Đám thân binh chực tiến lại, gã nghiến răng bảo:

- Để ta tự làm lấy! – Đoạn bỏ mũ cởi giáp, bước ra khỏi trướng.

Binh sĩ ùa lại ấn dúi gã xuống, tiếng gậy vụt đen đét vang lên. Bá Nhan lắng nghe một lúc, chợt cau mày bảo:

- Na Tốc, mạnh tay vào, nếu không sẽ bị xử theo quân pháp!

Quả vậy, Na Tốc biết Bá Nhan và A Truật rất yêu mến Lương Tiêu nên cố ý nương nhẹ, ngờ đâu Bá Nhan là cao thủ võ học, vừa nghe đã phân biệt ngay thực giả. Na Tốc vâng lời, đành toàn lực nện xuống.

A Truật nghe tiếng gậy nặng hẳn, chỉ sợ Lương Tiêu có bề gì, vội van nài:

- Bẩm thừa tướng, bây giờ Tương Dương chưa…

Bá Nhan quát:

- Im ngay! Nếu không phải tại ngươi dung túng, tên tiểu tử ấy dám ngang ngược thế không?

A Truật nghe thét, nín thít ngồi xuống. Lưu Chỉnh thấy Bá Nhan giữ thể diện cho mình, cũng hài lòng quay lại chỗ ngồi, nghiêng tai lắng nghe, tự đắc nghĩ: “Đánh mạnh thật! Chịu đủ hình phạt xong chắc cũng thân tàn ma dại. Nhưng hắn là ái tướng tâm phúc của A Truật, chiến công lừng lẫy, rủi có mệnh hệ gì, chỉ e A Truật sẽ để bụng thù mình. Bản thân mình là hàng tướng, vốn đã thiếu bè cánh cội rễ ở triều ca, trong khi gia đình A Truật ba đời danh tướng đánh đông dẹp bắc uy chấn vạn dặm, chẳng may để y đem lòng oán hận, rắp tâm trừ diệt thì mình gay go to”.

Họ Lưu già đời từng trải, suy nghĩ chín chắn, bụng dạ thâm sâu, lập tức vuốt râu lặng lẽ đếm cho đủ một trăm hèo mới từ tốn đứng dậy, vòng tay cười nói:

- Bẩm Nguyên soái, Lương tướng quân trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm, khó tránh khỏi có lúc nông nổi. Bây giờ chưa diệt được Đại Tống, còn cần nhiều sức người. Suy cho cùng Lưu Chỉnh cũng có chỗ không phải, mong Nguyên soái tha cho Lương tướng quân lần này.

Bá Nhan không muốn làm họ Lưu bẽ mặt, bèn bảo:

- Lưu đại nhân đã khoan dung độ lượng như vậy, thôi thì tha phạt đòn Lương Tiêu, nhưng nhất định phải treo hắn lên thị chúng một ngày.

Bá Nhan biết Lương Tiêu tâm cao khí ngạo, đem gã ra bêu xấu còn khiến gã khó chịu hơn bị đánh roi gấp bội, nhưng nếu không tỏ ra nghiêm khắc, cái tên cứng đầu cứng cổ coi thường thiên hạ ấy sẽ mỗi ngày một vô kỷ luật, có khi đến lúc bắt buộc phải xử hắn tội chết không chừng. Y bèn sai Na Tốc trói Lương Tiêu lên cột cờ, muốn gã chịu nhục để nhụt bớt ngạo khí đi.

Lưu Chỉnh được thỏa mãn cả hai đằng, vô cùng hả hê, vuốt râu cười nói:

- Vừa rồi quả tình tôi có hơi mất kiềm chế, nghĩ đi nghĩ lại, chiêu hàng vẫn là thượng sách.

Các tướng đều bực: “Đúng là lưỡi không xương trăm đường lắt léo, gió hướng nào lựa hướng ấy che”.

Sử Thiên Trạch lúc này mới lên tiếng, giọng ôn hòa:

- Lưu đại nhân nói rất đúng. Từ cổ chí kim, công thành là hạ sách, công tâm là thượng sách, không đánh mà khuất phục được địch thủ mới là cảnh giới tối thượng của binh gia. Hiện nay lòng người Tương Dương đang dao động, chính là thời cơ tốt để chiêu hàng.

Họ Sử tuổi tác đã cao, công lao cũng lắm, lời nói lại đầy sức thuyết phục, ai nghe cũng phải gật đầu. Lưu Chỉnh phất tay áo, cười nhạt:

- Lưu mỗ kiên quyết không đi.

Bá Nhan trầm ngâm hồi lâu rồi hỏi:

- Muốn Lữ Đức tin thì phải cử một đại tướng có uy tín, ai đồng ý đi?

Sử Thiên Trạch cau mày im lặng. A Truật ngập ngừng. A Lý Hải Nha chợt đứng dậy:

- Tôi đi!

Bá Nhan nhìn sang ra ý hỏi. A Lý Hải Nha nói rành mạch:

- Lần trước tôi vào yết kiến thánh thượng, người có dạy: “Trong những kẻ chinh phục Giang Nam thì Tào Bân thời Tống Thái Tổ là viên đại tướng xuất sắc nhất. Ông ta bình định được dải đất ấy mà gϊếŧ rất ít người. Nếu ngươi không tàn sát mà vẫn đoạt được Giang Nam thì ngươi cũng chính là Tào Bân của ta vậy”. Tôi nhớ nằm lòng lời thánh thượng, càng ngẫm càng thấm thía. Dân Mông Cổ, Sắc Mục chúng ta, lẽ nào không bằng người Hán?

Bá Nhan gật đầu:

- Thánh thượng dạy rất phải, nhưng chuyến đi này quả thực quá hung hiểm!

A Lý Hải Nha nói ngay:

- Tôi biết. Nhưng nếu đánh đổi sinh tử của bản thân mà cứu sống được cả một thành trì thì cũng chẳng phải công đức to lớn gì cho lắm. – Y mỉm cười. – Hơn nữa, tôi không nghĩ Lữ Đức dám nặng tay với tôi khi đang lâm vào hoàn cảnh bi đát thế kia.

Bá Nhan bóp trán suy nghĩ. A Lý Hải Nha cười:

- Nếu Nguyên soái vẫn chưa yên tâm thì phái thêm một người hộ tống, nhất định hắn sẽ đảm bảo cho tôi bình yên vô sự.

- Ai? – Bá Nhan ngẩng lên.

- Lương Tiêu.

- Thật thế ư? – Bá Nhan ngạc nhiên.

- Mạng tôi còn là nhờ Lương Tiêu vượt bao sống chết cứu khỏi tay người Tống. Với bản lĩnh của hắn, cho dù cả vạn mũi tên từ trên thành trút xuống cũng chưa chắc làm tôi sứt mẻ được.

Bá Nhan ngần ngừ:

- Hắn đang phải chịu hình phạt!

A Lý Hải Nha mỉm cười:

- Vậy thì mong Nguyên soái rón tay làm phúc!

Lưu Chỉnh toát mồ hôi, bụng bảo dạ: “Hú hồn hú vía, thiếu chút nữa là đắc tội cả với A Lý Hải Nha”. Bá Nhan phì cười:

- Ngươi vòng vèo mãi hóa ra cốt xin hộ hắn à? Được, nể mặt bách tính thành Tương Dương, ta tha cho hắn để đi hộ tống ngươi.

A Truật lầu bầu:

- Lĩnh ngần ấy hèo, chả chắc còn cưỡi ngựa nổi không!

Bá Nhan lắc đầu:

- Dăm ba roi thế thì hề hấn gì với hắn! A Lý Hải Nha, ngươi thả Lương Tiêu xuống, dẫn hắn theo sang Tương Dương.

Y bảo A Lý Hải Nha thả Lương Tiêu, ngụ ý là muốn Lương Tiêu cảm ơn đức ấy mà sẵn sàng liều chết báo đáp.

A Lý Hải Nha cưỡi ngựa ra cổng doanh, thấy binh lính đang xúm đông xúm đỏ, một số đứng gần cột cờ, chỉ chỉ trỏ trỏ. Lương Tiêu bị trói trên cao, mắt khép hờ, mặt lầm lì. A Lý Hải Nha than thầm: “Nguyên soái dùng cách này hơi quá đáng, một đại tướng bị lăng nhục trước ba quân thì mai sau làm sao để binh lính khâm phục?”. Y vội bảo thân binh giãn đám đông, tuyên lệnh Bá Nhan thả Lương Tiêu xuống.

Lương Tiêu nội lực thâm hậu, lĩnh đòn roi cũng chẳng đau đớn mấy, chỉ căm giận vì bị làm nhục. Đang lúc hờn oán ngập lòng, nghe tin Bá Nhan chấp nhận kế sách dụ hàng, gã mới cảm thấy dễ chịu đôi chút.

Hai người cưỡi ngựa sang Tương Dương. Bọn Thổ Thổ Cáp nghe nói chuyến đi đầy hung hiểm thì lẵng nhẵng đi theo, nhưng bị Lương Tiêu quát về hết. Khi Lương Tiêu và A Lý Hải Nha đến chân thành, bên trên tên nỏ đã chĩa ra tua tủa, ngắm sẵn vào bọn họ.

A Lý Hải Nha hít một hơi, định thần gọi to:

- A Lý Hải Nha, Hữu thừa Nguyên triều cầu kiến Lữ Đức đại nhân.

Lữ Đức vẫn lấy làm thắc mắc về việc quân Nguyên ngừng pháo kích. Lúc này y đang đứng lẫn trong đám sĩ tốt, nghe A Lý Hải Nha xưng danh thì cau mày, vội giơ tay ngăn Vân Thù bắn tên:

- Ta đây! Hải Nha đại nhân, ông đến dụ hàng chứ gì?

A Lý Hải Nha đáp:

- Đúng, hiện tại Tương Dương hoàn toàn trơ trọi, mọi mối liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt. Bách tính trong thành đói rét cùng quẫn, người người ăn thịt lẫn nhau, hoàn cảnh tuyệt vọng đến thế, tướng quân không hàng thì còn đợi tới bao giờ?

Lữ Đức trầm giọng:

- Nhà ta đời đời hưởng lộc Đại Tống, nay gánh trọng trách Thái thú Tương Dương, sẵn sàng da ngựa bọc thây, sống chết với thành để báo đáp ơn vua. Hải Nha đại nhân, ta không bắn ông. Hãy về mau đi, chỉ mong khi phá thành, đại nhân nể việc hôm nay mà nhẹ tay với bá tính, đừng gϊếŧ chóc nhiều! Được thế thì Lữ mỗ cảm kích khôn cùng!

A Lý Hải Nha toan lựa lời thuyết phục thì Lương Tiêu thét lớn:

- Lữ đại nhân, ông đã muốn chết thì chết ngay đi!

Tướng sĩ trên thành nổi giận, A Lý Hải Nha sững sờ tự nhủ: “Thôi hỏng, chữa lợn lành thành lợn què rồi. Ta không nên cho hắn theo mới phải”. Vân Thù chuẩn bị bắn tên, Lữ Đức trầm giọng bảo:

- Khoan, nghe hắn lải nhải xong rồi gϊếŧ cũng chưa muộn!

Lương Tiêu nói:

- Chắc ông muốn chết mà vẫn được lưu danh sử sách chứ gì? Tính toán hay lắm, ông chết thì còn thanh danh, nhưng dân chúng thành này chết rồi thì còn lại cái gì? Bặt tiếng vợ dịu dàng thủ thỉ, vắng con thơ ríu rít nô đùa, cha mẹ hiền từ mất cả, bạn bè vui vẻ không còn… Họ chết rồi thì chỉ còn xương trắng mà thôi.

Quân dân trên thành cùng biến sắc, không ai nén được nỗi thê lương.

Lữ Đức nổi giận mắng xuống:

- Đồ kẻ cướp chó má kia, ta tha chết mà ngươi lại dám cuồng ngôn để rối loạn lòng quân ta!

Y giơ tay, các cánh cung nhất loạt kéo căng. Lương Tiêu cười nhạt:

- Lòng quân cái con khỉ. Trong vòng mười ngày nữa thôi, Tương Dương sẽ bị phá. Ngươi mắng ta là cướp, nhưng có biết đâu chính bản thân ngươi cũng là một tên kẻ cướp đối với dân đen! Cướp thường chẳng qua chỉ nhằm lúc tối trời mưa gió đào tường khoét ngạch nẫng ít vàng bạc đổi lấy sự phè phỡn nhất thời, còn ngươi mồm hô khẩu hiệu trung hiếu nhân nghĩa, bụng lại rình rình ăn mòn tính mạng muôn dân để đổi lấy tiếng thơm thiên thu vạn tải của mình.

Từ lúc chứng kiến cảnh ăn thịt người gớm ghiếc, Lương Tiêu dằn vặt suốt về quyết định phá thành Tương Dương. Hôm ở núi Phục Ngưu gã đã từng thề độc diệt Tống, nay mà mủi lòng bỏ cuộc thì lại thành nuốt lời thề. Phá hay không phá? Gã đang khổ sở với nan đề ấy thì nghe Lữ Đức quyết ý tử thủ, giận quá không nhịn được bèn tuôn lời khích bác. A Lý Hải Nha tim đập chân run, bụng bảo dạ: “Thôi thôi, hắn đã cứu ta một lần, mạng này đành trả cho hắn vậy!”.

Quân Tống trên thành cũng bị Lương Tiêu tác động, bắt đầu xôn xao bàn tán. Vân Thù nóng nảy xen vào:

- Kẻ này không đáng tin. Mong Lữ đại nhân mau hạ lệnh bắn chết hắn, tránh để hắn nói năng nhăng nhít làm dao động lòng quân.

Lữ Đức thẫn thờ hạ tay xuống, trầm ngâm hồi lâu rồi nói:

- Từ thời Thành Cát Tư Hãn tới nay, quân Nguyên có thói quen cướp bóc tàn sát bằng hết sau khi hạ xong một thành trì. Các ông bị Tương Phàn cầm chân mười năm trời, hao công mất sức, thương vong vô số, ắt không khỏi ôm lòng oán hận. Hải Nha đại nhân, nếu ta đầu hàng, ông có dám đảm bảo rằng đồng đội ông sẽ không gϊếŧ bất cứ một binh sĩ hay một dân lành nào của Tương Dương không?

A Lý Hải Nha thở phào, đáp:

- Thánh thượng nói hễ các ông chịu hàng, chúng ta sẽ không xâm phạm dẫu là chân tơ kẽ tóc. Lẽ ra ta có thể đưa thánh chỉ ra chứng minh, nhưng trên đường mang về đã bị người áo trắng bên cạnh ông cướp mất, ông hỏi hắn mà xem!

Lữ Đức nhìn Vân Thù. Vân Thù miễn cưỡng thừa nhận:

- Tôi xem thánh chỉ đấy rồi, Hoàng đế Thát quả tình có viết vài lời đẩy đưa xoa dịu để dụ hàng đại nhân!

Lữ Đức cau mày suy nghĩ. Lương Tiêu thấy y đã dao động, bèn rút một mũi tên ra hỏi:

- Ông có biết lời thề độc nhất của người Nguyên là gì không?

Lữ Đức nhìn xuống:

- Là bẻ tên thề!

Lương Tiêu bèn đưa mũi tên cho A Lý Hải Nha. A Lý Hải Nha gật đầu:

- Được! – Y giơ mũi tên lên cao. – A Lý Hải Nha xin thề với trời đất, chỉ cần Lữ đại nhân đầu hàng, ta dùng tính mạng mình đảm bảo sự an toàn cho tất cả quân dân thành Tương Dương. – Nói đoạn y bẻ gãy đôi mũi tên, ném xuống đất.

Lữ Đức hơi đổi sắc mặt, thở dài bảo:

- Để Lữ mỗ suy nghĩ đã, ba ngày nữa ta sẽ có câu trả lời cho đại nhân.

A Lý Hải Nha gật đầu, cùng Lương Tiêu quay ngựa về bẩm báo. Bá Nhan ra lệnh cho các tướng chuẩn bị vũ khí, nếu sau ba ngày mà Lữ Đức không đầu hàng thì dốc toàn lực tấn công, nhất quyết phá thành.

Đêm hôm đó trong thành Tương Dương, tướng lĩnh Tống tranh cãi không dứt, có kẻ cho rằng sự thể đã đến nước này, đành phải đầu hàng, có kẻ khăng khăng kiên cường đến chết để giữ tiếng thơm. Lữ Đức ngồi một mình trên lầu thành nhìn về phía nam, đập vào mắt y là đèn đuốc sáng trưng trong doanh trại quân Nguyên và thuyền chiến san sát trên sông, lòng y buồn khổ khó tả.

Từ khi búi tóc tòng quân tới nay, Lữ Đức đã khổ chiến nửa đời người, đánh từ Hợp Châu đến Tương Dương, di chuyển liên tục mấy ngàn dặm, tử thủ suốt mười năm, tuy biết khó lòng tránh được cục diện hôm nay, nhưng y luôn quyết chí tử thủ với thành. Vậy mà khi ngày ấy đến thực, y lại không biết nên xử sự thế nào. Đầu hàng thì mất tiết tháo, không đầu hàng thì coi như chôn sống hàng vạn dân chúng trong thành. Hàng hay không hàng? Hai ý nghĩ giằng xé tim y. Đột nhiên, chuyện mấy chục năm trước bỗng trở về trong trí óc, nhớ năm xưa sát cánh bên Văn Tĩnh đánh lui cường địch, gϊếŧ chết đại hãn Mông Cổ dưới chân thành Hợp Châu, nhớ những buổi yến ẩm đối ca, y lại nhướng mày thở dài. Tình thế hiện tại quẫn bách quá đỗi, sống chết hai đằng đều khó quyết.

Y ngửa mặt nhìn trời, không nhịn được nghẹn ngào khóc than: “Hoài An, Hoài An, người ở đâu? Đại Tống vua hèn quan gian, phụ lòng trung của Lữ Đức, muốn báo đền nợ nước cũng chật vật biết bao. Nếu có người ở đây thì làm gì đến nỗi này? Hoài An, người ở đâu? Có nghe thấy Lữ Đức gọi không?”. Nước mắt viên tướng lã chã tuôn rơi, thấm ướt chiến bào.

Chợt có người hỏi:

- Lữ đại nhân phải không?

Lữ Đức luống cuống gạt lệ, quay ra thấy Vân Thù và Cận Phi đang đi tới. Y đứng dậy. Cận Phi vòng tay hành lễ:

- Đại nhân định thế nào?

Lữ Đức lắc đầu im lặng. Cận Phi hạ giọng:

- Đại nhân đừng để bọn chúng lung lạc.

Vân Thù tiếp lời:

- Đúng thế, quân Nguyên hung tàn vô đạo, không nên tin tưởng chúng.

Cận Phi lắc đầu:

- Điều cốt yếu không phải ở quân Nguyên, mà ở bản thân Lữ đại nhân. Người đời có câu: “Sống chết là chuyện nhỏ, tiết tháo là chuyện lớn”. Từ xưa tới nay các bậc trung liệt đều lưu danh sử xanh, những kẻ đầu hàng bị phỉ nhổ đời đời. Trương Công Tuần thời Đường tử thủ Thư Dương, tuy thành bị phá, bản thân ông ta hi sinh, nhưng ngàn năm sau vẫn còn có người tế bái. Bọn phản bội thì có kẻ nào được hậu thế nhớ tới đâu? Đại nhân sống chết với thành đến nay kể cũng đã lập công đức vô lượng cho Đại Tống, tiến một bước thì vẹn danh thơm, lui một bước thì sẽ để lại hai chữ gian thần trong sử sách. Cố gắng tới lúc này rồi, đừng để kiếm củi ba năm thiêu một giờ.

Lữ Đức liếc y, điềm tĩnh nói:

- Nhưng nếu ôm khư khư lấy bó củi ấy thì phải đốt thay bằng bao nhiêu xương máu của nhân dân toàn thành?

Cận Phi cười nhạt:

- Nếu đại nhân lùi một bước thì xương máu của bách tính hậu phương cũng sẽ bị đốt trụi. Thêm nữa, cổ nhân có câu: Khuyên người chớ nhắc chi chức tước, Một tướng danh thành vạn cốt khô[2]. Đại nhân đã là tướng tòng quân, cũng nên hiểu đạo lý này mới phải.

Mắt Cận Phi rực sáng, giọng nói mỗi lúc một gay gắt. Vân Thù siết chặt đốc kiếm, mắt đảo rất nhanh. Lữ Đức giật mình. Bao nhiêu năm ứng biến sa trường đã luyện cho y khả năng cảm nhận hết sức nhạy bén. Nhìn thần sắc hai người, y đã đoán được ba bốn phần. Quả thực, Cận Phi thấy Lữ Đức dao động nên cố ý đến dò xem ý tứ y thế nào, nếu y hé ra nửa chữ “hàng” thôi, họ Cận sẽ lập tức cùng Vân Thù uy hϊếp y, buộc y tử thủ.

Lữ Đức cân nhắc rất nhanh, vụt đứng bật dậy, bước vài bước rồi nói:

- Cận Phi huynh nói đúng lắm, Lữ mỗ đã quyết! Tận trung báo quốc, ngọc vỡ còn hơn ngói lành, nhất định sẽ sống chết với Tương Dương. Chỉ có điều…

Cận Phi nghe giọng Lữ Đức dứt khoát thì rất mừng:

- Thái thú có gì khó khăn chăng?

Lữ Đức đáp:

- Thiếu thức ăn áo mặc, khí cụ công thủ cũng sắp cạn rồi. Cứ thế này mãi thì Tương Dương sớm muộn cũng bị phá, mà bị phá thì có khác gì đầu hàng đâu? Ta sở dĩ rầu rĩ không vui chính là vì việc này.

Cận Phi và Vân Thù nhìn nhau, cùng cau mày buồn bã. Lữ Đức lại nói:

- Mấy năm nay ta giữ Tương Dương, chỉ có Vân công tử và Cận môn chủ là vượt được phong tỏa vào thành, hừm… – Y ngừng lại, vẻ lưỡng lự.

Cận Phi khẳng khái nói:

- Việc nghĩa không thể từ nan, tôi cũng có ý đó. Mong Lữ đại nhân viết một bức thư cho đại tướng Dĩnh thành. Tôi và Thù nhi sẽ lập tức dẫn thủy quân ra ngoài, dùng Thủy cầm ngư long trận vận chuyển lương thảo khí giới vào tiếp viện Tương Dương.

Lữ Đức trù trừ:

- Vân công tử là trợ thủ đắc lực của ta, công tử mà đi, coi như Lữ mỗ mất một cánh tay. Vả chăng Lưu Chỉnh đã đặt thủy trận ở Phàn Thành, dòng Hán giang đang bị quân Nguyên khống chế, bơi ra không phải dễ.

Vân Thù nói:

- Thủy cầm ngư long trận biến hóa rất vi diệu, phi tôi không ai điều khiển nổi. Nếu đường thủy khó khăn thì chuyển lên bộ, chúng tôi sẽ mang ít người hơn, tận dụng bóng đêm để ra khỏi thành. Mong Thái thú gắng giữ thêm một tháng nữa, đợi tôi luyện xong trận thế.

Lữ Đức lại kê ra một số nguy hiểm khác, hai huynh đệ Thần Ưng môn vẫn kiên quyết ý định đi tìm quân tiếp viện, cuối cùng y đành đồng ý. Vì tình hình khẩn cấp, luôn đêm ấy Cận Phi triệu tập nhân thủ, cùng Vân Thù, Phương Lan thắt dây thừng vào hông, nhảy ra ngoài thành.

Lữ Đức nhìn theo toán người cho đến khi bóng họ tan nhòa trong màn đêm, bỗng thở dài quỳ xuống đất, nghẹn ngào nói:

- Vân công tử, tình thế khốn quẫn không thể cứu vãn được nữa. Lữ mỗ suy nghĩ rất lung, cuối cùng vẫn không nhẫn tâm hãm chết con dân trong thành. An nguy của hậu phương đành giao phó cho công tử vậy.

Nước mắt hai hàng, y lạy theo hướng đám hào kiệt ba lạy, đoạn đứng dậy, nói với tên thân binh đang ngơ ngác:

- Truyền ý ta: niêm phong các kho, phá hủy Thiên Cương phá trận nỗ. Ra lệnh cho ba quân: giờ ngọ ba khắc ngày mai mở cổng thành đầu hàng!

.

Lương Tiêu từ trướng soái trở về doanh trại, l*иg ngực trĩu nặng, tâm trạng buồn bực khôn tả. Tiếng khóc than của bách tính Tương Dương cứ văng vẳng bên tai, hễ nhắm mắt là cảnh tượng bi thảm lại lồ lộ hiện lên trước mặt. Gã thầm nghĩ: “Đại Tống có muôn vạn thành trì, lẽ nào mỗi khi công thành đều nổ ra chiến tranh? Trên sa trường, lính đánh lính, tướng đánh tướng, một sống một chết đã đành, nhưng tại sao lại để liên lụy đến những người dân vô tội? Binh thư viết: không đánh mà khuất phục được kẻ địch là cảnh giới tối thượng của binh gia, nhưng thực tế có phương pháp nào không đánh mà thắng, bảo đảm an toàn cho bách tính không?”. Gã vò đầu bứt tai hồi lâu, vẫn không nghĩ ra kế nào toàn vẹn cả. Trong lúc khổ sở, một mối nghi ngại bỗng nhen nhóm: “Ta thề độc diệt Tống, lẽ nào là sai…”. Nhưng mối nghi ngại vừa manh nha đã tắt lịm ngay: “Mẹ thường dạy: đại trượng phu đã nói phải làm, không thể tự xéo lên lời nói của mình, ta đã bẻ cung thề, cũng như A Lý Hải Nha bẻ tên thề, đều là thề độc…”.

Gã buồn phiền, không muốn về doanh chạm mặt quân sĩ, bèn rong ngựa đến lều A Tuyết, nghe thấy bên trong vọng ra tiếng Lan Á trầm bổng, tựa hồ đang kể chuyện gì. Gã bước vào. A Tuyết nằm trên giường, mắt mở to, chăm chú nghe như uống từng lời. Trông thấy Lương Tiêu, cô cười tươi:

- Ca ca đến đúng lúc quá! Lan Á thư đang kể chuyện, nhan đề là Nghìn… nghìn mốt đêm…

Lan Á đỡ lời:

- Nghìn lẻ một đêm.

- Đúng rồi, Nghìn lẻ một đêm. – A Tuyết cười xòa.

Lương Tiêu ngắm nụ cười rạng rỡ và vẻ mặt tươi tắn của cô gái, lòng bỗng nhẹ hẳn đi:

- Lan Á, đa tạ cô đã quan tâm em ta.

Lan Á gạt đi:

- Cứ ra vẻ khách sáo làm gì thế! – Nàng xoa vai A Tuyết. – Muội đáng yêu thật, ta mến lắm.

Lương Tiêu cười méo xệch:

- Tiếc rằng dốt kinh khủng, nếu lây được chút thông minh của cô thì đỡ biết bao.

A Tuyết bĩu môi, lại thủ thỉ:

- Muội thích nghe kể chuyện, thư thư kể cho A Tuyết nghe một ngàn lẻ một buổi tối nhé.

Lan Á cười, nụ cười có phần miễn cưỡng, nàng dịu dàng nói:

- Tiếc rằng ta chỉ kể được lẻ một buổi tối thôi.

A Tuyết không hiểu. Lương Tiêu kinh ngạc ra mặt, hỏi:

- Cô định đi đâu à?

Lan Á buồn buồn thở dài:

- Tương Dương pháo đã xong, chỉ nay mai là phá được thành, ta không muốn trông thấy thảm cảnh ba ngày sau, cứ đi trước là hơn.

Lương Tiêu nói:

- Ba ngày sau họ đầu hàng chưa biết chừng.

Lan Á nhìn sâu vào mắt gã, thong thả hỏi:

- Ngươi chắc không?

Lương Tiêu máy môi, nhưng không thốt ra lời. Gã ngồi sững trên thảm một lúc rồi đứng bật dậy, loay hoay đi lại. Lan Á ngậm ngùi:

- Phá thành đồng nghĩa với chém gϊếŧ, đấy là thông lệ của quân Mông Cổ. Năm xưa khi tây chinh công phá thành Bát Đa, Húc Liệt Ngột Hãn cho lính thả sức chém gϊếŧ liền ba ngày, tới khi trong thành không còn tráng niên nào mới thôi. Mỗi khi nhắc lại chuyện ấy thầy ta lại đau lòng, nước mắt giàn giụa. – Giọng nàng tuy gắng giữ bình tĩnh, nhưng mắt đã đỏ hoe.

Lương Tiêu ớn lạnh:

- Thầy cô căm thù người Mông Cổ đến thế, vì sao vẫn thiết kế Hồi Hồi pháo cho họ? Vì sao cha con cô lại đến đây?

Lan Á thở dài:

- Hoàng đế Đại Nguyên thống trị cả bốn hãn quốc, một ý chỉ nhỏ nhoi của ông ta truyền xuống Y Nhĩ có thể khiến ánh sáng trí tuệ ở Mã La Gia vĩnh viễn lịm tắt. Lần này lẽ ra thầy đến, nhưng tuổi tác người đã cao, không chịu đựng được một hành trình xa xôi như vậy, cha con ta mới đi thay cho người.

Lương Tiêu lặng thinh. Lan Á nhìn gã đăm đăm, nghiêm nghị nói:

- Tương Dương pháo là cánh tay của ma quỷ, Mộc phích lịch là lửa địa ngục. Ngươi đã để ma quỷ hỏa ngục phục sinh, nếu còn tiếp tục sai lầm đó, sau này khi chết đi, linh hồn sẽ không được yên ổn đâu.

Lương Tiêu hơi giận, to tiếng:

- Cô nguyền rủa ta đấy à?

Lan Á cười buồn:

- Ngươi thông minh tuyệt đỉnh, đừng giả vờ không hiểu lời ta. Nạp Tốc La Đinh tuổi tác đã cao, người bây giờ giống như tuyết đọng trên đỉnh núi, một cơn gió to bất thần thổi qua là lả tả rớt xuống. Ngươi hãy buông thương vứt cung, cùng ta đến Mã La Gia. Ngươi là người xuất sắc nhất trong các toán gia xuất sắc hiện nay, nhất định có thể kế tục sự nghiệp của thầy ta, trở thành bậc trí tuệ của các trí tuệ.

Hai người nói chuyện bằng tiếng Hồi Hồi, A Tuyết không hiểu gì hết, chỉ thấy nét mặt họ nặng nề, bầu không khí trong trướng dường như đông cứng, khiến người ta khó thở. Cô vừa cúi đầu vê vê chéo áo vừa lén liếc mắt nhìn họ, tim đập thình thịch. Trên trán Lương Tiêu, gân xanh đập phập phồng, sắc mặt lúc đỏ lúc trắng, mấy lần định lên tiếng nhưng cuối cùng chẳng thốt ra được một từ. A Tuyết đang thấp thỏm theo dõi, thình lình Lan Á nhướng mày, nhoẻn cười với cô:

- Muội còn muốn nghe chuyện không?

A Tuyết gật đầu.

Lan Á lại kể hai chuyện rất hay. Đêm dần buông, A Tuyết nghe mãi, nghe mãi, đến khi mắt díp lại thì ngủ thϊếp đi ngay trong lòng Lan Á. Nàng bèn đặt cô gái nằm ngay ngắn trên giường, đắp chăn thật kín. A Tuyết ngủ say, mặt vẫn vương nụ cười, tựa hồ đang đi vào thế giới kỳ ảo của Nghìn lẻ một đêm.

Lan Á biết A Tuyết chưa lâu nhưng rất mến tính hồn nhiên trong sáng của cô. Nghĩ tới lúc phải rời khỏi đây, lòng chua xót, nàng cúi xuống chạm môi lên má A Tuyết, nước mắt rớt nhẹ xuống mặt cô gái. A Tuyết khẽ ú ớ như thể linh cảm được. Lan Á vội thấm khô cho cô, xong xoay mình đi ra khỏi trướng. Lương Tiêu cũng ra theo:

- Để ta đưa cô về.

Hai người ruổi ngựa đến cổng trại Trát Mã Lỗ Đinh. Lương Tiêu mấy lần ngập ngừng muốn nói, nhưng lại thôi. Khi gã quay ngựa đi, Lan Á gọi:

- Lương Tiêu!

Lương Tiêu ngoái đầu nhìn. Lan Á nhảy xuống ngựa, sắc mặt nàng hiện lên khổ sở dưới ánh trăng. Lương Tiêu hỏi:

- Gì vậy?

Đôi mắt xanh biếc của người thiếu nữ lấp lánh sáng, nàng lặng lẽ nhìn Lương Tiêu, chậm rãi nói:

- Bên đường cái đi về phía đông có một ngôi đình nhỏ, sáng mai ta đợi ngươi ở đó. Mong rằng ngươi thay đổi quyết định.

Tim Lương Tiêu trĩu nặng. Lan Á quay đi, chạy thật nhanh vào trại.

Lương Tiêu đưa mắt dõi theo cho đến khi bóng người thiếu nữ chìm hẳn trong đêm dày, ruột rối như tơ. Gã thốt nhớ đến cảnh cha chết thảm, đến ánh mắt não nề của mẹ lúc biệt li, lát sau lại nhớ tới dáng vẻ mềm yếu nhút nhát của Hiểu Sương, nụ cười duyên dáng của Oanh Oanh. Thời gian dần trôi, vầng trăng từ từ bò lên giữa trời, gió rét căm căm, Lương Tiêu rùng mình vì lạnh, nhận ra khóe mắt ướt nhoèn tự bao giờ. Gã nhảy lên ngựa, nhìn về phía Tương Dương, lòng buồn chán khôn tả: “Ba ngày sau, nếu quân Tống không hàng, tình hình sẽ ra sao đây? Bất kể thế nào, nếu bọn Lưu Chỉnh lạm sát người vô tội, ta chỉ còn cách cùng quân Khâm Sát chém chết chúng mà thôi”.

Ra quyết định xong, trong lòng cũng dễ chịu hơn một chút, Lương Tiêu thúc ngựa quay về đại doanh Bách Trượng sơn. Chưa đến gần đã nghe thấy âm thanh huyên náo, đoán biết trong doanh xảy ra việc lớn, gã bèn thúc ngựa phi nhanh vào. Một kỵ binh chạy ào ra đón:

- Bọn Tống tập kích!

- Có đông không? – Lương Tiêu hỏi.

- Ít thôi, nhưng thân thủ lợi hạ lắm. Thổ Thổ Cáp và mấy người nữa nổi giận, đang truy sát rồi!

Lương Tiêu nhói tim, vội hỏi:

- Đi về hướng nào?

Tên lính giơ tay trỏ về hướng đông nam.

Lương Tiêu không kịp hỏi nhiều, hấp tấp thúc ngựa đuổi theo, chưa đầy hai dặm đã gặp rất nhiều xác người ngựa ngổn ngang dưới đất, đủ cả lính Tống, lính Nguyên, có thi thể găm mười mấy mũi tên tua tủa; có kẻ đang bóp cổ một lính Khâm Sát, phần bụng bị loan đao đối phương đâm thủng, cả hai đã tắt thở, mắt lồi tướng; có kẻ bị trường mâu Khâm Sát xuyên từ người xuống ngựa, ghim cứng một chỗ. Đủ mọi kiểu chết bi thảm, chắc hẳn hai bên đã gặp nhau ở đây rồi diễn ra ác chiến.

Lương Tiêu tế ngựa phi điên cuồng, ruột nóng như lửa đốt, được một quãng thì gặp chừng hai trăm kỵ binh chầm chậm đi ngược lại, người dẫn đầu chính là Thổ Thổ Cáp, Vương Khả đang ẵm một người, thi thoảng lau nước mắt. Lương Tiêu điểm qua hàng ngũ, thấy vắng bóng Dương Giác, tức thì trái tim trĩu nặng. Mọi người vỗ ngựa chạy lại gần chủ tướng, mắt ai cũng sưng húp. Lương Tiêu nhìn người đang nằm trong lòng Vương Khả, nhận ra đúng là Dương Giác, mặt mũi xám ngoét, hẳn đã tắt thở từ lâu.

Lương Tiêu thấy trước mắt tối sầm, đầu óc trống rỗng, trong lúc lơ mơ chỉ nghe Vương Khả nghẹn ngào:

- Lương đại ca, lại… lại tên khốn kiếp đó…

Dù Vương Khả không nói, Lương Tiêu cũng nhận ra. Thanh kiếm trên người Dương Giác xuất phát từ vị trí Đại hữu, lật kính hộ tâm đâm vào huyệt Đản trung, chính là thủ pháp của Quy tàng kiếm.

Thổ Thổ Cáp dộng mạnh trường mâu, gằn giọng nói:

- Nếu không gϊếŧ được tên khốn đó, Thổ Thổ Cáp này quyết không quay về quê hương.

Lý Đình, Nang Cổ Ngạt và Vương Khả đều quắc mắt, cao giọng:

- Đúng, không trả được thù này, quyết không về quê hương.

Lương Tiêu là đại tướng, không tiện tỏ thái độ yếu đuối trước mặt thuộc hạ, bèn xua xua tay, giục ngựa quay đầu. Nhưng vừa thúc ngựa, gã đã mất kiềm chế, nước mắt ròng ròng tuôn rơi.

Đang canh khuya không kịp chuẩn bị hậu sự, mọi người để tạm xác Dương Giác trong lều Lương Tiêu rồi ngồi im lìm xung quanh, đèn thắp sáng suốt đêm. Giờ ngọ hôm sau, A Tuyết sang, thương xót khóc lóc vật vã một hồi, lại thấy mọi người chưa có hột cơm nào vào bụng bèn nấu nhanh nồi cháo, không ai nỡ chối từ nên đều ăn một ít. Lương Tiêu sực nhớ lời Lan Á nói đêm qua, vội vàng lên ngựa đuổi theo. Gã tưởng nàng đã đi mất rồi, không ngờ đến gần tiểu đình vẫn thấy cha con họ ngồi đợi, bên ngoài có chừng một trăm binh sĩ đang nghỉ ngơi, áng chừng đi theo hộ tống.

Lương Tiêu tần ngần một thoáng, cuối cùng xuống ngựa lùi sang bên đường, dõi mắt quan sát. Lan Á ngồi suy tư, thình lình đứng lên đi đi lại lại. Trát Mã Lỗ Đinh cũng đứng dậy, thì thào với con gái một hồi. Lan Á xoay mặt đi, đôi vai run bần bật. Trát Mã Lỗ Đinh thở dài, lại vỗ vỗ vai nàng, an ủi vài câu. Sau một hồi thẫn thờ, Lan Á đưa tay áo lau nước mắt, nhảy lên con ngựa Ả Rập đi về hướng bắc, nhưng được mấy bước, nàng lại ngoái đầu nhìn phía sau. Cứ thế mười mấy lần cho đến khi khuất hẳn cuối con đường.

Lương Tiêu lên ngựa dướn nhìn theo, bụi vẫn chưa lắng mà bóng người đã xa, nhất thời trong lòng trống rỗng. Gã và Lan Á mới quen biết nhau nhưng ý hợp tâm đầu, cứ nhắc đến toán học là quên hết thời gian. Khổ nỗi Triệu San mất chưa lâu thì lại tới Dương Giác, oán thù mỗi ngày một sâu, gã không thể tìm đường giải thoát như nàng gợi ý. Mà chưa biết chừng, chẳng bao lâu nữa đến lượt gã cũng mất mạng nơi sa trường, vĩnh viễn nằm lặng trong cõi u minh. Nghĩ đến đây, Lương Tiêu chán nản cùng cực, ủ rũ cưỡi ngựa về doanh.

.

Giờ ngọ ngày thứ ba, cổng thành Tương Dương mở rộng, Lữ Đức mặc áo trắng, đội mũ trắng, đi bộ ra khỏi thành. Bá Nhan được tin, đích thân sang tiếp nhận đầu hàng, phong Lữ Đức làm Đô đốc Tương Phàn.

Tin bay vào nội địa, một đám mây u ám bao trùm triều đình Đại Tống, tiếng ai oán chê trách lan rộng khắp nơi. Người đương thời làm bài thơ than rằng:

Lữ tướng quân trấn thủ Tương Dương,

Xương sống mười năm giữ biên cương.

Cầu cứu viện quân không thấy đến,

Căm hờn mạt sát Giả Bình chương.

Giả Bình chương tức Giả Tự Đạo, kết tội hắn không gửi quân tiếp viện Tương Dương kể cũng chưa thỏa đáng, nhưng hắn dụng binh ngu muội, triều đình lại u mê, chẳng lần nào viện binh tới nơi, khiến cả hai thành bị vây hãm, Lữ Đức bị cô lập, chỉ biết vẫy vùng chiến đấu trong tuyệt vọng. Suy cho cùng Giả Tự Đạo lộng quyền làm loạn triều chính, là kẻ tội phạm đầu sỏ đẩy Tương Phàn vào cảnh khốn đốn, bài thơ không trách Lữ Đức dâng thành mà trách Giả Tự Đạo hại nước, đủ thấy thế nhân nhìn nhận rất công bằng.

Đất Tương Phàn xưa rày vẫn được gọi là “xương sống của thiên hạ”, một vai gánh miền nam, một vai gánh miền bắc, mặt bắc dẫn sang Hà Nam, mặt tây nối liền Ba Thục, mặt nam áp sát Hồ Quảng, mặt đông kề cận Giang Hoài. Từ cổ chí kim, trận khởi đầu của các cuộc nam bắc tương tranh đều diễn ra ở đây. Tương Phàn thất thủ làm đứt đoạn hàng phòng ngự biên giới, đất đai trăm dặm vùng Giang Hán tự nhiên phơi ra trước mũi tấn công của quân Nguyên.

.

Tuyết chảy băng tan, trời dần dần ấm lên. Năm thứ mười một nhà Nguyên, tương đương năm Hàm Thuần thứ mười ba theo lịch Tống, Hốt Tất Liệt truyền chỉ chinh thảo miền nam. Tháng ba năm ấy, Sử Thiên Trạch đi tuần doanh trại ban đêm bị cảm hàn, từ đó đổ bệnh nặng. Họ Sử tuổi tác đã cao, khí huyết suy nhược, nằm li bì hai ngày một đêm thì nhắm mắt xuôi tay. Bá Nhan và các tướng đến tế vọng, an ủi gia quyến.

Viếng xong, Lương Tiêu theo mọi người rời Sử phủ, trong lòng rầu rĩ: “Sử Thiên Trạch công toại danh thành là thế, chết đi cũng chỉ hai bàn tay trắng. Thổ Thổ Cáp và Lý Đình đang hăm hở gây dựng sự nghiệp, nhưng một mai lìa đời, liệu có mang công danh theo mình được không?”. Đang mải trầm tư, chợt nghe Bá Nhan gọi:

- Lương Tiêu!

Lương Tiêu ngước mắt nhìn. Cặp mắt uy nghiêm của Bá Nhan xoáy vào mặt gã:

- Cậu lại đây với ta!

Y giật mạnh cương, tế ngựa chạy thẳng ra cổng thành. Lương Tiêu không hiểu ra sao, liền vội vàng thúc ngựa chạy theo.

Bên ngoài thành là đồng ruộng bao la, nhưng chỉ lơ thơ vài nông dân bộ dạng lam lũ đang chậm chạp bước trên luống cày. Mười năm đại chiến Tương Phàn, nhà cửa ruộng vườn quanh vùng bị bỏ hoang, hàng vạn mẫu đất tốt đều biến thành chiến trường.

Đột nhiên, một con thỏ rừng nhảy phóc ra khỏi bụi cây, tung bốn chân chạy như bay, một con sói vàng cong đuôi đuổi theo, thình lình nhún móng trước xuống đất, bắn mình lên chụp lấy đầu con thỏ. Đúng lúc này, một mũi tên rít gió lao tới, cắm phập vào cổ con sói, đâm xuyên xuống cả lưng thỏ.

Bá Nhan bắn xong thở dài, định hạ cung, chợt nghe gió đưa tiếng nhạn kêu trong trẻo, y lại nghiêng người giương cung. Một bầy nhạn xếp thành mũi nhọn bay về phương bắc. Bá Nhan kéo cung hồi lâu nhưng không phát tên, đăm đăm nhìn đàn chim bay đi xa, chùng tay thở dài:

- Cậu bắn chim ưng bao giờ chưa?

Lương Tiêu lắc đầu. Bá Nhan cười:

- Tế ngựa hăng chạy l*иg đại mạc, Giương cung bắn tan tác chim muông. Cuộc sống ấy thực là thống khoái! Hiềm nỗi chưa diệt Tống thì chưa trở về bắc được. Không biết đánh trận bao giờ mới xong?

Lương Tiêu lúc này mới hiểu ban nãy Bá Nhan giương cung mà không bắn là vì chạnh lòng nhớ quê hương. Gã chợt xót xa:

- Thế thì đừng đánh nữa. – Vừa dứt lời, chợt cảm thấy không ổn chút nào, lại tự vấn: “Không đánh thì làm sao trả thù được đây?”.

Bá Nhan liếc mắt nhìn gã, cười hỏi:

- Lần trước ta hạ lệnh phạt cậu, còn giận ta không?

Lương Tiêu nhíu mày im lặng, Bá Nhan biết gã vẫn ấm ức chưa nguôi, bèn cười ha hả:

- Thôi, đều tại ta không tốt, nhưng cậu là tiểu tướng mà xúc phạm đại tướng, cũng quá đáng lắm. Lúc đó chỉ có hai lựa chọn, một là xử phạt, hai là xử trảm, đành chọn cách ít tổn thất nhất, nên để cậu phải chịu ấm ức.

Lương Tiêu nghe phân tích hợp tình hợp lý, cũng nguôi nguôi giận. Bá Nhan chợt trỏ roi về một tòa miếu cổ:

- Lại kia xem đi!

Khi tới gần, họ thấy tường miếu đã đổ nát, cổng vào có dựng một tấm bia. Bá Nhan xuống ngựa, cho tả hữu lui ra sau, xoa xoa mặt bia, im lặng trầm ngâm. Tấm bia chạm chi chít chữ, lốm đốm bạc màu, dựng trên lưng một con rùa đá mòn, chừng như niên đại xa xưa lắm rồi.

Bá Nhan chợt hỏi bằng tiếng Hán:

- Cậu biết lai lịch của tấm bia này không?

Lương Tiêu lắc đầu. Bá Nhan trỏ tòa miếu đất trước mặt:

- Đây là miếu Dương Thái phó, nơi thờ Dương Cổ nhà Tấn. Dương Cổ là danh tướng người Hán. Họ Tư Mã diệt Đông Ngô và thống nhất ba nước đều xuất phát từ gợi ý của ông ta. Đáng tiếc, người này soạn kế diệt Đông Ngô mà không sống được tới ngày bình định thiên hạ, thuở sinh tiền đã mấy lần dâng biểu phạt Ngô nhưng đều bị hoàng đế bác đi, ông ta không thỏa tráng chí, mỗi khi nhìn về phương nam đều sa lệ, vì vậy tấm bia này còn gọi là Đọa lệ bi[3]. – Y nhìn Lương Tiêu, nghiêm chỉnh hỏi. – Cậu có biết vì sao trên đời cứ luôn xảy ra chiến tranh không?

Lương Tiêu thần người, cuối cùng thành thật đáp:

- Tôi không biết!

- Đơn giản lắm, cứ nhiều nước cùng tồn tại là sinh chiến sự.

- Nhiều nước cùng tồn tại ư?

Bá Nhan mỉm cười:

- Nhớ năm xưa, các bộ lạc Mông Cổ phân tranh, binh lửa ngùn ngụt ngàn năm không dứt. Mãi cho đến khi Thái Tổ xuất thế, bằng sự anh minh trời phú, cơ trí mưu lược, người đã khắc phục muôn vàn gian khổ, đầu tiên thống nhất Mông Cổ, chấm dứt nội chiến, sau đó mở rộng phạm vi chinh phạt. Chắc cậu cũng biết người Hán đánh nhau dữ dội nhất vào thời các chư hầu cát cứ, trước tiên là Xuân Thu Chiến Quốc, kế đến Tam Quốc Lưỡng Tần, sau thời Đường thì các triều đại thay nhau trị vì nhanh như thay áo, hết Ngũ đại thập quốc đến Tống Liêu giao phong, kế tiếp là chiến tranh giữa năm nước Tống, Kim, Tây Hạ, Đại Lý và Thổ Phồn, chém gϊếŧ vô cùng thê thảm. Hiện tại, Kim, Tây Hạ, Đại Lý và Thổ Phồn đều đã bị diệt, nhưng Tống Nguyên còn đang tranh hùng. Bốn trăm năm qua liên tục loạn lạc, chưa từng có một ngày bình yên.

Lương Tiêu không kìm được hỏi:

- Tức là phải thống nhất toàn bộ thiên hạ thì mới chấm dứt được chiến tranh?

- Đúng thế! Từ cổ chí kim, những người có chí cứ thích chọc trời khuấy nước, nhưng thực chất, tứ hải một nhà mới đem lại thái bình cho thiên hạ. Dương Cổ rơi lệ không phải vì vinh nhục cá nhân mà vì dân chúng cả nước! Đại Tống hiện nay cũng tương tự Đông Ngô thuở nào, chưa diệt được nó thì chiến tranh giữa hai miền nam bắc còn dai dẳng mãi, và hứng chịu tổn thất trước tiên chính là bách tính đôi bên.

Lương Tiêu cau mày:

- Vì sao phải gϊếŧ? Vì sao phải đánh? Hòa hảo chẳng tốt hơn ư?

Bá Nhan xua tay:

- Cá lớn nuốt cá bé, ấy là lẽ thường tình ở đời! Cậu đã thấy hổ nào không ăn thịt dê chưa? Dẫu chúng ta để yên cho người Hán, khi họ mạnh lên chắc gì đã tha chúng ta? Tướng Hán là Hoắc Khứ Bệnh từng nói: “Hung Nô chưa diệt, chuyện nhà đáng chi?”. Đại Hán hùng cường, kéo lên bắc tiêu diệt Hung Nô. Đại Đường hưng thịnh, cất quân chinh phạt Đột Quyết, làm cỏ Cao Ly. Ngay thời Tống đây, chẳng phải Thái Tông cũng đã từng tấn công Khiết Đan đấy ư? Chỉ tội hắn không tự lượng sức, đánh không lại người ta mà thôi.

Lương Tiêu băn khoăn:

- Tóm lại là, hễ lắm quốc gia tất chia mạnh yếu, đã có mạnh yếu tất sinh chiến tranh ư?

Bá Nhan không trả lời thẳng vào câu hỏi của gã, nói lảng sang chuyện khác:

- Nghe nói bạn cậu mất.

Lương Tiêu dàu dàu gật đầu. Bá Nhan thở dài:

- Cậu là người trọng tình cảm, cũng tốt. Nhưng tính mệnh một cá nhân so với tính mệnh ức vạn dân lành thì bên nào nặng bên nào nhẹ?

Lương Tiêu ngẩn người. Bá Nhan bước mấy bước, vụt xoay phắt lại nói to:

- Cuộc đời lắm nỗi đoạn trường, đường đường một đấng nam nhi thân cao bảy thước, nếu giương cánh cung cứng, cưỡi ngựa khỏe bình định thiên hạ thì ngàn năm nữa vẫn còn tiếng thơm lưu truyền. Nếu vì cái chết của một cá nhân mà suốt ngày đau đớn, sụt sùi khóc than rền rĩ thì thử hỏi chỉ trăm năm sau thôi, còn ai nhớ đến Lương Tiêu nữa? – Y trỏ đám nông dân. – Thế thì có khác gì đám thôn phu thô kệch kia đâu?

Lương Tiêu chưa bao giờ ôm chí lớn, làm việc đều theo cảm hứng nhất thời, hoàn toàn hững hờ với những lý tưởng như trị quốc bình thiên hạ, nay nghe những lời này, trong lòng bỗng hoang mang. Bá Nhan càng nói càng sôi nổi:

- Trống da trâu tốt, gõ khẽ là phát ra âm thanh vang rền. Một người thông minh dứt khoát không cần ta phải phân tích quá nhiều. Trong huyết quản cậu có có dòng máu của Thành Cát Tư Hãn, tài năng cậu khiến người đời đố kỵ. – Y xòe tay, cười nhạt. – Một hàng tướng nhỏ nhoi như Lưu Chỉnh thì đáng kể gì?

Lương Tiêu tuổi còn trẻ, máu nóng đương căng, nghe vậy bật thốt:

- Đại Nguyên soái… – rồi họng nghẹn lại, không thốt nên lời.

Bá Nhan xua tay cười:

- Hiểu là được, không cần phải nói ra. Sử Thiên Trạch đã chết, ta giao binh mã của ông ấy cho cậu. Dám nhận không?

Lương Tiêu đáp ngay không nghĩ ngợi:

- Càng nhiều càng tốt.

Bá Nhan cười mắng:

- Tiểu tử nhà ngươi, đúng là đại ngôn không biết ngượng mồm. – Nghĩ sao y lại đưa mắt nhìn về phương nam, buồn bã thở dài. – Chỉ mong lần này thống nhất thiên hạ để ngàn năm vạn năm sau vĩnh viễn không còn chiến tranh nữa.

Lương Tiêu nghe dứt, bỗng rùng mình lẩm bẩm:

- … ngàn năm vạn năm sau vĩnh viễn không còn chiến tranh.

Gã lẩm bẩm câu ấy mấy lần, giọng mỗi lúc một mong mỏi, mắt đăm đăm dõi ra đồng dã nơi xa.

[1] Sấm sét gỗ.

[2] Trích bài thơ Kỷ Hợi tuế nhị thủ của Tào Tùng thời Đường.

[3] Bia rơi lệ.