Phiên Ngoại
-Năm năm sau-
Bà muốn về núi Lạc Âm thăm thú.
Những năm nay họ chưa thực sự nghiêm túc quay về, chân của bà đi lại bất tiện, cũng không chịu được giày vò, tuổi lớn rồi, càng sợ lặn lội đường xa.
Vì thế chỉ có mỗi năm Kinh Trập về tảo mộ cho bố mẹ, thời gian còn lại cũng không thường xuyên, thậm chí ngoài bà Vạn ra cô đều cố gắng không làm kinh động đến người khác.
Từ khi bà rời khỏi núi Lạc Âm cho đến nay cũng đã hơn mười năm.
Thế nên Kinh Trập liên lạc trước với bên nhà bà Vạn trước, sau đó đặc biệt dành ra thời gian một tuần trong kỳ nghỉ hè để chuẩn bị quà cáp, dẫn bà về thăm hỏi họ hàng.
Lúc xuống máy bay, vẫn có người đến đón họ như trước kia, chỉ là lần này Lâm Kiêu lái xe, kêu tài xế quay về.
Một chiếc SUV, vốn dĩ Lâm Kiêu đề nghị đi xe RV bà ngồi sẽ thoải mái hơn chút, nhưng Kinh Trập lườm anh một cái, đường mới sửa được bao nhiêu năm, ở nơi hẹp như vậy mà gặp xe đi ngược chiều thì sẽ rất phiền phức.
Lâm Kiêu bĩu môi: “Ừm.”
Lúc anh nói câu này, trợ lý bên cạnh anh không kìm được bật cười.
Có lẽ không hiểu tại sao tổng giám đốc Lâm thường xuyên nhận thua trước vợ mình.
Kinh Trập ngồi bên cạnh ghế lái, bà với Nhất Mao ngồi ghế sau.
Nhất Mao chính là con gái của Kinh Trập và Lâm Kiêu, lý do gọi là Nhất Mao thì phải nói đến chú chó tên Nhị Mao trong nhà. Ban đầu Nhị Mao là chú chó đáng thương bị bỏ rơi, dì Hình Mạn muốn mang về, nhưng lại sợ bẩn, nên đã bỏ ra hai hào* để mua cái bao, bỏ chú chó vào trong đó và xách đến bệnh viện thú y kiểm tra, sau đó đặt tên là Nhị Mao, lúc đó bác sĩ nói tình trạng của nó không được tốt, đặt cái tên quê để dễ nuôi.
(*Hai hào (二毛): âm Hán việt là Nhị Mao, và vì câu chuyện liên quan đến hai hào nên lấy tên là Nhị Mao.)
Lúc nhỏ sức khỏe của Nhất Mao cũng không được tốt, ngày nào cũng chạy vào bệnh viện Nhi Đồng, có một lần trên đường đi gặp phải một bà cụ, ngăn Lâm Kiêu lại đòi ăn, vốn dĩ Lâm Kiêu không muốn để ý đến, nhưng khoảng thời gian đó Nhất Mao thường xuyên đau ốm, vì thế Lâm Kiêu cảm thấy mình nên làm nhiều việc tốt, nên anh đã dẫn bà cụ đó đi ăn cơm, lúc ăn cơm có nhắc đến việc lát nữa anh phải đến bệnh viện thăm con gái.
Bà cụ lấy ba đồng tiền từ trong người ra, rải ra trước mặt anh, sau đó bấm ngón tay tính, cuối cùng nói: “Chuyện mà cậu lo lắng sẽ không xảy ra, nhưng nhớ kĩ, sau khi đứa trẻ sinh ra không được dùng cái tên đầu tiên.”
Bà cụ nói xong còn hỏi Lâm Kiêu xin tiền, nói là quy ước ngành nghề, giả vờ có chuyện nghiêm trọng, nhưng để chứng minh mình không phải lừa đảo, bà ta chỉ nhận một hào.
Từ trước đến nay Lâm Kiêu không tin cái này, nhưng có lẽ quá lo lắng cho con gái, nên cuối cùng anh cũng tin, lúc đó vẫn chưa đặt tên khai sinh, cho nên họ đã đổi tên ở nhà.
Đặt vài cái tên rồi mà vẫn không hài lòng, cuối cùng nhớ đến câu chuyện của Nhị Mao, rồi lại nhớ đến Nhị Mao hoạt bát khỏe mạnh như bây giờ, vì thế họ quyết định đặt tên cho con gái là Nhất Mao.
Hi vọng Nhất Mao cũng có thể khỏe mạnh, hoạt bát như Nhị Mao.
Nhất Mao ngủ rồi, cũng không kịp ngắm nhìn phong cảnh núi non mà mình luôn nghĩ đến, không nhìn thấy cây cối đầy khắp núi đồi, trái cây đỏ tươi, cũng không nhìn thấy được động vật nhỏ chạy vụt qua.
Đến lúc Nhất Mao tỉnh lại thì họ đã đến nơi.
Lúc cô bé lim dim mở mắt ra, bố đang bế cô bé từ trên xe xuống, cô bé ôm chặt cổ của bố, nhẹ nhàng hỏi: “Chúng ta đến rồi sao bố?”
Bố nghiêm túc liếc nhìn cô bé một cái: “Không, con vẫn đang nằm mơ đấy”
Nhất Mao nghi hoặc liếc nhìn bố một cái, Lâm Kiêu nhún vai bật cười: “Ngốc thật, giống y như mẹ con.”
Nhất Mao cũng không nhẫn tâm phản bác lại anh.
Bố đưa cô bé cho mẹ, rồi đi chuyển đồ đạc vào.
Bà Vạn vẫn ở trong núi, bây giờ trong núi đã thuận tiện hơn trước, nhà cửa cũng được sửa chữa lại, trước cửa được lát con đường đá mới.
Khắp nơi đều được đổi mới toanh.
Tai Bà Vạn đã bị lãng nặng, nói chuyện rất lớn tiếng, bà ấy bước qua hai ngưỡng cửa, run rẩy chào bà rồi ôm chầm lấy bà trong khoảng sân rào đầy dây leo chằng chịt, bà ấy cười nói: “Cửu à, cuối cùng bà cũng về rồi!”
Bà cũng ôm chặt cánh tay bà Vạn, đã rất lâu rồi bà chưa nghe người khác gọi tên của mình, con người càng lớn tuổi thì sẽ càng không cảm nhận được sự tồn tại của bản thân. Bà mấp máy môi mấy lần, dường như mới tìm được giọng nói của mình, hắng giọng hét lên: “Về thăm bà đấy!”
Bà Vạn méo miệng, lộ ra vài phần giận hờn của trẻ con: “Bà mà còn không về, sợ là không còn gặp được nhau nữa đấy.”
Bà ấy chỉ vào vị trí cổ mình: “Đất lấp đến đây rồi.”
Bà nghe thấy thì bật cười ha ha, giống như nổi máu đua đòi lên vậy, bà cũng so so mũi của mình: “Tôi lấp đến đây rồi nè.”
Mấy năm gần đây bà thường xuyên nhắc đến vấn đề chết chóc, ban đầu Kinh Trập rất đau lòng, bà liền cười cô, nói rằng con người đến độ tuổi nhất định thì cũng không còn kiêng kị nữa, còn nói nếu là trước kia, đến độ tuổi này người ta đã đóng quan tài, may quần áo mới cho bà được rồi. Con người sống đến từng tuổi này, có thể dự định sớm cho hậu sự cũng là một chuyện tốt.
Kinh Trập vẫn không nghe vào được, cô hi vọng mãi mãi không có ngày đó.
Lúc này thấy hai bà cụ đang hỏi han nhau, cô bế Nhất Mao ra ngoài sân xem vịt con.
Bỗng nhiên cô có cuộc điện thoại, sau đó gọi Lâm Kiêu đến trông Nhất Mao một lát.
Lúc Lâm Kiêu đi đến, tiện thể véo mặt Kinh Trập một cái, Kinh Trập lườm anh, anh khẽ cười, bế Nhất Mao ba tuổi lên vai, Nhất Mao ôm đầu của bố, có chút buồn rầu nói: “Bố ơi, mẹ bảo con trông chừng bố, bố sẽ không làm chuyện xấu, đúng không?”
Lâm Kiêu vịn chân của Nhất Mao, bước xuống cái dốc thoai thoải rồi đi ra ngoài: “Đương nhiên là không rồi, bố là kiểu người không đứng đắn đó sao?”
Họ vừa ra ngoài cửa thì gặp Vạn Khôn.
Năm đó thành tích của Vạn Khôn không được tốt, đi theo bố mẹ bắt đầu kinh doanh làm ăn, nhưng cũng may mắn kiếm được ít tiền, hôm nay nghe tin bà Thẩm về nên đặc biệt quay lại để gặp bà, kết quả lại thấy Lâm Kiêu đầu tiên.
Năm đó hai người còn ngủ chung một chiếc giường, mặc dù gây nhau rất khó chịu, hận không thể cho đối phương một trận, nhưng bây giờ nghĩ lại cũng có chút buồn cười.
Lâm Kiêu gật đầu chào đối phương, sau đó lắc lắc cái chân của Nhất Mao: “Chào chú Vạn đi con.”
Nhất Mao nắm chặt đầu tóc của bố, có chút ngại ngùng nói một câu: “Cháu chào chú Vạn.”
Nhất Mao buộc hai chỏm tóc nhỏ hai bên, chỏm tóc nhỏ được buộc bằng dây màu đỏ, trông mềm mại và dễ thương.
Vạn Khôn ngây người, bỗng nhiên cảm thấy mình đã nhìn thấy hình bóng lúc nhỏ của Kinh Trập, vì thế anh ta cười, đưa tay vỗ vỗ cánh tay của Nhất Mao, nói: “Giống y mẹ cháu lúc nhỏ.”
Tính cách giống, ngoại hình cũng giống.
Lâm Kiêu nhếch mày một cái.
Vạn Khôn bảo họ vào nhà, Lâm Kiêu lắc đầu nói: “Để hai bà nói chuyện một lát đi, tôi dẫn quỷ sứ này ra ngoài đi dạo một chút.”
Nhất Mao gật gật đầu rất phối hợp, từ nhỏ đến lớn cô bé chưa lên núi bao giờ, nhìn thấy gì cũng cảm thấy rất mới lạ.
Vạn Khôn cũng không gò ép, anh ta liếc nhìn thấy Kinh Trập đang gọi điện thoại ở bên, liền gật đầu rồi đi vào nhà.
Kinh Trập nghe điện thoại của Viện Thiết kế, bất tri bất giác đã nói chuyện được nửa tiếng đồng hồ, lúc cô quay đầu lại thì không biết Lâm Kiêu với Nhất Mao đã đi đâu mất rồi.
Nơi này trở nên rất xa lạ, ngay cả Kinh Trập lớn lên ở đây từ khi còn bé cũng sắp không nhận ra nữa rồi.
Nhưng thỉnh thoảng vẫn có thể tìm thấy bóng dáng cũ xưa, những ngọn núi ở phía xa xa, những con suối gần đó, còn có cái cây mà sau này được treo bảng là cây cổ thụ năm trăm tuổi.
Trước và sau cửa vẫn trồng rau củ và cây ăn quả như trước.
Con ngỗng lớn vẫn bước đi một cách ngạo nghễ.
Kinh Trập đi dạo một vòng, cũng không tìm thấy hai người đâu, vì thế cô mới gọi điện thoại: “Người đâu hết rồi?”
Lâm Kiêu im lặng giây lát rồi nói: “Lát nữa sẽ về.”
Nói rồi, giọng Nhất Mao xen vào: “Mẹ ơi, cứu mạng.”
Kinh Trập: “……Bố con lại làm gì rồi?”
Nhất Mao có chút buồn bực, nói: “Bố huýt sáo với con ngỗng, sau đó con ngỗng……ưʍ.”
Có người bụm miệng cô bé lại, tức hồng hộc nói: “Sao con còn tố cáo thế!”
Không cần đoán Kinh Trập cũng biết đã xảy ra chuyện gì rồi.
Thật ra Lâm Kiêu nhớ đến trải nghiệm năm đó bị ngỗng đuổi chạy, cảm thấy vừa đáng thương mà cũng vừa buồn cười, qua lâu như vậy rồi, anh thấy ngỗng cũng thân thiện hơn, nên anh hữu nghị huýt sáo với nó.
Nhưng con ngỗng dường như không cảm kích, nó cúi đầu xuống, ép người, hơi dang rộng đôi cánh rồi lao thẳng về phía anh.
Lâm Kiêu muốn chửi cũng chửi không được, nghẹn lại trong cổ họng, sau đó anh bế Nhất Mao bỏ chạy.
Chủ của con ngỗng đó là một bà dì, dì đuổi theo con ngỗng, một tay tóm lấy đầu ngỗng. Dì ấy nhận ra Lâm Kiêu, biết là cháu rể của nhà bà Thẩm nên vô cùng nhiệt tình, cứ muốn hầm con ngỗng này cho họ ăn.
Lâm Kiêu mơ hồ nhớ lại con ngỗng năm đó, cuối cùng cũng bị anh ăn mất.
Lâm Kiêu với Nhất Mao đương nhiên đều ăn thịt gà, vịt, cá, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy con ngỗng đang sống sờ sờ đó mà bị trừng trị, hai người khua khua tay với vẻ mặt hoảng sợ.
Đặc biệt là Nhất Mao, cô bé mềm lòng lại lương thiện, hung hăng giật cánh tay của bố, nước mắt sắp trào ra.
Kết quả là dì ấy tặng con ngỗng cho họ. Bây giờ ông bố dắt tay con gái, con gái cầm dây mà dì cho để dắt cổ con ngỗng, con ngỗng lắc lư đi ở đằng sau, thậm chí còn đi lệch tuyến đường, ra bờ suối sau núi gặm cỏ.
Hai người đang bàn bạc làm thế nào mới có thể lặng lẽ bắt ngỗng về mà không làm kinh động đến bất kỳ người nào.
Lúc Kinh Trập tìm thấy Lâm Kiêu với Nhất Mao thì hai người đang ngồi trên tảng đá lớn ăn trái cây và kẹo mềm.
Chủ yếu là Lâm Kiêu ăn, Nhất Mao thì đút anh.
Kinh Trập lấy lại kẹo từ trong tay Nhất Mao, sau đó nhét vào trong túi của mình, rồi gõ một cái lên đầu Lâm Kiều: “Anh dắt ngỗng của người ta làm gì.”
Lâm Kiêu có chút oán hận ôm cánh tay của Kinh Trập: “Bà xã, anh với ngỗng có thù với nhau mà, vốn dĩ anh đã đi rồi, nhưng nó cứ muốn đi theo anh.”
Nhất Mao gật gật đầu: “Sau đó bà lấy dây cột lại, để con với bố dắt đi.”
Thật ra họ bắt ngỗng chưa bao giờ dắt dây cả, nhưng dì ấy có lẽ thấy hai người nhã nhặn quá nên muốn cho họ chơi một chút, ai ngờ ngay cả dắt mà hai người cũng dắt không được.
Kinh Trập ôm trán, đi lại tháo dây ra, sau đó học theo tiếng ngỗng kêu vài tiếng, rồi con ngỗng đi theo cô.
Lâm Kiêu vẫn cõng Nhất Mao, hai người thường xuyên quay đầu lại nhìn.