Cà Phê Đợi Một Người

Chương 3

Tôi lấy làm nghi ngờ, không biết khi vào đại học, có phải mình cũng sẽ quên sạch luật lệ giao thông hay không. Nhưng nói đi cũng phải nói 1ại, hằng ngày đi làm và tan làm, tôi đều thấy những sinh viên đại học dũng cảm hăng hái quên mình xông qua đường cái, bộ dạng tươi cười hỉ hả của họ rất khó gặp trong không khí cần cù ngột ngạt ở lớp phụ đạo.

Vào đại học nhất định là một quá trình gần như phép màu trong đời, sẽ khiến đám học sinh cấp ba nặng nề từ khi thay da đổi thịt.

Những cô gái rạng rỡ giống như tôi sẽ có quyền quyết định có cần mặc váy đi học hay không, đám con trai cũng không còn chỉ biết chơi bóng rổ hay trò chơi điện tử nữa.

Chỉ còn một con phố, và ba trăm ba mươi mốt ngày nữa, là cuộc sống đại học sẽ mở ra trước mặt. Tôi rất chờ mong, thậm chí còn hơi hơi sốt ruột.

Vì vậy, tuy rằng gần như ngày nào tôi cũng đến quán cà phê trình diện, học cách độc lập và trải nghiệm cuộc đời trước chúng bạn, nhưng ngày nào tôi cũng ôn bài, làm các đề luyện tập trong sách tham khảo đến hơn hai giờ sáng mới đi ngủ. Hơn bốn tiếng sau, sáu giờ năm phút ra khỏi giường, mắt mũi nhập nhèm ngái ngủ phóng tới trường nữ sinh Tân Trúc tham gia những bài kiểm tra buổi sớm nhiều không kể xiết, lờ dờ như hồn ma bóng quế làm cho xong bài. Có điều, giữa thành tích của tôi và ngôi trường đại học cách một con phố cùng ba trăm ba mươi mốt ngày kia, rõ ràng còn một khoảng cách cần phải cố gắng nhiều.

Đèn xanh rồi.

Tôi vừa nghĩ bài luận môn tiếng Anh trong đầu, vừa đạp xe về phía nhà mình, chủ đề hôm nay là " If I were apresident ", vậy nên tôi nghĩ vẩn vơ xem mình muốn cải tạo Đài Loan thế nào. Chiếc xe đạp xóc nẩy trên con đường gập ghềnh lồi lõm, tôi cẩn thận giữ thăng bằng, tránh không để mấy cái bánh kem phô mai đựng trong túi nylon treo ở ghi đông xe rơi xuống đất.

Tân Trúc còn được gọi là Thành phố gió, về đêm, gió rất lớn.

Đường Quang Phục có một số đoạn hơi dốc xuống, gió đêm thổi thốc vào mặt, hai chân tôi không hiểu sao có phần khó nhọc, gần như phải đạp giật lùi, đầu óc vốn đang đầy các thành ngữ tiếng Anh dần dần không sao nghĩ ngợi được gì nữa, bèn bỏ luôn, đổi sang ngâm nga bài "Muốn cùng em đi hóng gió" của Trương Học Hữu cho hợp cảnh hợp tình.

Tôi dồn sức nhấn pê đan, chiếc xe đạp cũ kỹ bò qua hết ngã tư này đến ngã tư khác, về được đến nhà ở ngoại vi trung tâm thành phố thì đã mười một giờ, tôi cũng ướt sũng cả mồ hôi.

Tôi nghĩ chẳng bao lâu nữa mình sẽ tập được một đôi chân kiên cường bất khuất mập như củ cải.

Mở cánh cửa sắt đã kéo vào một nửa, không khí trong nhà lúc nào cũng phảng phất mùi hương trầm nhàn nhạt. Ti vi trong phòng khách nhỏ đang chiếu một chương trình vớ vẩn, kiểu phim truyền hình chính trị mà những người thuộc lứa bố mẹ tôi rất thích xem.

"Bố, hôm nay bà chủ lại khao này!" Tôi đặt bánh kem lên bàn.

"Chậc, thứ này đắt lắm nhỉ?" Bố tôi mở hộp giấy ra nói.

"Vâng, được lời rồi." Tôi đeo ba lô nhảy tưng tưng lên gác.

"Anh con đang tắm! Con lên học bài trước đi, nó tắm xong sẽ lên gọi con!"

Bố đứng ở đầu cầu thang lớn tiếng nói.

Bố tôi lái xe cả đời. Thời trẻ ông từng lái máy xúc, cần cẩu, máy ủi, về sau lấy vợ để dành được ít tiền, bèn mua một chiếc xe con hiệu Nissan chạy taxi, tôi ra đời được mấy năm thì chiếc xe con ấy bị xe tải chạy quá tốc độ đâm cho thủng một lỗ lớn, bố tôi thoát chết liền bán luôn chiếc taxi gần như đã thành phế liệu ấy đi, chuyển sang lái xe buýt tuyến số một và số hai.

"Hình như chưa nghe nói ai lái xe buýt bị đâm chết cả?" Ông giải thích, và lại lái xe thêm mấy năm.

"Anh phiền phức thế, muộn rồi mới tắm!" Lúc đi ngang qua phòng tắm, tôi cố ý hét lớn.

Tôi ghét nhất là lúc học bài toàn thân hôi hám, không thể tập trung tinh thần được.

Cửa phòng tắm he hé mở, từ trong khe hở ló ra một cái đầu to tướng ướt sũng.

"Thối chết đi được! Cái gì chắn trước cửa mà thối thế không biết." Sau đó lại rụt vào.

Tôi thực muốn đá cho cái đầu ấy một phát.

Tôi chỉ có một người anh trai, không có em trai hay chị em gái. Nghe nói anh trai đều rất chiều chuộng em gái, bảo vệ em gái, nhưng đấy chỉ là lời đồn đại không đúng sự thực chút nào.

Ông anh ngốc nghếch hai mươi tuổi đầu nhà tôi chỉ biết bắt nạt em, tranh buồng tắm, tranh toa lét với em, nhè lúc em đang tắm mà ở bên ngoài phát ra những tiếng rít lanh lảnh thê lương giả ma dọa cho em sợ, thậm chí còn dùng chung phòng ngủ với em suốt mười bảy năm nữa.

Cái con người có độ tuổi tâm hồn còn chưa đến hai mươi này tên là Lý Phong Danh, đang học năm thứ ba khoa Kiến trúc trường đại học Trung Hoa, lập chí sau này trở thành kiến trúc sư. Nhưng cô em gái đáng yêu của anh ta, tức là tôi, áng chừng rằng đem mức độ cố gắng của anh ta trừ đi độ cao của đống truyện tranh chất trong tủ sách, sau đó nhân với chỉ số thông minh nghèo nàn mà anh ta sở hữu, thì kết quả là chàng thanh niên có chí khí tên gọi Lý Phong Danh này chỉ làm được chân đốc công cu li là cùng.

4

Tôi treo ba lô lên mắc quần áo, lấy sách tham khảo môn toán ra lần lượt giải quyết các đề dạng tổ hợp.

Về môn toán, tôi có thể nói là cao thủ số một số hai trong lớp, nhưng vẫn chưa tắm nên hơi khó tập trung tinh thần, thêm nữa, các đề toán tổ hợp cái nào cũng đầy những cạm bẫy đáng ghét cùng với câu hỏi không rõ ràng, trong mười phút tôi đã liên tiếp làm sai năm bài liền.

"Quái thật, cái gì mà bảy học sinh nữ tám học sinh nam ngồi bên một bàn tròn ăn cơm giao thừa, nhưng Mary và John đang giận nhau nên không thể ngồi cạnh nhau, còn Peter và Thomas rất thân thiết nên nhất định phải ngồi cạnh nhau, xin hỏi mười lăm người này có bao nhiêu cách ngồi." Tôi chống cằm, cảm giác không tâm phục cho lắm.

Loại đề bài này đúng là rất quái dị, không biết do nhà toán học không có kiến thức xã hội nào đùa cợt phát minh ra.

Nếu Mary và John đã ghét nhau đến độ không ngồi cạnh được, Peter và Thomas nhất quyết phải ngồi cạnh nhau mới xong, vậy mười một người còn lại chẳng lẽ ai ngồi cạnh ai cũng không có can hệ gì hay sao? Cứ cho là A không ghét B, cũng chưa chắc A đã muốn ngồi cạnh B, cũng có thể B đã âm thầm thích C, vì vậy tìm đủ mọi cách để ngồi bên cạnh C thì làm sao! Mà khả năng lớn hơn là, mười lăm người ngồi quây quanh cái bàn tròn cùng ăn uống, có lẽ cả bọn đều tham ăn, nếu ưu tiên nghĩ cách làm thế nào để ngồi ở vị trí gần món ăn mình thích nhất trước đã, thế nên trong đề bài lẽ ra phải ghi rõ cả các món ăn cùng với sở thích cá nhân để người giải đề tham khảo mới dúng, bằng không cứ cắm đầu cắm cổ đoán bừa cũng không phải là cách.

Cho dù bao nhiêu người ngồi quây thành bàn tròn, dù ăn uống hay chỉ nói chuyện gẫu, cũng đều có quy tắc nhất định và quan hệ giữa người với người tiềm tàng bên dưới, vì vậy, đáp án của đề này thực ra bị hạn chế rất nhiều, cứ đơn thuần giải đề thực sự là vô cùng nhàm chán.

Nhưng nhìn từ một khía cạnh khác, ai ngồi cùng với ai, chẳng phải đã được định đoạt từ trước khi hình thành vấn đề đó sao? Mọi việc đều như vậy cả, tất cả đáp án đều đã được khắc rõ ràng trong tâm trí mỗi người từ trước khi vấn đề hình thành rồi.

"Vì vậy, những câu hỏi kiểu này thực quá ư vô vị, chẳng hề có tí tẹo ích lợi gì cho cuộc đời cả?"

Nhưng tôi hiểu rõ, nếu tiếp tục giữ lấy cái suy nghĩ "cần thiết thực" ấy, tôi sẽ chẳng giải được đề bài nào, nên bèn biết điều lật sang trang sau, thử giải đề toán không có thường thức xã hội, tiếp theo tôi đội khăn tắm trên đầu mở cửa đi vào.

"Hôi chết đi được, đi tắm nhanh lên?" Anh ta ngồi phịch xuống giường, cầm máy sấy lên sấy tóc ro ro.

"Đợi tí, em làm nốt đề này đã." Tôi cắn cắn bút, cục tẩy ở đuôi bút chì đã bị tôi cắn vẹo cả đi.