Thạch Sanh Diễn Nghĩa

11/ Ham lập công, Nguyễn Bặc sa vây. Bủa lưới câu, Lục Tinh bày trận.

Nhắc tới chuyện Kim Sí Điểu khuyên Ngô Xương Xí rút quân về Hoan Châu. Ngô Xương Xí không ưng, bảo rằng:

- Thành này ta hối quân xây dựng, trú đóng cũng được mấy năm rồi. Cơ nghiệp này chẳng lẽ giờ lại bỏ đi?

Kim Sí Điểu nói:

- Đại nhân chớ vì tiếc bỏ mà lỡ chuyện đại sự. Nay huynh tôi là Lục chân nhân đã hạ sơn giúp đỡ. Ngặt nỗi quanh vùng này Tiên Thần đã ngó chừng nên không dám giở thần thông mà trái Thiên ý. Nếu đại nhân theo lời dời binh về Hoan Châu. Lục chân nhân ắt trổ tài, bày trận pháp che giấu Thiên Nhãn. Khiến quân sư bên nó không địch lại được!

Ngô Xương Xí thấy nhãn thần Sí Điểu ra chiều hăm dọa, trong bụng thở dài, nghĩ:

- Ôi thôi, ta đã trót leo lên lưng cọp. Bây giờ xuống sao cho đặng? Nếu không làm theo lời nó thì mạng ta ắt phải nguy trong sớm chiều.

Nghĩ vậy bèn nói:

- Thôi, vậy mọi chuyện nhờ cả vào đại tiên.

Kim Sí Điểu nghe thế, mặt mày hăm hở, nói cảm tạ rồi lui ra khỏi điện, đem chuyện kể lại với Lục Ngư Tinh.

Lục Ngư Tinh cười khẩy, nói:

- Ngô Xương Xí thế đã tận. Nay ta lợi dụng danh tiếng của nó mà chiêu binh, cốt sao phải bắt cho được cái tên truyền nhân của Lạc Long Quân. Báo mối thù xưa!

Nói rồi lệnh cho ba quân thu dọn đồ đạc, nhằm hướng Hoan Châu mà lui binh. Lại để cho xa giá của Ngô Xương Xí, cùng quan văn đi trước. Hậu quân thì theo sau. Binh của Ngô Xương Xí sau lần bại trận vừa rồi chỉ chừa lại gần ba vạn. Lục Ngư Tinh bèn phong Lý Thạc em của Lý Tùng làm tả trung lang tướng, dẫn năm ngàn khinh kỵ mai phục bên bờ sông Mau Giếng, gần cầu Bằng. Còn Trần Cung dẫn hai vạn quân mai phục xung quanh. Lại dặn với chư tướng rằng:

- Quân của Đinh Bộ Lĩnh vừa thắng một trận lớn, ắt thừa thế mà tiến công. Ta đã sớm truyền lệnh phao tin rằng sẽ lui binh về Hoan Châu. Bên nó mà biết tất sẽ mang quân đuổi gϊếŧ. Nay ta đã cho ba quân mai phục gần cầu Bằng, đợi cho đại quân của Đinh Bộ Lĩnh qua cầu rồi thì hẵng phát hiệu mà tràn lên đánh. Binh của nó công thủ hai mặt dĩ nhiên phải rối loạn hàng ngũ. Lúc đó hãy hối quân bắt lấy thằng tướng tiên phong của địch. Ta đã có kế liệu sau!

Chư tướng đều nhận lệnh, theo đó mà làm.

Nói về bên trại của Lý Thông. Sau trận thắng lớn vừa rồi liền truyền lệnh mở tiệc khao thưởng ba quân. Lại cho quân thám báo chạy về đưa tin thắng trận. Đinh Bộ Lĩnh hay tin, trong lòng mừng khôn xiết. Bèn cho quan văn là Đỗ Hiếu viết một bài hịch văn đưa đến cổ vũ tinh thần ba quân.

Hịch văn đưa đến, Lý Thông ngay giữa tiệc rượu đọc lên cho mọi người cùng nghe. Ai nấy nghe xong thì mặt mày đỏ bừng, sĩ khí cao ngất trời. Lúc đấy Nguyễn Bặc đứng ra thưa:

- Bẩm Quân sư, bên Ngô Xương Xí thua một trận nặng. Sao không thừa thế mà mang binh tiến công. Hốt gọn một mẻ?

Lý Thông thu hồi hịch văn, nói:

- Binh pháp có câu: Địch cùng đường chớ đuổi. Tuy Ngô Xương Xí thiệt hại gần sáu vạn nhân mã. Nhưng trong thành của nó cũng giữ lại hơn một vạn thủ thành, cộng thêm tàn quân nữa. Ước chừng cũng phải ba vạn quân. Nếu ta nhân lúc này mà công thành chiếm trại thì địch mất ngàn, binh ta cũng tổn tám trăm. Không phải là lựa chọn tốt!

Nguyễn Bặc trong lòng không phục, nhưng ngoài miệng vẫn không nói gì. Đợi tiệc rượu tan, ai về trướng nấy. Nguyễn Bặc mới đem chuyện này bàn với Lê Hoàn.

Lê Hoàn bảo:

- Quân sư nói đúng đấy, bên địch có yêu quái biết phép thần thông. Nếu ta cố đánh ắt hao binh tổn tướng, không lợi cho đại nghiệp sau này của chủ công.

Nguyễn Bặc giận, hừ một tiếng, nói:

- Tôi xem ông như anh em kết nghĩa, nay mới chịu thua một keo mà ông đã đứng về phía hai anh em nó rồi. Để đó mà xem, tôi thể nào cũng phải bắt được Ngô Xương Xí.

Nói rồi phẩy áo đi ra khỏi trướng.

Đêm hôm ấy, Nguyễn Bặc triệu tập thân tín của mình là Nguyễn Đinh lại. Nói rằng:

- Lý Thông cơ mưu hơn người, sợ ta lập công lớn tranh giành với hắn trước chủ công nên không cho ta truy bắt Ngô Xương Xí. Theo như ta xem, thế của Ngô Xương Xí đã tận. Không bắt bây giờ đợi nó rút về Hoan Châu thể nào cũng chiêu binh mãi mã. Đến lúc đó bắt được thì bội phần khó khăn. Nay nhân lúc nó mới thua trận to, tinh thần ba quân hao tổn. Ngươi triệu tập binh mã dưới trướng theo ta lập công một phen. Tới lúc đó trước mặt chủ công thể nào cũng có phần ngươi.

Nguyễn Đinh nghe xong thì mừng rơn, lạy tạ rồi đáp:

- Tiểu nhân lập tức đi ngay. Nay tướng quân có một vạn binh tòng quyền. Không biết có đủ dùng hay chăng?

Nguyễn Bặc trầm ngâm một hồi, đáp:

- Chỉ ba vạn tàn binh, một vạn chắc đủ dùng rồi.

Nói rồi truyền cho Nguyễn Đinh binh phù, ra ngoài điểm tập binh mã. Đợi tới canh hai thì dẫn một vạn binh lẻn đi. Lúc đấy Lý Thông cùng Thạch Sanh đang ngủ trong trướng. Nghe tiếng người ngựa nhốn nháo thì bật dậy, hỏi xem lính gác coi có chuyện gì.

Tên lính thưa:

- Bẩm, Nguyễn Bặc tướng quân triệu tập binh mã nhằm hướng Nam mà đi, không biết có chuyện gì.

Lý Thông giật thót, bật thốt lên:

- Thôi chết rồi! Nguyễn Bặc tướng quân nguy mất.

Thạch Sanh cả kinh, hỏi tên lính:

- Nguyễn Bặc tướng quân đi được bao lâu rồi?

Tên lính hốt hoảng, thưa:

- Nguyễn Bặc tướng quân dùng binh phù triệu tập binh lính dưới trướng, đã đi được khoảng tầm nửa nén hương rồi.

Lý Thông nghe thế cả giận, nói:

- Nguyễn Bặc tính tình thật nóng nảy. Y không biết đó là lâm vào mưu kế của địch hay sao?

Thạch Sanh nói:

- Hay là để đệ đi cản lại?

Lý Thông gật đầu, nói:

- Đệ cầm lệnh kỳ của ta, dùng mọi biện pháp cản Nguyễn Bặc tướng quân lại... Nếu như... Nguyễn Bặc gặp chuyện chẳng may thì hãy quay về báo tin cho huynh biết. Nhất định không được đơn độc xông vào trận địch. Yêu quái bên kia không đơn giản như Chằn Tinh đâu!

Thạch Sanh gật đầu, nhận lấy lệnh kỳ rồi nhảy tót lên ngựa phóng đi như bay.

Còn nói tới Nguyễn Bặc, dẫn binh mã chạy xuyên suốt, dọc đường không có động tĩnh gì. Khi binh tới sông Mau Giếng thì thấy cờ xí quân Ngô vứt dưới đất nhan nhản. Nguyễn Bặc cười ha hả, nói:

- Nhìn mà xem, binh của Ngô Xương Xí nản chí vứt cả cờ soái như thế này đây.

Nói rồi truyện lệnh cho quân leo lên cầu Bằng mà sang sông. Binh của Nguyễn Bặc vừa bước được một nửa sang cầu thì một hồi còi dài vang lên. Trước mặt có hơn năm ngàn khinh kỵ ùa ra. Một vị tướng trẻ cầm liêm đao, bước ra quát:

- Kẻ tới là ai? Mau xưng tên họ?

Nguyễn Bặc thấy có binh mã đón đường, liền biết mình trúng kế phục kích mất rồi. Trong bụng nghĩ thầm:

- Ngô Xương Xí cho quân mai phục nơi đây, hẳn là biết ta sẽ cho quân sang cầu. Bây giờ quân mới chỉ sang được một nửa. Nếu như kẻ địch mai phục cả trước và sau thì thế quân ta hỏng mất. Ta phải nghĩ cách kéo dài thời gian cho binh qua hết cầu đã rồi hẵng tính!

Nghĩ vậy, Nguyễn Bặc giơ thương, đáp:

- Tại hạ Nguyễn Bặc…

Lời chưa nói xong thì người kia đã quát:

- Thì ra là tên cẩu tặc nhà ngươi! Lý Tùng anh ta chết dưới mâu của ngươi. Nay ta Lý Thạc đến để báo thù đây.

Nói rồi tế đao, giục ngựa xông lên đánh. Nguyễn Bặc cũng vác thương ra cự lại. Hai ngựa giao nhau, chưa được mười hiệp thì Lý Thạc bị Nguyễn Bặc đâm một mâu thủng bụng. Nguyễn Bặc ghìm cương ngựa, thét lớn một tiếng. Tiếng thét như sấm động, quân binh Lý Thạc bị dọa sợ, vội giật thây chủ soái mà bỏ chạy. Nguyễn Bặc cho quân tràn lên chém gϊếŧ.

Lúc đó Lục Ngư Tinh đang đứng trên núi Nưa, thấy Nguyễn Bặc xông vào quân Ngô tựa như Hổ lạc đàn Dê, không khỏi tấm tắc khen tài, nói:

- Kẻ này có tướng hùng dũng, sau này ắt thành nghiệp đại tướng. Ta mà bắt gã thì thể nào tên quân sư bên kia cũng phải tới cứu. Khi đó hốt trọn một mẻ chẳng phải dễ dàng lắm ru?

Nghĩ rồi Lục Ngư Tinh phất cờ hiệu, quân mai phục bốn phía ùa ra như nước lũ. Bao vây một vạn quân của Nguyễn Bặc vào trong. Quân Nguyễn Bặc vốn mới chỉ sang sông được một nửa, lại bị giáp công cả trước sau, thật là liệu bề khó mà địch nổi.

Chợt thấy có bốn vị tướng cầm binh khí xông vào trận địa, không nói không rằng liền lao lên đánh với Nguyễn Bặc. Năm người quần nhau được chừng hai mươi hồi thì lại nghe một tiếng còi dài. Bốn người nọ nghe thấy liền vứt hết binh khí, quày ngựa bỏ chạy. Nguyễn Bặc cả giận, giục ngựa rượt theo. Nhưng quân nhà Ngô bao vây đông nghịt, chèn hết lối đi, Nguyễn Bặc không sao đuổi kịp được, đành huơ giáo đánh nhầu với quân lính.

Đánh được thêm một hồi, chẳng biết từ đâu lại xông ra bốn người khác. Bốn người này cũng chẳng nói chẳng rằng liền tế đao xông vào đánh. Nguyễn Bặc bị trước sau tám người quần ẩu, sức lực đã sớm kiệt, đâm bậy một mâu rồi bỏ chạy. Nhưng vừa quay lại thì thấy một đôi móng vuốt sắc bén như đao chộp tới. Nguyễn Bặc cả kinh, té nhào xuống ngựa. Quân Ngô hô hoán rồi chạy tới bắt trói lấy.

Lục Ngư Tinh hóa thành chân thân, cười nói:

- Ấy chà, vị tướng trẻ tuổi kia quả là bậc hùng dũng, mau xưng rõ tên họ cho bổn tọa biết.

Nguyễn Bặc bị móng sắc quắp vao vai đau quá, nhưng gã nhẫn nhịn, nạt lớn:

- Yêu vật to gan, bổn tướng họ Nguyễn, tên Bặc. Ngươi dùng phép thần thông bắt thì có tài cán chi mà huênh hoang quá lắm!

Lục Ngư Tinh cười ha hả, mặc kệ cho Nguyễn Bặc chửi bới thậm tệ ra làm sao cũng không thèm để ý, đoạn quay qua nói với bộ tướng rằng:

- Tên này quả là dũng tướng trên đời hiếm gặp. Bọn bay phải trói y thật chặt, nhốt vào chiến xa mà đi trước. Quân sư bên kia ắt hẳn giờ này đã biết tin và cho người tới tiếp viện. Vùng này tiên thần đang ngó chừng nên ta không phải đối thủ của chúng. Sau khi đi thì nhớ cho người phá cầu, kẻo truy binh đuổi kịp.

Nói rồi hóa thành một đạo bạch quang bay tít lên trời. Đám quân binh nhận lệnh, dùng thừng trâu trói Nguyễn Bặc vào sau một cỗ chiến xa. Lại dùng búa lớn phá cầu Bằng.

Khi Thạch Sanh chạy tới nơi thì mọi sự đã xong. Vội quày ngựa về báo cho Lý Thông biết.

Lý Thông được tin, nổi trống họp mặt chư tướng kể lại mọi chuyện. Lê Hoàn nghe Nguyễn Bặc bị quân Ngô bắt, lòng đau khôn xiết. Quỳ lạy, khóc mà nói:

- Nguyễn Bặc tướng quân vì ham lập công nên lâm vào nguy khốn. Cầu xin quân sư nể tình đều là người dưới trướng chủ công mà cứu huynh đệ tôi một phen. Lê Hoàn này nguyện dùng mạng mình báo đáp.

Lý Thông thở dài, thầm nghĩ:

- Nếu ta dẫn binh ra khỏi vùng đất này tiên thần không quản được, mà Yêu quái bên kia thì lắm thần thông. Mạo hiểm mà cứu người thì thể nào cũng lâm vào mưu kế địch nhân. Nhưng nếu không cứu thì lòng quân tan rã… Không những thế còn liên lụy đến thanh danh của Đinh Bộ Lĩnh. Quả thật là tiến thối lưỡng nan.

Nhưng tình cảnh bây giờ không cứu cũng không được, nghĩ vậy hắn quay qua nói:

- Lê tướng quân an lòng, cứ để tôi nghĩ cách.

Nói rồi truyền lệnh ba quân cảnh giới, lại gửi mật thư về cho Đinh Bộ Lĩnh.

Nói về Lục Ngư Tinh bay về Hoan Châu hội họp cùng Kim Sí Điểu và Bạch Y Man. Rồi ra mắt Ngô Xương Xí, tâu rằng:

- Nhờ có hồng phúc của đại nhân, tôi đây đã bắt được một viên đại tướng của Đinh Bộ Lĩnh.

Ngô Xương Xí đang ủ rũ, nghe xong thì mừng rơn, hỏi:

- Không biết kẻ mà tiên sinh bắt được là ai?

Lục Ngư Tinh đáp:

- Là một trong Giao Châu thất hùng. Người này họ Nguyễn, tên Bặc. Quả là một tên dũng tướng trên đời khó gặp.

Ngô Xương Xí trong bụng vừa mừng vừa sợ, vội hỏi:

- Quân sư bên nó lợi hại như thế, nếu bắt được đại tướng thì thể nào cũng cất quân tới cứu. Lúc đó phải biết làm sao?

Lục Ngư Tinh đáp:

- Xin đại nhân yên tâm. Quân sư nó chỉ giỏi thỉnh thần tiên hạ phàm giúp đỡ. Chứ so tài thực sự thì cho nó có mọc thêm mười cái chân nữa cũng chắc gì là đối thủ của tôi. Nay tôi muốn trổ tài cho đại nhân xem, bày một cái hung trận ở phía Tây Bắc che giấu Thiên Nhãn, khiến tiên thần không dám hạ phàm vùng Hoan Châu. Đến lúc đó quân sư nó tới thì cũng chẳng làm gì được.

Ngô Xương Xí rất mừng, dạy quân mang lệnh tiễn cho Lục Ngư Tinh, lại hỏi rằng:

- Không biết tiên sinh định bày trận gì? Có cần bổn quân giúp đỡ gì chăng?

Lục Ngư Tinh nhận lệnh kỳ, cười đáp:

- Trận tôi muốn bày có tên là “Tứ Hung Tượng Trận”. Xin đại nhân hãy chọn một vùng đất trống phía Tây Bắc, cho quân cất một cái đài cao, mặt đài hướng phía Bắc. Xung quanh đài đào hào sâu cắm chông nhọn, bốn phía quanh đài dựng cờ lớn, vẽ hình tứ đại hung thú Thao Thiết, Hỗn Độn , Đào Ngột và Cùng Kỳ làm vật áp trận. Và chọn ba sáu người thật gan dạ, đầu để xõa tóc, giả dạng quỷ thần cầm gươm đứng canh. Chuẩn bị xong thì nhốt Nguyễn Bặc vào đó.

- Cách một dặm về phía Đông pháp đài thì ngài hãy cho người lập một tòa cửa ghi “Hãm Tiên Môn”. Cửa này phải dùng sắt mà làm, cao bảy thước tám, trên cửa treo một sợi xích. Trước của đào một cái hầm, hầm ấy dựng một cây cờ, trên cờ vẽ hình Đào Ngột, trong hầm đựng kim sa. Lại sai người dùng chín mươi tên tử tù, gϊếŧ rồi chôn hai bên cửa. Sí Điểu hiền đệ lãnh binh mã trấn thủ nơi đó, hễ binh địch sa trận Kim Sa thì phất cờ nổi gió, chẳng được trái lệnh.

Ngô Xương Xí hỏi:

Đào Ngột hình dáng như thế nào, tôi làm sao biết được?

Lục Ngư Tinh nói:

Tây Hoang có giống thú dáng to như hổ, lông dài hai thước, chân hùm mặt người, đuôi dài một trượng tám thước, nhiễu loạn Tây hoang, tên là Đào Ngột.

Đoạn lại nói tiếp:

Phía Bắc cũng lập tòa cửa như thế tên là “Trảm Tiên Môn”, nhưng phía trên treo bửu kiếm cùng kim chung, phía dưới chôn vàng bạc, ngọc quý. Cho người giết chín mươi con dê, chín mươi đứa trẻ, sau lại dùng chín mươi người cắt tay, gọt mặt, móc mắt chia đều rồi chôn hai bên cửa. Cửa này cắm cờ vẽ hình hung thú, nó thân dê mặt người, mắt nằm dưới nách, răng hổ móng người, tiếng như hài nhi, gọi là Thao Thiết. Xin Ngô quân phái một vị tướng lãnh binh trấn thủ, binh địch vào trận phất cờ. Chẳng được trái lệnh.

- Cửa phía Nam phải làm bằng gỗ, cao thấp tùy ý, gọi là “Triệt Tiên Môn”, phía dưới thì bày trận địa lôi. Cửa này xin ngài cho người giết chín mươi con chó, cũng một vị hiền thần trong triều chôn ngay trước cửa. bên cạnh cũng cắm cờ vẽ hình Hỗn Độn, nó giống thú dáng như chó, lông dài, bốn chân, giống như gấu mà không có vuốt, có mắt mà không mở được, không thấy được, có tai mà không thể nghe, có bụng mà không có ngũ tạng. Cửa này Y Man đạo hữu lãnh binh canh giữ, binh địch sa trận ắt thịt nát xương tan, chỉ phòng hờ Tiên Thần tới giúp thì đạo hữu phất cờ. Chẳng luận Tiên Phàm đều phải tan hồn nát phách. Chẳng đặng trái lệnh.

- Cửa còn lại ở phía Tây, gọi “Tru Tiên Môn”. Trên cửa treo Thần Tiễn, dưới đất cắm trận chông. Dùng chín mươi người, cắt mũi, cắt tai chôn sống trước cửa, cắm cờ vẽ hình hung thú Cùng Kỳ, đó giống thú như hổ, có cánh, bay được. Cửa này để tôi trấn giữ là được.

Ngô Xương Xí nghe tường thuật xong, trong lòng run lên, hỏi:

- Chúng ta bày trận mà gϊếŧ nhiều nhân mạng như vậy, quả là điều thương thiên hại lý.

Lục Ngư Tinh cười khẩy, đáp:

- Hung trận đương nhiên cần hung vật trấn áp. Thao Thiết, Hỗn Độn, Đào Ngột và Cùng Kỳ được xưng làm “Tứ Đại Hung Thú”. Tương truyền có thể thôn thiên phệ nguyệt. Dùng chúng nó làm áp trận có thể không những có thể che giấu Thiên Nhãn. Mà Thần Tiên thấy cũng e sợ, không dám hạ phàm. Còn nói như gϊếŧ mấy người mà thôi, cần chi để ý quá lắm?

Ngô Xương Xí nghe xong xương sống lạnh run, trong bụng không khỏi khϊếp vía. Nhưng lỡ đưa lệnh kỳ cho Lục Ngư Tinh rồi nên cũng không thể rút lời được. Hơn nữa Lục Ngư Tinh có pháp thuật lợi hại, nếu phật ý hắn thì mạng ô hô ngay.