Thạch Sanh Diễn Nghĩa

8/ Lý Thông bày kế, trấn bốn lộ sứ quân. Lê Hoàn đi sứ, dùng độc diệt thủy yêu.

Tháng sáu, năm Ất Sửu, tức Đại Hữu năm tứ mười lăm, Nam Tấn Vương đem binh đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình. Vừa vào đến cõi, đỗ thuyền cho quân lên bộ đánh, bị phục binh tay nỏ bắn trúng chết. Tin này truyền khắp cả nước, hùng chủ các ấp hay biết đều rục rịch đứng ngồi không yên. Dòng dõi nhà Ngô còn lại một mình Ngô Xương Xí, nhưng lại không đăng cơ xưng vương. Tự nhận làm Ngô Sứ Quân đóng giữ ở Bình Kiều, Ái Châu.

Phần về Đinh Bộ Lĩnh, sau khi nghe tin nói với chư tướng rằng:

- Nam Tấn Vương đem binh dẹp loạn thảo khấu, lại chết bất đắc kỳ tử. E rằng trong này có ẩn mưu gì chăng?

Nguyễn Bặc thưa:

- Đao kiếm không có mắt, Nam Tấn Vương chết bởi ám tiễn có gì đâu mà kỳ?

Lê Hoàn không cho là đúng, toan đứng lên phản bác, nhưng lại chợt nhớ bên cạnh mình có Lý Thông, bèn quay qua hỏi:

- Không biết Lý tiên sinh với chuyện này có cao kiến gì chăng?

Mọi người đều nhìn về phía Lý Thông. Lý Thông cười đáp:

- Tôi tối qua ngồi xem tinh tượng, thấy phía chân trời sao Thiên Bao phai mờ ảm đạm, đã đoán chắc rằng nhà Ngô không giữ được bao lâu nữa. Còn như việc Nam Tấn Vương mất, thì người có lợi nhất là ai thì kẻ đó chính là kẻ chủ mưu.

Đinh Bộ Lĩnh giật mình, nói:

- Chẳng lẽ ý tiên sinh là Ngô Xương Xí?

Lý Thông không đáp mà nói rằng:

- Nam Tấn Vương chết chẳng ngoài dự đoán của tôi. Việc tướng quân cần làm không phải tìm kẻ chủ mưu. Mà chính là nghĩ cách bình định vùng phía Nam mới phải đạo. Tấn Vương mất rồi, Ngô Xương Xí lại không dám tự phong vương. Khí số nhà Ngô đã tận, ta nên nhân cơ hội đó mà thâu về thì hơn.

Đinh Bộ Lĩnh gật đầu, nói:

- Việc tiên sinh dạy bảo Lĩnh tôi vẫn ghi nhớ trong lòng. Tuy nhiên phía Bắc còn đang loạn thành một nùi. Chúng ta đem quân xuống Nam, lỡ như bọn hắn thọc một gậy sau lưng thế chẳng phải hung hiểm lắm ư?

Lý Thông đáp:

- Thế mới cần phải giao hảo với bọn họ.

Đinh Bộ Lĩnh đứng dậy, xá Lý Thông một cái, nói:

- Xin tiên sinh dạy bảo.

Chư tướng xung quanh cũng lật đật đứng dậy thi lễ.

Lý Thông hốt hoảng, không dám ngồi trên ghế, cũng đứng dậy đáp lễ, nói:

- Tướng quân làm vậy tôi đây tổn thọ mất.

Dứt lời, bèn nói với Lĩnh rằng:

- Mười lộ sứ quân đất Giao Châu thì chỉ có bốn lộ là nằm sát địa phận Hoa Lư. Gồm Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Phạm Phòng Ất, Trần Lãm. Trong đó ba người thì tôi đã nghĩ kế ra rồi. Chỉ còn mỗi Đỗ Cảnh Thạc hơi khó khăn một tý mà thôi.

Đinh Bộ Lĩnh cả mừng, hỏi kế ấy ra làm sao.

Lý Thông đáp:

- Nguyễn Siêu chiếm giữ Tây Phù Liệt. Cùng với Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp vốn là ba anh em gốc Bắc Triều (Trung Quốc). Cha Nguyễn Nê, trước vâng mệnh Bắc Triều sang nước ta đòi triều cống. Sau cùng đóng quân ở Thành Quả. Người này giao hảo rất tốt với Tiết Độ Sứ, Khúc Thừa Mỹ. Còn tướng quân trước ở dưới trướng Tiền Ngô Vương. Tiền Ngô Vương lại là con rể của Dương Đình Nghệ. Dương Đình Nghệ là bộ tướng Khúc Thừa Mỹ. Cái dây chằng mối nhợ này tướng quân nên cố mà nắm lấy, ắt có thể trấn an được lộ sứ quân này.

Đinh Bộ Lĩnh gật đầu khen là hay. Lý Thông lại nói:

- Phạm Phòng Ất ở Đằng Châu, người gốc Nam Sách, Hải Dương. Cùng Phạm Hạp với Phạm Cự Lạng đều con cháu công thần dưới triều Ngô Vương. Tình giao hảo không cạn. Tướng quân muốn hòa với người này chỉ cần cử Hạp với Cự Lạng đi là đủ. Còn Trần Lãm đóng giữ ở Bố Hải Khẩu, là vùng đất có vị trí quan trọng về kinh tế và quân sự, giao thông thuỷ bộ thuận lợi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hoà. Tướng quân nên tự mình thân chinh đến đó kết giao hảo với người này chỉ có lợi chứ không có hại. Trần Lãm tự xưng làm Minh Công cũng không phải không có lý.

Đinh Bộ Lĩnh y kế, sai người sắm sửa đủ cả. Lại hỏi với Lý Thông rằng:

- Thế còn Đỗ Cảnh Thạc, tiên sinh tính sao?

Lý Thông đáp:

- Đỗ Cảnh Thạc từng là bộ hạ dưới trướng Dương Tam Kha sau quy hàng Nam Tấn Vương. Sau cùng Sách Vương lấn quyền làm uy, Đỗ Cảnh Thạc mới lui về trấn giữ Đỗ Động Giang, đào hào đắp lũy. Chúng ta mấy hôm trước đánh Thiên Sách Vương một trận lớn, chắc có thể cử sứ sang giao hảo được. Mặt khác, tôi nghe đồn ở vùng Đỗ Động Giang có thủy quái hoành hành. Tôi nguyện bày kế gϊếŧ con thủy quái này, tạo cho tướng quân một cái tiền đề.

Đinh Bộ Lĩnh cả mừng, hỏi nên cử ai đi sứ cho được. Lý Thông liền tiến cử Lê Hoàn.

Mấy ngày sau, Đinh Bộ Lĩnh y lời Lý Thông, sai Phạm Hạp với Phạm Cự Lạng mang theo lễ vật quý báu tiến về Đằng Châu. Nguyễn Bặc thì mang lễ tới Tây Phù Liệt giao hảo với Nguyễn Siêu. Còn Lĩnh mang theo vài thân tín, tự mình tới Bố Hải Khẩu gặp Trần Lãm. Lê Hoàn thì đi sứ Đỗ Động Giang.

Nói tới Lê Hoàn, từ sau trận so tài thua về tay Lý Thông, trong bụng phục lắm. Nghe Lý Thông tiến cử mình đi sứ Đỗ Động Giang, đêm hôm đó liền tới phòng Lý Thông hỏi:

- Tiên sinh cử tôi đi sứ, nhưng tôi không có tài phép gì diệt thủy yêu. Đến lúc đó phải làm sao giờ?

Lý Thông trao cho Lê Hoàn một cái lọ, bảo phải làm thế này, thế này... Lê Hoàn nghe xong thì mừng rỡ, nói lời cảm tạ rồi lui về.

Tháng tám năm đó, Lê Hoàn mang theo một ngàn thớt ngựa quý, vải lụa gấm vóc, cùng vàng bạc châu báu, tiến về Đỗ Động Giang. Vừa đến biên giới liền phái người dâng biểu lên, Đỗ Cảnh Thạc đọc biểu rồi cho mời vào.

Lê Hoàn vào dưới trướng, khi hai bên lễ tới sau đủ cả. Đỗ Cảnh Thạc mới nói:

- Xưa nay vẫn ngưỡng mộ tài của Lê tướng quân, được người đời xếp vào Giao Châu Thất Hùng mà chưa được bái kiến bao giờ. Nay may mắn được gặp, chẳng hay tướng quân có lời chi dạy bảo?

Lê Hoàn nói:

- Đỗ tướng công khách khí rồi, tôi đây tài mọn có tính là chi. Chẳng qua hôm nay tới đây là vâng mệnh chủ công, muốn giao hảo một thoáng với Đỗ tướng công mà thôi.

Đỗ Cảnh Thạc trong mắt có ý đề phòng, nhưng bên ngoài vẫn cười mà bảo rằng:

- Đinh Bộ Lĩnh trảm được Thiên Sách Vương chính là giúp ta hả cơn giận. Lẽ nào từ chối thiện ý này.

Lê Hoàn cảm tạ, lại nói:

- Nam Tấn Vương mấy bửa trước bị ám tiễn bắn chết, chủ tôi nghi ngờ là Ngô Xương Xí làm nên chuyện này. Nên ý định cất quân đánh xuống phía Nam, bắt Ngô Xương Xí hỏi tội. Ngặt một nỗi không an tâm chuyện Giao Châu, các thế lực đang nổi hên hùng cứ các nơi. Nên sai tôi sang đây kết mỗi hữu hảo với tướng công. Ắt cũng là phòng ngừa đó vậy.

Quả nhiên, Đỗ Cảnh Thạc nghe xong liền ngần ngừ không quyết.

Lê Hoàn thấy vậy, liền nói:

- Lễ vật của chủ tôi chỉ mấy món đồ này còn chưa đủ. Nhân nghe được gần đây vùng này có thủy yêu hoành hành, tôi vâng mệnh tới bày kế gϊếŧ con yêu quái này. Âu cũng là một chút thành ý. Không biết ý của tướng công thế nào?

Cảnh Thạc nghe xong, cả mừng, nói:

- Nếu Lê tướng quân có thể trừ con yêu Ngạc Ngư này thì ta ắt đồng ý. (Ngạc Ngư: Cá Sấu)

Lê Hoàn vâng mệnh, xin một ít binh lính giúp việc. Đỗ Cảnh Thạc chấp thuận, truyền cho năm trăm tráng sĩ, rồi dẫn Hoàn tới hồ nước, nơi có yêu quái. Lê Hoàn lệnh cho binh sĩ bắt ba con heo lớn, rồi múc một hũ nước đổ cái bình lúc trước Lý Thông đưa cho. Xong xuôi mới sai người lấy chổi lông thấm nước quét vào thân heo. Cái bình kia chứa nọc độc của Chằn Tinh. Lý Thông cùng Thạch Sanh khi trảm được rồi thì thu thập một ít. Không ngờ có ngày lại đem ra sở dụng. Sau khi chuẩn bị đủ cả rồi, Lê Hoàn sai lính bện dây thừng thật chắc, cột vào chân lợn, tới đêm hôm đó bỏ mấy con lợn trên bờ.

Canh ba đêm ấy, một con Ngạc Ngư thật lớn từ trong hồ trồi lên bờ. Nó thấy trên bờ có ba con heo liền há miệng tớp luôn. Lê Hoàn thấy vậy liền huýt sáo ra hiệu. Đám binh sĩ nghe thấy liền nổi trống đốt đèn, hét hò inh ỏi. Ngạc Ngư cả giận, vung đuôi quạt ngang khiến cây cối ngã rào rào. Lê Hoàn không cho binh sĩ lao lên mà chỉ đứng hét hò phô trương thanh thế. Ngạc Ngư đứng trên bờ lâu quá, nọc độc cũng dần ngấm vào thân. Qua được nửa tuần hương liền ngã lăn ra chết.

Lê Hoàn ra hiệu cho binh lính bắn tên, thấy Ngạc Ngư không có phản ứng, lúc đấy mới cho người kéo dây về.

Hôm sau, Đỗ Cảnh Thạc nghe tin bèn chạy tới xem. Quả nhiên nằm trên bờ là một con Ngạc Ngư thật to. Cảnh Thạc bấy giờ mới phục, nói với Lê Hoàn:

- Tướng quân giúp tôi trừ con yêu này, chính là ân nhân của bô lão quanh vùng.

Ngay hôm đó, Đỗ Cảnh Thạc mời Lê Hoàn về dinh, truyền người mang giấy bút ký kết lệnh bất khả xâm phạm lãnh thổ của nhau. Lê Hoàn cầm giấy, tạ ơn rồi lui về. Thế là, bốn lộ sứ quân ở phía bắc tạm thời không cần phải lo đến nữa.