Thạch Sanh Diễn Nghĩa

1/ Ba trăm năm lẻ Tuỳ, Đường, Lại trong Ngũ quý tang thương cũng dài, Hồng châu họ Khúc hùng tài, Gặp đời Thúc Quý toan bài bá vương.

*Chương này đa số là lịch sử, bạn đọc có thể bỏ qua nếu không muốn đau đầu.*

Lời dẫn:

Tiên thần có thể tính quái tượng, đoán quá khứ vị lai, hiểu âm dương, luận luân hồi, biết được nhiều chuyện ly kỳ nơi trần thế.

Nhân gian đồn thổi chuyện cổ, cho rằng có người bịa ra mà không biết rằng nó có thật. Chẳng qua đều bị kẻ gian che giấu, xóa nhòa lịch sử. Ấy thật là đáng tiếc.

Mấy trăm năm trước, Ngọc Đế giáng chiếu, cho Thái Tử cùng năm vị thần tướng hạ phàm đầu thai làm người. Khi đó, có vị Tiên Thần cả gan trộm xé đi một tờ Thiên Thư. Bị Ngọc Đế phát giác, đem ra Lôi Thần Đài xử trảm.

Có điều, tờ Thiên Thư kia không cánh mà bay, rơi xuống phàm giới. Được một vị kỳ nhân nhặt lấy.

---o0o---

Thiên Thư chép thơ rằng:

Cuối đời Hàm Thông Trung Quốc loạn,

Chuyển vận đường xa bỏ bê trễ.

Ngô Quyền, Khúc Hạo, Kiểu và Dương,

Soán đoạt giành nhau, dân kiệt quệ

Họ Đinh, đời Tống mới phong Vương.

Thời loạn sinh anh hùng, hay anh hùng sinh vì trừ loạn thế?

Nam Giao đời xưa, nhà Chu gọi là Việt Thường, nhà Tần gọi là Tượng Quận, nhà Hán đặt làm ba quận: Giao Châu, Cửu Chân và Nhật Nam. Nhà Đường lại cải Giao Châu làm An nam phủ, quận Cửu Chân làm Ái Châu, quận Nhật Nam làm Hoan Châu.

Năm Kỷ Mão (679) vua Cao Tông nhà Đường chia đất Giao Châu ra làm mười hai châu, năm mươi chín huyện và đặt An Nam đô hộ phủ.

Năm Đinh Mão (907) nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu tranh nhau làm vua. Mỗi nhà được mấy năm, gồm tất cả là năm mươi hai năm, gọi là đời Ngũ Quý hay là Ngũ Đại.

Trước khi nhà Đường sắp mất ngôi độ mấy năm, thì bên Trung Quốc loạn, giặc cướp nổi lên khắp cả mọi nơi. Uy quyền nhà vua không ra đến bên ngoài, thế lực ai mạnh thì người ấy xưng đế, xưng vương. Ở đất Nam Giao, lúc bấy giờ có một người họ Khúc tên là Thừa Dụ, quê ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ vốn là một người hào phú trong xứ, mà tính lại khoan hòa, hay thương người, cho nên có nhiều người kính phục.

Năm Bính Dần (906) đời vua Chiêu Tuyên nhà Đường, nhân khi trong châu có loạn, dân chúng cử ông làm Tiết độ sứ để cai trị Giao Châu. Nhà Đường lúc bấy giờ suy nhược, thế không ngăn cấm được, nên thuận cho ông làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ và gia phong Đồng bình Chương sự.

Năm sau nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu Lương lên thay, phong cho Lưu Ẩn làm Nam Bình Vương, kiêm chức Tiết độ sứ Quảng Châu và Tĩnh Hải, có ý để lấy lại Giao Châu.

Việt sử thông giám cương mục viết: "Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ..."

Khúc Thừa Dụ dựng đô ở La Thành, làm cho dân yên, nước trị. Ông khéo léo dùng danh nghĩa "xin mệnh nhà Đường" buộc triều đình nhà Đường phải công nhận chính quyền của ông. Thu tiết năm đấy, vua Đường phong thêm cho Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ tước "Đồng bình chương sự".

Sau đó, Khúc Thừa Dụ tự lấy quyền mình, phong cho con là Khúc Hạo chức vụ "Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu", tức là chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ kế vị quyền Tiết độ sứ. Khúc Thừa Dụ thọ bảy mươi bảy năm thì mất, Khúc Hạo lên kế vị. Dù ông không xưng vương xưng đế, nhưng sử gia sau này viết trong sách Sử giám Thông khảo tổng luận đều gọi Khúc Thừa Dụ là Khúc Tiên chúa.

Vào năm kỷ Mão, sau khi nhà Đường mất, nhà Lương lên thay, cho Quảng Châu Tiết độ sứ là Lưu Ẩn kiêm chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, tước Nam Bình vương. Khi ấy Ẩn chiếm giữ Phiên Ngung, người Giao Châu là Khúc Hạo chiếm giữ châu trị, tự xưng là Tiết độ sứ, có ý mưu đồ lẫn nhau.

Khúc Hạo kế nghiệp Khúc Thừa Dụ, đóng đô ở La Thành, vốn là trị sở cũ do nhà Đường xây dựng nên. Người đời nhận xét rằng Khúc Hạo có phong thái của ông nội, trù hoạch quyết thắng, ngoài ý mọi người, chống chọi các nước Bắc triều, là bậc chúa hiền của nước Việt, đã định ra hộ tịch và các chức quản giáp, chế độ mới lập ít nhiều, nửa chừng thì mất.

Theo sử lược, Khúc Hạo lập ra lộ, phủ, châu, xã ở các nơi, đặt quan lại, sửa sang việc thuế má, việc sưu dịch.

Khúc Hạo vốn là người Giao Chỉ. Cuối đời Đường, Khúc Hạo làm tiết độ sứ thay cho Độc Cô Tổn: đổi các hương ở các huyện làm giáp, đặt mỗi giáp một quản giáp và một phó tri giáp để giữ việc đánh thuế. Khúc Hạo giữ chức tiết độ sứ được bốn năm thì mất.

Nhà Hậu Lương, trước đây vì mới cướp ngôi nhà Đường, phương Bắc nhiều biến cố nên thừa nhận Khúc Hạo làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân. Nhưng qua năm sau, vua Hậu Lương là Chu Ôn lại phong cho Tiết độ phó sứ ở Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm chức "Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ". Điều đó có nghĩa là người Trung Quốc vẫn muốn chiếm lại Việt Nam. Sự cai trị vững vàng của Khúc Hạo khiến họ Lưu ở Quảng Châu không dám nhòm ngó tới phương nam.

Khi được tăng cường lực lượng từ các sĩ dân Trung nguyên di cư xuống phía Nam, Quảng Châu mạnh lên. Tiết thu tháng chín năm Đinh Sửu, em Lưu Ẩn là Lưu Nghiễm bèn xưng đế, lập ra nước Nam Hán, một trong mười nước thời Ngũ đại Thập quốc.

Nhận thấy nguy cơ từ phía họ Lưu, Khúc Hạo sai con là Khúc Thừa Mỹ làm "khuyến hiếu sứ" sang Quảng Châu, bề ngoài là để ‘‘kết mối hòa hiếu’’, song bề trong cốt là xem xét tình hình hư thực của địch. Cuối năm Đinh Sửu, khi Khúc Thừa Mỹ trở về thì Khúc Hạo mất. Thừa Mỹ kế nhiệm cha, tự xưng là ‘‘Khúc Trung chủ’’, lại tự phong làm Tiết Độ Sứ Tĩnh Hải Quân.

Do hành động ngoại giao mềm dẻo của Khúc Hạo, Nam Hán không gây hấn với Tĩnh Hải quân. Sau này, do Khúc Thừa Mỹ từ bỏ chính sách của cha, nhận chức Tiết độ sứ từ nhà Lương chứ không thừa nhận nhà Nam Hán nên có thể là nguyên nhân quân Nam Hán tiến quân xâm lược nước Việt.

Được sự hậu thuẫn của Hậu Lương, Thừa Mỹ chủ quan cho rằng uy thế của nhà Lương rộng lớn ở Trung nguyên có thể kìm chế được Nam Hán nhỏ hơn ở Quảng Châu. Ông công khai gọi nước Nam Hán là "Nguỵ Đình".

Một năm sau, tức năm Kỷ Mão, Khúc Thừa Mỹ sai sứ mang lễ trọng hậu sang nhà Lương xin được lĩnh tiết việt. Vua Lương là Mạt Đế Chu Hữu Trinh ưng thuận trao cho.

Vua Nam Hán là Hán Cao Tổ, thụy hiệu Thiên Hoàng Đại Đế nghe tin thì giận lắm, xô đổ ngự tọa, quát mắng quan lại trong triều.

Quan Thứ Sử Lý Tiến quỳ mà tâu rằng:

- Xin vua tôi chớ giận mà ảnh hưởng long nhan. Đợi bình định được tộc Khiết Đan phía Bắc, an ổn nước Cao Ly phía Đông, rồi khi đó đem quân Nam chinh cũng chưa muộn.

Hán Cao Tổ khen là phải, rồi cũng gác chuyện Tĩnh Hải Quân sang một bên.

Cho đến mùa thu tháng bảy, năm Quý Mùi (923), tức năm Càn Hanh thứ sáu, Vua Hán sai tướng Lý Khắc Chính đem sáu vạn tinh binh thảo phạt Giao Châu.

Thế binh hùng mạnh, Khúc Thừa Mỹ chống không được. Đến đầu năm Ất Dậu mới bị Lý Khắc Chính bắt sống đem về. Vua Hán cả mừng phong tước cho Lý Tiến làm Thứ sử Giao châu, cùng với Lý Khắc Chính giữ thành.

Khi Thừa Mỹ bị bắt, vua Hán thân ra đình Nghi Phượng nhận tù binh, hỏi rằng:

- Ngươi cho ta là ngụy triều, nay lại bị trói đưa về đây là cớ sao?

Nói rồi sai người mang ra Ngọ Môn xử trảm.

Cũng cuối thời điểm đó, một bộ tướng dưới trướng Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ dấy binh nổi loạn. Binh lính Nhà Hán vì không quen thổ địa, bị quân của Nghệ mai phục đánh cho tan tác. Lý Khắc Chính thua trận liên tiếp, chống được hai năm thì đổ bệnh mà chết. Quân của Dương Đình Nghệ thừa thế chiếm lại Giao Châu, bắt sống Lý Tiến.

Vua Hán khi đó là Lưu Nhiễm mới lên ngôi, đặt niên hiệu là Bạch Long, hay tin này không biết làm gì, bèn hỏi các quan trong triều.

Tả Thị Lang Trần Bảo đứng ra, tâu rằng:

- Bẩm Bệ Hạ, đất Nam Giao vốn dĩ cằn cỗi, nhưng lại nằm ở vị trí hiểm địa. Nếu đem quân cường công ắt bị phục binh vây đánh. Nay Bệ Hạ mới lên ngôi không lâu, nên an lòng dân trước. Chinh chiến, dẹp loạn phải để sau.

Hán Đế gật đầu cho là phải, lại hỏi:

- Thế theo ý khanh, ta nên làm sao?”

Trần Bảo cung kính đáp:

- Theo ý của bề tôi, nên phái sứ giả, sang đó cầu hòa. Lại mang lễ trọng hậu, chuộc Lý Thứ Sử về kinh. Không những được lòng đám thuộc hạ, mà dân chúng cũng sẽ tôn người là minh quân.

Hán Đế lại hỏi:

- Ta biết cử ai đi sứ bây giờ?

Trần Bảo quỳ rạp xuống, tâu:

- Bề tôi tài mọn, nguyện đi sứ lần này.

Hán Đế cả mừng, truyền thái giám ban thưởng. Lại phong Trần Bảo làm Đại Học Sĩ, mang theo vải lụa gấm vóc, vàng bạc châu báu, cùng một ngàn con ngựa quý đi sứ Giao Châu.

Năm Kỷ Sửu, tức Đại Hữu năm thứ hai (929), Trần Bảo bước vào địa phận Giao Châu, truyền người dâng sớ cho Dương Đình Nghệ, ý muốn cầu hòa. Dương Đình Nghệ đọc xong sớ, truyền cho Trần Bảo vào điện, nhưng bên cạnh lại mai phục sẵn đao phủ.

Trần Bảo vừa bước vào, Dương Đình Nghệ liền trở mặt mà quát rằng:

- Tụi bay gϊếŧ hại cha con nhà họ Khúc, bây giờ lại muốn cầu hòa ư. Thật khinh người quá.

Lời vừa dứt, xung quanh đao phủ nhảy xổ ra chặt luôn đầu Trần Bảo.

Vua Hán bấy giờ nghe được tin này, đập bàn giận dữ, quan lại trong triều im thin thít, không dám nói lời nào.

Một vị quan tên là Kiều Bình đứng ra hiến kế, âm thầm cho kẻ tài lẻn vào Giao Châu. Lại đầu quân dưới trướng Dương Đình Nghệ. Đợi khi nào lên làm chức to rồi thì hẵng dấy binh tạo phản, trong đánh ra ngoài đánh vào, đấy gọi là nội ứng ngoại hợp.

Hán Đế nghe vậy thì cả mừng, lại hỏi cử người nào đi cho được? Kiều Bình liền tiến cử con mình là Kiều Công Tiễn đi.

Năm Đại Hữu thứ tư, Dương Đình Nghệ lấy danh nghĩa là báo thù cho họ Khúc, chiêu binh mãi mã. Đánh chiếm lại quận Ái Châu và mấy tỉnh ở Hoan Châu. Ông nuôi ba ngàn giả tử (con nuôi), đặt ra trường đánh vật, chiêu tập các hào kiệt, lấy đại nghĩa khuyến khích họ.

Cho đến mùa xuân tháng ba, năm Đinh Dậu (937), Dương Đình Nghệ bị nha tướng của mình là Kiều Công Tiễn gϊếŧ chết.

Sử Thần bàn rằng: Cuối đời Hán, Đường phần nhiều nuôi giả tử, là vì đương lúc trí, lực chọi nhau, hay là trong khi hoạn nạn cùng theo nhau, đắc lực trong lúc hoãn cấp, tức thì nhận làm giả tử, không biết rằng lòng lang khó dạ. Dấu của hớ hênh, là xui cho người lấy trộm, thiên tính như thế không thể làm khác được. Đình Nghệ nuôi giả tử đến ba ngàn người, thì bị nạn, còn hối sao được nữa.

Thế mới có thơ rằng:

Ba trăm năm lẻ Tuỳ, Đường,

Lại trong Ngũ quý tang thương cũng dài,

Hồng châu Khúc Hạo hùng tài,

Gặp đời Thúc Quý toan bài bá vương.

Cõi nhà hùng cứ nam phương,

Cung cầu một lễ, Hán Lương hai lòng.

Quy mô cũng rắp hỗn đồng,

Điền tô, đinh ngạch đều cùng định nên.

Thừa gia vừa được tái truyền,

Bởi cầu Lương tiết hoá nên Hán tù.

Dương Đinh Nghệ lại báo thù,

Đuổi người Hán, lĩnh châu phù vừa xong.

Nghĩa nhi gặp đứa gian hùng,

Kiều Công Tiện lại nỡ lòng sao nên.

Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ, tự phong mình làm Tiết Độ Sứ. Nhưng Công Tiễn lại không có chỗ dựa vững chắc, lại làm điều phản nghịch nên nhiều người ghét bỏ. Bế tắc, Công Tiễn vội vã cầu cứu nhà Hán.

Bấy giờ, một bộ tướng dưới trướng Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền, đang đóng binh ở Ái Châu. Nói về Ngô Quyền người này, sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm. Cha là Ngô Mân làm chức châu mục Đường Lâm. Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ khen là bậc anh hùng tuấn kiệt, "Trí dũng song toàn". Nên được cắt cử canh giữ Ái Châu.

Mùa xuân năm Mậu Tuất, Ngô Quyền đang ngồi đọc sách thì phía chân trời xẹt qua một tia sét, tiếng sấm động ầm ầm. Ngô Quyền có dự cảm chẳng lành, bèn sai người đến Giao Châu dò la tin tức. Vài ngày sau, thám báo trở về, Ngô Quyền nghe tin Dương Đình Nghệ chết dưới tay gian tặc, phun một ngụm máu ngay giữa sảnh đường. Thân tín xung quanh phải dìu đỡ, vuốt ngực bấm huyệt hồi lâu mới tỉnh lại.

Vài tháng sau, Ngô Quyền kêu gọi binh lính từ các tỉnh lân cận, phát binh hướng Giao Châu mà tiến đánh.

Sách sử viết rằng: Công Tiễn bị Ngô Quyền vây, sợ mất mật. Sai sứ không quản ngày đêm trở về Hán triều cầu cứu.

Vua Hán nhân Giao Châu có loạn muốn chiếm lấy, liền phái Thái Tử Lưu Hoằng Tháo. Phong tước Vương, gọi là Giao Vương, đem quân cứu Kiều Công Tiễn. Nhưng khi binh Hán chưa sang, mùa thu năm ấy, Ngô Quyền đã gϊếŧ được Kiều Công Tiễn rồi.

Lưu Hoằng Tháo khi đó ý muốn tiến binh bằng đường thủy, bèn hỏi kế Sùng Văn sứ là Tiêu Ích.

Tiêu Ích thưa rằng:

- Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là bậc hùng tài, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến.

Hoằng Tháo cười mà nói:

- Chỉ là bọn giặc cỏ, còn chưa cần làm đến vậy.

Nói rồi bỏ qua lời khuyên của Tiêu Ích, đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào, muốn đánh Ngô Quyền.

Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá:

- Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, không biết tin Công Tiễn đã chết, kế nội ứng ngoại hợp của chúng ấy là tan rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.

Quả nhiên y như lời Ngô Quyền nói, Hoằng Tháo lần ấy tử trận, toàn quân đại bại. Mười vạn quân binh chỉ còn chưa đến hai vạn trở về. Vua Hán đồn trú ở cửa biển nhưng không giúp gì được, nhìn trời mà khóc ròng hai ngày liền. Sau cùng thu thập tàn binh trở về Kinh.

Người sau ca rằng:

“Dương công xưa có rể hiền,

Đường Lâm hào hữu tên Quyền họ Ngô.

Vì thầy, quyết chí phục thù,

Nghĩa binh từ cõi Ái châu kéo vào.

Hán sai thái tử Hoằng Thao,

Đem quân ứng viện toan vào giúp công.

Bạch Đằng một trận giao phong,

Hoằng Thao lạc vía, Kiều Công nộp đầu.

Quân thân đã chính cương trù,

Giang sơn rầy có vương hầu chủ trương.

Về Loa Thành mới đăng quang,

Quan danh cải định, triều chương đặt bày.”

Mùa xuân năm sau, Ngô Quyền xưng vương, lập ra nhà Ngô. Đóng đô ở Cổ Loa Thành, cai trị tám châu: Giao, Lục, Phong, Trường, Ai, Diễn, Hoan, Phúc Lộc. Lại tôn Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục.

Người xưa có câu rằng: Cực thịnh tất suy. Nhà Ngô cai trị được hai tám năm, đến thời Ngô Xương Xí thì bị phân chia. Các hùng trưởng đua nhau nổi dậy, chiếm giữ quận ấp, người sau gọi đó là loạn mười hai sứ quân.

Tân Hợi năm thứ nhất (951), Ngô Xương Văn lên ngôi, xưng làm Nam Tấn Vương. Lại đón anh là Xương Ngập về kinh đô, cùng trông coi việc nước. Xương Ngập xưng làm Thiên Sách Vương. Một núi không thể chứa hai hổ, Thiên Sách Vương chuyên quyền làm uy, vì thế nên hai Vương hiềm khích nhau, nhân gian cũng từ đó mà loạn.

Người đời sau có thơ diễu Tam Kha rằng:

“Nền vương vừa mới dựng xây,

Tiếc cho hưởng nước chưa đầy sáu năm.

Đến cơn loạn mệnh nên nhầm,

Cán Long tuyền để trao cầm tay ai?

Tam Kha là đứa gian hồi,

Lấy bè thích lý chịu lời thác cô.

Cành dương đè lấn chồi ngô,

Bình vương tiếm hiệu, quốc đô tranh quyền.”