Luận Đại Thừa Một Trăm Pháp Minh Môn

Chương 18: Tâm Sở Hữu Pháp: Trung Tùy Phiền Não

TÂM SỞ HỮU PHÁP: TRUNG TÙY PHIỀN NÃO

Duy Thức học nói đến pháp bất thiện có bốn loại:

Loại 1: Căn bản phiền não có 6 thứ

Loại 2: Tiểu tùy phiền não có 10 thứ

Loại 3: Trung tùy phiền não có 2 thứ

Loại 4: Đại tùy phiền não có 8 thứ

Bốn thứ này thuộc pháp bất thiện. Hai loại trước đã trình bày sơ lược rồi. Giờ nghiên cứu loại thứ ba.

Trung tùy phiền não có hai thứ: Vô Tàm, Vô Quý.

Sao gọi là Trung Tùy Phiền Não?

Trung Tùy là chỉ phạm vi sanh ra, ở khoảng giữa Tiểu tùy và Đại tùy phiền não. Luận Thành Duy Thức, quyển 6, nói: Phẫn …mười thứ, mỗi thứ sanh khởi riêng biệt, gọi là Tiểu Tùy Phiền Não. Vô Tàm, Vô Quý hai thứ này có khắp ở tâm sở bất thiện, gọi là Trung tùy phiền não. Trạo cữ, … tám thứ có khắp ở tâm sở nhiễm ô, gọi là Đại Tùy Phiền Não. Tâm nhiễm ô là tâm bất thiện và tâm hữu phú vô ký.

Tùy là biểu hiện của chúng với Căn Bản Phiền Não. Nghĩa là ở trong hai tùy phiền não này là cùng loại với Căn Bản Phiền Não: Tiểu Tùy Phiền Não là một phần của Căn Bản Phiền Não, cho đến Đại Tùy Phiền Não là cùng loại hay một phần của Căn Bản Phiền Não.

Hai thứ Vô Tàm, Vô Quý gây cho thân tâm bực tức, nóng nảy, rối loạn, nên gọi là Trung Tùy.

A. Vô Tàm

Vô Tàm là tâm không còn biết xấu hổ. Luận Thành Duy Thức, quyển 6, nói: Sao gọi là Vô Tàm? Chính là không quan tâm đến bản thân và khuôn phép, xem thường, chống báng những vị tài giỏi, hiền đức. Đó là tánh của Vô Tàm. Ngoài ra, Vô Tàm hay cản trở tâm sở Tàm, nảy sanh, nuôi lớn các việc ác. Đó là nghiệp dụng của Vô Tàm.

Câu trên có hai ý:

1) Thể tánh của vô tàm

Đặc tính của Vô Tàm là không quan tâm đến bản thân và khuôn phép. Nói bản thân có nghĩa là không biết tôn trọng chính mình. Nói khuôn phép nghĩa là giáo pháp, giơi, định, tuệ mà mình đã lãnh thọ, đã học hiểu.

Đặc tính thứ hai của Vô Tàm là khinh thường và chống đối các bậc tài giỏi, hiền đức. Nghĩa là đối với đức hạnh cao tột của người hiền lành đều coi thường, nói xấu. Đối với tất cả pháp lành hữu lậu và vô lậu đều coi rẻ và bài bác. Luận Câu Xá nói: Không tôn trọng bậc tài giỏi và hiền lành gọi là Vô Tàm.

2) Nghiệp dụng của Vô Tàm. Có hai điểm:

a) Hay cản trở Tàm. Do thể tánh của Tàm là dựa vào

tính tự trọng và sùng kính giáo pháp, cũng như những bậc tài giỏi, hiền lành. So với thể tánh của Vô Tàm hoàn toàn trái ngược.

b) Nuôi lớn việc ác. Khi người đời không biết xấu

hổ thì sự tự giác cũng mất luôn. Bao nhiêu công đức từ trước, kết quả hoàn toàn trái ngược, hành động, nói năng, lại còn tự phụ (ta đây), hớ hênh, làm xằng làm bậy, nên nói: nuôi lớn việc làm ác.

B. Vô Quý

Sao gọi là Vô Quý? Giống như tâm không biết xấu hổ, so với Vô Tàm hơi khác một chút. Luận Thành Duy Thức, quyển 6, nói: Sao gọi là Vô Quý? Không đếm xỉa đến dư luận xã hội, thích làm những việc tàn ác. Đó là tánh của Vô Quý. Hay cản trở tâm sở Quý, nuôi dưỡng việc làm ác, đó là nghiệp dụng của Vô Quý. Đoạn trên có hai ý:

1) Tánh thể của Vô Quý

Đặc tính của Vô Quý là không đoái hoài đến dư luận thế gian, tức là không hiểu hết sức mạnh của dư luận xã hội, cũng không cho việc làm hư đốn của mình là việc làm đáng xấu hổ. Vì vậy, mọi người chê bai, đàm tiếu về mình, cam làm kẻ hạ tiện, không sợ hổ thẹn với mọi người, nên gọi là không đoái hoài đến dư luận.

Đặc tính thứ hai của Vô Quý là tôn sùng việc tàn ác. Duy Thức Thuật Ký, quyển 34, nói: Người có ác tâm gọi là bạo. Pháp thể đã nhiễm ô gọi là ác. Bạo là chỉ cho người bạo ngược, tà ác. Ác là chỉ cho các ác nghiệp sát, đạo, da^ʍ, vọng. Nghĩa là người không có tâm biết xấu hổ, mà chỉ biết tôn sùng tàn bạo, gian tà, ác ôn.

2) Nghiệp dụng của Vô Quý.

Có hai ý nhỏ:

a) Hay chướng ngại Quý. Vì thể tánh của Quý là

dựa vào dư luận của quần chúng, xem thường và phản đối tàn bạo, so với thể tánh của Vô Quý, không đếm xỉa đến dư luận và tôn sùng tàn bạo, gian ác, là hoàn toàn đối lập.

b) Nuôi lớn việc ác. Sách Quản Tử, Thiên Mục Dân, nói: Biết hổ thẹn thì không đi theo sai trái. Muốn nói rằng người có tâm biết hổ thẹn thì tuyệt đối không cùng với kẻ tiểu nhân kết bạn. Ngược lại, người không có tâm hổ thẹn thì cam chịu đọa lạc, tôn sùng tàn bạo, gian tà và suốt ngày kết bạn với tiểu nhân. Những việc đốn mạt, vì vậy, phải xảy đến, nên nói nuôi lớn việc ác.

Sách Pháp Uyển Châu Lâm, Thiên Tàm, Quý 14, có so sánh sự khác nhau giữa vô tàm và vô quý như sau: Vô tàm (không biết hổ thẹn với chính mình)

I. Đối với người thì tùy tiện không sợ sệt, không thay đổi

1. Làm ác mà chính mình không đoái hoài.

2. Làm ác mà chính mình không thấy xấu hổ.

3. Làm ác mà không hổ thẹn.

4. Một mình tạo tội mà không hổ thẹn.

5. Đối với ít người tạo tội mà không hổ thẹn.

6. Người ngu tạo tội mà không hổ thẹn.

7. Người kém cỏi tạo tội mà không hổ thẹn.

8. Người tại gia tạo tội mà không hổ thẹn.

9. Làm ác không hổ thẹn với trời.

II. Vô quý (không biết hổ thẹn với người)

1. Ở trong tội ác mà không sợ sệt.

2. Làm ác chẳng cần quan tâm tới người khác.

3. Làm ác không xấu hổ với người khác.

4. Làm ác mà còn hống hách.

5. Đối với người khác tạo tội mà không biết xấu hổ.

6. Đối với nhiều người tạo tội mà không biết xấu hổ.

7. Đối với người trí tạo tội mà không biết xấu hổ.

8. Đối với bậc tôn kính tạo tội mà không biết xấu hổ.

9. Đối với người xuất gia tạo tội mà không biết xấu hổ.

10. Làm ác mà không hổ thẹn với người.

Pháp Uyển Châu Lâm lại nói: Hai pháp này chỉ liên hệ với cõi Dục, là bất thiện, tương ứng với tâm sở bất thiện, ngoại trừ tự tánh.

Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: Thế Gian có hai pháp nhiệm mầu, ủng hộ cuộc đời. Đó là Tàm và Quý vậy. Nếu không có hai pháp này thì cha mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ ở thế gian không khác nhau. Kinh Di Giáo cũng nói: Mặc y phục Tàm Quý, đối với trang nghiêm thì nó là số một. Tàm như lưỡi câu sắt có thể ngăn chận con người làm việc phi pháp. Vì vậy, Tỳ Kheo nên luôn biết xấu hổ, không được lơ là. Nếu lìa xa xấu hổ thì công đức sẽ mất. Người có hổ thẹn thì sẽ có thiện pháp. Nếu người không có hổ thẹn thì đối với cầm thú đâu có khác gì! .