Luận Đại Thừa Một Trăm Pháp Minh Môn

Chương 14: Tâm Sở Hữu Pháp: Thiện P1

TÂM SỞ HỮU PHÁP: THIỆN

Trên đã nghiên cứu 5 Biến Hành, 5 Biệt Cảnh, tiếp tục nghiên cứu 11 tâm sở Thiện.

Bài 3

善 十 一 者, Thiện thập nhất giả,

一 信 二 精 進, Nhất tín nhị tinh tấn,

三 慚 四 愧, Tam tàm tứ quý,

五 無 貪 六 無 瞋, Ngũ vô tham lục vô sân,

七 無 痴 八 輕 安, Thất vô si bát khinh an,

九 不 放 逸, Cửu bất phóng dật,

十 行 捨, Thập hành xả,

十 一 不 害, Thập nhất bất hại.

Nghĩa:

Thiện tâm sở có mười một:

Một tín, hai tinh tấn,

Ba tàm, bốn quý,

Năm vô tham, sáu vô sân,

Bảy vô si, tám khinh an,

Chín bất phóng dật,

Mười hành xã, Mười một bất hại.

Sao gọi là Thiện? Luận Thành Duy Thức, quyển 5, nói: Có thể làm việc thuận ích cho đời này và đời khác, nên gọi là Thiện. Đời này chỉ hiện tại. Đời khác chỉ quá khứ và tương lai. Thuận là hợp với chánh lý. Ích là lợi ích cho mình, cho người, Ý nói không chỉ ở đời quá khứ thì hợp với chánh lý, lợi ích chúng sanh, mà đến đời hiện tại cũng thế. Không chỉ đời hiện tại hợp với chánh lý, lợi ích chúng sanh, mà đến đời vị lai cũng thế. Một pháp như thế gọi là Thiện pháp.

Theo định nghĩa về Thiện của Duy thức học đã biết ở trên, có nghĩa là đối với một người đã làm một việc được gọi là thiện hay không, không thể chỉ thấy trước mắt, mà còn việc ấy có để lại hậu quả xấu hay không; cũng không thể chỉ tốt với một người hay không, mà còn đối với mọi người tốt hay không. Nếu bây giờ dường như tốt, mà các kiếp sau ánh hưởng không tốt; hoặc đối với ít người thì có lợi, mà đối với đa số thì có hại. Những việc ấy đều chẳng phải là Pháp Lành (Thiện pháp).

Tóm lại, thảo luận về hành vi Thiện hoặc Không Thiện, đạo đức hoặc không đạo đức. Nhất định không chỉ căn cứ vào việc làm hiện tại phán đoán, còn phải thấu hiểu nhân tình, sự lý và xem xét việc làm ấy qua ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Xét xem việc làm ấy có đúng với Chánh Pháp, có lợi ích cho đời này, đời sau mới có thể gọi là Thiện. Nếu không được như vậy là Bất Thiện.

Có người nói Duy thức học trong Phật học là môn tâm lý học. Môn học chuyên nghiên cứu về nội tâm, mười một pháp Thiện, hầu hết đều thuộc nội tâm. Đúng ra phải nói nội tâm và biểu hiện bên ngoài không thể phân chia. Luận Thành Duy Thức, quyển 6, nói: Chỉ có đầy đủ Thiện Tâm mới gọi là Tâm Sở Thiện. Sau đây là 11 điều chỉ có trong Thiện Tâm mới có thể sanh ra.

I. Tín

Tín chính là lòng tin, tâm tín ngưỡng, tức là nội tâm đối với một đối tượng nào đó. Từ đây mà sanh ra tâm sùng kính, ngưỡng mộ, và không còn chút nào nghi ngờ. Gọi đó là Tín.

Tín là một trong ba yếu tố quan trọng của người tu Tịnh Độ (tín, hạnh, nguyện), cũng là một trong bốn giai đoạn của người tu Phật (tín, giải, hành, chứng). Tín đứng đầu trong 11 pháp lành trong 100 pháp. Như vậy Tín rất quan trọng trong việc tu, học Phật pháp. Kinh nói: Phật pháp như biển cả, Tin là có khả năng vào được. Trước có lòng tin, sau mới có thể siêng năng. Ngược lại, thiếu tín tâm thì không có cửa đi vào pháp Phật. Luận Đại Trí Độ nói: trong Kinh Phật coi tín như tay. Người có tay thì vào núi báu có thể tùy ý nhặt lấy. Nếu không có tay, dẫu vào núi báu cũng chẳng nhặt lấy được gì. Thế thì sự quan trọng của Tín Tâm có thể thấy được. Dưới đây chia Tín ra hai điểm để nghiên cứu.

A. Thể tánh của Tín.

Bách Pháp Trực Giải nói: Đối với Chánh pháp, Tam Bảo có đủ khả năng hiểu thấu thì những ước muốn an lạc sẽ đến. Tâm thanh tịnh là thể tánh của Tín. Đoạn văn trên chia ra ba đoạn nhỏ: 1) chỗ nương tựa đức tin là thật (chánh pháp), đức (Tam bảo), năng (khả năng vốn có). 2) nhân và quả của đức tin là hiểu biết thấu đáo và sẽ nhận kết quả an lạc. 3) tự tánh của đức tin là có khả năng làm cho tâm thanh tịnh. Xin cắt nghĩa ngắn gọn như sau:

1. Chỗ tựa của đức tin. Chỗ nương tựa của tâm sở Tín, đây là muốn bàn về Tín Tâm nương vào đâu sanh khởi? Tín tâm nương vào ba điều: Thật, Đức, Năng mà có.

a) Thật: chỉ thực sự (thế tục đế), thực lý (thắng nghĩa đế) của các pháp. Đó là nhân duyên lớn chư Phật xuất hiện ở đời. Tuy Phật nói pháp vô lượng, tóm lại có thể nói, không ra ngoài nhị đế. Với nhị đế bao quát tất cả Phật pháp.

Thế tục đế là gì? Trong Phật pháp, hễ nói đến đạo lý duyên sanh của các pháp thì gọi là Thế Tục Đế. Vì sao? Vì phàm tục với tình cảm mê muội, chưa ngộ được bản tánh. Do đó tưởng tượng sai lầm đưa đến chấp trước rồi từ từ biến chuyển. Chư Phật, vì thế gian, chỉ bày tất cả pháp chỉ là duyên sanh: có tức chẳng phải có. Nghĩa ấy chắc chắn, không thể lay chuyển. Do vậy gọi là Thế Tục Đế (sự thật thuộc thế tục).

Thắng Nghĩa Đế là gì? Trong Phật pháp, hễ nói đến đạo lý duyên sanh tức không thì gọi là Thắng Nghĩa Đế: Cái gì chẳng phải có mà có, đương thể tức không (không trong từng sát-na). Nghĩa ấy chắc chắn, không thể lay chuyển, nên gọi là Thắng Nghĩa Đế (sự thật vượt tầm của thế gian). Bồ Tát Long Thọ nói: Vì sự thật của cuộc đời (Thế Đế) mà nói có chúng sanh. Vì sự thật của Đệ Nhất Nghĩa (sự thật vượt thế gian) mà nói cái không có chúng sanh (chúng sanh không thật có). Thế Đế Tức Tục Đế (cái thật của trần gian). Đệ Nhất Nghĩa Đế Tức

Thắng Nghĩa Đế (cái thật vượt tầm thế gian). Thế Tục

Đế nói: Cái có tức là không. Thắng nghĩa đế nói: cái không tức là có. Không vướng vào có, không. Lìa xa hai bên không, có. Đó là nghĩa Trung Đạo của Duy thức. Như trên đã nói rõ cái nghĩa vi diệu thậm thâm của thật sự, thật lý khó hiểu nỗi. nhưng mà những điều như thế lại là Chân Ngữ (lời nói chân thật), Thật Ngữ (lời nói đúng đắn), Như Ngữ (lời nói không thay đổi), bất cuống ngữ (lời nói không dối trá), Bất Dị Ngữ (lời nói không dị thường). Cho nên chúng ta đối với thật sự, thật lý chỉ có tin tưởng, thuận theo và chấp nhận, an tâm mà thực hành, chớ trái ngược tơ hào. Được như vậy mới là hiểu thấu Phật pháp (ư Thật Thâm nhẫn). Nương vào Tín Tâm Sở mà sanh ra tất cả.

b) Đức: chỉ đức thanh tịnh hoàn toàn của Tam Bảo. Đức thanh tịnh hoàn toàn của Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, ...Thường nghĩa là không thay đổi, thể tánh bao trùm như hư không,an nhiên vắng lặng, trãi ba đời không dời đổi, lẫn lộn trong vạn pháp mà không biến dịch, nên gọi là đức thường. Lạc nghĩa là an ổn, vắng lặng giữa cái khổ bức bách của sống, chết và chứng được cái an vui, vắng lặng của Niết Bàn, gọi là đức lạc. Ngã: nghĩa là tự tại, vô ngại. Nhưng có sự khác nhau giữa vọng ngã (ngã giả) và chân ngã (ngã thật). Ngoại đạo, phàm phu, đối với thân năm ấm, gượng lập chủ tể, rồi chấp đó là ngã là ngã giả. Phật có đủ tám tự tại mới gọi là ngã, tức chân ngã, nên gọi là đức ngã. (Bát tự tại xem tự điển pháp số Tam Tạng, cư sĩ Lê Hồng Sơn dịch). Tịnh: nghĩa là xa lìa dơ dáy, không nhiễm các phiền não, rất là thanh tịnh, như tấm kính lớn không dính chút bụi, nên gọi là đức tịnh.

Đức rất trong sạch của pháp được Như Lai tùy cơ dạy bảo. Các kinh Quyền, Thật được nói trong năm thời có đức soi thấu, nghi ngờ, tăm tối. Nếu người nào nghe hiểu nương vào đó tu tập, đều có thể lìa khổ được vui, cho đến thành Phật hoàn toàn.

Đức rất trong sạch của Tăng (Tăng có nghĩa là hòa hợp) là để hoằng truyền giáo pháp, hóa độ chúng sanh. Tăng chúng là nối tiếp và làm mạnh giống Phật, lấy Giới và Định làm trang nghiêm thân thể, vì có đầy đủ lục hòa trau dồi cho mình. Niềm vui ấy chỉ nương vào một chữ Tín thôi.

c) Năng: là năng lực, chỉ tất cả thiện hữu lậu và vô lậu. Nhờ vào năng lực thực hành hai việc thiện này chuyên chở chúng ta đến kết quả an vui, cho đến thành tựu Thánh đạo. Đó là hạng người tin sâu vào pháp nhân quả. Một khi đối với kết quả an vui và thành tựu Thánh đạo tâm khởi lên mong muốn đạt được. Tự mình siêng năng không biết mệt nhọc, thực hành Năm Giới, Mười Điều Thiện, Sáu Độ và các pháp lành. Đó gọi là mong cầu an lạc. Chỉ có Tín Tâm Sở mới sanh điều hy vọng này.

2. Nhân quả của Tín. Tức là mong cầu an vui, hiểu rõ Tục Đế và Thắng Nghĩa Đế. Nhẫn là nhân của tín.

Ước muốn an vui là quả của Tín Tâm Sở. Luận Thành Duy Thức, quyển 6, nói: Nhẫn nghĩa là thắng giải. Đây là nhân của Tín. Ham muốn an vui nghĩa là dục, tức là quả của Tín. Câu trên nói rằng chúng ta đối thực sự, thực lý (Tục Đế, Thắng Nghĩa Đế) mà có sự hiểu biết thấu đáo thì ở trong tâm an ổn, không bị thoái lui, khuynh đảo bởi những sự hiểu biết khác, việc làm khác, học thuật khác, kiến giải khác. Đó gọi là nhẫn. Đó là nhân của tín sanh ra. Ngược lại, chúng ta đối với Thế Tục Đế, Thắng Nghĩa Đế do dự, không quyết định. Do đó bị thay đổi bởi năm dục, sáu trần. Điều này chứng tỏ người ấy nhẫn lực không vững chắc, nên tín tâm không sanh là do đó.

Ước muốn an vui, đó là một loại tâm mong cầu cháy bỏng. Do sự vững mạnh của tín tâm ở trước, nên đối với cảnh giới an vui, sanh tâm mong cầu bằng được. Siêng năng hết mức, không đạt mục đích, quyết không ngừng lại, đó là lạc dục là quả của Tín Tâm.

3. Tự tánh của Tín. Đó là tâm trong veo (tâm tịnh). Nghĩa là tự thể trong veo của Tín Tâm Sở này, có thể làm cho tất cả tâm, tâm sở trong veo (thanh tịnh), vì tâm là hơn hết. Ví dụ Tín Tâm như hạt châu làm cho nước trong, nên nói là thanh châu bỏ vào nước đυ.c, nước đυ.c biến thành trong. Tín Tâm bỏ vào tâm ô uế, tâm ô uế trở thành trong veo. Bách Pháp Luân Soạn Bổ Nghĩa nói: Nếu thấy tượng Phật, khởi lên tâm kính tín, tâm liền thanh tịnh. Do vậy tự tánh của Tín càng hiển lộ. Cũng bởi vì tự tánh của Tín có thể làm cho tâm thanh tịnh, có thể hiểu rằng, trong Phật pháp, gọi Tín là Trí Tín, không phải Uế Tín. Vì chỉ có Trí Tín mới có thể phá trừ phiền não, khiến cho tâm thanh tịnh, cho đến thấy tánh thành Phật. Mê tín thì ngược lại.

B. Nghiệp dụng của tín.

Bách Pháp Trực Giải nói: Đối trị với bất tín, ưa cầu pháp lành, ấy là nghiệp dụng của Tín Tâm Sở. Nghiệp dụng của Tín có hai.

Câu đầu nói: Tín có thể đối trị bất tín. Vì Tín là pháp lành, Bất Tín là phiền não. Pháp lành và phiền não đối lập nhau. Câu sau nói: Tín là nguyên động lực cho chúng ta rèn luyện tâm ưa thích mong cầu pháp. Luận Thập Nhị Môn nói: Tín có ba tướng là ưa gần gũi người lành, ưa lắng nghe chánh pháp, ưa thực hành bố thí. Chúng ta tín Phật cũng có ba tướng này.

Ở trên đã nói rõ điều thứ nhất của thiện pháp là Tín. Nghĩa là trong tâm đối với Thật, Đức, Năng và sau khi hiểu rõ ràng không có gì hơn thì liền sanh ra lòng sùng kính, ngưỡng mộ, ao ước. Gọi đó là Tín. Bách Pháp nói: Nghiệp dụng của Tín là ưa cầu mong pháp lành. Đây là Tín Tâm vững vàng cổ vũ nguyên động lực làm việc lành cho thế gian, cũng là cái nhân của siêng năng.

II. Tinh tấn (siêng năng).

Tinh là thuần nhất, không một chút xen tạp. Tiến là dũng mãnh tiến lên, không lưu ý cảnh thuận hay nghịch. Tâm ban sơ trước sau không thay đổi. Nhất định không thối lui. Như vậy gọi là tiến.

Tóm lại, Tinh Tấn là một cách siêng năng, gắng sức, tâm hướng đến việc lành, hướng đến ánh sáng, nỗ lực đi tới. Bách Pháp Trực Giải nói: Tinh Tấn là đối với việc trừ ác, tu thiện hết sức mạnh dạn. Ấy là thể tánh của tinh tấn, nhằm đối trị lười biếng, đi đến thành công trọn vẹn việc lành, đó là nghiệp dụng của Tinh Tấn.

A. Thể tánh của Tinh Tấn.

Yếu điểm của Tinh Tấn có hai:

1. Bỏ ác làm lành. Tức là siêng năng trừ các việc ác, làm các việc lành, mới có thể gọi là Tinh Tấn. Bách Pháp Trực Giải nói: Siêng năng với việc xấu, thoái lui với việc lành, cũng gọi là lười biếng.

2. Dũng mãnh nhất quyết. Chỉ việc bỏ ác làm lành, chúng ta cũng phải mạnh mẽ, quyết liệt, phải phấn chấn tinh thần, như cứu lửa cháy đầu, chớ chậm chạp, trễ nãi. Đặc biệt là trừ việc ác, nhất định phải nỗ lực mạnh mẽ. Nói sửa là sửa, quyết không lôi thôi với nó.

B. Nghiệp dụng của Tinh Tấn.

Nghiệp dụng của Tinh Tấn có hai điều:

1. Đối trị lười biếng: Lười biếng không thể trừ ác, tu thiện. Lười biếng là một trong Tám Đại Tùy Phiền Não, đối lập hoàn toàn với siêng năng.

2. Hoàn thành việc lành: Siêng năng có thể thành tựu tất cả việc lành thế gian và xuất thế gian. Tại sao? Vì Phật pháp gọi siêng năng là một hành vi trí huệ, không phải là hành vi xung động của tình cảm.

III. Tàm.

Pháp lành thứ ba là tâm biết hổ thẹn, là tâm biết phản tỉnh, là năng lực tự giác. Chúng ta mỗi ngày phản tỉnh, tự giác, phát hiện ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình có nhiều điều không hợp với đạo đức. Đó là tâm biết hổ thẹn, tự nhiên sanh ra gọi là Tàm.

Bách Pháp Trực Giải nói: Tàm là nương nơi tự thân và Phật pháp sanh tâm tôn kính và quý trọng, do tâm sùng kính, tôn trọng bậc hiền thiện mà xấu hổ những lỗi lầm, tội ác không dám làm. Đó là thể tánh của Tàm. Nói riêng là để đối trị tâm không biết hổ thẹn. Nói chung là để dứt trừ các hành vi ác. Đó là nghiệp dụng của Tàm.

A. Thể tánh của Tàm.

Trước nói nguyên nhân nào tâm hổ thẹn sanh ra. Đó là nương vào tự thân và pháp Phật sanh tâm tôn kính và quý trọng. Tự thân chỉ cho thân thể của mình. Ta vốn đường đường tấm thân tầm thước, không chỉ đầy đủ mà còn tương đồng với Phật tánh của mười phương chư Phật; lại còn được nghe giáo pháp vi diệu vô cùng mà ta không làm được việc lành thì xấu hổ biết bao. Sao hòa hợp với những kẻ ô uế, làm ngững việc sai trái? Do đối với chính mình sanh ra sự tôn trọng và đối với Phật pháp sanh ra quý trọng mà khởi lên tâm xấu hổ.

Lại nữa, một cá nhân sau khi đã trải qua một lần phản tỉnh và tự giác, thì sẽ phát sanh hai hiệu quả:

a) Xấu hổ những việc ác đã làm và không dám làm nữa. Vì đối với lời nói, hành động trước đây, tự mình sẽ phản tỉnh: Tôi đã làm gì, đúng hay không đúng đối với thân phận, địa vị của mình? Và đối với giáo pháp mà tôi đã tiếp nhận được? Trãi qua thời gian phản tỉnh, tự trách như thế thì bao nhiêu sai lầm, tội ác liền ngừng lại ngay.

b) Tôn trọng bậc hiền thiện. Khi gặp tất cả người hiền, đức độ đều hết sức cung kính, tôn trọng, đối xử như cha, anh mình, phụng sự như sư trưởng của mình.

B. Nghiệp dụng của tàm.

a) Dùng riêng là đối trị vô Tàm (không biết hổ thẹn). Vì tàm (hổ thẹn) là pháp lành. Vô Tàm (không biết xấu hổ) là phiền não. Hai tâm sở này đối lập nhau, nên gọi là đối trị.

b) Dùng chung là ngăn chặn các việc làm ác, là người có tâm biết xấu hổ, ắt không cùng hội cùng thuyền với kẻ ô uế, làm những việc sai trái.

IV. Quý.

Thiện pháp thứ tư là Quý, cũng là một loại tâm biết xấu hổ. Loại tâm biết xấu hổ này chẳng qua, là sự dè dặt, đắn đo của mình đối với dư luận ở đời. Trước đây, thường nói là Tàm Quý ( đi liền), thực ra, hai chữ này có chút khác nhau. Tức Tàm là tự mình xấu hổ với mình, Quý là tự mình xấu hổ với người.

Bách Pháp Trực Giải nói: Quý là đối với thế gian, người khác bị trách mắng do xem thường sự tàn ác. Từ sự xấu hổ tội lỗi đã làm mà không dám làm nữa. Đó là thể tánh của Quý. Riêng là đối trị với Vô Quý (không biết xấu hổ), chung là dứt trừ các việc làm ác. Đó là nghiệp dụng của Quý.

A. Thể tánh của quý.

Trước nói rõ nguyên nhân sanh ra tâm biết xấu hổ. Tức nương vào sự trách mắng của thế gian và không phải chúng ta là cá nhân duy nhất, mà chung quanh ta có rất nhiều người. Trong cuộc sống xã hội, mỗi ngôn từ, hành động của một cá nhân có ảnh hưởng đến người khác. Đó cũng là đạo đức biết tôn trọng mọi người. Mọi người công nhận hành vi tốt, hợp pháp, có ích cho xã hội, thì chúng ta phải tuân theo những điều ấy.

Ngược lại, những hành vi không hợp lý, không có đạo đức, làm hại cho xã hội mà mọi người công nhận,thì chúng ta phải lánh xa. Nếu không như thế, sự công kích của dư luận rất dữ dội và sự khinh thường, ghét bỏ của người khác rất quyết liệt sẽ phát sanh tâm hổ thẹn. Đó gọi là Quý. Hiệu quả của hai loại tâm này là:

1. Xem thường và chống đối hành vi tàn ác, xấu hổ cùng bè đảng với người ác.

2. Xấu hổ tội lỗi đã làm mà không dám làm. Đã có sẵn tâm hổ thẹn thì tự nhiên không dám phạm Năm Giới Cấm và làm những việc sai trái đem đến đau khổ, phiền não cho mọi người.

B. Nghiệp dụng của quý có hai: đối trị Vô Quý (không biết xấu hổ); dứt trừ các hành vi ác.

Tóm lại, trên đã nói hai tâm sở thiện là Tàm và Quý. Nếu người nào có đủ hai pháp lành này thì có thể bồi dưỡng nhân cách cao thượng và trọn vẹn. Người nào quá ít liêm (sự trong sạch) và sỉ (xấu hổ) thì không khác mấy với cầm thú. Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: Đời có hai pháp nhiệm mầu ủng hộ thế gian. Đó là Tàm và Quý. Nếu không có hai pháp này thì cha mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng lớn nhỏ trong thế gian không phân biệt được, tức đồng đẳng với cầm thú. Kinh Di Giáo cũng nói: Mặc áo Tàm Quý là cách tôn nghiêm tốt đẹp nhất. Tàm như móc sắt có thể ngăn ngừa con người làm việc phi pháp, cho nên Tỳ kheo luôn luôn biết xấu hổ, không rời tâm này dù trong giấy lát. Nếu xa lìa tâm biết xấu hổ thì mất công đức. Người có tâm biết xấu hổ thì có pháp lành. Người không có tâm biết xấu hổ thì cùng với cầm thú không khác gì nhau.

V. Vô Tham.

Vô Tham là gì? Đó là đối với Năm Dục, Sáu Trần khởi sanh tâm nhàm chán, xa lìa và không tham lam, đắm đuối, chấp chặt. Đây là điều quan trọng nhất ở trong thiện pháp, gọi là ba căn lành: Không Tham, Không Sân, Không Si. Không tham đứng đầu. Căn lành có nghĩa là gốc rễ có khả năng sanh ra vô số pháp lành. Có hai điểm cần nghiên cứu:

A. Thể tánh của vô tham.

Bách Pháp Trực Giải nói: Ở trong ba cõi, của cải, và khí cụ trong ấy mà không bị đắm nhiễm, trói buộc. Đó là thể tánh của Không Tham Tâm Sở. Chúng sanh đến ba cõi có đầy đủ tư lương (tiền của và lương thực) và khí cụ (đồ dùng), đó là hoặc (phiền não) và nghiệp (sự tạo tác của thân, miệng, ý). Vì vậy hoặc, nghiệp là tư, cụ của ba cõi.

1. Đối với ba cõi không đắm nhiễm, hoặc là quán ba cõi như lao ngục, xem sinh tử như oan gia. Hoặc quán ba cõi không an như nhà lửa, khổ sở vô cùng, thật đáng sợ hãi. Luôn luôn sanh tâm chán ghét, lìa xa, mong ra khỏi ba cõi, chấm dứt sống, chết.

2. Đối với của cải, khí cụ trong ba cõi không bị đắm chìm, vướng mắc. Đối với Năm Dục, Sáu Trần tưởng tượng đó là rắn độc, thú dữ. Ít ham muốn, siêng tu hành thì thân, tâm được tự tại.

B. Nghiệp dụng của Vô Tham.

Bách Pháp Trực Giải nói: Riêng thì đối trị với Tham, chung thì có khả năng làm các việc lành. Đó là nghiệp dụng.

Trước nói về công dụng của riêng. Vô Tham có công dụng đặc biệt là đối trị tham lam. Vô Tham là pháp lành. Tham lam là pháp ác. Hai pháp có sự phân biệt rõ ràng, đối lập nhau. Khi vô tham sanh ra thì tham lam bị khuất phục, nên gọi là đối trị.

Công dụng chung của Vô Tham là có khả năng làm các việc lành. Vô Tham có thể sanh ra tất cả các việc lành, là căn bản của tất cả việc thiện, nên gọi Vô Tham là thiện căn (căn lành).

VI. Vô Sân.

Vô Sân là gì? Gặp cảnh không vừa ý, tâm có thể nhẫn nhục, giữ gìn bình an, hòa khí, không nóng nảy, gọi là Vô Sân. Vô Sân là một trong ba thiện căn. Do thiện pháp Vô Sân nên có thể sanh ra vô số pháp lành. Có hai điểm cần nghiên cứu:

A. Thể tánh của Vô Sân.

Bách Pháp Trực Giải nói: đối vơi ba khổ và ba khổ tư cụ mà không nổi lên ghét bỏ, giận dữ. Đó là Thể tánh của Vô Sân. Ba khổ là những gì?

1. Khổ khổ: Thân do năm ấm hữu lậu này tạo nên, tánh của nó luôn bức bách (ép buộc). Kinh nói: Thân là gốc của khổ; lại còn bị thiên tai, nóng, lạnh, đói, khát khổ chồng lên khổ nên gọi là khổ khổ.

2. Hoại khổ: Vui vừa chấm dứt, khổ liền tới, gọi là hoại khổ. Tức là vui cùng cực đưa đến đau buồn.

3. Hành khổ: Hành có nghĩa là đổi thay, lưu chuyển, do thân, tâm, hoàn cảnh, tất cả các pháp hữu vi thay đổi qua bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt luôn luôn không an ổn.

Cái khổ từ đó sanh ra, nên gọi là hành khổ.

Sao gọi là ba khổ tư cụ? Tức là nhân dẫn đến ba khổ.

Nhân của ba khổ là gì? Đó là Hoặc (phiền não) và Nghiệp (hành động của thân, miệng, ý). Chúng sanh khởi ra hoặc, tạo ra nghiệp thì ba khổ chắc chắn dẫn tới. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện nói: Nhân của các khổ có gốc là tham dục. Mà tham dục là căn bản phiền não. Đó là gốc rễ khởi ra hoặc và tạo thành nghiệp, cho nên cũng gọi là cái nhân tạo ra các khổ có gốc là hoặc và nghiệp. Vô Sân là không bị ghét bỏ, nóng giận đối với ba khổ và ba khổ tư cụ, được trình bày sau đây:

1. Không ghét bỏ nóng giận đối với ba khổ. Người tu hành phải biết rõ: Họa và phước không có cửa, chỉ do người tự vời đến. Nhân quả rõ ràng trước mắt, nghịch cảnh nguy khốn mà mình phải chịu đều do Hoặc, Nghiệp của mình, từ trong nhân đem đến. Vì vậy, trong lòng thanh thản, an nhàn nhận lấy quả báo, không trách trời cũng không oán người, nên gọi là không có gì ghét bỏ và nóng giận.

Ngày xưa Hàn Sơn hỏi Thập Đắc rằng: nếu người đời chê ta, khi ta, nhục ta, khinh ta, hèn ta, ghét ta, lừa ta thì đối xử như thế nào?

Thập Đắc đáp: chỉ việc nhịn họ, nhường họ, tùy họ, tránh họ, chịu họ, kính họ, không để ý họ, chờ thời gian thăm hỏi họ. Người tu hành nên tham vấn câu chuyện này.

2. Không ghét bỏ nóng giận đối với ba khổ tư cụ. Trước đã nói ba khổ tư cụ, tức chỉ cho Hoặc và Nghiệp. Duy Thức Tâm Yếu, quyển 6, nói: Hai khổ y báo và chánh báo đều do hoặc, nghiệp của mình vời đến, chớ có giận hờn, trách móc. Cái nhân khổ đau trong ba cõi đã là do Hoặc và Nghiệp, sao lại không tức giận?

Đáp: Hoặc và Nghiệp không có tánh (không có thật thể). Chỉ không khởi Hoặc, tạo Nghiệp là xong, cần gì sân hận cho cực? Lại như, Hoặc, Nghiệp ở quá khứ đã tiêu diệt rồi thì do sám hối mà trừ được, lại càng không nên sân. Hoặc, Nghiệp hiện tại nó không dừng lại, đứng yên, đừng làm cho nó tiếp nối, cũng chẳng nên sân làm gì. Hoặc, Nghiệp ở vị lai hiện giờ chưa có, ngăn ngừa chẳng để nổi lên, cũng chẳng nên sân.

Hoặc, Nghiệp của người khác cũng không có tánh, chỉ nên thương xót, lại càng chớ sân. Nếu có nổi lên sân hận, liền trở thành Hoặc, Nghiệp. Như nước càng sâu, như lửa càng nóng, nên gọi là giặc cướp mất công đức, chớ có giận hờn.

Lại hỏi: Đại Thừa đã biết Hoặc Nghiệp là không thật có, ba thời không thể có thì có thể không sân, còn Tiểu Thừa không thể thấu được pháp Không, thấy phiền não như giặc và ác nghiệp thật đáng thù ghét thì làm sao không sân cho được?

Đáp: Tiểu Thừa đối vời Hoặc, Nghiệp đã nổi lên thì đúng như pháp mà sám hối; với Hoặc Nghiệp chưa nổi lên thì hết lòng xa lánh, chán ghét thì cũng không sân.

B. Nghiệp dụng của Vô Sân.

Bách Pháp Trực Giải nói: Riêng là đối trị nóng giận, chung là có khả năng làm việc lành. Đó là nghiệp dụng

của Vô Sân. Công dụng riêng của Vô Sân có thể biết. Nhờ công dụng chung của Vô Sân có thể biết Vô Sân là pháp lành. Vô Sân không chỉ chấp nhận nghịch cảnh đã đành mà trong hoàn cảnh ấy còn có thể làm lành.