Trở Lại Thập Niên 70 Làm Thanh Niên Trí Thức

Chương 36: Thiên vị

“Thím, thím thiển cận quá. Nếu cháu là thím, lúc này cháu ước gì cháu dựa vào anh cả cháu. Đương nhiên, nhất định cháu sẽ không dựa vào anh ấy. Chẳng phải cháu xem thường anh ấy đâu, nhưng một người tiểu đội trưởng thì có thể làm được gì chứ?”

Trần Ái Lan nói: “Ai thiển cận, đừng tưởng rằng cô có thể nịnh nọt bà nội cô, những lời cô nói quỷ mới tin.”

“Thím, thím còn không chịu thừa nhận mình thiển cận. Thím tự xem xem mấy đứa con của thím có ai có tiền đồ không? Đừng nói anh cả, một người tiểu đội trưởng như anh cả sau này có thể đi lên hay không còn chưa biết. Một tiểu đội trưởng thì làm được gì chứ, chẳng phải vẫn xuống ruộng làm việc sao? Anh hai càng không cần phải nói, Tô Diệp lại càng không cần nhắc tới. Em út, tính tình em út rất tốt, còn là một học sinh cấp ba, nhưng thằng bé có thể lên đại học sao? Không thể lên đại học, trở về cũng trồng trọt.”

Trần Ái Lan: “... Không phải cô cũng trồng trọt sao?”

“Thím đừng so với cháu, cháu tới là để hiếu thảo với ông bà nội cháu, nói không chừng lúc nào đó là về rồi. Thím phải so với anh cả anh hai của cháu ở thành phố kia, bọn họ một người nhập ngũ, một người học đại học, sau này sẽ là cán bộ quân đội và lãnh đạo đơn vị.”

Những lời này đã chọc tức Trần Ái Lan: “Đó là do bọn nó có một người cha tốt!”

“Vậy mấy người anh Vệ Quốc chẳng phải cũng có một bác cả tốt sao? Thế mới nói, nếu cháu là thím, cháu sẽ không làm như vậy. Có cha cháu ở trong thành phố, tìm một cơ hội chảy ra từ kẽ tay là có thể thay đổi số phận của bọn họ rồi. Nếu cháu là thím, cháu sẽ thừa dịp bây giờ trong lòng cha cháu còn áy náy với chú hai cháu, nhiệt tình nghĩ cách quan tâm con cháu trong nhà. Không nói chuyện khác, Vệ Hoa nhỏ như vậy, kiếm một vị trí học đại học, hoặc là đi làm công nhân cũng chẳng phải không được. Cháu thấy thím cũng là người hiểu chuyện, thím cam tâm sau này con cháu của thím cả đời đều ở đây, bán mặt cho đất bán lưng cho trời sao? Ăn không no, không được ăn thịt sao?”

“...” Trần Ái Lan nghe mà có chút muốn khóc.

Tại sao bà ta ghét nhà anh cả như vậy, cũng là vì nhà anh cả ở trong thành phố nhiều năm như thế cũng không về quê giúp đỡ đám thân thích nghèo bọn họ một chút.

Hoặc là cả đời không về, kết quả tự nhiên có một đứa cháu gái muốn dựa vào bọn họ.

Vì vậy trong lòng bà ta có giận, có trách cứ.

Nhưng bà ta có thể làm chủ cái nhà này cũng có nghĩa bà ta là một người có dã tâm.

Dù không có dã tâm, nhưng tâm tư để một đứa con vào thành phố làm công nhân vẫn phải có, nếu không bà ta đã chẳng cho con út học cấp ba.

Còn không phải là muốn trong nhà có một người có tiền đồ sao.

Vì vậy những lời Tô Thanh Ngọc nói không thể không khiến trong lòng bà ta có chút dao động.

“Bây giờ nhà chúng tôi như thế, cô còn có thể cam tâm tình nguyện giúp đám Vệ Quốc sao?”

Tô Thanh Ngọc đáp: “Cháu nói thật vậy, không chung sống, không có cảm tình gì. Nhưng nếu mấy anh của cháu tốt với cháu, vậy cháu nhất định cũng sẽ tốt với bọn họ. Tình cảm của con người có ở khắp nơi. Thím, thím cũng là người thực tế, chuyện trả giá mới có hồi báo thím cũng hiểu. Bọn họ có thái độ gì với cháu quyết định cuộc sống sau này của bọn họ như thế nào. Để anh chị cháu sống chung với cháu thế nào, trong lòng thím cũng rõ nhỉ? Nếu thím thật sự muốn để bọn họ sống cả đời như vậy, thím cứ thoải mái mà quậy đi, dù sao chẳng ảnh hưởng gì tới cháu. Cha cháu cho cháu tiền, bà cháu cho cháu tình, cháu còn có thể sống tệ hơn người khác ư? Hơn nữa cháu không chỉ có một lựa chọn là gia đình thím. Trong đội này đều là thân thích của cháu, quan tâm ai mà không phải là quan tâm, cháu quan tâm nhà đội trưởng còn không hơn là quan tâm nhà thím sao? Nếu không phải cháu nể mặt ông bà, cháu cần gì phải tới nhà thím chịu cơn giận không đâu này chứ? Ha ha.”

Trần Ái Lan: “...”

Con gái trong thành phố đúng là lợi hại.

Vì trời đã tối, không thích hợp chuyển nhà, Tô Thanh Ngọc cũng phải đến điểm thanh niên trí thức nói với mọi người nên cô quyết định hai hôm nữa sẽ chuyển đi. Bà Tô thấy cũng có lý, trong căn buồng trống đó chất đầy đồ lộn xộn cũng không tiện để ở. Vừa hay để người nhà thằng hai dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, cần xông ngải cứu thì xông ngải cứu, diệt hết bọ rồi sửa sang lại giường chiếu cho Thanh Ngọc. Bà Tô vẫn không yên tâm nên để Tô Vệ Hoa đưa Tô Thanh Ngọc về điểm thanh niên trí thức.

Khi Tô Thanh Ngọc đã đi rồi, hai ông bà lại bận rộn dọn dẹp đồ đạc trong nhà rồi gọi cha con Tô Hữu Tài đến căn buồng đó. Vừa đi vừa lẩm bẩm: “Thật tội cho Thanh Ngọc của chúng ta, đường đường là con gái thành phố lại phải sống ở căn buồng xập xệ đó, theo tôi thì sống bên nhà anh chị vẫn tốt hơn. Nếu không phải vì Diệp Nhi không hiểu chuyện, tôi sợ nó ăn hϊếp Thanh Ngọc, tôi đã để Thanh Ngọc ngủ ở phòng của Diệp Nhi rồi.”

Nghe đi, đây có phải lời do bà nội ruột nói không? Thiên vị cũng quá rõ ràng rồi.