Trở Lại Thập Niên 70 Làm Thanh Niên Trí Thức

Chương 31: Lan Truyền

Hai mắt của Tô Thanh Ngọc đỏ hoe nói: “Bà ơi, thôi bỏ đi, cùng lắm thì cả đời này cháu ở vậy, cháu chăm lo cho ông bà dưỡng già. Cháu sẽ không để ông bà sau này già rồi phải chịu khổ đâu.”

Chuyện này sao mà được chứ? Bà Tô lập tức không đồng ý. Cháu gái nhà ai lại ở vậy rồi nuôi ông bà chứ.

“Cháu yên tâm, bà với ông nội chắc chắn sẽ không thế đâu, chú hai cháu vẫn nghe lời ông bà lắm.”

Tô Thanh Ngọc ra vẻ không tin.

“Cháu cứ chờ đấy, sau này cháu sẽ rõ thôi. Chú hai cháu... chú hai cháu chắc chắn là nghe lời bà. Tốt xấu gì bà cũng là mẹ ruột của nó!”

“Vâng ạ…” Tô Thanh Ngọc miễn cưỡng gật đầu.

Trong lòng bà Tô tức lắm, vẫn cho rằng do thằng hai làm bà mất thể diện. Ngay cả cháu gái cũng không tin địa vị trong nhà của bà nữa rồi.

Trưa đó chỉ mỗi ba người bọn họ ăn hai tô thức ăn, chắc chắn là ăn không hết nên đã lấy một chiếc bát nhỏ chia một ít sang, phần lớn còn lại thì để dành tối với mai lại ăn tiếp. Đến lúc đó cứ bỏ vào lu nước là lại có thể tiếp tục để.

Ông bà Tô đều khó chịu nên không ăn nhiều. Sau khi ăn xong, bà Tô lại bảo Tô Thanh Ngọc tối đến ăn tiếp, tiện thể ở lại đây ngủ luôn. Ở đây cho tiện.

Tô Thanh Ngọc đáp: “Ăn cơm thì được, nhưng ở lại thì thôi ạ. Lỡ đâu chú thím hai… Cháu không muốn ông bà chịu ấm ức vì cháu đâu.”

“Bọn nó dám! Bà, bà sẽ cho bọn nó biết ai mới là chủ cái nhà này.”

Tô Thanh Ngọc bĩu môi nói: “Tất nhiên là ông bà làm chủ rồi!”

Ông Tô nói: “Bà cháu làm chủ, bà cháu làm chủ.”

“Ông đối xử với bà tốt thật đấy.”

Bà Tô mím môi, mặt hơi đỏ.

Rốt cuộc Tô Thanh Ngọc cũng biết chú hai giống ai rồi, không phải là giống y đúc ông nội ư? Chắc hẳn bà nội hồi trẻ cũng ghê gớm lắm. Lại nghĩ đến người cha tệ bạc, nếu gặp phải một bà vợ ghê gớm, không chừng cũng sẽ rén lắm. Số ông ta may mắn, gặp phải đồng chí Từ Mỹ Phương còn nhát hơn cả ông ta.

Buổi chiều Tô Thanh Ngọc còn phải đi làm, bà Tô lại đau lòng. Bà ấy còn mong thằng hai có thể giúp đỡ một chút, bây giờ xem ra cũng chẳng trông mong được gì ở nó rồi.

Đến nước này bà Tô càng thêm quyết tâm sẽ tìm người dạy dỗ thằng hai nhà mình.

Nhớ lại hồi đó, bà ấy cũng là chủ của cái nhà họ Tô này, nói một là một. Nếu không phải do bị con dâu đoạt quyền, bà ấy cũng không cần sống ngột ngạt như vậy.

Nếu có thể giành lại quyền quản gia, ai lại cam tâm tình nguyện bị con dâu đè đầu cưỡi cổ chứ. Hơn nữa, bây giờ bà ấy cũng không còn đường lui rồi, nói ngon nói ngọt rồi, đồ ăn cũng nấu cho rồi, con trai con dâu vẫn kiên quyết như thế.

Rõ là lòng dạ sắt đá không chịu nhận Thanh Ngọc, bà ấy ăn nói với Hữu Điều và Thanh Ngọc thế nào đây?

Còn chuyện nói thương con, không thể nào thương được nữa, con trai đã không thương bà ấy, bà ấy còn thương làm gì, dù sao có đánh cũng không chết được. Không phải chỉ là một trận đòn ư, có nhà nào không đánh con đâu? Cỡ thằng hai là nên đánh cho mấy trận. Hồi nhỏ thấy còn mỗi mình nó nên mới ít đánh đập.

Thế nên đợi đến chiều Tô Thanh Ngọc đi làm rồi, bà Tô lập tức ra khỏi nhà.

Ông Tô còn nói: “Hay là để tự tôi dạy dỗ nó.”

“Ông dạy cái rắm ấy! Ông cầm cây gậy rồi ông có dám đánh không? Đồ nhát gan!” Bà Tô tức giận mắng ông cụ.

Chồng bà ấy nhát lắm, đến cả cái loại con như thế cũng không đánh được, nếu như chồng bà ấy lợi hại hơn một chút, bà ấy cũng đâu bị coi thường như vậy.

Ông Tô: “...” Thế mà hồi trẻ lại nói ông tốt tính.



Bà Tô vẫn còn có chút thông minh, đầu tiên đi tìm mẹ của đội trưởng. Chuyện lớn chuyện nhỏ trong đội đều không tránh khỏi dính tới nhà đội trưởng.

Mẹ đội trưởng cùng bối phận với bà ấy, hai người cũng tầm tuổi nhau. Mẹ đội trưởng còn lớn hơn bà ấy mấy tuổi, nhưng vì con trai là đội trưởng trong đội nên cuộc sống của mẹ đội trưởng xem như thoải mái, cả ngày ngồi trong sân nhà mình hóng mát cắn hạt dưa.

Thấy bà Tô đến, bà ấy còn rất nhiệt tình: “Ôi chao, mẹ Hữu Tài đấy à, bà tới thật đúng lúc. Tôi nghe nói thằng cả nhà mấy người xảy ra chuyện gì đúng không, tôi nghe xong đang không biết chuyện gì xảy ra.”

Bà Tô kể lại chuyện con cả ở trong thành phố khó xử cỡ nào, ấm ức ra sao, sau đó vì hiếu thảo với bọn họ mà cho con gái út xuống nông thôn để phụng dưỡng bọn họ.

Mẹ của đội trưởng nghe mà miệng há to đến mức có thể nhét được một quả trứng gà: “Ôi trời ạ, chuyện này là thật sao?”

“Thanh Ngọc nhà tôi cũng đã đến rồi, còn có thể là giả được hả? Theo tiền đồ của Hữu Điền nhà tôi còn không thể phân con gái đến chỗ tốt được à, đến địa phương nghèo của chúng ta chịu khổ làm gì? Hơn nữa nó đến đây được lợi lộc gì, đâu phải bà không biết hai kẻ chó chết bất hiếu nhà thằng hai của tôi như thế nào? Quả thực không so được với thằng cả.”

Mẹ đội trưởng khuyên nhủ: “Dù sao thằng hai cũng luôn đi theo hai người mà.”

“Sao không nói là bọn tôi một tay nuôi nó lớn, còn giúp nó lấy vợ trông cháu chứ. Là nó thiếu nợ bọn tôi! Ngược lại là thằng cả nhà tôi, không ăn bao nhiêu cơm ở nhà mà còn nhớ thương bọn tôi.”

Mẹ đội trưởng nghe vậy cảm thấy rất có lý.

Nuôi con trai dưỡng già chẳng phải là đầu tiên nuôi nhỏ, nhỏ trưởng thành thì nuôi già sao?

Bà Tô dụi mắt một cái, trực tiếp kéo tay mẹ đội trưởng: “Chị à, chị phải giúp tôi dạy dỗ thằng hai nhà tôi.”

“Để lát nữa tôi đi nói chuyện với nó.” Mẹ đội trưởng an ủi.

“Nói thôi không được, phải đánh!” Bà Tô bảo.

“...”

Bà Tô kể lại chuyện mấy người ở Hải Thành răn dạy con cháu bất hiếu như thế nào mà Tô Thanh Ngọc đã nói trước đây.

Cả đời mẹ đội trưởng không rời khỏi thôn này, nghe thấy chuyện đó cảm thấy vô cùng ly kỳ.