Sau sự cố bất ngờ đó, Lâm quyết định tạm thời án binh bất động. Lâm định chờ cho mọi chuyện nguôi nguôi, với hy vọng con Cúc đang ở tuổi ham ăn ham ngủ sẽ mau chóng quên đi những lời dặn dò khủng khϊếp của ba nó.
Thực ra Lâm không phàn nàn gì ba con Cúc. Bậc làm cha làm mẹ nào có con đi xa mà chẳng lo lắng. Lo lắng quá ắt sẽ hình dung ra đủ thứ cạm bẫy đang chờ đợi con mình.
Hồi Lâm mới đặt chân xuống Sài Gòn, mẹ nó cũng căn dặn nó không thiếu chuyện gì. Mẹ nó lúc nào cũng nơm nớp sợ nó bị tụi xấu dụ dỗ, y như ba con Cúc vậy. Mẹ nó dặn nó tránh xa các quán xá. Mẹ nó không cho nó uống cà phê. Mẹ nó không cho nó uống nước ngọt. Muốn uống cà phê cho tỉnh ngủ đặng ôn bài thì mua cà phê bột về pha, còn đi đường có khát cháy cổ thì ráng chạy về nhà hoặc tấp vô nhà bạn bè xin nước uống! Mẹ nó dặn nó vậy. Đó là do mẹ nó nghe người ta nói bọn xì ke ma túy thường chui vô quán phục sẵn trong đó, đợi tay nào ngờ nghệch dẫn xác vô, sẽ lân la lại gần giả bộ làm quen rồi lén bỏ thứ bột trắng quỉ quái kia vào trong nước uống. Nạn nhân vô tình uống miết sẽ đâm ghiền, sau đó sẽ tự nguyện làm theo sự sai phái của bọn chúng.
Lâm bây giờ đã thành "cựu binh" ở đất Sài Gòn, mẹ nó đã thôi viết thư căn dặn mỗi tuần như trước. Nhưng cứ nhớ lại chuyện đó là Lâm thấy tức cười và thương mẹ vô cùng. Vì vậy mà Lâm rất thông cảm với tâm trạng của ba con Cúc.
Lâm chỉ buồn chính con Cúc. Ba nó dặn nó thì nó cứ lẳng lặng mà tiếp thu, tự nhiên đem nói huỵch toẹt ra làm chi. Nói thẳng vô mặt Lâm như vậy có khác nào muốn ám chỉ Lâm là hạng người bất lương cần phải đề cao cảnh giác.
Nhưng nỗi buồn của thằng Lâm chỉ thoáng qua. Trong thâm tâm nó tự an ủi rằng con Cúc là đứa lù khù, nó hỏi thì con Cúc nói chớ thiệt ra chẳng có ẩn ý chi.
Hơn nữa, trong những ngày đó Lâm lại có niềm vui lãnh tháng lương đầu tiên. Cầm xấp tiền trên tay, nó sung sướиɠ ngắt ra làm hai, một nửa để dành, một nửa nhét túi tiêu xài.
Tiêu xài gì đây? À, đúng rồi, mình phải mua một cái đồng hồ. Quán xá mà không có được cái đồng hồ day mặt ra đường thì trông chẳng khí thế chút nào.
Nghĩ là làm, tối đó Lâm chạy ra cửa hàng xách về một cái đồng hồ bự chảng, nhờ thằng Cải đóng đinh rồi lọ mọ bắt ghế leo lên treo ngay giữa quán.
Sáng hôm sau, cô Thanh nhìn thấy cái đồng hồ chễm chệ trên vách, ngạc nhiên hỏi:
- Đồng hồ ở đâu ra vậy tụi bây?
Con Lan khoe:
- Anh Lâm mua đó cô.
Cô Thanh nhìn Lâm:
- Con mua cái đồng hồ bao nhiêu để cô gửi lại tiền!
- Khỏi, cô! - Lâm hùng dũng - Tháng lương đầu tiên, con mua làm kỷ niệm mà!
Thấy thằng Lâm oai phong quá, thằng Cải nhất quyết không chịu thua. Ngày hôm sau nó lụi hụi khiêng về quán cái bàn thờ xanh xanh đỏ đỏ, ông địa ngự một bên ông thần tài ngự một bên.
Nó "chỉ đạo" cô Thanh:
- Buôn bán mà không thờ mấy ông này không xong đâu cô!
Ông địa bộ dạng dân dã, áo xanh quần đỏ, đầu chít khăn, râu tóc đen nhánh, ngồi phơi cái bụng chang bang, tay cầm một thỏi vàng nén sáng chóe, ngó bắt sướиɠ con mắt. Ông thần tài vận áo thụng đỏ, đầu đội mão đỏ, tóc râu bạc phơ, nom đạo mạo tiên phong đạo cốt nhưng vẫn không chịu thua ông địa, nghĩa là tay vẫn cầm khư khư một thỏi vàng.
Từ ngày có cái bàn thờ, sáng sáng thằng Cải phải làm thêm một nhiệm vụ quan trọng là pha cà phê mời ông địa và ông thần tài uống. Riêng ông địa có thêm khoản thuốc lá 555 đúng kiểu bình dân thoải mái.
Thằng Cải đặt trước mặt hai ông một ly cà phê đen, bật hộp quẹt châm thuốc rồi nhét vào tay ông địa. Xong, nó đốt nhang lầm rầm khấn vái.
Chẳng ai nghe rõ Cải nói gì trong miệng, chỉ biết đại khái nó khấn cho quán Đo Đo ngày một ăn nên làm ra. Cải khấn suốt một tuần, khách khứa chẳng đông lên bao lăm.
Một hôm, cô Thanh đang dọn dẹp kế bên, thấy Cải nhắm mắt lào thào, bèn hiếu kỳ lắng tai nghe:
-... Xin ơn trên phù hộ cho chủ của con là Lâm Thiên Thanh làm ăn phát đạt, tiến vô như nước...
Mới nghe thằng Cải khấn tới đó, cô Thanh bật la hoảng:
- Trời ơi là trời! Ai nói với con tên cô là Lâm Thiên Thanh hả Cải?
Thằng Cải quay lại, mặt ngớ ra:
- Ủa, tên cô không phải là Lâm Thiên Thanh hả? Con tưởng ai tên Thanh cũng đều là Lâm Thiên Thanh hết chớ!
Cô Thanh nhăn hí:
- Sao con lại có ý nghĩ kỳ quặc như vậy?
Cải giương mắt ếch:
- Có gì kỳ quặc đâu cô! Dì của con cũng bán quán, cũng tên là Lâm Thiên Thanh mà.
- Dì của mi thì kệ dì của mi!
Cô Thanh lắc đầu, ngán ngẩm:
- Đâu phải ai bán quán, ai tên Thanh cũng là Lâm Thiên Thanh. Tên của cô là Nguyễn Thị Thanh, lần sau có khấn thì khấn cho đúng tên cô, nhớ chưa?
- Dạ nhớ.
Thằng Lâm đứng bên cười hì hì:
- Hèn chi hổm rày quán mình vắng mà quán của dì thằng Cải lại đắt như tôm tươi!
Đó là những chuyện buồn cười xảy ra trong quán Đo Đo sau kỳ lương đầu tiên.
Đám con gái xài tiền theo kiểu khác. Con Lệ xách tiền đi may áo mới, mặc dù quanh năm nó chỉ luẩn quẩn trong bếp, không đi xa cái lò quá hai mét. Con Lan chơi sang hơn, ra tiệm ảnh chụp vài pô kiểu cọ, ý chừng để mai mốt đem khoe thằng Lâm.
Con Kim đi làm bằng xe Dream, tiền lương chỉ đủ để nó đổ xăng và ăn vặt. Kim đi làm không phải vì sinh kế, nó chỉ muốn giúp cô Thanh, "sếp" cũ của nó.
Riêng con Cúc không thèm lãnh lương. Ngày phát lương, nó nói với cô Thanh:
- Cô cứ giữ đó giùm con. Con dồn nhiều nhiều, mai mốt về phép, con đem về cho gia đình!
Thằng Lâm nghe con Cúc nói vậy, càng thương hơn, càng thấy mình... không chọn lầm người.
Vì vậy, mấy hôm sau nghe con Cúc hỏi mượn tiền, nó móc túi đưa liền:
- Em cứ xài thoải mái, không cần trả làm chi!
- Ý, anh Lâm nói rứa răng được! - Con Cúc giảy nãy - Em chỉ mượn thôi, rồi mai mốt em trả lại anh đàng hoàng!
Lâm khoát tay:
- Em đừng băn khoăn chuyện đó. Em cứ coi tiền của anh cũng giống như... tiền của em vậy!
Nghe thằng Lâm nói vậy, con Cúc lấy làm lạ quá sức. Nó là đứa chất phác, đâu có đủ trình độ hiểu được cái ý nghĩa thâm thúy đằng sau câu nói "trữ tình" đó. Cho nên thằng Lâm kêu nó đừng băn khoăn, nó càng băn khoăn tợn. Nó không hiểu tại sao thằng Lâm lại biểu nó coi tiền của thằng Lâm giống như tiền của nó. Ngẫm nghĩ một hồi, như chợt hiểu ra, con Cúc sáng mắt lên:
- Ừm anh Lâm nói rứa nghe cũng phải! Tiền giống tiền mà!
Thằng Lâm nghe con Cúc nói câu thứ nhứt, bụng nó như mở cờ, nó tưởng con Cúc hiểu được tình ý của nó và sẵn sàng đáp lại. Nhưng đến khi con Cúc nói câu thứ hai thì thằng Lâm dở cười dở mếu. Mắt cụp xuống, Lâm làu bàu bực bội: Thiệt mình chưa thấy ai ngốc như con nhỏ này! Mình đúng là một thằng ngốc mới cất công đi tán tỉnh một con ngốc!
Cũng may cho Lâm, nếu nó biết con Cúc mượn tiền của nó để đi mua lốp xe cho thằng Cải thì nó sẽ còn nguyền rủa mình tơi tả hơn nữa.
Thiệt ra con Cúc chỉ tội nghiệp thằng Cải chứ chẳng yêu iếc gì. Hổm rày, Cúc ngồi nghe thằng này tâm sự chuyện gia đình, mủi lòng muốn rớt nước mắt.
Cải sống với mẹ mười mấy năm nay, tình mẫu tử có thể nói là thiêng liêng đằm thắm vô hạn. Mẹ nó tính tình nóng nảy, sáng la chiều mắng nhưng Cải vẫn một mực yêu thương và lễ phép với mẹ. Đùng một cái, mẹ nó chìa ra trước mặt nó một xấp giấy tờ chứng minh nó là con nuôi chớ không phải con ruột.
Lẽ ra mẹ thằng Cải không tiết lộ sự thật phũ phàng đó ra làm chi. Bà đã giữ kín bí mật đó bao nhiêu năm nay rồi. Nhưng mẹ ruột thằng Cải đang sống ở nước ngoài thình lình viết thư về bày tỏ ý định bảo lãnh Cải xuất cảnh theo diện đoàn tụ. Thế là mẹ nuôi nó lôi chuyện đó ra ánh sáng và bắt nó ký giấy.
Nhưng Cải nhất định không ký. Từ bé đến lớn, nó chỉ biết và gắn bó với mỗi một bà mẹ nuôi, lại quen sống ở Việt Nam rồi, nay bắt nó rời bỏ khung cảnh quen thuộc để chuyển đến một đất nước xa lạ sống với một bà mẹ xa lạ, nó đâu có chịu.
Thế là giữa Cải và bà mẹ nuôi xảy ra xung đột dữ dội. Mấy bữa nay thấy ngày nào thằng Cải cũng vác bộ mặt đưa đám ngồi thu lu bên cạnh, con Cúc thắc mắc dò hỏi, mới hay ra nỗi đau của Cải.
Nhưng dù bị mẹ chì chiết, đánh mắng, Cải vẫn một mực hiếu thảo. Sau khi mua cái bàn thờ ông địa, tiền còn lại Cải đem về đưa hết cho mẹ. Vì vậy chiếc xe đạp cà tàng của Cải cái lốp mòn vẹt cả tháng nay vẫn chưa thay được.
Con Cúc thấy vậy, xót ruột quá mới mượn tiền thằng Lâm đặng mua lốp xe cho Cải.
Con Cúc lạ nước lạ cái, có biết đường sá chi đâu mà đi một mình, bèn mượn con Kim chở đi.
Con Kim là đứa ưa làm khôn. Trên đường đi, nó nghiêm nghị nói với con Cúc:
- Ở quán Đo Đo, em nói giọng "nước mắm Nam Ô nguyên chất" thì không sao, vì khách vô quán đa số là người Quảng. Nhưng đi ra ngoài em nói cái giọng nặng trịch đó, không ai hiểu gì đâu!
Con Kim làm con Cúc chột dạ:
- Chết rồi! Rứa em phải làm răng hả chị?
Mới hù một phát đã được con Cúc rối rít "xin ý kiến", con Kim khoái chí lên mặt:
- Em đừng lo! Chỉ cần để ý một chút thôi. Cố đừng nói "bao gạo" thành "bô gộ", "bằng phẳng" thành "bèn phẻn" hay "nham nhám" thành "nhôm nhốm" là được!
Con Kim là dân Quảng Tây, nói tiếng Việt còn đơn đớt nhiều chỗ, nhưng gặp con Cúc nhà quê, nó vẫn làm oai khủng khϊếp.
Con Cúc là đứa lờ khờ, lại nhát gan, nghe "thầy dùi" dặn sao làm vậy. Dọc đường nó lẩm nhẩm "học đánh vần" muốn trẹo quai hàm.
Tấp vô tiệm bán phụ tùng xe đạp, nghe chủ tiệm hỏi:
- Mua gì đó mấy cháu?
Con Cúc nhíu mày, cố vận dụng "bài học":
- Dạ, bán cho con một cái "láp xe độp"!
Khổ thân con Cúc, nó luống cuống quá mức nên càng ráng nói cho "chuẩn" lại càng trật chìa.
- Cháu mua cái gì? - Chủ quán không hiểu, nghiêng tai hỏi lại.
Cúc càng toát mồ hôi:
- Dạ, cái... "láp xe độp".
Chủ quán trợn mắt, tính hỏi tiếp lần thứ ba thì đứa con trai đứng bên nhanh nhẩu "thuyết minh":
- Chỉ hỏi mua cái lốp xe đạp đó ba!
- Trời đất! - Chủ quán giơ hai tay lên trời - "Lốp xe đạp" thì nói "lốp xe đạp" đại cho rồi, còn bày đặt nói lái là "láp xe độp"!
Thiệt oan cho con Cúc, nó có định nói lái nói liếc gì đâu!
Con Kim biết con Cúc bị oan nhưng không nghĩ ra cách gì thanh minh giùm bạn ngoài cách đứng ôm bụng cười.
Cúc ít khi nổi nóng, nhưng lúc này đang mắc cỡ chưa biết chun đi đâu, ngoảnh sang thấy con Kim nhe răng khỉ ra cười, nó đâm quạu.
- Có chi hay mà cười! Tại chị xúi tui chớ ai!
Nghe con Cúc xưng "tui", biết nó đang nổi khùng, con Kim lật đật nổ máy xe, giả lả:
- Em ngồi lên chị chở về.
Con Cúc không nói không rằng, lẳng lặng leo lên ngồi đằng sau con Kim. Nó ngồi trơ như cục gạch, từ đó cho đến lúc về tới quán.
Lúc xuống xe, nó đột ngột phát biểu một câu đầy vẻ dứt khoát:
- Giọng mình răng mình cứ nói y như rứa là chắc ăn nhứt!
Để rút ra được cái "triết lý" sâu sắc đó, chắc từ nãy đến giờ con Cúc suy nghĩ ghê lắm!
Chuyện con Cúc mua cái láp xe độp, à quên, cái lốp xe đạp tặng thằng Cải khiến thằng Cải cảm động bao nhiêu càng khiến thằng Lâm tức ói máu bấy nhiêu.
Lâm không ngờ con Cúc coi bề ngoài nhu mì nhủ mỉ như vậy lại là đứa bụng dạ thâm hiểm độc ác quá chừng. Nó dám hỏi mượn tiền của mình để mua quà cho "người yêu" của nó thì đúng là quá quắt! Lâm đau đớn nghĩ, cảm thấy như có ai cầm dao bằm tới bằm lui trái tim mình hệt như con Lệ đang nghiến răng nghiến lợi bằm thịt chan chát trong bếp vậy.
Lâm đau nhứt là hổm rày nó quá tin tưởng thằng Cải, giao thằng Cải "phụ trách" việc tỏ tình giùm nó. Nhưng té ra thằng Cải gần gũi con Cúc không phải là để tỏ tình cho mình mà để tỏ tình cho nó. Hèn gì nó cứ làm bộ ấp a ấp úng, việc mình giao nó nhẹ hều mà nó làm hoài không xong. Hèn gì bữa trước nó ôm con Cúc cứng ngắc mà con Cúc không la lấy một tiếng. Rõ ràng hai đứa nó có tình ý với nhau lâu rồi, không sai chạy vào đâu được.
Lâm tức lắm, nhưng chỉ tức ngấm ngầm. Nó không dám lộ ra mặt, sợ mấy đứa chung quanh kêu nó là đồ nhỏ mọn. Nhưng tối tối, nó không trò chuyện với thằng Cải nữa. Nó cũng không thèm nằm cạnh chiếc bàn của Cải như mọi bữa. Nó lôi chiếc ghế bố về vị trí cũ dọc kệ đồ khô, hễ tót lên là chúi mũi vô tập, làm như trên đời ngoài chuyện học ra nó không còn quan tâm đến chyện chi nữa.
Nhìn bộ tịch thằng Lâm, Cải biết tỏng thằng này đang giận mình vụ cái lốp xe. Nhưng Cải không thèm thanh minh, mặc cho thằng Lâm làm mình làm mẩy.
Cải tuy không học cao bằng Lâm, ngoại hình cũng không có vẻ "trí thức" như Lâm, nhưng nó cũng có tự ái của nó chớ. Thằng Lâm hiểu lầm nó thì thằng Lâm ráng chịu. Thằng Lâm không thèm hé môi, nó cũng dứt khoát không thèm mở miệng.
Chỉ có con Cúc là vô tư. Gặp thằng Lâm, nó vẫn toét miệng cười nói vui vẻ khiến thằng này ngày nào cũng phải nhe răng ra gượng gạo đáp lễ, rầu muốn chết.
Cứ tưởng cuộc chiến tranh lạnh giữa thằng Lâm và thằng Cải sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế hoặc ít nhất cũng tới khi con Cúc lấy chồng thằng Lâm lấy vợ thì đùng một cái, tình hình bỗng nhiên thay đổi.
Quán Đo Đo gần đây khách khứa bỗng đông dần lên, không hiểu do thằng Cải thay cái tên Lâm Thiên Thanh lạ hoắc lạ huơ bằng tên Nguyễn Thị Thanh mỗi khi khấn khứa hay do quán mở lâu ngày, tiếng lành đồn xa, khách khứa lần hồi tìm đến.
Thoạt đầu là đám choai choai.
Một buổi tối, mười mấy đứa cả trai lẫn gái ầm ầm kéo vô quán, ồn ào náo loạn như đám giặc.
Thằng Lâm thấy khách xông vô một lúc mười mấy mạng, bụng quýnh lên:
- Dạ, mấy anh chị ngồi chung hay ngồi riêng?
- Ngồi chung chớ! - Một đứa con trai cười - Đi chung dĩ nhiên phải ngồi chung rồi!
Nghe vậy, thằng Lâm loay hoay kê bàn. Nó là đứa nhanh nhẹn, nhưng lúc này vẫn thấy tay chân sao chậm chạp lề mề quá. Đám khách loi choi đứng nghẹt cửa quán cười nói nhí nhố và luôn miệng giục càng khiến nó thêm hoảng.
Con Lan chạy lại phụ thằng Lâm ngay từ đầu nhưng hì hà hì hụi cả buổi ba cái bàn sắp vẫn chưa xong. Bàn trong quán cái dài cái ngắn, gặp khách đi ăn theo đoàn, phải lựa đúng những cái bàn cùng loại, xoay dọc lại kê thành một dãy dài. Quán chật, bình thường xoay trở đã khó, khi cuống lên càng lướng vướng hơn.
Bí thế, thằng Lâm ngó ra cửa, hét tướng:
- Cải! Mày ngồi trơ mắt ếch ra đó hả? Vô phụ một tay coi!
Thằng Cải chạy vô, cười hì hì:
- Tao tưởng mày không bao giờ nhờ đến tao nữa chớ!
Thằng Lâm mặt hầm hầm:
- Mày đừng có ăn nói xóc hông tao!
Tuy miệng nói vậy nhưng thấy thằng Cải ra tay gọn lẹ, nhoáng một cái dãy bàn đã kê xong, bụng Lâm cũng nguôi nguôi.
Đợi khách "an tọa" đâu vào đó, Lâm bước lui ra sau một bước, niềm nở:
- Các anh chị kêu món gì?
- Chờ một chút! - Đứa con trai tóc quăn ngồi đầu bàn giơ tay lên đáp, mắt vẫn dán chặt vô tờ thực đơn - Để tui này "nghiên cứu" kỹ lưỡng đã!
Nhìn bộ tịch thằng này, Lâm đoán nó nếu không là "thủ lĩnh" thì cũng là "thủ quỹ" của cả bọn. Lâm rời ghế nhà trường chưa tới một năm, còn lạ gì cái phong cách đi ăn tập thể của đám học trò.
Thằng tóc quăn lấy ngón tay trỏ rà dọc tờ thực đơn, thận trọng tỉ mỉ như máy ra-đa rà mìn. Dòm vẻ mặt căng thẳng của thằng này, Lâm biết thừa nó đang rà cột giá cả. Nếu rà cột món ăn, chả ai lại mặt nhăn mày nhíu như thế.
Hơn nữa, thằng tóc quăn vừa rà vừa lẩm bẩm:
- Tám ngàn... mười hai ngàn... mười ngàn... bảy ngàn...
Thốt nhiên nó reo lên như thể vừa lượm được cục vàng ai để quên trong tờ thực đơn:
- A, đây rồi!
Mấy đứa khác chồm tới:
- Gì vậy?
- Bánh bèo... một ngàn rưỡi một chén...
Nói xong, thằng tóc quăn ngước nhìn Lâm:
- Cho tụi này mười bốn chén bánh bèo.
Mười bốn chén bánh bèo vị chi hăm mốt ngàn, chưa bằng hai phần bánh đập thịt nướng. Lâm tính nhẩm trong đầu, giọng thất vọng:
- Các anh chị còn kêu thêm món gì nữa không ạ?
Một đứa con gái trong bàn bật kêu:
- Í, có món gì năm trăm kìa!
Thằng tóc quăn liếc mắt vào tờ thực đơn trên tay, cười hề hề:
- Đó là món khăn lau, ăn không được đâu mà ham!
Đứa con gái không chịu thôi:
- Thế còn món hai ngàn rưỡi?
- À, món... chè đậu ván.
Một đứa khác nheo mắt:
- Chè đậu ván là chè gì? Kêu thử xem sao!
Thằng tóc quăn lắc đầu:
- Để bữa khác đi. Bữa nay không đủ tiền.
Rồi không đợi đồng bọn có ý kiến, nó lại nhìn Lâm:
- Cho chín ly trà đá đi!
Lâm tưởng thằng này nói lộn, liền cẩn thận hỏi lại:
- Dạ, chín ly hay mười bốn ly ạ?
Thằng tóc quăn cười:
- Chín ly thôi. Tụi này uống chung.
Lâm thở đánh thượt, lếch thếch đi vô.
Thấy cô Thanh ngồi cạnh con Kim chong mắt ngó ra, Lâm càu nhàu:
- Đi nguyên một hội mười mấy người, báo hại mình xếp bàn kê ghế muốn chết, rốt cuộc kêu có mười bốn chén bánh bèo với chín ly trà đá, cô nghĩ có dễ quạu không?
Cô Thanh mỉm cười:
- Con đừng có vô duyên. Tụi nó là học trò, làm gì có tiền, con phải thông cảm chớ. Người ta đến với mình là quý rồi con à.