Xác Ai Trong Ngày Cưới

Chương 1

Một buổi sáng trời thật lạnh, ở xứ sở cao nguyên này là chuyện không lạ. Tuy nhiên, điều lạ lại nằm ở người phụ nữ trẻ đang rời khỏi ngôi biệt thự cổ để bước xuống dốc ra bờ hồ mà chỉ mặc chiếc áo phong phanh. Phải chăng cô nàng có tâm thần bất ổn?

Chưa hẳn đã như vậy, bởi sau khi xuống tới bờ hồ cô lại biết vẫy tay đón một chiếc xe ngựa, chỉ hướng về phía ngoại ô, tới nghĩa địa. Chiếc xe đầu tiên thà đậu ở đó chờ khách khác, chứ không chịu đi nghĩa địa lúc quá sớm. Phải chiếc thứ hai thì ông già mới chịu đi. Cuối cùng chiếc xe ngựa ấy được ra dấu cho ngừng trước cổng khu nghĩa trang lớn nhất thành phố Đà Lạt. Người đánh xe giờ mới buột miệng hỏi:

- Cô đi thăm mộ sớm quá. Vậy lát nữa cô có cần quay về không, tôi đợi?

Nàng chỉ nhẹ mỉm cười, rồi khoát tay từ chối, chứ không lên tiếng. Cô nàng đi thẳng vào nghĩa địa mà chẳng một ai khác để ý, vì vào giờ đó thì người quản trang vẫn chưa thức dậy.

Cô ta lại đi thẳng vào sâu trong khu nghĩa địa rộng lớn chiếm gần hết một bên sườn đồi thoai thoải. Cuối cùng cô dừng lại trước một ngôi mộ được xây bằng đá hoa cương rất bề thế, rồi đứng im, cúi đầu...

Vừa lúc ấy cô nàng rùng mình. Có lẽ bây giờ mới thấm lạnh! Mà cái lạnh buổi sáng sớm vào những hôm trời rét đậm như thế này một khi đã rùng mình mà không làm ấm kịp thời thì vướng bệnh là cái chắc!

Nhưng điều này sẽ không xảy ra, bởi vừa khi ấy thì cô ta chỉ nhẹ đưa tay lên đầu ngôi mộ thì đã có sẵn chiếc áo khoác của ai đã máng nơi đó và mặc vào một cách rất tự nhiên.

Khi đã đủ ấm, cô nàng từ từ ngồi xuống nơi đã có ai đặt sẵn một bó layơn màu vàng còn tươi. Bấy giờ tấm bia mộ mới lộ ra dòng chữ Dã Lan chi mộ.

Không khấn vái, cũng không đốt hương theo thông lệ người đi viếng mộ, cô nàng chỉ ngồi im rất lâu. Cuối cùng một tiếng nấc vang lên!

Buổi sáng âm u lạnh lẽo bao trùm khu nghĩa địa buồn...

Lúc ấy ở ngoài cổng chợt có một chiếc xe ô tô màu đen chạy nhanh tới đã dừng lại. Trên xe, người thanh niên bước nhanh xuống nhìn quanh một lượt rồi chép miệng:

- Đi đâu kìa?

Người đánh xe ngựa lúc nãy vẫn còn đậu lại để đốt thuốc hút, thấy vậy đã định lên tiếng hỏi, thì bỗng thanh niên lái xe hỏi trước:

- Nãy giờ chú có thấy cô gái trẻ vào trong này không? Người đánh xe chỉ tay và đáp:

- Mới vào chừng năm phút!

Anh chàng nhanh chóng rời khỏi xe, sắp bước vào cổng nghĩa trang thì chợt dừng lại nói:

- Nếu chú còn đậu xe ở đây thì nếu cô ấy có trở ra làm ơn nhắn giùm là có Phước tới tìm! Cám ơn chú.

Anh chàng tên Phước đó đi như chạy qua hết lô mả này tới lô mả khác, cuối cùng dù không biết nơi cô gái đến, nhưng anh cũng dừng lại đúng ngôi mộ có tên Dã Lan. Đầu mộ chỉ còn bó hoa lay-ơn, ngoài ra chẳng có ai!

Đứng rất lâu trước ngôi mộ, rồi sau đó Phước lặng lẽ bước đi một vòng hầu như khắp khu nghĩa địa. Vẫn chẳng thấy bóng nàng đâu. Thất vọng, anh thở dài:

- Tìm ở nhà không có, ra đây cũng không... Vậy cô ấy đi đâu?

Gần một giờ sau Phước mới trở ra ngoài. Bác đánh xe ngựa vẫn còn đậu đó, bác tò mò hỏi:

- Cậu gặp cô ấy chưa?

Phước lắc đầu, bác ấy nói liền:

- Nghĩa địa này chỉ có một cổng ra này thôi, phía bên kia là đồi cao không leo lên được như vậy chắc chắn là cô ấy còn ở trong. Sợ dĩ tôi không bỏ về là có ý đợi cô ấy. Tội nghiệp, thấy cô ấy buồn và cô đơn quá.

Phước leo lên xe và không quên dặn lại lần nữa:

- Lát nữa nếu cô ấy có ra thì bác nói giùm là có Phước tìm, có chuyện gấp lắm! Nói là Phước đã nói chuyện điện thoại với cô ấy đêm qua. Bác nói vậy là cô ấy nhớ ra.

Thật ra Phước chỉ mới biết cô gái này qua cuộc điện thoại mà anh gọi vào ngôi biệt thự cổ để hỏi thuê trọ trong một tuần ở lại Đà Lạt. Anh gọi đến gặp chủ nhà, nhưng cô gái ấy lại nhấc máy lên nghe. Sau khi Phước hỏi còn phòng cho thuê không thì cô ấy bảo mình cũng là khách, nhưng nếu Phước muốn thuê nhà thì ngày mai cứ tới, bởi sáng sớm mai cô sẽ trả nhà. Lúc đó Phước đã hỏi vội rằng sau khi trả lại nhà thì cô đi đâu? Thì bất ngờ cô ấy đáp gọn lỏn: Đi về thế giới bên kia! Nói vậy rồi cô ta gác máy. Đến sáng nay khi tới ngôi nhà cổ thì bà chủ nhà báo là cô gái mới vừa trả nhà xong, hình như là đi luôn không trở lại... Nhớ tới câu nói không biết đùa hay thật của cô gái và sau đó hỏi bà chủ nhà, bà chỉ xuống hướng bờ hồ. Phước hỏi đúng người đánh xe ngựa đã từ chối chở cô gái, ông ta bảo cho Phước biết cô ấy đi về hướng nghĩa địa và Phước đã linh tính điều chẳng lành, anh tức tốc đi ra hướng ấy...

Không còn cách nào hơn, Phước lái xe trở về ngôi biệt thự cổ. Bà chủ nhà báo liền:

- Vừa rồi tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại, nghe giọng biết là cô Hồng Hạnh, nhưng tôi vừa a lô thì bên kia cúp máy. Chẳng biết có phải cô ấy gọi không, mà sao...

- Cô gái ấy tên là Hồng Hạnh?

- Đúng rồi! Một cô gái hiền lành, dễ thương, nhưng tội nghiệp quá, chẳng hiểu sao lại cô đơn. Suốt mấy tháng ở đây chưa bao giờ tôi thấy có bạn bè gì tới thăm. Người đẹp đẽ như vậy mà…

- Chắc tại cô ấy khó tính cũng nên? Bà chủ nhà bênh vực ngay:

- Không phải đâu! Cô ấy ăn nói mềm mỏng hoà nhã lắm. Có lẽ do có tâm sự gì đó...

Phước hỏi thẳng việc thuê phòng:

- Bà có chắc là cô ấy bỏ đi luôn không? Nếu chắc thì tôi xin thuê căn phòng ấy.

Sau vài giây suy nghĩ, bà đồng ý:

- Thật ra tôi cũng mong cô ấy đi đâu đó rồi trở lại ở tiếp. Nhưng thôi, sau này rồi hãy tính. Bây giờ có cậu là bạn cô ấy ở thì cũng được.

Phước định đính chính mình không phải là bạn, nhưng lại thôi, anh hỏi:

- Cháu đến ở ngay được không bác?

- Cũng được. Mà cậu tính ở bao lâu?

- Dạ, nếu xong việc sớm thì hai tháng, còn nếu việc kéo dài thì có thể lâu hơn. Được chứ bác?

- Được. Nhà tôi đơn chiếc, có người tới ở cho vui. Mà nói thật, cậu là bạn của cô Hồng Hạnh nên tôi mới dám cho ở, chứ tôi ngại cho thanh niên mướn nhà lắm.

nói:

Phước nghĩ bà ta ngại chuyện người thuê nhà dẫn gái về nhà, nên anh vội

- Bà yên tâm, cháu cũng giống như cô Hồng Hạnh, ở chỉ một mình và sẽ không có bạn, nhất là bạn gái.

Bà chủ thanh minh ngay:

- Tôi không phải cấm chuyện bạn gái, bởi nhà đã mướn rồi là quyền của cậu. Tuy nhiên, tôi lại sợ người không đàng hoàng. Với cậu thì tôi yên tâm... Vậy đây, cậu cứ dọn vào mà ở, tiền bạc thì cô Hạnh sao cậu vậy.

Anh chỉ chiếc xe hơi:

- Cháu có chiếc xe này làm phương tiện đi lại, cháu đậu nó ở sâu được chứ ạ?

Bà chủ nói vui:

- Có xe của cậu, thỉnh thoảng tôi có cần đi cấp cứu hay chuyện khẩn cấp gì chắc cũng tiện đây!

Thấy bà ta vui tính, Phước lân la hỏi thêm chuyện:

- Cô Hạnh ở đây và làm gì hả bác?

- Ủa, cô ấy chưa nói cho cậu nghe sao?

- Dạ chưa.

- Cô ấy nói đi tìm tung tích của thân nhân. Phước hơi ngạc nhiên:

- Cô ấy tìm được?

- Tôi cũng không biết. Không hề nghe cô ấy nói.

Bất chợt Phước nhớ chuyện ở nghĩa địa, anh kêu lên:

- Ngôi mộ trong nghĩa địa!

Bà chủ nhà không hiểu, nên hỏi lại:

- Cậu nói mộ của ai?

- Bác có biết Hồng Hạnh có người thân chết chôn trong nghĩa trang thành phố này không?

Bà chủ nhà lắc đầu:

nãy?

- Tôi không nghe nói. Nhưng sao… cậu gặp cô ấy đi vào nghĩa địa lúc

Phước trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu:

- Dạ, cháu không gặp, nhưng có lẽ...

Phước tới ở chỉ gọn trong một va li quần áo, nên anh chỉ việc chuyển vào phòng là xong. Lúc vào phòng, anh vẫn còn ngửi được mùi thơm vốn có ở một phòng ngủ con gái. Quan sát khắp nơi thì chẳng còn vương lại chút gì khác của người ở trước, ngoại trừ khi mở tủ áo ra anh phát hiện có bộ đồ mặc trong nhà bằng lụa màu hồng phấn. Đúng là của cô nàng bỏ quên lại. Phước báo cho bà chủ nhà, nhưng bà lại bảo anh:

- Cậu cứ tạm để trong tủ đó đi, có lẽ hôm nào cô ấy sẽ trở lại lấy.

Tuy nghe theo, nhưng sau đó Phước cứ bị bộ quần áo ám ảnh mãi. Anh hết lấy ra ngắm, rồi lại đứng nhìn nó treo trong tủ, mà mỗi lần nhìn thì Phước lại tưởng tượng cảnh cô nàng lang thang trong nghĩa địa và tự dưng thấy lo lo Phước cũng chẳng hiểu mình lo điều gì, và tại sao lại để tâm trí vào một người con gái hoàn toàn xa lạ như thế?

Cho đến hơn mười một giờ đêm hôm ấy Phước vẫn chưa thể nào ngủ được, anh bước đến mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Có một khu vườn trồng hoa ở phía sau nhà. Trời đêm lạnh và có sương mù, hơi lạnh lùa vào khiến Phước rùng mình, anh vừa định đóng cửa lại thì chợt có một bóng người lướt nhanh qua cách tầm mắt anh không xa.

- Đêm như thế này mà ai đi ngoài trời lạnh như thế?

Phước tự hỏi và chưa kịp tìm được lời đáp thì bỗng anh lảo đảo, mắt hoa lên như bị trúng gió. Phải vịn vào thành cửa sổ Phước mới đứng vững được. Một lúc lâu sau Phước mới qua được cơn choáng đột ngột đó. Anh vội đóng ngay cửa lại và quay trở về giường. Nhưng khi nhìn vào cửa tủ đang mở mà lúc

nãy Phước treo bộ quần áo lụa ở đó đã không còn thấy nữa! Đồng thời có một mùi hương thoảng nhẹ còn vương lại khắp phòng.

- Phải chăng...

Phước thừ người ra một lúc rồi mở toang cả hai cánh cửa tủ, anh hơi hoang mang, tự hỏi:

- Ai vào được phòng này?

Anh sợ lúc mình bị choáng có ai đó đã lọt vào phòng, nhưng khi xem lại cửa phòng thì chốt gài bên trong vẫn còn. Chỉ có cửa sổ…

- Không lẽ...

Phước nghĩ tới cái bóng người lướt qua lúc nãy. Tuy nhiên, từ cửa sổ anh

ở là lầu một của ngôi nhà, cách mặt đất bên dưới khá xa, không thể nào...

Phải mất hơn một tiếng đồng hồ sau, Phước mới tìm lại được giấc ngủ, nhưng cũng vừa chợp mắt là như có ai đó thọc vào mạng sườn khá mạnh, khiến Phước phải choàng dậy định lên tiếng thì một phen nữa giật mình, bởi bàn tay anh chạm phải bộ đồ lụa đang nằm cạnh!

Mở đèn lên nhìn thì đúng đó là bộ quần áo lúc nãy! Phước chưa tin hẳn vào mắt mình nên phải cầm lên xem kỹ, và nhờ vậy anh phát hiện có một mảnh giấy đính kèm, rơi ra. Phước đọc được dòng chữ: Sao lại tơ tưởng đến cái không phải của mình!

Chẳng biết mấy chữ đó viết cho ai, nhưng Phước có cảm giác là nhắm vào mình. Anh chợt rùng mình khi nghĩ trong lúc anh ngủ đã có ai đó vào phòng và trả lại bộ đồ. Điều này là chắc chắn!

Anh mở cửa gọi bà chủ nhà. Bị đánh thức đột ngột, bà ta tỏ ra khó chịu nhưng sau khi nghe Phước thuật lại chuyện thì bà giật mình:

- Có chuyện đó sao?

Bà quả quyết với Phước:

- Từ nào đến giờ ở nhà này chưa từng xảy ra bất cứ chuyện gì như vậy. Mà nhà này cửa nẻo chắc chắn, không làm sao người ngoài lọt được vào. Hơn nữa còn có hai con chó nhốt ở ngoài vườn, chỉ cần một tiếng động nhỏ là nó sủa vang trời luôn. Mà lúc nãy tôi có nghe gì đâu…

Phước không muốn tranh luận nên anh lẳng lặng đóng cửa lại. Nhưng vừa lúc đó, bà chủ nhà lại gõ cửa và lên tiếng:

- Hay cậu đưa bộ đồ ấy cho tôi giữ có lẽ tốt hơn.

Phước thật tâm không muốn, nhưng chẳng lẽ lại giành, nên anh lấy bộ quần áo đưa cho bà ta. Anh thầm nghĩ, như thế có lẽ tốt hơn thật! Và Phước ngủ khá thẳng giấc ngay sau đó…

Tuy nhiên, mới vừa mờ sáng, Phước đã nghe bà chủ nhà vừa chạy sang vừa kêu lên:

- Lạ quá cậu Phước, bộ đồ... sao nó lại... Nhìn bộ dạng bà ta, Phước chợt hỏi:

- Bộ đồ mất nữa rồi sao? Bà chủ nhà sợ hãi:

- Mất rồi! Tôi khoá cửa lại cẩn thận mà...