Vương Uy đang sợ đến toát mồ hôi, chợt giật mình tỉnh lại, mở bừng mắt ra nhìn. Bó đuốc họ cắm trên giá sắt sắp cháy hết, ánh sáng dần dần yếu hẳn đi. Anh thấy Nhị Rỗ đang thì thầm nói chuyện với Dương Hoài Ngọc. Nhị Rỗ cứ một câu tây rởm thế này, hai câu tây rởm thế nọ, nhưng lần này Dương Hoài Ngọc không nổi cáu, chỉ câu được câu chăng đối đáp với gã.
Thấy Vương Uy đã dậy, hai người thôi không nói chuyện nữa. Nhị Rỗ cười khì khì, nói:
- Chỉ huy lại một lần nữa cứu mạng tôi rồi, anh đúng là cha mẹ tái sinh ra tôi.
Bị Vương Uy cho một đá, Nhị Rỗ liền làm bộ nhếch miệng nhe răng ra, như muốn cắn cả chòm râu dê vào miệng. Vương Uy trừng mắt nhìn Nhị Rỗ, nói:
- Tình hình anh thế nào, có leo lên được nữa không?
Nhị Rỗ vỗ ngực:
- Chúng ta vào sinh ra tử đánh thắng bấy nhiêu trận, sợ gì chút vết thương này. Chỉ huy cứ yên tâm, không có chuyện gì đâu.
Vương Uy gật đầu, nói:
- Nghỉ một lúc nữa, rồi tất cả leo lên đầu tượng.
Đột nhiên Nhị Rỗ hỏi:
- Leo lên đầu tượng để làm gì?
Nghe Nhị Rỗ hỏi, Vương Uy ngớ ra, đúng vậy, họ bất chấp mọi giá leo lên đến đầu tượng để làm gì? Họ chỉ biết bức tượng này hết sức kỳ quái, cho nên mới từ khu rừng dưới kia leo hơn nghìn mét lên đến đây, nhưng leo lên để làm gì thì họ chưa hề nghĩ tới.
Cả ba người vô cùng bối rối, họ đã đi một mạch vào tận hẻm núi lớn trong dãy núi Đường Cổ Lạp. Thoạt đầu Vương Uy chạy vào Xương Đô chỉ là để tránh lính của quân đoàn 21 truy sát. Về sau bị lão Tôn và Dương Hoài Ngọc ép nhập bọn, rồi Nhị Rỗ đi theo, cho đến khi cùng nhau đi tìm bí mật của vương triều Lạp Cách Nhật trong truyền thuyết, liên tiếp gặp nguy hiểm dọc đường, thẳng đến tận bây giờ, vẫn không phát hiện được tung tích vương triều Lạp Cách Nhật, dọc đường người thì chết, người thì mất tích, bây giờ chỉ còn lại ba người bọn họ, vậy mà họ vẫn chưa thấy mục tiêu đâu cả.
Nhị Rỗ nói với Dương Hoài Ngọc:
- Này tây rởm, tôi bảo, cô nói di tích của vương triều Lạp Cách Nhật kia có tồn tại thật hay không?
Dương Hoài Ngọc gật đầu khẳng định:
- Nhất định tồn tại mà, trong tay bác Tôn có rất nhiều tư liệu năm xưa bố tôi để lại, đều là những bằng chứng thép.
- Cô đã xem qua những tư liệu ấy chưa? – Nhị Rỗ hỏi.
Dương Hoài Ngọc lại gật đầu, nói:
- Tôi chỉ xem một phần thôi, những tư liệu ấy bố tôi đều có đánh dấu, ghi chép trong đó rất đáng sợ, có những điều thậm chí khó mà tưởng tượng nổi.
Nhị Rỗ gật đầu, nói:
- Vậy ra người nắm rõ nhất về bí mật chôn sâu dưới lòng đất này là lão Tôn đã mất tích một cách bí ẩn dưới sông ngầm, tôi đoán chắc đến tám phần là lão ta biết vị trí của di chỉ vương triều Lạp Cách Nhật, nên đã một mình lẻn đi tìm.
Dương Hoài Ngọc chẳng buồn ư hử, chỉ im lặng.
Vương Uy nghĩ lại những sự việc xảy ra kể từ khi gặp lão Tôn, đột nhiên nói:
- Cô Ngọc, cô có biết gì về đạo Già Lam không?
Dương Hoài Ngọc lắc đầu:
- Tôi chỉ thỉnh thoảng nghe bác Tôn nói, đạo Già Lam có từ một nghìn năm trước, là một giáo phái kỳ quái, kết hợp cả Phật giáo – Bản giáo. Người theo đạo này giỏi dùng tà thuật, không đứng chung được với Bản giáo và Phật giáo Tạng truyền, về sau đạo này dời đi, chẳng biết là đi về đâu.
Vương Uy gật đầu vẻ trầm tư, Nhị Rỗ lại hỏi:
- Hai người biết đạo Già Lam ư?
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cùng ngạc nhiên, hỏi:
- Anh cũng biết à?
Nhị Rỗ nói:
- Vì chuyện cuốn sách của Trương Tử Thông mà mấy trăm năm nay, tổ tiên tôi không chỉ nghiên cứu bí thuật tầm long địa nhãn, mà còn rất thông hiểu văn hóa Tạng, nhất là những truyền thuyết thần bí, thu thập hẳn một mật thất đầy tư liệu, hết sức đầy đủ. Năm xưa, Thôn Mễ Tang Bố Trát đặt ra chữ Tạng thời kỳ đầu, người đọc hiểu được không nhiều, lưu truyền hàng nghìn năm nay, người biết mỗi ngày một ít đi. Sở dĩ tôi thoạt nhìn liền nhận ra ngay mấy dòng chữ Tạng trên kia là nhờ những tư liệu về vùng Tạng mà tổ tông truyền lại.
Vương Uy gật đầu như đang suy nghĩ, nói:
- Anh biết nhiều về đạo Già Lam không?
Nhị Rỗ suy nghĩ hồi lâu rồi đáp:
- Hai người vừa nói đạo Già Lam bị Bản giáo và Phật giáo truyền thống của vùng Tạng trục xuất là không đúng. Theo những gì tôi đọc trong ghi chép sử liệu Tây Tạng, thì đạo Già Lam đúng là một giáo phải do Bản – Phật kết hợp, nhưng Bản giáo và Phật giáo Tạng truyền không xung đột với đạo Già Lam, ngược lại, khi Lãng Đạt Mã, Tán Phổ cuối cùng của Thổ Phồn khởi xướng phong trào diệt Phật rầm rộ, đã đẩy mâu thuẫn giữa Phật giáo và Bản giáo lên đến đỉnh điểm. Về sau, ông ta bị quý tộc Tứ Cát Đa Cát tôn sùng Phật giáo Tạng truyền bắn chết bằng cung tên, vương triều Thổ Phồn đại loạn, mấy người con của Lãng Đạt Ma đều chết trong chiến loạn. Nghe nói lúc bấy giờ Lãng Đạt Ma còn có một người con không có thân phận quý tộc tên Khách Ba, bị mất tích từ nhỏ, được một đại sư đạo Già Lam nhắm trúng và truyền y bát. Hơn hai mưoi năm sau Khách Ba trở thành lãnh tụ của đạo Già Lam. Phong trào diệt Phật của Lãng Đạt Ma cũng làm chao đảo đạo Già Lam, Khách Ba khuyên cha không có kết quả, liền dẫn những tín đồ đạo Già Lam đi về phía Đông, rồi bặt vô âm tín từ đấy.
Vương Uy ngẫm lại những điều Nhị Rỗ vừa nói, lẩm bẩm:
- Ra là thế!
- Thế nào? – Nhị Rỗ hỏi lại.
Vương Uy nói:
- Trong hẻm núi lớn tôi thấy ba tên lính mặc quân phục vàng, bèn bám theo chúng vào một căn phòng bằng đá, trong đó có hai thi thể phụ nữ lõa lồ, thần thái rất sống động, nếu không cẩn thận nhìn vào mắt hai thi thể này này sẽ bị mê hoặc. Theo lão Tôn nói, đây là dị thuật của đạo Già Lam.
Nhị Rỗ gật đầu, nói:
- Tôi đi theo mọi người và cũng đã vào gian phòng bằng đá đó, nhưng chỉ thấy hai bộ xương khô mặt đối mặt nhìn nhau, không ngờ đấy lại là dị thuật của đạo Già Lam.
Vương Uy liền hỏi:
- Nói như vậy thì bức tượng này liệu có liên quan đến đạo Già Lam hay không? Hoặc có thể nói là, vương triều Lạp Cách Nhật có mối quan hệ nào đó với đạo Già Lam?
Nhị Rỗ gật đầu, nói:
- Có thể lắm, tư liệu lịch sử ghi chép về đạo Già Lam rất ít, những gì tôi đọc cũng đều là dã sử. Nghe nói, giáo đồ đạo Già Lam coi Khách Ba là Phật, hơn nữa, Khách Ba quả thật có chỗ hơn người, ông ta tinh thông giáo nghĩa Bản giáo và Phật giáo Tạng truyền, lại giỏi y thuật, từng cứu chữa cho rất nhiều giáo đồ. Thần bí nhất là lời đồn Khách Ba có bản lĩnh trời sinh, ông ta có thể cho đầu vào bụng.
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nghe nói đều kinh ngạc, có thể cho đầu vào bụng, vậy chẳng phải là rạch bụng ra ư?
Vương Uy đầy vẻ nghi ngờ, đoạn dã sử này thật quá hoang đường, người bị mổ bụng làm sao mà sống nổi?
Nhị Rỗ nói rất nghiêm túc:
- Chuyện này là thật đấy, vì dã sử ở đất Tạng mà tổ tiên tôi truyền lại suốt năm trăm năm nay đều được tuyển chọn kỹ lưỡng rồi mới ghi thành sách, đem cất kỹ. Mỗi sự việc ghi lại đều đã được nghiệm chứng cẩn thận, không phải chuyện hoang đường đâu.
Dương Hoài Ngọc ngồi bên chăm chú nghe, chợt xen vào:
- Trong dã sử có nói đến quá trình Khách Ba cho đầu vào bụng như thế nào không?
Nhị Rỗ lắc đầu, nói:
- Những ghi chép về đạo Già Lam trong mật thất nhà tôi rất ít, chuyện Khách Ba cho đầu vào bụng chỉ được nhắc đến qua loa, không hề giải thích.
Vương Uy trợn mắt lườm Nhị Rỗ, nói một thôi một hồi như vậy cũng bằng không, chỉ có thể đoán chừng đạo Già Lam rất có thể có liên hệ nào đó với thế giới ngầm dưới lòng đất này, còn những điều khác đều không thể giải thích được, cũng không giúp ích gì cho tình trạng hiện giờ của họ.