Chiếc thuyền gỗ không nhanh không chậm lướt trên mặt nước, tâm trạng Vương Uy cũng dần bình ổn lại, điều anh thắc mắc nhất là Nhị Rỗ làm cách nào mà xuống được cái hang ngầm này, hơn nữa còn biết rõ sự việc đến vậy. Vương Uy càng nghĩ càng nghi ngờ, anh chợt cảm thấy mình kỳ thực không hiều gì về Nhị Rỗ cả, Nhị Rỗ trước mặt đây và Nhị Rỗ hơn chục năm nay vẫn theo anh hoàn toàn là hai con người khác nhau.
Anh nghĩ ngợi một lúc rồi gắng trấn tĩnh hỏi Nhị Rỗ:
-Anh vào khoang thuyền cách ly ấy bằng cách nào?
Nhị Rỗ đang mải miết chèo thuyền, nghe thấy Vương Uy hỏi, gã bỗng ngớ ra, vừa ngước lên liền bắt gặp cặp mắt nghi ngờ của Vương Uy.
Vương Uy lạnh lùng nói:
-Có phải anh vẫn bám theo sau đội thám hiểm không? Hôm ấy Ngọng bảo anh ta trông thấy anh, tôi vẫn không tin, bây giờ nghĩ lại kẻ đó chắc chắn là anh.
Nhị Rỗ tắt hẳn nụ cười, đáp:
-Thưa chỉ huy, tôi không cần phải giấu giếm làm gì. Hôm ấy chỉ huy bị đội thám hiểm của lão Tôn bắt, tôi nấp trong rừng rậm thấy tất cả, lẽ ra lúc ấy phải ra tay cứu chỉ huy và hai thằng kia, nhưng tôi thấy lão Tôn nên bỏ hẳn ý nghĩ đó, bèn đổi sang cách âm thầm đi theo mọi người.
Vương Uy thắc mắc:
-Lão Tôn ấy à?
Nhị Rỗ ngẩng lên nhìn Vương Uy và Dương Hoài Ngọc, nói:
-Từ khi gặp lại hai người trong khoang thuyền cách ly, tôi vẫn luôn nghi ngờ lão Tôn, mà hai người cũng có muôn vàn thắc mắc, tiện đây tôi xin kể lại mọi ân oán giữa tôi và lão Tôn vậy.
Im lặng một lúc, Nhị Rỗ chậm rãi kể:
-Tôi với lão Tôn đều là truyền nhân của bí thuật địa nhãn phong thuỷ. Luận vai ế, ông ấy còn là sư huynh của cha tôi nữa kìa. Nhưng bí thuật truyền kỳ này của Trung Hoa rất khó hiểu, thuyết phong thuỷ vốn cũng rất mơ hồ, muốn tham thấu đến tận cùng đạo lý hình thành nên núi cao sông dài, nếu không có ngộ tính cực cao thì chẳng cách nào làm nổi. Ông nội tôi là bậc cao nhân trong dân gian nhưng đến đời cha tôi lại chẳng hề có chí tiến thủ, chút kiến thức bề ngoài cũng không học được. Về sau trong một lần hành tẩu giang hồ, ông tôi đυ.ng phải một toán thổ phỉ, bị chúng bắt, may sao đúng lúc đó có một bọn thổ phỉ khác đến cướp trại, đánh tan bọn thổ phỉ kia. Lão Tôn là đầu lĩnh của bọn thổ phỉ đã cứu ông tôi, thấy ông tôi ăn mặc rách rưới, kiếm chác được gì, liền thả ông ra. Cả đời ông tôi hễ mang ơn là phải đền đáp, trò chuyện với lão Tôn một hồi, ông tôi cảm thấy lão tuy xuất thân thảo mãng, nhưng có khiếu về mặt phong thuỷ, có thể rèn giũa được, vậy là để đền đáp công ơn cứu mạng ông tôi liền truyền cho lão một cổ thuật truyền kỳ. Bí thuật phong thuỷ địa nhãn của tổ tiên chúng tôi xưa nay chỉ truyền cho con trai, không truyền cho con gái, truyền cho người trong họ, không truyền cho người ngoài, đến đời ông tôi, thấy cha tôi không có khiếu học về phong thuỷ, nghĩ lại bản thân đến từng tuổi này, biết đâu một ngày nhắm mắt xuôi tay, chẳng phải bí thuật tổ truyền cũng sẽ bị mai một ư? Vừa gặp được lão Tôn, ông nội tôi lập tức sinh lòng mến tài, hơn nữa lão ta còn là ân nhân cứu mạng, nên ông đã dốc lòng truyền dạy mọi bí thuật phong thuỷ địa nhãn gia truyền của dòng họ Triệu cho lão.
- Lão Tôn rất có khiếu, theo học ba năm đã có chút thành tựu, ông tôi vui lắm. Không ngờ, ba năm sau, một đêm lão Tôn lại giở ngón đào tường khoét vách của bọn giặc cướp, lẻn vào tầng hầm nơi để sách của ông tôi, đánh cắp một cuốn sách gia truyền của nhà họ Triều rồi từ đấy bỏ đi biệt tích. Hơn ai hết, ông tôi biết đó là cuốn sách vô cùng quan trọng, ngay cha tôi cũng chưa bao giờ được nghe ông nhắc đến, chỉ là trong lúc ngẫu nhiên truyền dạy mới sơ sểnh để lộ ra, lão Tôn nghe thấy liền nảy lòng tham. Cuốn sách bị lão Tôn đánh cắp khiến ông tôi tức giận đổ bệnh liệt giường. Hồi đó tôi còn nhỏ, ông tôi nằm trên giường bệnh hơn một năm trời, đoán rằng mệnh mình không còn bao lâu nữa, lại chẳng trông mong gì được ở cha tôi, bèn nói với tôi về cuốn sách đó và tất cả bí thuật phong thuỷ địa nhãn của tổ tiên dòng họ Triệu, để tôi có thể nhớ được bao nhiều thì nhớ.
Vương Uy nói:
-Phải chăng trong cuốn sách đó có ghi chép những điều liên quan đến hang ngầm này?
Nhị Rỗ gật đầu:
-Đúng vậy. Chắc mọi người không ngờ, năm trăm năm trước, nhà họ Triệu chúng tôi cũng có quan hệ với đại tướng quân Trương Tử Thông.
Vương Uy giật mình, hèn chi Nhị Rỗ biết rõ về Trương Tử Thông và chiến thuyền cổ như vậy. Tiếp theo, anh càng lo ngại hơn, nếu lão Tôn xuống hang ngầm này với mục đích khác, vậy thì Nhị Rỗ cùng với anh xông pha khắp miền Xuyên Trung phải chăng cũng có mục đích riêng?
Vừa nghĩ vậy, lòng Vương Uy chợt thoáng chút sợ hãi. Nhị Rỗ theo anh vào sinh ra tử mười mấy năm trời, cùng thoát chết trong gang tấc không biết bao nhiều lần. Phải nói rằng, đời này Vương Uy không Nhị Rỗ thì không còn biết tin ai nữa. Nhưng cứ nghĩ đến việc Nhị Rỗ ôm mục đích khác, tiềm phục bên anh mười mấy năm trời, bất giác Vương Uy không lạnh mà run, hơn nữa, dọc đường gã luôn có hành tung kỳ dị, xuất quỷ nhập thần, bảo Vương Uy không nghi ngờ sao được. Nhị Rỗ nói:
-Hơn năm trăm năm trước tổ tiên nhà họ Triệu chúng tôi cũng có một vị tướng quân, tên gọi Triệu Chiêu, là phó tướng của đại tướng quân Trương Tử Thông. Trương Tử Thông và Triệu Chiêu quen biết nhau từ thời trẻ, về sau lần lượt tòng quân, Trương Tử Thông thuận buồm xuôi gió cứ thế thăng tiến, Triệu Chiêu tới đầu quân cho Trương Tử Thông, sau mấy trận đánh, thấy Triệu Chiêu mưu trí anh dũng, Trương Tử Thông rất coi trọng. Trương Tử Thông dẫn quân Nam chinh Bắc chiến mà người duy nhất có tiếng nói trong hàng ngũ lính tráng là Triệu Chiêu, có đi có lại, Trương Tử Thông bèn truyền thuật phong thuỷ địa nhãn cho ông ta. Triệu Chiêu thông minh hơn người, chỉ mấy năm đã không thua kém gì Trương Tử Thông. Khi Trương Tử Thông được Vạn Lịch hoàng đế cử đến Tứ Xuyên, Tây Tạng, Triệu Chiêu đang dẫn quân chinh chiến bên ngoài nên mới thoát. Trương Tử Thông đắp đê bên con sông ngầm, đóng chiến thuyền mất hơn chục năm, thời gian đó có viết cho Triệu Chiêu một lá thư kể rõ mọi kế hoạch, hỏi ý Triệu Chiêu xem làm vậy có được không, nếu được thì nhờ Triệu Chiêu tâu lại với hoàng đế, xin điều thêm một vạn binh mã đến. Đáng tiếc, bấy giờ Vạn Lịch hoàng đế già yếu lắm rồi, chỉ miệt mài lo hưởng lạc, từ lâu đã quên khuấy đại tướng quân Trương Tử Thông và vị lạt ma già mười năm trước.
Nhị Rỗ mê mải kể, nhưng Dương Hoài Ngọc nghe mà lòng đầy đau đớn. Từ trước đến nay Dương Hoài Ngọc vẫn xem lão Tôn như cha đẻ, nhưng cô không phải là kẻ ngốc, trái lại bao nhiêu năm làm cướp biển đã rèn luyện cho cô một trí tuệ hơn người, cô chỉ biết vẻ bề ngoài của lão Tôn, còn lòng dạ lão thâm hiểm ra sao chỉ có lão mới biết. Có điều so sánh hơn chục năm sống cùng lão, với câu chuyện vừa rồi của Nhị Rỗ, cô cũng nhận thấy Nhị Rỗ nói đúng, rất có thể cô đã bị lão Tôn lợi dụng. Nhưng nói gì thì nói, lão Tôn cũng đã nuôi cô khôn lớn, cho dù Nhị Rỗ vạch ra đủ mọi vấn đề về lão, cô vẫn lo cho sự an toàn của lão.
Ba người, mỗi người một tâm tư, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đờ đẫn khua chèo, bỗng thấy Vương Uy kêu to:
-Nhìn kìa, bầy cá đang lặn xuống.
Câu nói của Vương Uy đối với Nhị Rỗ không khác gì một quả lựu đạn, đang đứng trên sàn thuyền, gã lập tức nhảy dựng lên, chạy đến bên Vương Uy. Vương Uy chiếu đèn pin lên mặt nước, chỉ thấy cá địa âm từng đàn lặn xuống sâu làm mặt nước cuộn sóng, những con cá địa âm ở phía sau cũng theo đó mà lộ ra trên mặt nước.
Nhị Rỗ nói:
-Đúng rồi, nơi này đúng là đôi mắt rồng củ Bối long âm khư, chúng ta phải tranh thủ nhảy xuống theo trước khi chúng lặn đi hết.
Nói xong, gã lấy ra từ ba lô đeo sau lưng một bọc nhỏ thuốc nổ dưới nước, chắc hẳn đã có chuẩn bị từ trước.
Nhị Rỗ cầm bọc thuốc nổ định nhảy xuống nước, nhưng bị Vương Uy từ phía sau lôi lại:
-Cá địa âm là loài cá ăn thịt người, anh xuống như vậy nguy hiểm lắm.
Nhị Rỗ cười hì hì với Vương Uy: