Mắt Âm Dương I

Chương 10

Theo lời ông tây kia thì cứu lão ra khỏi tù chẳng khó khăn gì nhưng lão phải đồng ý một điều kiện, giúp ông ta tìm ra nguồn gốc bức tượng Phật này.

Đối với lão Tôn mà nói, so với việc bị mất đầu thì đây chỉ là chuyện nhỏ, liền lập tức nhận lời ngay. Hôm sau, lão ra tù thuận lợi, đến tối thì cưỡi con ngựa đã được ông tây kia chuẩn bị sẵn, chạy thẳng đến kinh thành.

Đến kinh thành, đầu tiên lão tìm một quán trọ để nghỉ chân, đợi đến tối lại "thăm" phủ vị bối lặc kia. Bức tượng do bị lão thó gần mười năm nay, trải mười năm dâu bể đổi dời, phủ bối lặc đã bỏ hoang, cỏ dại um tùm, một con chó giữ nhà cũng chẳng còn.

Lão Tôn tìm khắp phủ bối lặc cũng không thấy manh mối gì, lòng rất buồn bực. Sực nhớ trong vườn còn có xẻng, lão liền xách xẻng đến căn phòng đặt tượng Phật khi xưa, xới tung cả phòng lên. Có điều đào mãi chẳng tìm thấy gì, trời cũng đã dần chuyển sáng.

Lão Tôn rời phủ bối lặc về nhà trọ ngủ một giấc, rồi trở lại. Lần này lão không vào phủ mà lân la đến các nhà hàng xóm hỏi thăm tình hình. Sau một phen thăm dò, lão Tôn cũng phải hít một hơi khí lạnh, thì ra phủ bối lặc này đã gặp họa diệt môn, mấy chục người trong phủ đều bị thiêu chết trong một trận hỏa hoạn lớn.

Nghe nói, nguyên nhân dẫn tới họa diệt môn là do người trong phủ đánh mất bức tượng Phật trấn trạch, bức tượng này là thần khí từ thời viễn cổ, không thể tùy tiện đυ.ng vào. Sau khi bức tượng bị mất cắp, lão bối lặc đã đến từng nhà hỏi thăm tung tích pho tượng, những mong ai biết thì tiết lộ cho hay, đồng thời cũng kể cho mọi người sự lợi hại của bức tượng.

Chuyện xảy ra chưa đầy nửa tháng thì một trận hỏa hoạn đã thiêu trụi phủ bối lặc. Kể ra cũng lạ, bấy giờ đang là mùa đông tuyết rơi, vậy mà nửa đêm nửa hôm phủ bối lặc lại xảy ra đám cháy. Đợi đến lúc láng giềng thức giấc chạy đến cứu hỏa thì cả phủ bối lặc đã chìm trong biển lửa, lửa còn cháy đến tận sáng hôm sau mới tắt. Hơn ba chục con người lớn bé già trẻ trong phủ, không một ai sống sót, tất cả đều bị thiêu cháy thành than.

Lão Tôn nghe nói mà toát mồ hôi lạnh, vội vã cáo từ, nghĩ bụng, tượng Phật kia quả là không tầm thường. Lão định thôi, nhưng một là sinh mệnh đang nằm trong tay người tây kia, chưa lo xong chuyện này thì đừng hòng rút lui; thêm vào đó, lão Tôn cũng xuất thân kẻ cướp, trông thấy tượng Phật quý làm sao không nảy lòng tham?

Tối hôm ấy lão lại lẻn vào phủ bối lặc đào bới, đào mãi nửa đêm quả nhiên phát hiện một cửa hầm ngay trong căn phòng bày tượng Phật. Miệng hầm hình vuông, mỗi bề chừng hai thước, bốn xung quanh lát đá. Lão Tôn phải buộc dây thừng vào người leo xuống, địa động này sâu chừng một trượng, là một cái giếng dốc đứng.

Xuống đến nơi mới nhận ra đây là một căn địa lao, lão Tôn không khỏi bực dọc, lão bối lặc này có chứng tật gì không thế, tự dưng tự lành lại xây địa lao ngay trong phòng ngủ của mình, vậy mà đến đêm vẫn kê cao gối ngủ được ư?

Địa lao này là một căn phòng lớn xây bằng đá, bên trong bày rất nhiều dụng cụ tra tấn còn dính máu, góc nhà lại đặt sẵn chậu lửa lớn. Vừa đặt chân vào phòng, lão Tôn đã ngửi thấy mùi thối hoắc, liền đốt đuốc lên soi, một mình ở trong căn phòng tối tăm này, trong lòng lão cứ thấy rờn rợn. Đi đến giữa phòng, lão Tôn thấy một chiếc chum sành to tướng, trên miệng chum là một cái đầu đã khô quắt.

Lão Tôn hít một hơi thật sâu, thấy cái đầu đó chẳng còn mắt, mũi, tai gì hết, bèn nhặt một cây gậy dưới đất, thò vào chum khuấy mạnh, phát hiện thi thể đó cũng cụt hết tay chân, hẳn đã bị người chặt mất tứ chi, xẻo hết ngũ quan rồi đem ngâm vào chum thuốc, thảo nào có thể để suốt mười năm không thối rữa. Lão Tôn từng bôn ba ra Bắc vào Nam cướp bóc, gϊếŧ không biết bao nhiêu người, nhưng lão ta gϊếŧ người chỉ một nhát dao là đi một mạng, mau lẹ sảng khoái, chưa bao giờ chứng kiến cảnh hành hạ con người thế này. Lão thầm rủa tên bối lặc kia quả nhiên không phải hạng tử tế gì.

Đi một vòng quanh địa lao, thấy dưới đất có một tấm tăng y đã cũ, lão Tôn cũng là người có chút hiểu biết, nhận ra đó là tăng y các lạt ma xứ Tạng, té ra thi thể trong chum kia là một vị lạt ma.

Lão Tôn châm lửa vào bốn cái chậu đặt ở góc, cả căn phòng lập tức sáng như ban ngày, ánh lửa vừa sáng lên, lão liền trông thấy trên tường có chạm khắc gì đó. Đó là một bức bích họa, đường nét rất vụng về thô kệch nhưng nội dung lại hết sức hấp dẫn.

Phần đầu của bức tranh khắc họa một khu vực bốn bề bị núi non bao bọc, đỉnh núi chót vót chọc trời. Trên một ngọn núi là một ngôi chùa náu mình giữa cánh rừng rậm rạp, chỉ để lộ một góc mái ngói, càng toát lên vẻ thần bí.

Phần thứ hai của bức tranh không phải là cảnh chùa chiền mà là cảnh tượng một tòa cung điện bày biện rất xa hoa, đèn đuốc trong cung đều là những viên dạ minh châu. Lão Tôn trố mắt hồi lầu vì kinh ngạc, chỉ một viên trong số đó cũng đủ cho lão sống sung túc mấy đời rồi. Giữa điện có một người đứng sừng sững, được những kẻ khác vây quanh quỳ lạy, xem ra là một vị quốc vương.

Nhưng điều khiến lão Tôn kinh ngạc chính là vị quốc vương này đứng quay lưng về phía đám triều thần, dáng người thẳng đơ, trông như một xác chết. Lão Tôn vừa chăm chú quan sát bóng lưng vị quốc vương, vừa vắt óc suy nghĩ, càng nghĩ càng thấy bất thường. Tư thế đứng của vị quốc vương này cứng đờ, lại nghiêng hẳn về một bên như sắp đổ tới nơi, trông rất quái gở. Nhìn dáng dấp, vị quốc vương này chắc hẳn cũng gầy gò, nhưng y phục trên người ông ta lại chật căng, chứng tỏ thi thể đã trương lên, ních căng quần áo ra.

Rõ ràng vị quốc vương này đã chết, sao những người xung quanh lại không hay biết gì cả, chẳng phải quá lạ lùng ư? Lẽ nào bức bích họa này đang khắc họa nghi thức tế lễ gì?

Lão Tôn nghĩ mãi không ra, quẩn quanh tìm kiếm trong phòng hồi lâu, chẳng thấy thứ gì giá trị, lão đành nhân lúc đêm tối rời khỏi phủ bối lặc. Hôm sau lão đánh điện báo ngay cho ông tây kia, thuật lại những phát hiện của mình. Chừng nửa tháng sau ông ta đến kinh thành, sau khi tìm hiểu tình hình, bèn bóc nửa mặt tường dưới địa lao đem đi.

Lão Tôn lấy làm lạ trước hành vi của ông Tây, nhưng không dám hỏi. Hết sức hài lòng về hành động lần này của lão Tôn đồng thời cũng nhằm điều tra thêm về lai lịch bức tượng Phật, ông ta bèn kể mọi chuyện với lão.

Ông Tây này tên Thomas, là một nhà thám hiểm dòng dõi hoàng gia Anh, rất có hứng thú với văn minh Trung Hoa, cũng đã sống ở Trung Quốc mười mấy năm nay. Một lần ông ta vô tình mua được bức tượng Phật kia ở một hiệu bán đồ cổ, lập tức bị bức tượng hấp dẫn. Bức tượng Phật này khác hẳn những pho tượng thờ cúng trong các chùa chiền, từ thần thái đến tư thế đều rất kỳ dị. Thomas để tâm nghiên cứu bức tượng, phát hiện dưới đáy pho tượng khắc đầy những dòng chữ lạ lùng, chữ khắc nhỏ li ti, phải dùng kính lúp mới đọc nổi. Thomas đã mời nhiều chuyên gia ngôn ngữ tới đọc giúp, nhưng không sao giải mã nổi những dòng chữ kỳ quái kia. Mãi đến một hôm, Thomas kết bạn với một lạt ma đến từ Tây Tạng, vừa trông thấy bức tượng Phật, vị lạt ma liền bảo: “Tôi cũng không hiểu nội dung những dòng chữ kia, nhưng hơn nghìn năm trước, trong kinh Phật từng đề cập đến bức tượng này, hình như nó đến từ một vương triều thần bí ở vùng Tạng, tên là Lạp Cách Nhật. Chính sử ghi chép về vương triều này rất ít, nhưng những câu chuyện trong kinh Phật thỉnh thoảng vẫn nhắc tới, không ai biết vương triều này bắt đầu từ thời nào, đến lúc nào thì bị tiêu diệt, ấn tượng về nó trong lòng người Tạng chỉ có hai chữ: thần bí."

Nghe lạt ma nói, Thomas chợt nảy sinh hứng thú với vương triều Lạp Cách Nhật, định hỏi kỹ hơn nhưng lạt ma cũng không nói rõ được ngọn ngành. Vị lạt ma chỉ nhấn mạnh rằng vương triều Lạp Cách Nhật tồn tại giữa rừng sâu núi thẳm, nghe nói từ xửa xưa từng có người đi lạc vào địa giới của họ, bị phát hiện và bị đuổi ra, truyền thuyết về vương triều này cũng do người ấy kể lại, tuy nhiên, anh ta chỉ biết rất sơ sài.

Thomas không nhịn được tò mò, bèn bỏ mấy năm thâm nhập đất Tạng để nghe ngóng truyền thuyết về vương triều Lạp Cách Nhật, nhưng đều tay trắng về không, chẳng kiếm được thông tin giá trị nào.