Viên Xuân Thiên

Chương 11

Tôi không phải lòng dạ sắt đá thật, nhưng cũng không lương thiện đến mức ngoài đường nhặt được một nhóc vô gia cư bèn mang về nhà nuôi.

Mỗi người đều sống khó khăn, em sống khổ, tôi cũng chẳng tốt hơn là bao.

Có điều nhìn theo chiếc xe chở em càng lúc càng xa, trong lòng tôi đúng là khó chịu, cảm giác đó nên hình dung thế nào nhỉ? Trống rỗng, chua xót, lan toả.

Giống như tôi đọc một cuốn sách vô cùng rung động, còn chưa thấy đủ, nhưng lại phát hiện ra mình đã giở đến trang cuối cùng.

Mà ánh đèn đuôi xe ấy giống như hàng chữ cuối cùng của cuốn sách đó, khiến tôi nhìn theo từ đầu đến cuối, tới tận khi không thể nào nhìn tiếp được nữa.

Bố tôi nói: “Không nỡ à?”

“Ai không nỡ?” Tôi nói, “Chỉ là không biết sau này em ấy phải làm sao thôi.”

“Trạm cứu hộ người ta chắc chắn xử lí tốt hơn mày,” Bố tôi từ trước đến nay sống lí trí hơn tôi nhiều, “Vấn đề mày không giải quyết được, người ta làm được hết.”

Ông vỗ tôi: “Về nhà, ăn cơm, gà quay của bố còn chưa ăn kìa.”

Hoặc phải nói thói quen của con người là một chuyện rất đáng sợ?

Cậu nhóc bẩn thỉu đó chỉ ngồi xổm trước cửa nhà tôi vài ngày, thế mà tôi lại bắt đầu vô thức nhìn về cái góc ấy.

Bố tôi nói đúng, em đến trạm cứu hộ là cách giải quyết tốt nhất.

Chắc là em chưa lớn, hoặc vẫn còn là vị thành niên, dù cho không thể về nhà, em ở trạm cứu hộ tốt xấu gì cũng coi như có chốn đặt chân, vẫn tốt hơn là lang thang ngoài đường.

Tôi đã đọc rất nhiều sách về người vô gia cư, trong những cuốn tiểu thuyết, tập thơ, trang sách ấy, hai chữ “lang thang” bị làm đẹp hoàn toàn, nỗi cực khổ thực sự chứa trong đó chỉ có người sống ở hiện thực mới biết được.

Lang thang chẳng lãng mạn chút nào, cũng không nghệ thuật gì sất.

Cực khổ chính là cực khổ.

Buổi tối một mình tôi mở đèn ngồi bên cửa sổ, giống như ban ngày ngồi phơi nắng, cầm quyển sách, mắt lại trông ra ánh trăng.

Tập thơ trong tay tôi mỏng dính, tôi lại đọc hồi lâu.

Nhà thơ viết: Ánh trăng là vết thương của màn đêm.

Mỗi ánh sao xa đều giống máu nhỏ.

Buổi sáng lúc ngủ dậy, phản ứng đầu tiên của tôi là bị sái cổ rồi.

Không cử động cổ được, đau muốn chết.

Vừa chửi thề vừa rời giường, lúc vệ sinh không ngừng đảo mắt, sau đó tôi ngẩng đầu cái là nhìn thấy ngay bộ bàn chải đặt một bên.

Đáng ra tối qua phải đưa cho em mang đi.

Tôi do dự một chốc, để ở đó không quan tâm nữa, thầm nghĩ hôm khác thì vứt đi, hôm nay tôi đau cổ, chẳng muốn làm gì cả.

Chẳng muốn làm gì, bao gồm cả bữa sáng.

Vậy là, tôi cứ thế ra ngoài, chuẩn bị đi tìm anh Vương mua một phần quẩy và sữa đậu nành.

Ai dè, tôi vừa mở cửa ra, ở cửa đã có một thằng nhóc gầy gò đang ngồi xổm.

Có lẽ là nghe thấy tiếng cửa mở, người ngồi ở đó bèn ngoái đầu lại, sau đó vội vã đứng dậy, sợ hãi nhìn tôi.

Mắt em hơi sưng, vừa nhìn đã biết là khóc nhiều, hồi bé tôi không học hành tử tế bị mẹ mắng đến mức khóc nhè, ngày hôm sau cũng như vậy.

Anh Vương bảo: “Đợi cậu cả sáng đó, anh đưa sữa cho cũng không uống.”

Tôi vốn tưởng là mình bị ảo giác, không ngờ thằng nhóc này lại quay về thật.

Tôi hỏi em: “Sao em lại quay về đây?”

Em dẩu môi đáp: “Nhớ anh.”

Đúng là hết xảy, từ quê ra thì không tìm về được, nhưng từ trạm cứu hộ ra thì lại tìm được đến chỗ tôi.

Tôi còn có thể nói gì?

“Em chạy ra ngoài như thế sẽ làm người ta lo lắng.”

“Vậy anh không lo cho em à?”

Em còn có lí nữa.

“Lo cho em không phải phận sự của anh,” Tôi chọt em, “Trạm cứu hộ không tốt hơn chỗ của anh à? Em theo anh, không có hộ khẩu, không có quần áo mới, muốn gì cũng chẳng có, em theo anh làm gì hả?”

Tôi hù doạ em: “Anh còn nợ mấy triệu tệ cơ, nửa đêm có người cầm dao phay đến đòi nợ, em không sợ à?”

Tôi không ngờ thế mà em lại giơ tay nắm chặt ngón tay của tôi, nói với tôi một cách cương quyết: “Em không sợ, em bảo vệ anh.”

Em bảo vệ tôi cái củ cải í, gầy như em thổi cái là bay rồi, nếu có người đòi nợ thật, tẩn em chả như tẩn một con gà con à?

Tôi rút tay về, chẳng phải cười mà cũng chẳng phải giận, đành bảo: “Vào nhà đánh răng rửa mặt, lát nữa ra ăn!”