Nguyễn Trần Ân Tĩnh

Chương 3

Dịch: Duẩn Duẩn

Ban đêm ở Hồng Kông sáng rực như không cần ngày mai. Thành phố này, rõ ràng nằm trong vùng cận nhiệt đới, ánh đèn đường thắp sáng cả đêm khuya, thế mà tháng Mười hai vẫn lạnh lẽo cực điểm. Ân Tĩnh đi trên đôi giày cao gót ba tấc, gót giày rất mảnh giẫm trên mặt đất phát ra tiếng kêu cộp cộp, một tiếng, hai tiếng, rồi ba tiếng... Cô bước đi không mục đích, cuối cùng ghé ngang qua một cái ghế đá nhỏ ở công viên, đôi chân mềm nhũn rã rời, tê liệt ngồi phịch xuống.

Vì cớ gì lại ra nông nỗi này?

"Con hát Trần Ân Tĩnh, được Nguyễn Đông Đình và Hà Thu Sương nhìn trúng, đưa về Hồng Kông làm lá chắn, trở thành Nguyễn phu nhân, mặc những bộ đồ hiệu nổi tiếng và học tiếng Quảng Đông, nhưng cô ta mãi mãi vẫn chỉ là con hát!"

Mà cô lại không có cách nào phản bác.

Kể từ ngày hôm ấy ở bờ biển Hạ Môn, anh hứa rằng "Tôi sẽ cho em một cuộc sống tốt đẹp hơn", và cô đã trả lời "Nguyễn tiên sinh, em đồng ý". Sau đó, năm dài tháng rộng, cô tự trông nom cái vỏ rỗng của một cuộc hôn nhân, đời người dù có tệ đến thế nào chăng nữa, cũng chẳng có bất cứ lý do gì để bác bỏ những điều mình đã quyết.

Con đường này do chính mình tự chọn, ai đã nói, dù có quỳ thì cũng phải quỳ lết cho bằng hết.

Một chỗ khác trong công viên bỗng vọng lại tiếng nhạc cổ truyền huyên náo, thật trớ trêu làm sao! Cô chăm chú lắng nghe, hồi lâu mới nhận ra, càng châm chọc hơn cả, tiếng ca khoan thai du dương vọng lại từ đằng xa ấy, lại chính là "Một giang thu, mấy phen tỉnh mộng".

"Một giang thu, mấy phen tỉnh mộng, đậu đỏ ném thầm, điệu buồn tấu vang, cảnh xưa sao quá đỗi mơ màng, biết chăng giọt nước mắt nhỏ lệ vì ai, chàng lang sao hãy gầy xa xót..."

Đó là ở Hạ Môn, năm 1987, cô ở bên Nguyễn Đông Đình hát Nanyin suốt đêm.

Ân Tĩnh sẽ không bao giờ quên được đêm hôm ấy, ánh trăng lạnh lùng rọi xuyên qua đình viện nơi biệt thự - công tử của một hộ giàu có ở Tăng Thố Am đã qua đời, mời cô tới hát Nanyin tiễn biệt người quá cố. Cả sảnh đường chìm trong nỗi thê lương tiêu điều, đêm càng khuya căn nhà lại càng thêm tịch mịch trống trải, chỉ lẻ loi mình cô gảy đàn tỳ bà xướng một khúc hiu quạnh ở bên cạnh, ai oán xót thương như một nàng góa phụ cô độc.

Cho đến khi màn đêm khuya dần rồi trĩu nặng, cánh cửa biệt thự cuối cùng cũng được đẩy ra, người đàn ông cao lớn phong trần chạy vội vào linh đường.

Khi ấy, cô gái chơi đàn tỳ bà vừa tình cờ hát đến đoạn "Một giang thu, mấy phen tỉnh mộng", mà anh ta thì làm như không nghe thấy, cũng không trông thấy ánh mắt đờ đẫn tràn đầy vui sướиɠ khi nhìn thấy mình, chỉ lo nắm chặt bàn tay người góa phụ, lạnh lùng nhưng nhiệt thành tình cảm: "Thu Sương, anh đã hứa với A Trần trước khi lâm chung, nhất định sẽ tìm bác sĩ tốt nhất cho em, chăm sóc em cả đời."

Tiếng đàn tỳ bà của cô gái bỗng dưng đứt đoạn, mà người xung quanh chẳng lấy ai quan tâm.

Cô gái đánh đàn tỳ bà ngơ ngác dõi theo bóng dáng người đàn ông cao lớn, nhưng nào có ai hay phát hiện điều chi.

Phải mất chừng hai ba giây, cô gái ôm đàn mới tiếp tục rảo dây, nhưng vẫn chẳng một ai để ý đến cô.

Đêm khuya là tri kỷ với tiếng đàn trầm, chỉ khiến giọng góa phụ càng thêm cô đơn: "Mẹ anh sẽ không đồng ý, em cũng không biết mình có thể sống được bao lâu. Anh làm sao có thể mãi mãi ở bên em, chẳng nhẽ đợi đến khi em chết rồi lại lo lắng chuyện chung thân đại sự cho em sao?"

Tiếng đàn ảo não, bi ai giống như làm nền cho cảnh ấy, mà cô gái hát Nanyin kia cũng chỉ để làm nền, chỉ dùng để tôn vinh tình yêu xúc động thế nhân của hai người Nguyễn - Hà.

Đêm hôm đó, cô ở trong linh đường, nghe vị khách nam và người góa phụ ôn lại những chuyện xưa: Tám năm trước, khi cùng nhau về nước sau tốt nghiệp Cambridge, cô ấy bị chuẩn đoán mắc chứng tán huyết - urê huyết cao, bị mẹ Nguyễn ép buộc chia tách, gả cho bạn thân của anh ta; Tám năm sau, cô nàng góa chồng thỉnh thoảng lại bệnh nặng, do chứng tán huyết lại tái phát, anh ta vẫn cố chấp muốn cứu sống cô ấy.

Đó là năm 1987, vào một đêm mưa rơi tầm tã, toàn bộ linh đường chỉ có đôi nam nữ gợi mối thương cảm và cô gái hát Nanyin làm nền ấy.

Thế nhưng chẳng ai ngờ, cũng chính trong đêm đó, số phận của cô gái làm nền đã hoàn toàn thay đổi - Mẹ Nguyễn xuất hiện. Đúng vậy, chính là mẹ chồng hiện tại của cô, Trương Tú Ngọc - gần như không lâu sau khi Nguyễn Đông Đình và Hà Thu Sương ôn xong chuyện cũ, bà đã có mặt ở linh đường với vẻ bụi bặm vì đường xa: "A Đông, mẹ sẽ không bao giờ chấp nhận người đàn bà này, mau quay về nhà ngay!"

Có điều anh làm sao có thể quay về? Quay về đại biểu cho cái gì, sau này Ân Tĩnh cũng biết được từ miệng Trương Tú Ngọc: Hóa ra, thân cụ của bà đã sắp xếp cho Nguyễn Đông Đình mấy mối ở Hồng Kông.

Chỉ là, làm sao anh có thể đồng ý?

Cũng chính khoảnh khắc đó, cặp mắt sắc lạnh, nhanh trí kia liền dòm chằm chặp vào cô, vừa nhìn đã biết gia cảnh cô không tốt.

Một phút sau, anh tiến về phía cô, nắm lấy đôi bàn tay đang đặt trên dây đàn tỳ bà của cô: "Mẹ, là cô ấy, người con muốn lấy không phải Hà Thu Sương mà là cô ấy."

Số kiếp kể từ đó thay đổi, hóa ra cũng chỉ trong phút chốc.

Chẳng qua mẹ của nam chính không ưa nữ chính, mà Nguyễn Đông Đình và Hà Thu Sương cần một lá chắn để che trở, thâu thiên hoán nhật, đổi trắng thay đen, bí mật tư thông, tác thành cho tình yêu thề quyết không đổi của hai người.

Vào lúc trời tản sáng, người đàn ông không hề quen biết cô đã nói sẽ lấy cô bên bờ biển Hạ Môn năm nào, đi được một lúc thì chợt dừng lại hỏi:

"Xin hỏi, quý danh tiểu thư là chi?"

"Nhĩ Đông Trần, Trần Ân Tĩnh."

"Trần tiểu thư, tôi có một thỉnh cầu khiếm nhã, chẳng hay cô có thể lấy tôi hay không?"

Phải, đó là toàn bộ quá trình cầu hôn - cô lấy anh không phải vì tình yêu, mà chỉ vì một lời thỉnh cầu khiếm nhã.

Mưa phùn vẫn cứ giăng kín lối, rả rích mãi không dứt, lạnh giá như câu hỏi lịch sự mà xa cách của người đàn ông ấy. Hiềm nỗi, câu hỏi của anh không chỉ là lịch sự, mà còn ẩn chứa sự chân thật đáng tin mà anh vốn luôn có.

Anh nói.

"Trần tiểu thư, tôi biết gia cảnh em không tốt."

"Nếu như em cần, số tiền ấy không phải là vấn đề."

"Tôi cũng sẽ thu xếp ổn thỏa cho gia đình của em."...

Đó là lần đầu tiên anh nhìn thấy cô vào năm 1987. Chẳng hay bao nhiêu năm sau, mỗi khi Nguyễn tiên sinh nhớ lại cảnh lần đầu làm quen ấy, điều hiện lên trong đầu anh luôn là đôi mắt ngấn lệ của cô gái trẻ khi nghe lời cầu hôn chẳng giống lời cầu hôn của mình.

Rồi sau đó cô cúi đầu, lặng yên chờ đợi anh nói xong mới nhẹ nhàng tiếp lời: "Năm mười bốn tuổi, không biết đã bao lần em tưởng tượng đến một màn cầu hôn lãng mạn, bởi khi ấy có người nói với em rằng, chờ em lớn lên, người ấy sẽ lấy em."

Những lời lẽ chẳng liên quan gì nhau ấy khiến Nguyễn Đông Đình bất giác sững người.

"Sau đó thì sao? Người ấy có đến không?"

"Không có, anh ấy không đến."

Làm sao mà đến được? Người đàn ông từng nói sẽ đến cưới cô khi cô mười bốn tuổi, người đàn ông đã khiến cô lầm tưởng rằng anh rất nghiêm túc ấy đã lãng quên cô như làn gió cuối trời, sao có thể tới đây chứ?

Vậy mà vẫn là người ấy của tám năm sau, trên bãi biển sáng sớm lạnh giá, chân thành nói với cô rằng: "Hãy lấy tôi, tôi sẽ cho em một cuộc sống tốt đẹp hơn."

Hóa ra khoảng cách giữa thực tại và ký ức lại chênh lệch lớn đến thế, anh đã không còn là người đàn ông mà cô gặp trên thuyền của mười bốn tuổi năm nào nữa rồi.

Và cũng sẽ không bao giờ phải.

Nước mắt Ân Tĩnh chợt trào ra, làm cách gì cũng không thể ngăn lại. Cô lúng túng vội đưa tay lau đi những giọt lệ, thế nhưng khăn tay của người đàn ông đã nhanh hơn một bước, se sẽ chạm vào gò má cô, lặng thinh không nói một điều gì, chỉ lẳng lặng lau đi dòng chất lỏng nóng hổi ấy.

Hồi lâu sau, thanh âm trầm ấm mới khẽ khàng vang lên: "Em đừng buồn, có lẽ người ấy còn chuyện quan trọng hơn phải làm."

Vâng, anh còn rất nhiều chuyện quan trọng, trong cuộc sống của anh, luôn luôn có những chuyện quan trọng hơn phải làm.

Trái tim Ân Tĩnh quặn thắt: "Nguyễn tiên sinh, em cũng có một thỉnh cầu khiếm nhã."

"Em nói đi."

"Anh có thể... ôm em một cái hay không?"

Bàn tay đang lau nước mắt cho cô chợt cứng đờ.

Làm sao anh biết được cái ôm này có ý nghĩa với Trần Ân Tĩnh như thế nào?

Hóa ra anh đã quên mất: về cuộc gặp gỡ đầu tiên của anh và cô, rằng chẳng phải là năm 1987, cái năm mà A Trần qua đời?

Năm 1979, khi cô mười bốn tuổi, lần đầu được hát Nanyin trên một con thuyền du dịch sang trọng. Đêm hôm đó, cũng chính là ngày cưới của Hà Thu Sương và A Trần.

Phải, là Hà Thu Sương và A Trần.

Người yêu của anh phải trao duyên cho người khác, mà chú rể không phải là anh.

Còn cô, cô đã gặp được anh.

Dù sau này ai cũng biết, lý do Hà Thu Sương lấy A Trần là vì phát hiện bản thân bị ure huyết cao - nghe nói lúc đó cô ta vô cùng lo sợ và hoảng loạn, chỉ nghĩ làm sao để người mình yêu không phải chịu tổn thương sâu nặng, cộng với sự đe dọa của mẹ Nguyễn, cuối cùng cô ta chọn kết hôn với người khác.

Mà Nguyễn Đông Đình vốn không hề hay biết.

Trong bữa tiệc cưới linh đinh trên du thuyền, vào lúc giai điệu thê lương và uyển chuyển cất lên, rõ rành là một khúc Nanyin, ấy vậy mà lại bị những vị khách không hiểu về Nanyin chê bai là "Nhạc tang". Khoảnh khắc bị một tên khách phàn nàn vì điệu nhạc nghe quá ư thảm thiết, anh đã vẫy tay gọi cô tới: "Đến phòng tôi hát, tiền boa cho gấp đôi."

Sự mờ ám trong mắt mọi người trào dâng như sóng triều, ánh mắt Hà Thu Sương như bắn ra dao độc, nhưng cũng không ngăn được anh đưa cô về phòng.

Chỉ là sau khi vào phòng, anh chẳng nói năng gì, thân hình cao lớn chỉ đứng lặng bên cửa sổ, trầm mặc.

Ân Tĩnh đứng sau lưng anh, vô số lần muốn mở miệng, nhưng lại không đành lòng phá vỡ khoảng lặng đó.

Một lúc sau mới nghe thấy anh dùng tiếng phổ thông gượng gạo của mình mà than vắn: "Trời sắp mưa rồi."

Vừa dứt lời, tiếng mưa rơi lộp độp trên boong tàu.

"Em là người Hạ Môn à?" Anh lại hỏi.

Ân Tĩnh nhẹ giọng đáp: "Không ạ, em là người Tuyền Châu."

"Không sao, cũng cùng nói tiếng Mân Nam cả." Bấy giờ, cơ thể thon dài cuối cùng cũng quay lại, khuôn mặt lạnh lùng đối diện với cô: "Nghe nói trong tiếng Mân Nam, từ 'đẹp' và từ 'nước' đồng âm với nhau."

Chẳng hiểu sao, Ân Tĩnh đột nhiên hơi căng thẳng, song cô vẫn ngoan ngoãn gật đầu: "Vâng ạ."

"Vậy 'Em rất đẹp' nói thế nào?" (你好美 - ni hao mei)

"Là 'Lý nhã thủy' ". (里雅水 - li ya shui)

(*) "美" trong tiếng Mân Nam phát âm là "shui". 好 đồng nghĩa với 雅 là rất, cực. 你 thì người Mân Nam đọc ngọng n-l nên thành 里. Chẳng hiểu sao mà bắt đầu từ khu vực phía Nam Trường Giang Trung Quốc đổ xuống Ninh Bình Việt Nam, cực Đông là Đài Loan và cực Tây là Quý Châu, người ta thường hay đọc lẫn hai chữ n-l với nhau

Đúng là quá nhiều âm kỳ quái! Mềm mại, nhu hòa, Nguyễn Đông Đình đọc theo cô. Sau khi đọc lần nữa, khóe miệng anh dần cứng lại: "Tiếc là không có cơ hội nói cho cô ấy nghe."

Đó là lần đầu tiên trong đời cô được nhìn thấy hình hài của tình yêu, gắn liền với một người đàn ông lạnh lùng.

Hóa ra, ngay cả người ngoài cuộc đứng nhìn cũng sẽ tan nát cõi lòng.

Lần đó, cô đã hát suốt đêm trong căn phòng của anh. Anh ngồi, còn cô thì đứng, sau rồi lại biến thành anh ngồi và cô cũng ngồi. Tiếng đàn du dương ngân dài, làn điệu dân ca chậm rãi sâu lắng, mỗi khi kết thúc một khúc, anh sẽ hỏi: "Có mệt không? Mệt thì nghỉ một lát đi." Sau đó, hai người cứ ngồi im lặng mãi, được một lúc cô lại cảm thấy kỳ lạ quá, thế là bèn mở miệng: "Hát tiếp được chứ ạ, thưa tiên sinh?"

"Tiếp đi."

Ngoài cửa sổ tiếng mưa rơi rả rích, rơi rồi lại tạnh, tạnh rồi lại rơi.

Cô gảy dây đàn, tiếng đàn réo rắt thê lương quẩn quanh người đàn ông mặt mũi lạnh tanh. Hòa cùng cơn mưa, cô thong thả hát: "Vui buồn hợp tan mãi vô tình, cơn mưa nhẹ rả rích trước thềm, cứ vậy mà rơi đến rạng đông..."

Lúc trời vừa hửng sáng, Ân Tĩnh rời khỏi phòng Nguyễn Đông Đình, tất thảy đều nhìn cô bằng ánh mắt 'đã rồi'. Đám bạn xấu ngay khi trông thấy Nguyễn Đông Đình, bèn vây quanh anh, mập mờ hỏi lớn: "Thế nào, đêm qua thỏa thuê chứ?"

Giọng điệu không có ý tốt ấy khiến Ân Tĩnh vừa hoảng sợ vừa xấu hổ, cũng may Nguyễn Đông Đình lười để ý, nghiêng đầu dặn dò cô rời đi, chẳng qua ánh mắt vừa mới xoay chuyển thì nhác thấy một bóng dáng màu đỏ càng ngày càng tiến lại gần họ.

Nhất thời vẻ mặt anh thay đổi, bàn tay đột nhiên duỗi ra nắm chặt lấy tay Ân Tĩnh, môi mỏng tiến đến bên tai cô: "Bọn họ hỏi tôi đêm qua thỏa thuê chứ, em nói xem tôi có thỏa thuê không?"

Thì ra một người lạnh lùng như thế, vào một khắc nào đó, vẻ mặt cũng có thể thiếu đứng đắn đến vậy.

Bàn tay bị nắm lấy của Ân Tĩnh nóng ran, cô vừa muốn vùng ra, lại bị Nguyễn Đông Đình siết chặt.

Cho đến khi bóng dáng màu đỏ ấy đi đến chỗ hai người, giọng điệu mang vẻ hơi khinh miệt: "A Đông, anh mà cũng có lúc bụng đói vơ quàng ư?"

Bàn tay đang giãy giụa của Ân Tĩnh chợt khựng lại.

Song Nguyễn Đông Đình chỉ cong môi cười lạnh, đôi mắt sâu thẳm như đáy biển dán chặt vào người Ân Tĩnh: "Bụng đói vơ quàng? Cô bé xinh đẹp thế này mà Trần phu nhân dùng thành ngữ 'bụng đói vơ quàng' để hình dung thì có hơi quá đáng rồi đấy?"

Mặt mũi Hà Thu Sương gần như biến dạng vì tức giận, hoàn hoàn không hay biết mình đã là vợ của người khác: "Nguyễn Đông Đình, anh đang trả thù em?"

Nguyễn Đông Đình như nghe được chuyện cười: "Trần phu nhân, mọi người đều có lòng yêu cái đẹp."

"Mọi người? Ồ, nếu thích như thế sao anh không lấy cô ta về luôn đi!"

"Được thôi." Lời vừa dứt, ai nấy đều sững sờ. Nom mặt mũi Ân Tĩnh trắng bệt vì sợ hãi, Nguyễn Đông Đình bèn dịu giọng: "Tiếc là cô ấy còn quá nhỏ, thế này đi. Chờ em lớn lên, tôi sẽ lấy em."

Không ai tin điều ấy cả, công tử nhà giàu và cô gái hát rong ư? Không đời nào!

Khốn nỗi, đối với một cô gái mười bốn tuổi khi ấy, tự biết bản thân mình hèn mọn nhưng vẫn ôm ảo tưởng với thế gian. Ân Tĩnh mở to hai mắt, nhìn khuôn mặt điển trai vốn không tồn tại trong thế giới của mình, dò hỏi hết sức dè dặt: "Thật chứ ạ?"

Bàn tay đang nắm lấy tay cô bỗng chốc cứng đờ, nhưng rất mau đã nghe được đáp án bình tĩnh của anh: "Thật."

Vậy mà sau đó thì sao?

Sau đó, du thuyền cập bến, cuộc vui tan rã, người đàn ông hứa rằng sẽ lấy cô hôm ấy, vừa quay người đã ném lời hứa ấy xuống biển...

"Chờ em lớn lên, tôi sẽ lấy em."

"Thật chứ ạ?"

"Thật."

Nguyễn tiên sinh, anh xem, anh cười một tiếng em ôm tương tư nhiều ngày như vậy, anh nói một câu em mang nhung nhớ nhiều năm như thế.

Đó là một đêm mưa trên biển Hạ Môn năm 1979.

Dẫu cho anh đã thực sự lấy em, nhưng chưa bao giờ phát giác rằng bánh xe vận mệnh năm ấy đã bắt đầu luân chuyển.

Ở một góc công viên vẫn còn hát, hết khúc này đến khúc khác, đến khi Ân Tĩnh nhận ra tiếng sáo trúc thấp thoáng mơ hồ đang gần trong gang tấc, mới hoảng nhiên phát hiện bản thân chẳng biết tự lúc nào đã dời bước đến nơi náo nhiệt ấy.

Thì ra Giáng sinh đang đến gần, các bạn tình nguyện viên đang tổ chức cho các bà, các thím đón Tết trước thời hạn. Quy mô rất lớn, điều khiến người ta ngạc nhiên chính là, phối với tiếng đàn du dương không phải Nanyin Quảng Đông mà là Nanyin Tuyền Châu đích thực.

"Gương đồng xưa như bánh xe mặt trăng, được mài nhẵn để soi sáng vũ trụ, muốn lấy được mối nhân duyên tốt lành, tài tử không tiếc đập vỡ thành mảnh nhỏ..."

Bấy giờ, khóe môi Ân Tĩnh mới cong lên, gợn thành một nụ cười ấm áp tận đáy lòng - Đúng vậy, thì ra cô vẫn nhớ, nhớ từng câu từng chữ trong "Trần Tam Ngũ Nương", khúc Nanyin mà những năm làm ca nữ không biết cô đã hát bao lần: Để lấy được mối nhân duyên tốt lành, tài tử không tiếc đập vỡ thành mảnh nhỏ. Đất hoang tàn nhẫn, trời cao hữu tình, chấp nhận chàng làm nô ɭệ ba năm...

"Đất hoang tàn nhẫn, trời cao hữu tình...". Cô nhẹ nhàng ngâm nga. Tiếng đàn sáo véo von trầm bổng, các bà, các thím nghe ngẩm say sưa.

Chẳng biết tự lúc nào, bên cạnh cô đột nhiên vang lên giọng nói ngạc nhiên mừng rỡ của một cô bé: " Ối, chị cũng biết hát ạ, hay quá đi ạ!"

Ân Tĩnh cúi đầu thì trông thấy một cô bé con lai bận bộ váy công chúa và thắt bím hai bên, với đôi mắt xanh thẳm trong veo ngự trị trên khuôn mặt mềm mại trắng hồng.

Tiếng la ó của cô bé thu hút sự chú ý của các bà các thím và cả tình nguyện viên, họ đồng loạt bắn ánh mắt về phía cô, thậm chí cả chủ xướng trên sân khấu cũng đột nhiên ngừng hát - rồi, rồi, rồi tiếp đó?

Cô vốn đang tự giễu, u sầu, chỉ ngâm khe khẽ theo điệu nhạc, vậy mà giờ phút này lại bị mấy chục cặp mắt và cái miệng khích lệ cổ vũ lên sân khấu hát một đoạn.

"Gái xinh, mau lên hát cho bà nghe một đoạn đi nào!"

Đúng là dở khóc dở cười! Cuối cùng cả chủ xướng trên sân khấu cũng bước xuống mời chào: "Tới luôn nào, người đẹp!"

Ở khoảng cách gần như vậy, Ân Tĩnh mới phát hiện người đàn ông hát khúc "Trần Tam Ngũ Nương" uyển chuyển động lòng người ấy, có một khuôn mặt cực kỳ yêu nghiệt: Mày kiếm cương nghị, cặp mắt đào hoa biết cười, cùng với đôi môi mỏng hào hoa.

Người đàn ông hào phóng vươn tay về phía cô: "Cô biết hát Nanyin Tuyền Châu, chắc hẳn cũng là người Mân Nam? Vừa hay, các bà các thím tụ tập ở đây tối nay đều là dân nhập cư từ khu vực Tuyền Châu."

Cô kinh ngạc - nếu vậy tất cả ở đây đều là người Tuyền Châu ư?

"Đúng vậy, đúng vậy, chị ăn mặc thật đẹp, phải hát, phải hát ạ!" Cô bé con lai dùng sức vỗ tay cổ động cô.

Trời vào tháng Mười hai, buổi tối gió thổi ào ào, song cũng chẳng thể sánh được với nụ cười rạng rỡ và nhiệt tình của mọi người.

Ân Tĩnh khẽ mỉm cười - Phải, Hà Thu Sương nói đúng, cô vốn là con hát, một con hát chỉ hát khúc Nanyin.

Nhưng con hát thì sao? Không ăn trộm cũng chẳng cướp giật của ai, dựa vào gì bắt cô phải nhớ rõ "xuất thân của mình"? Có điều gì phải nhớ? Vả lại, khúc "Trần Tam Ngũ Nương" này cô cũng đã từng hát trước mặt Nguyễn tiên sinh!

Phải, đã từng. Năm ấy, trong căn phòng trên du thuyền, chỉ có một mình anh và cô, cô đã hỏi anh: "Nguyễn tiên sinh, anh muốn nghe bài gì?"

"Bài gì cũng được."

"Ở quê em có khúc "Trần Tam Ngũ Nương" rất nổi tiếng."

"Hát về cái gì?"

"Về tình yêu."

Anh gật đầu.

Đó là năm 1979, đã bị Nguyễn Đông Đình đưa vào quên lãng, về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Ân Tĩnh và Nguyễn tiên sinh.

Đất hoang tàn nhẫn, trời cao hữu tình - trên con thuyền năm ấy, tiếng mưa rơi tí tách.

***

Lúc về đến nhà, sắc mặt của mẹ chồng đã tái nhợt hẳn đi, song điều làm Ân Tĩnh ngạc nhiên hơn cả là Nguyễn Đông Đình vẫn chưa quay về khách sạn, toàn bộ phòng khách im ắng như nước đọng, hơi ấm mới rồi ở công viên biến mất chẳng còn nữa.

Vừa bước vào phòng ăn, một tờ báo đã rơi "bốp" trước mặt cô. Đập vào mắt là tấm hình trên trang đầu tiên, người đàn ông đang ngồi bên cửa sổ trò chuyện với người phụ nữ, nói cười vui vẻ, mặt mày tươi tắn dịu dàng. Địa điểm - Khách sạn họ Nguyễn, tầng 38, phòng số 12. Là Nguyễn Đông Đình và Hà Thu Sương.

Ân Tĩnh chỉ cảm thấy đầu ngón tay cứng ngắc, trái tim như bị một lực lớn hung hăng bóp nát... Còn chưa kịp thở ra, đã nghe thấy giọng nói tức giận của mẹ chồng: "Tin tức nóng nhất hôm nay ở Hồng Kông! Con làm Nguyễn phu nhân kiểu gì thế? Để chồng mình rúc đến phòng của tình cũ, còn bản thân thì lang thang bây giờ mới chịu về!"

"Rầm!"

Đôi đũa ngọc bích màu xanh lục bảo đập một phát lên mặt bàn đá cẩm thạch, ai nấy đều chấn động.

Đó là đôi đũa của mẹ chồng.

Thì ra bữa tối vẫn chưa kết thúc.

Xem chừng là đang đợi cô. Mọi người lớn nhỏ trong nhà họ Nguyễn, từ Trương Tú Ngọc, đến cậu em trai nhỏ nhất của Nguyễn Đông Đình, đều đang ngồi thẳng người, mặt mũi bốn người đều mang tâm sự riêng phức tạp.

~~~

P/s: Òa, anh nam phụ đã xuất hiện, và chọc Nguyễn Đông Đình tức chơi ạ ~~ Anh này đúng yêu nghiệt, nghe cái tên tiếng Anh của nam phụ chắc ai cũng sững sờ quá ^^