Sắp đến tháng bảy, thời tiết se lạnh, Gia Nguyên Đế tiếp đón sứ thần nước Bắc Liệt ở ngoại ô phía tây thành, đồng thời mời cả gia quyến của các trọng thần triều đình.
Từ gia đang chịu tang, đáng lẽ không tham dự.
Nhưng không ngờ đế hậu lại nói đã lâu ngày không được gặp Tiểu Mao Đầu của Từ gia, Từ Minh Lễ đành phải tuân theo thánh ý, hắn ra lệnh cho người hầu đưa nhi tử đến tham dự cùng mình.
Mao Đầu lúc nào cũng cầm lọ kẹo không rời tay, đông vui là sẽ chia sẻ nhiệt tình cho mọi người, vừa vặn đây cũng là cơ hội tốt để thăm dò.
Những nhân vật chủ chốt của nội các và lục bộ đều nhận được kẹo của Mao Đầu.
Đại đa số mọi người sẽ mỉm cười từ ái nói lời cảm ơn, sau đó thản nhiên đưa viên kẹo to vào trong miệng, trong số đó chỉ có hai ba người là do dự bất an.
Từ Minh Lễ âm thầm ghi nhớ trong lòng, bên ngoài thì giả vờ như không để ý, hắn đem mọi việc cho phó quan phụ trách, còn mình thì đưa nhi tử về phủ.
Điều bất ngờ là khi hai cha con vừa mới bước chân vào cửa, quản gia lập tức thông báo hai mẹ con Bình thị đến làm khách trong phủ, dù mấy tháng trước đó mấy người kia không hề qua lại với Từ gia.
Từ khi phải trả lại một phần của bức « Vạn Sơn Tình Lam », Bình thị và người nhà họ Từ đã cạch mặt nhau, hôm nay đến thăm là như thế nào?
Từ Minh Lễ rảo bước đi vào sảnh.
Ánh nến lay động, Chu thị ngồi trên ghế chủ vị, nàng mặc một bộ y phục nhã nhặn, trên khuôn mặt là biểu cảm nhàn nhạt.
Mẹ con Bình thị thì ăn mặc rất thanh lịch, tuy nhiên búi tóc lại độc đáo mới lạ, đồ trang sức cũng là kiểu dáng tinh xảo, vừa nhìn đã biết bỏ ra không ít tâm tư.
“Từ đại nhân trở về thật đúng lúc!” Bình thị lập tức tỏ ra thân thiện khi nhìn thấy Từ Minh Lễ, “Chúng tôi đang trò chuyện với phu nhân về việc Thịnh nhi!”
Từ Minh Lễ trao đổi ánh mắt với thê tử, hắn có thể nhìn thấy trong ánh mắt nàng có chứa sự bất đắc dĩ và buồn cười. Từ Minh Lễ bèn hàn huyên hai câu rồi ra hiệu cho đối phương tiếp tục.
Bình thị bưng chén trà, nàng ta uống một ngụm nhỏ và nói: “Ta nhìn Thịnh nhi nhà hai vị lớn lên nên không thể để Thịnh nhi bị người là làm mờ mắt. Vì vậy hôm nay ta cố ý đến đây nhắc nhở, một là nhớ tới tình nghĩa với Thái phu nhân, hai là thay hai vị chia sẻ phiền muộn.”
“Ồ? Ta xin rửa tai lắng nghe.” Từ Minh Lễ như lọt vào sương mù, hắn dứt khoát để Bình thị nói thoải mái.
“Nguyễn tiểu thư được Từ Thái phu nhân nhận nuôi, trước đây nàng ta không chỉ trêu chọc trưởng tôn nhà họ Lam, mà còn quyến rũ cả trưởng tử nhà họ Hồng, bây giờ lại mập mờ với nam nhân đã có vợ, làm bậy làm bạ với người ta ở nơi rừng núi hoang vu… Tính tình lả lơi ong bướm như thế, sợ là không thể làm con dâu Từ gia!?”
Đôi mắt phượng của Bình thị khẽ chuyển động, giọng nói bén nhọn tinh tế ẩn chứa ba phần đắc ý, bảy phần cười trên nỗi đau của người khác.
Phu thê Từ Minh Lễ chỉ biết nhìn nhau.
Có trời mới biết bọn họ phải cố gắng nhịn đến mức nào… mới không cười to!
Là ai tung tin đồn nhảm nói “Nguyễn tiểu thư” muốn trở thành con dâu Từ gia?
Nói mẹ già đoan trang nhà bọn hắn “trêu chọc” con cháu của bạn tốt đã quá đáng lắm rồi, đằng này còn nói lén lút làm xằng làm vậy với nam nhân có gia đình???
Đây đúng là chuyện cười!
Muốn châm ngòi ly gián, đáng tiếc lại chọn sai đối tượng.
Từ Minh Lễ biết Từ Thịnh đưa đón mẫu thân chu đáo đúng theo lễ nghĩa, có lẽ do vô tình biểu lộ sự thân mật giữa bà cháu nên rơi vào ánh mắt người có ý mới thành ra cử chỉ nam nữ thân mật, khả năng này rất dễ xảy ra.
Còn hai nhà Lam Hồng xưa nay tính tình luôn thẳng thắng, bọn họ rất yêu thích thân phận mới này của mẫu thân, cho nên muốn con cháu kết thân cũng là hợp tình hợp lý.
Về phần… nam nhân đã có vợ? Chuyện này bắt đầu từ khi nào?
Thấy trượng phu yên lặng không nói, Chu thị mỉm cười lên tiếng, “Thì ra là vì chuyện này! Phu nhân An Định Bá cứ yên tâm, Nguyễn tiểu thư và Thịnh Nhi không có tình cảm nam nữ. Còn chuyện kết giao với hai nhà Lam Hồng thì chỉ vì tình nghĩa lâu đời giữa các nhà, ngoài ra không hề liên quan đến tình yêu. Đứa bé kia tính tình hiền lành lương thiện, từ trên xuống dưới nhà họ Từ đều tin tưởng con bé.”
Bình thị tự tin mình có chứng cứ rõ ràng nên mới công khai đến nhà cáo trạng, nàng ta chỉ chờ phu thê Từ Minh Lễ nổi trận lôi đình mắng chửi “Nguyễn tiểu thư” là đồ vô ơn, sau đó đoạn tuyệt quan hệ… phải như vậy mới giải toả được sự nhục nhã của nàng ta vào ngày hôm đó.
Ai ngờ Bình thị vừa mới nói xong đã bị Chu thị nhẹ nhàng gạt sang một bên, hơn nữa còn không hề thấy Chu thị tức giận bắn tung toé nước bọt!?
“Mấy chuyện kia thì ta chỉ nghe người ta nói, nhưng vào hôm đi ngắm sen, hai mẹ con nhà ta đã tận mắt nhìn thấy Nguyễn tiểu thư lôi lôi kéo kéo rồi lưu luyến chia tay với một thanh niên tuấn tú ở trong rừng, mà người thanh niên kia… có dung mạo giống Thịnh Nhi đến mấy phần. Về sau ta phái người đi dò la tin tức thì biết được thanh niên kia chính là tiên sinh dạy học ở Viện Thư Hoạ, hơn nữa đã có vợ con từ sớm!”
Bình thị thề son sắt, thấy phu thê Từ Minh Lễ kinh ngạc, nàng ta lại tiếp tục: “Ta cũng không có ý tứ gì khác, sợ hai vị không nhìn rõ bản chất của Nguyễn tiểu thư nên ta mới có lòng tốt nhắc nhở một câu, tránh cho hai vị bị người ta lừa gạt! Ta nghe nói Từ nhị gia còn giao phó cả sản nghiệp cho tiểu nha đầu kia? Chẳng lẽ không sợ nàng ta tuỳ ý tiêu xài rồi làm lụi bại sản nghiệp sao?”
Từ Minh Lễ nhướng mày cười nhạt, “Nhị đệ hắn thích như vậy, có vấn đề gì sao?”
Bình thị trợn mắt há mồm khi nghe được lời này, nàng ta không nói lên lời, một lúc lâu vẫn không nói chuyện.
Nữ nhi của Bình thị cảm thấy người nhà họ Từ bảo vệ “Nguyễn tiểu thư” quá mức tưởng tượng, nàng ta vội kéo ống tay áo Bình thị rồi nháy mắt mấy cái, ngầm khuyên mẫu thân nên thức thời ngậm miệng.
Hai mẹ con Bình thị lập tức kết thúc cuộc trò chuyện không thú vị này, sau đó hậm hực trở về.
Từ Minh Lễ để chuyện này trong lòng, hắn đã đưa ra đề nghị tổ chức giao lưu hội hoạ giữa bốn nước với Hoàng đế để có thể điều Nguyễn Tư Ngạn đi xa, gần đây hạ nhân cũng báo cáo “tiểu thư” cả ngày chỉ ở Lan Viện, không hề đến Viện Thư Hoạ.
Chẳng lẽ… thật sự bị vị tiên sinh đã có gia đình đeo bám ở Viện Thư Hoạ?
Nhưng Từ Minh Dụ đã sắp xếp cao thủ trung thành hầu hạ ở bên cạnh, vậy ai dám tuỳ tiện tới gần?
Mẹ con bọn họ từ trước đến giờ luôn thẳng thắn với nhau mọi chuyện, nhưng việc này liên quan đến mặt mũi của mẫu thân, Từ Minh Lễ mà hỏi việc tin đồn ngay trước mặt mẫu thân thì không hay cho lắm.
Trong lúc đang đắn đo suy nghĩ thì Từ Thịnh trở về, Từ Minh Lễ nhỏ giọng phân phó: “Thịnh Nhi, con lập tức lên núi mời Nhị thúc của con về đây một chuyến.”
Hoàng hôn ngày hôm sau, mưa gió tiêu điều, vườn hoa ở Lan Viên trở nên xơ xác, ngay cả cây cỏ cũng bị dập nát.
Nguyễn Thời Ý đứng lặng người dưới mái hiên, nàng chán nản ngắm nhìn cơn mưa gột rửa bụi bặm trong khu vươn cũ kỹ, vậy mà cảm giác buồn bực trong đáy lòng lại không hề vơi bớt.
Kể từ hôm đi ngắm sen bên hồ, Lam Dự Lập không hề có động tĩnh, còn Hồng Hiên thì sai người đưa tới rất nhiều dụng cụ thư phòng quý hiếm xa xỉ, mỗi thứ đều tinh xảo tuyệt đẹp.
Hồng Hiên đối với nàng chính là vừa gặp đã có tình cảm, nghe nói nàng thích thư hoạ nên nhanh chóng mượn cơ hội này để lấy lòng.
Nguyễn Thời Ý lúc là “Từ Thái phu nhân” thì có cửa hàng thư hoạ của riêng mình, bây giờ tiếp quản các cửa hàng của Từ gia nên có không ít đồ vật trân quý.
Mà tiểu tử nhà họ Hồng một lòng yêu thích võ thuật, không hề am hiểu đồ vật liên quan đến thư hoạ, mấy thứ đồ kia nếu không nhầm thì phải dùng ngàn vàng để mua trong chính cửa hàng nhà nàng… điều này khiến Nguyễn Thời Ý dở khóc dở cười.
Nguyễn Thời Ý từng gặp qua Hồng Hiên một lần, nàng cảm thấy khuôn mặt đối phương không khác Hồng Lãng Nhiên hồi trẻ là mấy, lời nói cử chỉ thì thận trọng hơn phụ thân hắn, ngoại trừ điều đó ra thì nàng không có ấn tượng gì sâu sắc.
Mấy chục năm bị Hồng Lãng Nhiên bám dính, thật vất vả mới “lấy cái chết để giải thoát” thì lại bị con trai hắn nhìn trúng??? Nàng có thù oán gì với cái nhà kia!!!
Kinh nguyệt xuất hiện, thân thể mệt mỏi, nàng thuận theo ý Từ Hách, tránh không đến Viện Thư Hoạ để khỏi làm hắn thương tâm. Hơn nữa vì lý do mộng xuân, nàng không muốn nhìn thấy gương mặt kia của hắn.
Các cửa hàng quán rượu đều kinh doanh bình thường, Nguyễn Thời Ý ngại đi đi lại lại, cho nên nàng dứt khoát ở yên trong nhà.
Trời dần tối, mưa cũng bắt đầu ngớt, nhưng gió lại thổi càng mạnh hơn, những nhành hoa chập chờn trong gió, nước mưa rơi xuống làm cánh hoa rụng rơi đầy đất.
Bên cạnh không có nha hoàn, Nguyễn Thời Ý đang định về phòng lấy áo khoác thì có một vật thể lạ bắn vào chỗ mái hiên, rơi xuống ngay cạnh chân nàng rồi nảy ra ngoài.
Nguyễn Thời Ý giật mình lùi sau hai bước, lúc ngẩng đầu lên đã thấy thân ảnh màu xanh nhạt ngồi trên bờ tường.
Dáng ngồi của Từ Hách đầy tiêu sái, trên mặt là nụ cười nhàn nhạt, nụ cười ấy như xấu hổ, như mong đợi, như có cả giận dỗi.
Nguyễn Thời Ý hơi bực mình: Tên gia hoả này lại làm sao vậy? Tức không chịu nổi nên chạy tới đây ném đá để doạ nàng? Sao có thể ngây thơ đến mức này?
Hơn nữa chuyện đã nói xong… chắc không còn vướng mắc gì rồi chứ???
“Xin hỏi tiên sinh có chuyện gì không?” Nguyễn Thời Ý hậm hực hỏi.
“Nha đầu hấp tấp kia không ở đây hả?” Từ Hách có chút kiêng kị với Tĩnh Ảnh.
Nguyễn Thời Ý cong môi cười, “Tiên sinh tìm tiểu nha đầu nhà ta sao? Con bé đã ra ngoài từ sáng sớm rồi.”
“Ta tìm nha đầu kia làm gì? Ta đến tìm nàng.”
Từ Hách nhìn xung quanh khu vườn, thấy không có ai bên cạnh Nguyễn Thời Ý, hắn mới yên tâm nhảy xuống rồi đi tới trước mặt nàng để giải thích, “Ta đến đây không phải để ôn chuyện tình cảm, mà là… ta có chuyện muốn hỏi nàng.”
Nguyễn Thời Ý liếc xéo người trước mặt, “Có việc thì tiên sinh không biết đi vào từ cửa lớn à? Vì sao phải lén lút leo tường vào trong, ai không biết rõ tình hình còn tưởng rằng…”
— hai người yêu đương vụиɠ ŧяộʍ.
Nhưng lời này mà nói ra thì hiển nhiên không đúng lúc.
Ngày đó từ biệt, do thân thể Nguyễn Thời Ý khó chịu nên rời đi rất vội vàng, thái độ cũng lạnh nhạt, vì thế mà Từ Hách tưởng rằng — nàng nhẫn tâm muốn cắt đứt quan hệ.
Sau đó Nguyễn Thời Ý lại nghĩ nếu như hiểu lầm này khiến Từ Hách hoàn toàn từ bỏ, nói chính xác thì đó là một loại giải thoát… vậy sao không giải quyết dứt khoát luôn?
Bảy tám ngày qua đi, Nguyễn Thời Ý đã có kết luận, hai người bọn họ rồi cũng sẽ mỗi người đi một ngả.
Nàng chưa từng nghĩ hắn lại lén lén lút lút xuất hiện trong nhà nàng!!!
Đối diện với ánh mắt nghi ngờ của Nguyễn Thời Ý, Từ Hách cố gắng tỏ ra đứng đắn.
“Hôm nay ta nghe Tô lão tiên sinh nói Thánh thượng đang muốn tìm kiếm và sưu tầm các bức « Vạn Sơn Tình Lam ». Tại hạ muốn thỉnh giáo Nguyễn tiểu thư… chuyện này là sao?”
Nguyễn Thời Ý mím môi thầm nghĩ: Người này thật sự đến đòi tranh? Hay là mượn cớ để tiếp xúc với nàng?
Từ Hách thấy Nguyễn Thời Ý im lặng không nói, ánh mắt nhìn nàng càng thêm cháy bỏng, hắn nhỏ giọng hỏi: “Nàng cắt nhỏ bức Tình Lam? Hiện tại những phần nhỏ của bức Tình Lam không nằm trong tay nàng?”
“Năm đó chàng đi không về, không có tin tức. Từ gia rơi vào thảm cảnh, vì bước đường cùng nên ta mới sử dụng hạ sách này… Thời gian đã hơn ba mươi năm, chẳng lẽ chàng chạy đến đây chỉ để hỏi tội? Trách ta không gìn giữ bức tranh bảo bối của chàng???”
Nguyễn Thời Ý nhớ lại hoàn cảnh khốn khó trước đây, phẫn hận và khuất nhục đã sớm tan biến theo thời gian, tất cả chỉ là ký ức đang ùa về.
Buông tay không oán không giận… nhưng không có nghĩa là đã quên.
Nếu như Từ Hách trách nàng chuyện này, chắc chắn nàng không chịu được loại oan ức như vậy.
Từ Hách vội vàng nói: “Không bảo vệ gia đình chu toàn là lỗi của ta, nhưng bức tranh kia… Tổ phụ đã dặn đi dặn lại, muốn hai chúng ta phải bồi tranh(*) vào đúng bốn mươi năm sau… Nàng quên hết rồi sao?”
“Căn bản chàng không hề nói gì với ta!” Nguyễn Thời Ý trợn mắt nhìn chằm chằm người trước mặt, “Tổ phụ gọi hai chúng ta vào nói chuyện nhưng đúng lúc hai nhi tử lại quấy nhiễu, nhà hoàn dỗ không được nên ta phải ôm hai đứa ra sau tấm bình phong để cho bú… Sau đó thì ta thấy chàng đen mặt đi lên lầu vẽ tranh, ta chỉ nghe thấy hai người nói thì thầm chứ không nghe rõ nội dung!”
Có bí mật lại không nói, cuối cùng lại trách nàng không nhớ???
Nàng không thể bị oan ức như vậy!!!
“Ta cứ tưởng nàng cũng nghe thấy được.” Từ Hách im lặng không nói, một lát sau mới dịu dàng tiếp tục, “Với lại ta vẫn luôn tin chắc rằng đừng nói là bốn mươi năm, cho dù là một trăm năm sau thì ta và nàng vẫn hạnh phúc mỹ mãn như lúc ban đầu…”
Đôi mắt sáng của Từ Hách hơi ảm đạm, trái ngược với ánh mắt mờ sương của Nguyễn Thời Ý.
Cơn gió thổi qua khiến nước mưa đọng lại trên cánh hoa thi nhau rơi xuống.
Nguyễn Thời Ý vội lui vào trong nửa bước, thấy Từ Hách vẫn ngây ngốc đứng yên tại chỗ, nàng vội vàng đưa tay kéo hắn, không ngờ phía sau không có đường lui, lưng nàng đập vào cây cột trên hành lang.
Từ Hách thừa dịp giam cầm thiếu nữ ở trong vòng tay, ánh mắt tĩnh lặng của hắn ẩn chứa muôn vàn tình cảm, giống như thuỷ triều cuốn lấy người trong lòng.
Hơi thở ấm áp của Từ Hách làm nhiễn loạn trái tim Nguyễn Thời Ý, nàng cuống quít đưa tay chống lên l*иg ngực hắn: “Vậy rốt cuộc tổ phụ đã nói gì với chàng?”
Từ Hách đang định mở miệng nói chuyện thì bất thình lình bên ngoài sảnh truyền tới tiếng chào hỏi lễ phép của người hầu.
“Thủ Phụ đại nhân, Nhị gia, Đại công tử… Mọi người không bị ướt mưa chứ?”
— Giải nghĩa —
(*)Bồi tranh: là công đoạn bồi giấy nhằm làm bền chắc và giúp tác phẩm được bảo quản tốt hơn. Một tấm tranh, một bức thư pháp khi được bồi giấy, có thể lưu truyền hết đời nọ đến đời kia mà không hề hư hỏng. Có hai kiểu bồi tranh phổ biến là bồi thường, chỉ gồm các lớp giấy tuyên ghép lại, và bồi bo nhờ có thêm lớp lụa bao quanh.