Khai Thị

Quyển 1 - Chương 2: Chú Ðại Bi Tiêu Trừ Tai Nạn

Sự lợi ích chân chính thường khó diễn bày.

Giống như người uống nước,

lạnh hay nóng chỉ tự mình biết.

Ngay trong lúc thời tiết nóng bức tột độ mà quý-vị không sợ nóng cũng chẳng sợ đường xa núi cao, tới đây tham gia đả thất thì như vậy có điều gì lợi chăng? Sự lợi ích chân chính thường khó diễn bày. Giống như người uống nước, lạnh hay nóng chỉ tự mình biết. Duy người có tâm chân thật mới lãnh hội được sự diệu kỳ.

Làm thế nào để thu hoạch được điều lợi ích này? Không gì khác hơn là thành tâm niệm danh hiệu Bồ-tát. Chân tâm tức là chuyên tâm vậy. Cho nên nói: "Chuyên nhất tất linh, phân chi tất tệ." Tức là chuyên nhất thì linh ứng, phân chia thì bế tắc. Khi tâm chuyên nhất, tự nhiên sẽ được cảm ứng đạo giao. Sự cảm ứng đạo giao vốn không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, tự mình phải dụng công mới được, người khác không thể làm thay mình đặng, lại càng không thể cầu may mà được.

Giống như "nói về chuyện ăn cơm hay đếm tiền giùm kẻ khác." Có kẻ thường hay đề cập đến những thứ dinh dưỡng thế này thế nọ, nhưng tự họ chẳng hề ăn, thì đồ ăn dù có bổ dưỡng cách mấy đi nữa họ cũng không thể tận hưởng được. Cho nên nói:

Chung nhật sổ tha bảo, tự vô bán tiền phần.

Y pháp bất tu hành, kỳ quá diệc như thị.

Nghĩa là:

Suốt ngày đếm tiền người, tự mình không một xu.

Học pháp không tu hành, lỗi lầm cũng như vậy.

Mình niệm Phật cũng thế. Không phải hiểu biết hay bàn luận về công đức niệm Bồ-tát là đủ; phải thật sự niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn; thậm chí đến độ nước chảy, gió thổi mà tai mình cũng chỉ nghe tiếng danh hiệu Bồ-tát mà thôi. Cho nên nói:

Hữu tình, vô tình,

Ðồng diễn Ma-ha diệu pháp.

Nghĩa là:

Loài hữu tình hay vô tình,

Ðều nói diệu pháp đại thừa.

Nếu mình không thể niệm tới chỗ nhất tâm bất loạn thì gió có thổi vi-vu, nước có chảy róc-rách, mình cũng chẳng tài nào cảm nhận được sự kỳ diệu của nó. Cho nên mình phải thành tâm niệm và đừng để vọng tưởng lôi kéo thì mới gặt được lợi ích của Pháp.

Khi đả thất, quý-vị phải tôn trọng qui củ của thất. Bởi vì "Vô qui củ bất năng thành phương viên." Tức là không có qui củ thì không thành phương viên. Qui củ của Tây Lạc Viên là không nói năng ồn ào để tránh làm chướng ngại kẻ khác tu hành.

Trong thời gian bảy ngày này, chúng ta còn niệm thêm Chú Ðạibi. Công đức của Chú Ðại-bi rất khó nghĩ bàn. Nếu người không có thiện căn, thì họ khó nghe đặng ba chữ "Chú Ðại-bi." Bây gìờ đại chúng không những đã được nghe mà lại còn thọ trì đọc tụng, đủ biết quý-vị có đầy đủ thiện căn rồi. Nếu đã có thiện căn, quý-vị không nên coi thường và đừng để kiếp sống này trôi qua một cách lãng phí.

Tôi còn nhớ khi Chùa Tây Lạc Viên đả thất lần đầu tiên, trong mười vị cư sĩ thì tám, chín vị chẳng thể niệm được Chú Ðại-bi.

Nhưng nay, mười người thì có đến tám người có thể niệm được.

Ðây chứng tỏ rằng sự tiến bộ của các vị cư sĩ. Tôi kể cho quý-vị nghe một câu chuyện để chứng minh về công đức của Chú Ðạibi.

Ở Mãn-châu có một vị tài chủ, tậu rất nhiều điền sản. Vào một mùa thu, vị tài chủ này tự mình đi theo bốn, năm xe hàng chở đầy cao lương xuống phố để bán. Bởi vì từ nông thôn đến thành thị cách hơn 150 dặm, nên một giờ sáng y đã khởi hành. Chẳng may đi được nửa đường thì gặp cướp. Thấy thế y lập tức niệm Chú Ðại-bi. Lạ thay! Bọn thổ phỉ bổng như đui mù không nhìn thấy xe của y, nên y an toàn qua khỏi nguy hiểm. Ðó là một trong những sự linh cảm của Chú Ðại-bi mà chính tôi chứng kiến.

Kinh Ðại Bi Tâm Ðà-la-ni dạy rằng: "Kẻ tụng trì chú Ðại-bi có thể tiêu trừ tai nạn: Lửa không thiêu được, nước chẳng dìm đặng." Bởi thế, tôi khuyên các vị mỗi ngày trì tụng tối thiểu ba lần. Nếu vị nào chưa biết niệm thì mau mà học. Công đức trì tụng Chú Ðại-bi không những có thể đẩy lui trộm cướp, mà còn tiêu trừ trăm bịnh, thoát khỏi sự quấy rối của chư ma. Cho nên các vị nên thành tâm tụng trì.

Hôm nay là ngày bắt đầu đả thất, bầu không khí của pháp hội rất phấn khởi và nghiêm trang. Tôi hy vọng các vị nổ lực, ra công tinh tấn.

Giảng trưa ngày 13 tháng 6 năm 1958 tại Tây Lạc Viên, Hồng Kông