A Đào

Chương 1: Cuộc sống bi thảm

Sáng sớm, gà gáy ba tiếng, mặt trời còn chưa lên, màn sương trắng yên bình bao trùm cả thôn, một khoảng sân nhỏ ở phía Đông thôn đã sáng đèn. A Đào nâng cả người đau nhức dậy, đôi mắt còn ngoan cố không mở, nhưng hai tay đã nhanh nhẹn cầm áo khoác mặc vào, vừa vấn mái tóc dài bằng cái kẹp gỗ đặt ở đầu giường, vừa đi về phía phòng bếp.

Đông đông đông, một lát sau trong nhà bếp liền vang lên tiếng dao xắt khoai lang trên tấm thớt. Người đang ngủ ở buồng trong dường như bị tiếng ồn kia làm cho bất mãn, nhặt chiếc giày quăng mạnh lên ván cửa, âm thanh thật lớn tỏ rõ cơn tức của chủ nhân.

A Đào kịp thời thả nhẹ tay, trải miếng giẻ lau lên tấm thớt để giảm bớt tiếng ồn.

Giờ Thìn vừa đến (khoảng 7-9h sáng), A Đào bưng cơm canh lên bàn, sau đó tới góc phía Tây của sân cho heo ăn, rửa tay xong mới đi vào buồng trong hầu hạ. Vương bà tử đã dậy từ lâu, nhưng không muốn động đậy, nằm nghiêng trên giường nhắm mắt dưỡng thần. Nghe tiếng nàng bước vào mới ngồi dậy, vừa để nàng tùy ý mặc quần áo cho mình vừa nói, “Cho heo ăn chưa?”

A Đào gật đầu, giọng nhỏ như muỗi kêu, “Dạ rồi.”

Vương bà tử cũng không rửa mặt, thuận tay cột lại mái tóc dài bạc trắng của mình rồi bước nhanh tới chỗ bàn nhỏ, cầm bánh nướng áp chảo lên ăn, bánh bột ngô vừa khô vừa cứng làm ngực bà ta đau, vội vàng bưng chén cháo bắp húp mạnh hai hơi.

“Còn đứng đây làm gì?” Vương bà tử chuyển mắt qua, thấy nàng đứng ở bên cạnh, không khỏi phiền lòng, lấy chiếc đũa gõ lên bàn: “Dập đầu với trượng phu mày trước rồi đi kêu tiểu thúc ra ăn cơm.”

A Đào cụp mi rũ mắt trở lại căn phòng nhỏ của mình, cúi đầu thật sâu với chiếc bài vị trên bàn cúng, trên bài vị khắc tên Vương Đại Lang của nhà họ Vương, cũng chính là trượng phu của A Đào.

Còn chưa đứng lên nàng đã nghe được tiếng sột soạt ở căn phòng phía đông, chắc là tiểu thúc của nàng – Vương Nhị Lang dậy, nàng tạm thời trốn trong phòng không ra ngoài, nghe hai mẹ con họ nói chuyện trong nhà chính.

“Lại là cháo bắp.” Giọng nói bất mãn của Vương Nhị Lang xen lẫn với tiếng nhai nuốt.

Vương bà tử hừ lạnh, “Nó chỉ biết làm mấy thứ này.”

“Lương thực trong nhà đâu mất rồi?”

“Ai mà biết, ai biết là nó tự ăn hết hay là lén mang cho đám họ hàng vô dụng trong nhà nó.” Giọng của Vương bà tử lớn hơn, “Nhà chúng ta sắp bị nó vét sạch rồi.”

A Đào ngồi phòng trong có chút căng thẳng, nàng đứng dậy, đi tới đi lui trước cửa.

Đoạn đối thoại kia cứ cách vài ngày là sẽ xuất hiện, dù nàng đã quen với sự bất mãn của họ.

“A Đào, mày lại đây.” Giọng nói sắc bén của Vương bà tử truyền đến làm trái tim A Đào siết chặt.

Ngữ điệu đáng sợ kia cho thấy một trận cuồng phong bão táp sắp kéo nhau đến, cả người nàng kháng cự theo phản xạ.

“Mau nói, có phải mày lén giấu lương thực không?”

“Con không có…….” A Đào đứng co ro trước cửa nhà chính, mặt trời bên ngoài hơi lộ ra, làm cho bên trong càng thêm tối.

Thấy dáng vẻ vô tội ấy của nàng, Vương bà tử tức tối hơn, bà ta húp một hơi hết chút cháo còn sót lại trong chén, sau đó quăng thẳng vào đầu nàng. Cái chén rơi xuống đất vỡ thành hai, A Đào che đầu chịu đựng, hai mắt nàng nhìn chằm chằm vào nền đất, không đau lòng chính mình, chỉ đau lòng cái chén bị vỡ kia.

Chờ hai người ăn uống no nê rồi về phòng, A Đào mới bưng mâm tới phòng bếp. Trong mâm còn dư nửa cái bánh, nàng nhét hết vào miệng rồi ra sức nhai, bánh đã vào bụng nhưng cơn đói vẫn chưa dứt, lại vét hết chút cháo trong nồi, lúc này mới dừng.

Trời đã sáng rồi, Vương Nhị Lang mặc một cái áo dài màu xám hơi cũ, ưỡn bụng, phất tay áo rộng thùng thình ra khỏi nhà.

Các nam nhân trong thôn hay tụ tập ở ngôi miếu đổ nát ở đầu thôn Đông, bọn họ đoán xúc xắc, chơi đánh bài, hi vọng cách ‘không làm mà hưởng’ như vậy sẽ khiến họ phất lên sau một đêm.

Vương bà tử ngồi trên chiếc ghế mây trong sân, lười biếng phơi nắng. Bà ta cầm một cây gậy trúc trong tay, lâu lâu lại gõ nhịp vào chân ghế, tiếng vang thanh thúy làm A Đào đang giặt quần áo bên cạnh nơm nớp lo sợ.

Thật vất vả mới giặt xong đống quần áo, lúc nàng đứng dậy đột nhiên cảm thấy hai chân mềm nhũn, dưới thân chảy xuống một chất lỏng ấm áp. Hai mắt nàng tối sầm, thoáng cái ngã khuỵu, chậu gỗ bị lật, quần áo và nước vương vãi đầy đất.

Vương bà tử ngồi ở bên kia kêu lên một tiếng, lề mề ngồi dậy, bà ta tức đến đỏ mắt, cong lưng nhặt hai đôi giày đập vào mặt A Đào, vẫn chưa hết giận, lại cầm gậy trúc quất mạnh vào người nàng. A Đào đau đến nỗi lăn qua một bên, bất chấp chồm dậy chạy trốn, bị Vương bà tử đuổi khắp sân.

Nàng kêu la, nàng cầu xin, nhưng tiếng vù vù của gậy gỗ khi vung lên vẫn vụt thật mạnh vào mấy chỗ lộ da thịt trên tay chân nàng. Có hai người định xuống đồng làm việc đi ngang qua cổng lớn, nghe tiếng la hét, một người trong đó ngoáy lỗ tai, rướn cổ nhắc nhở, “Vương bà tử, đừng có đánh chết đấy, cẩn thận bị kiện.” Nói xong, cười to bỏ đi, dù gì bọn họ cũng quen với chuyện này rồi.

Buổi trưa, nắng rất gắt, mặt trời giữa tháng tư đã bắt đầu mang theo cái nóng hầm hập. A Đào khom lưng cấy mạ, mảnh ruộng nhỏ cong như hình lưỡi liềm này chỉ có thể cấy được một góc.

Trong khi người khác đều đi ăn cơm, nghỉ ngơi, nàng lại không dám lơ là. Vương bà tử bắt nàng cấy xong đám ruộng này trước bữa tối, nàng đang có kinh nguyệt, khom lưng cả một buổi sáng, eo đã sớm cứng như cây cột, vừa đứng thẳng là cả người tê dại như bị kiến cắn, cảm giác sống không bằng chết.

Quá mệt mỏi, nàng vốc một ngụm nước bên con mương gần đó để uống, lá cỏ, rễ cây xen lẫn mùi tanh của bùn lởn vởn quanh đầu lưỡi, từng giọt mồ hôi chảy xuống thấm ướt cổ áo, vừa nóng vừa ngứa.

Hai tay nàng tách ra một bó mạ non rồi vẫy nhẹ cho cỏ dại rớt xuống, công việc vất vả và buồn tẻ này khiến nàng phân tâm, bắt đầu ảo tưởng về tương lai. Nàng ảo tưởng, có lẽ một ngày nào đó ca ca nàng sẽ đột nhiên trở lại thôn Thanh Bạc, mang nàng vào thành trong những ánh mắt hâm mộ của mọi người.

Chợ trong thành nhất định lớn hơn trấn trên nhiều, ca ca sẽ sống trong một khoảng sân rộng hơn sân ở từ đường. Nếu tẩu tử không muốn chứa chấp nàng, nàng sẽ may vá quần áo kiếm tiền, tay nghề của nàng tốt lắm, trước đây, quần áo của nương và ca ca đều do nàng làm, người trong thôn đều nói nàng rất khéo tay, đường kim nhỏ đến mức căng mắt cũng không nhìn ra.

Dù thế nào cũng sẽ tốt hơn ở đây, nàng ngẩng đầu nhìn ba gian nhà nhỏ trên dốc núi, nơi đó âm trầm, đáng sợ như ma quỷ ăn thịt người.

Chờ đến khi trăng non đã trải ra một nửa, A Đào thật sự chịu không nổi nữa, ngồi trên bờ ruộng ăn hai củ khoai lang lúc sáng mang theo. Khoai lang đã nguội ngắt, ăn vào dễ nghẹn và khó nuốt. Một con đỉa định chui vào bắp chân của nàng, không đau lắm, cảm giác giống như bị muỗi cắn, nàng không chút để ý dùng tay kéo ra, con đỉa chưa rớt mà lòng bàn tay đã dính đầy máu.

Giờ Dậu (khoảng 17h – 19h chiều), đám người đang nghỉ ngơi thừa dịp nắng dần dịu đi, nhanh tay cầm nông cụ ra khỏi nhà.

“Ôi chao, A Đào ngươi cấy nhanh thật.”

“Quá lợi hại, sẽ không phải giang nắng cấy suốt đấy chứ?”

“Người quả phụ này thật đáng thương.”

Người trong thôn đi ngang qua thửa ruộng nhà nàng với những tiếng thở dài, ngoài miệng luôn nói nàng đáng thương, nhưng giọng điệu chẳng có tí thương hại nào, ai bảo nàng là quả phụ cơ chứ, chăm sóc bà bà, tiểu thúc, lo việc đồng áng việc nhà đều là chuyện thường tình.

Lúc A Đào cõng mạ đi qua đầu thôn có nhìn thấy miếu thờ trinh nương.

Miếu thờ nằm ngay đường đi vào thôn, đứng sừng sững ở giữa như một cánh cửa. Chiều ngang của tấm biển rộng gần ba thước, phía trên có khắc vài nét vân (*) sơ sài, đỉnh ngói là hình thang.

(một loại hoa văn có hình đám mây, sử dụng rất phổ biến ở thời xưa, mang ý nghĩa cát tường, thăng tiến và như ý)

Năm đó khi nơi này bắt đầu nâng đá tu sửa, nàng còn nhỏ và thường theo mọi người đến xem, giữa cổng chào khắc bốn chữ “trinh khiết thùy phương” (*) thật to, bên cạnh còn có tên của “trinh nương”, từ xa nhìn lại chỉ thấy con dấu to bằng hạt đậu.

(nghĩa là: tiếng thơm về sự trong sạch, trinh trắng sẽ mãi được lưu truyền)

Mỗi tháng, miếu thờ này sẽ nhận được một hộc (*) lúa từ nhà chồng của “trinh nương” và 500 văn tiền do quan phủ ban thưởng, để khen ngợi cốt cách băng thanh ngọc khiết, kính cẩn hiếu thuận của nàng.

(dụng cụ để đo dung tích thời xưa, dung lượng bằng 10 đấu, sau đổi thành 5 đấu)

Trong mắt người dân ở đây, chuyện này rất đáng để ca tụng và kiêu ngạo, miếu thờ này là một cột mốc trong thôn của nàng.

Ánh trăng dần ngã trên đầu cành, tiếng ếch và côn trùng kêu vang khắp thôn, nhà nào cũng thắp một ngọn đèn dầu mờ, khói bếp lan xa, mùi thơm của cơm canh quanh quẩn trước cửa. A Đào cực kì đói bụng, cả người cũng mệt lả, nàng cấy xong một mảng ruộng, còn cắt đầy một sọt cỏ heo về, nếu là nhà khác, mấy chuyện này đều là việc hằng ngày của một nam nhân trưởng thành.

Vương bà tử và Vương Nhị Lang đang ngồi ăn cơm ở trong phòng. Hình như hôm nay Vương Nhị Lang thắng được ít tiền, hắn mua một con gà quay về, xé hai cái cánh cho Vương bà tử ăn với cơm, còn lại bỏ hết vào bụng mình.

A Đào vừa đẩy cửa ra, không đợi nàng thở một hơi, tiếng quát hùng hậu và đanh thép của Vương bà tử đã truyền đến, “Mau cho heo ăn đi, không nghe thấy bọn nó kêu rất to sao?”

“Dạ.”

A Đào kéo sọt cỏ ra sân sau, nàng cũng không sợ dơ, trong lúc cho heo ăn, nhặt lên mấy củ khoai lang luộc còn nguyên vẹn trong máng heo mà ăn. Nàng làm việc cả ngày nhưng không được nghỉ ngơi, khệ nệ xách nước cho Vương bà tử và tiểu thúc rửa chân, ăn mắng nửa ngày, còn phải ra sân, lọc sạch cám để ngày mai nấu cho heo ăn.

Đến nửa đêm, nàng rốt cuộc cũng bò vào phòng, nằm sấp trên chiếc chiếu đơn sơ.

Tuy mệt nhưng nhất thời không ngủ được, trong lòng chỉ hận đêm quá ngắn, ngày quá dài, nếu vĩnh viễn không có bình minh thì tốt biết mấy. Trong lúc mông lung, ánh trăng chiếu xuyên qua ô cửa sổ rách nát, rơi trên bàn cúng, chiếu sáng bài vị của Vương Đại Lang.

Nàng nhớ lại chuyện xưa.

Sau khi phụ thân qua đời, gia đạo trở nên suy sút, vì cho ca ca đi học, mẫu thân làm việc cả ngày lẫn đêm để tích góp tiền, trải qua bao vất vả, lúc ca ca thi đậu tú tài cũng là lúc bà chết vì mệt nhọc quá độ.

Cữu cữu thúc thúc không muốn giúp đỡ, để đóng đủ lộ phí cho ca ca tham gia kì thi hương, nàng chủ động tìm bà mối gả mình đến nhà họ Vương ở thôn Đông.

Vương Đại Lang vốn là một con ma ốm sắp chết, khi A Đào gả đến, hắn đã gần như hấp hối, mua nàng cũng chỉ để xung hỉ, cuộc hôn nhân này biến nàng trở thành một quả phụ khắc phu bị người trong nhà này tìm mọi cách giẫm đạp.