Mê Tông Chi Quốc

Chương 27: hồi thứ năm: stupa

Hồi thứ năm: Stupa

Sấm vang chớp giật, chấn động cả vùng núi hoang dã, mây đen dày đặc vần vũ khắp bầu trời, đột nhiên xuất hiện chiếc tiêm kích vận tải lặng lẽ như chiếc bóng u linh, nó lượn qua đỉnh đầu mọi người, rồi phút chốc biến mất trong màn đêm thăm thẳm.

Nhiều lần có người từng nhìn thấy bóng dáng những "con tàu ma" lảng vảng trong khu vực tam giác quỷ Bermuda, rồi cũng có những quả ngư lôi được phóng ra từ tàu ngầm mấy chục năm về trước, đến nay vẫn lởn vởn ngao du trên mặt biển, nhưng từ trước đến nay chưa hề nghe ai nói, trên bầu trời sẽ xuất hiện một chiếc "máy bay ma" đã mất tích từ hơn hai mươi năm trước.

Trên mỏm núi, đội thám hiểm ai nấy đều tròn mắt kinh ngạc nhìn chăm chú, quả thực khó mà tin được những gì vừa nhìn thấy, lẽ nào chiếc máy bay vừa lượn sát mặt đất khi nãy lại đúng là chiếc máy bay tiêm kích vận tải của không quân Anh bị mất tích trong khe sâu khổng lồ ở núi Dã Nhân? Rốt cục nó là thực thể hay u hồn? Hay chỉ là hình ảnh còn lưu lại từ mấy chục năm trước được truyền dẫn qua sóng điện mây mù, giống như chiếc bóng ảo ảnh xuất hiện bởi hiện tượng khúc xạ ánh sáng?

Ngọc Phi Yến thầm hoang mang trong lòng, giờ đây lại không có Khương sư phụ kinh nghiệm lọc lõi ở bên cạnh nên cô ta càng cảm thấy đơn thương độc mã hơn bao giờ hết. Không kìm nổi cô ta liền quay sang hỏi Tư Mã Khôi: "Anh nghĩ vật chúng ta vừa nhìn thấy là vật gì vậy?"

Tư Mã Khôi lắc đầu bảo: "Cô là thủ lĩnh, lại là dân hối tử trộm mộ, chuyện người sống cô hiểu rõ hơn tôi, chuyện người chết cô cũng thông thạo hơn tôi, bây giờ đến cô còn chả biết thì tôi biết thế quái nào được?"

Ngọc Phi Yến hận Tư Mã Khôi đến nỗi nghiến răng ken két, nhưng cũng không biết phải làm sao đành vớt vát: "Bây giờ tôi cũng chẳng có cách gì giải thích, nhưng tôi thấy chiếc máy bay tiêm kích bay trên trời hình như hướng về mỏm núi phía đối diện, chúng ta đành đến đó xem rốt cục nó là gì, rồi phân tích phán đoán sau cũng chưa muộn."

Tuy chưa đến lúc mặt trời lặn, nhưng dưới ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới cuồng bạo, trên đầu mây đen bủa vây, cả vòm trời đen thui như đít nồi, nên cho dù hai người đứng gần nhau mặt đối mặt, thì vẫn chẳng thể nhìn rõ đối phương, còn những dụng cụ chiếu sáng mang theo người giờ đây gần như không thể phát huy tác dụng. Đội thám hiểm chỉ còn biết mượn ánh sáng lóe lên trong khoảnh khắc ngắn ngủi của những tia sét rạch ngang bầu trời để lần mò qua cánh rừng rậm um tùm, truy lùng theo phương hướng mất hút của chiếc bóng máy bay quái dị, khó nhọc tiến từng bước về phía trước.

Cơn cuồng phong ù ù gầm rít thét gào, cuốn cả cánh rừng nguyên sinh trong núi Dã Nhân vào vòng xoáy của nó, tiếng sấm réo ùng ùng ngầm dự báo cơn mưa dữ dội như trút nước sắp tràn về. Dưới sự công kích của cơn bão nhiệt đới hung bạo, gần như tất cả khu vực trong rừng đều trở nên nguy hiểm, bất cứ lúc nào cũng có khả năng xảy ra lũ lụt, lở đất trượt đá.

Thế nhưng căn cứ theo ghi chép của không quân Anh để lại thì khe núi khổng lồ nằm ở phần bụng núi Dã Nhân là một nơi có dải địa hình tương đối hiếm có. Nó vốn là hẻm núi được hình thành do lòng núi khô cạn bửa ra làm đôi. Nếu dùng cách miêu tả trực quan hơn, thì khe núi khổng lồ này chính là một tòa huyệt động nằm ẩn sâu dưới lòng đất. Có thể suy đoán, nó được hình thành bởi những mạch nước không ngừng lõm xuống từ hàng triệu năm trước, độ sâu lên đến hàng ngàn mét, hướng chạy của sơn động gần như vuông góc với mặt đất, cửa động tương đối nhỏ hẹp, càng vào trong càng rộng rãi hơn. Đây là một hiện tượng địa chất vô cùng đặc biệt, nó không dễ bị lũ lụt từ những nơi thấp đổ về. Đối với đội thám hiểm mà nói, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, chỉ cần nghĩ cách tránh không để đất đá trong lòng núi sụt lở rơi trúng người, thì vào sâu trong lòng động lại là biện pháp an toàn hơn cả.

Ở nơi sâu trong khe núi khổng lồ, quanh năm sương khí mịt mù, chẳng ai rõ rốt cục đám sương mù dày đặc đó là thứ gì, càng không rõ căn nguyên xuất hiện của nó. Mấy chục năm trước, chiếc tiêm kích vận tải của quân đội hoàng gia Anh rơi xuống núi, lại vừa vặn mất tích trong biển sương mênh mông.

N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m. Khi ấy, do ảnh hưởng của việc thay đổi thời tiết, vị trí của mây mù xuống tương đối thấp, có thể thấp thoáng nhìn thấy cửa động sâu hun hút của khe núi, vậy mà trải qua một quãng thời gian dài, lượng sương mù từ nơi sâu trong khe núi đã trào ra, phủ kín khắp phạm vi mấy chục cây số vuông, thành ra rất khó phán đoán vị trí của nó một cách chuẩn xác.

Đội thám hiểm do Ngọc Phi Yến dẫn đầu, vốn định thông qua con đường Stilwell để tiếp cận khe núi, như vậy sẽ tránh được những trở ngại do các nhân tố tự nhiên bao vây phía ngoài núi Dã Nhân gây nên, rồi từ huyệt động dưới lòng đất tìm kiếm lối ra bị sương mù che khuất.

Kế hoạch là vậy, nhưng trong thời gian thực hiện lại có quá nhiều biến cố xảy ra, giờ đây khí hậu thay đổi dữ dội, trong biển cây cối xanh mênh mông, lại càng khó phán đoán chính xác phương hướng. Cả đội đành phải hành sự theo diễn biến tình hình thực tế, tỏa ra truy lùng cái bóng bí ẩn của chiếc phi cơ ma quỷ biến mất sau mỏm núi. Đây là đầu mối duy nhất hiện có trong tay, đồng thời cũng là tia hi vọng sống còn của cả đội.

Hai người Tư Mã Khôi và La Đại Hải lần mò từng bước trong rừng rậm đi trước mở đường. Tất cả những gì tầm mắt họ có thể nhìn thấy chỉ là tàn tích của những bức tường thành tan hoang sụp vỡ, trải qua bao bãi bể nương dâu, bị gió mưa xâm thực phá hủy. Tháp cổ đổ nát khắp nơi, chỉ còn lại mỗi cái móng trơ gan cùng tuế nguyệt. Thấp thoáng ẩn hiện dưới bức màn thảm thực vật um tùm dày kín, là một bức tượng điêu khắc hình đầu người to lớn khác thường nằm đổ ngang trên mặt đất, từ sau những rễ cây cổ thụ đan kết ngoằn ngoèo chồng chéo lên nhau, đôi mắt tượng chiếu ánh nhìn đăm đăm khiến người ta không khỏi cảm thấy rợn tóc gáy.

Càng đi vào sâu, vết tích càng nhiều. Rõ ràng trong những năm tháng xa xưa, đã trôi vào dĩ vãng từ rất lâu, núi Dã Nhân quả thực từng có một thời đoạn lịch sử rất đỗi huy hoàng, nhưng rốt cục đó là nền văn minh hiển hách như thế nào? Vì sao lại không hề có bất kỳ tài liệu ghi chép liên quan nào? Và ai, xuất phát vì mục đích gì đã cố tình hủy hoại tất cả những vết tích cổ xưa vốn có thể vén bức màn bí mật che đậy gương mặt thật của nó?

Dân gian Miến Điện còn lưu truyền một thuyết pháp: "Để bảo vệ bí mật chôn vùi trong núi Dã Nhân, người xưa đã cài đặt trùng điệp những cạm bẫy và trở ngại, làm cho bất kỳ kẻ nào có ý đồ rình trộm bí mật này, đều dính lời nguyền tà ác, cho dù chết đi cũng khó lòng giải thoát". Bởi vậy mà người bản địa sợ núi Dã Nhân hơn cả sợ quỷ, không ai dám lại gần nó nửa bước.

Rất lâu trước đây, Tư Mã Khôi đã sớm nghe đồn về những truyền thuyết này, lúc đó anh còn không tin lắm, nhưng giờ đây khi bản thân cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, thì mới hiểu trong núi Dã Nhân quả thực ẩn chứa quá nhiều bí mật. Tuy anh tham gia quân đội nhân dân cộng sản Miến Điện gần chục năm, nhưng lại không biết rõ lắm về lịch sử cổ đại của Miến Điện, Campuchia. Anh vừa đi vừa hỏi Ngọc Phi Yến ở phía sau: "Theo cô, trong núi có mộ cổ không?"

Ngọc Phi Yến trả lời: "Tôi chưa bao giờ nghe nói trong núi Dã Nhân có huyệt mộ gì cả. Những nước Đông Nam Á như Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam v.v... đều bị nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại ảnh hưởng sâu sắc, nên lăng tẩm các đế vương quý tộc trong lịch sử vô cùng chú trọng đến vấn đề thành phủ thâm u. Tất cả những di tích mà chúng ta vừa gặp trên đường tuy rằng cổ quái, nhưng không giống với hình dáng những loại tồn tại trong mộ táng, về điểm này, tôi khẳng định không thể nhìn lầm."

Tư Mã Khôi phán đoán: "Nhưng ngọn núi sâu này lại có vẻ còn thần bí hơn cả thành phủ trong mộ cổ; xem ra việc tìm kiếm chiếc máy bay tiêm kích bị mất tích của quân Anh còn khó khăn gấp nhiều lần so với dự tính. Theo tôi đoán, khe núi khổng lồ ở núi Dã Nhân quá nửa là tồn tại một vật gì đó mà chúng ta khó lòng tưởng tượng nổi."

Ngọc Phi Yến cũng có cùng linh cảm như vậy, cô gật đầu nói: "Đúng là một cõi u mê tăm tối, nghe vô thanh, nhìn vô ảnh, thần quỷ khó lường..." đang nói nửa chừng, bất chợt cuồng phong mang theo vô số những giọt mưa to như hạt đậu nành từ giữa không trung xối xả giội xuống, đánh rát cả mặt, làm mọi người không thể ngẩng mặt lên nổi, Ngọc Phi Yến hạ kính chắn gió trên mũ dã chiến xuống, sau đó đưa mắt nhìn lên nơi cao, thúc giục hội Tư Mã Khôi: "Trận mở màn của Stupa đã bắt đầu, nếu các anh không muốn mất mạng, thì phải đi nhanh hơn mới được."

Tư Mã Khôi biết, trong tiếng Miến Điện, "Stupa" là phiên âm của từ "Buddha". Nghe nói từ này bắt nguồn từ Ấn Độ, nước lân bang phía tây Miến Điện, chính xác hơn thì đó là tiếng Phạn của người Ấn Độ cổ, nghĩa gốc của nó vốn để chỉ tháp cổ, còn có nghĩa là ngôi mộ hình vuông hoặc hình tròn, bởi vì tháp ở Ấn Độ đều là những mộ phần để an táng thi hài các bậc thánh tăng hoặc nơi cất đặt xá lị Phật tổ. Bởi vậy từ Buddha, ngoại trừ chỉ tháp Phật ra, còn ngầm có một tầng ẩn ý ám chỉ việc "mai táng".

Chẳng rõ ai đã đặt tên cho cơn bão nhiệt đới đến từ Ấn Độ Dương, di chuyển với tốc độ 140 km/h này là Stupa. Nhưng theo thông lệ từ trước đến nay, phàm những cơn bão có tên hiệu liên quan đến thần phật, thì cấp độ đều không thể là loại nhỏ, nó chắc chắn sẽ mang theo thiên tai với quy mô nhất định. Những nơi bão quét qua đều khiến nhà đổ cửa sập, ngay cả cây cổ thụ ngàn năm tuổi cũng bị nhổ bật gốc rễ, bởi sức tàn phá của nó giống như sức mạnh vô biên của Phật tổ, tát bể dời non, khiến chúng sinh chốn trần gian khốn đốn, không thể chống cự.

Miền Trung và miền Nam Miến Điện là khu vực đồng bằng bình nguyên, thuộc dải khí hậu nhiệt đới gió mùa mang theo mưa lớn, nhưng sang miền Bắc, địa hình bắt đầu thay đổi với hệ thống đồi núi phức tạp, càng ngược về Bắc càng xuất hiện nhiều núi cao vực thẳm, rừng rậm hang sâu. Còn về khu vực núi Dã Nhân, thì hẳn là nơi đường xa núi hiểm, từ xưa đến nay trước sau đều rơi vào trạng thái tuyệt đối kín bưng. Cơn bão nhiệt đới từ vùng ven biển cập vào đất liền, sau khi xuyên qua vùng bình nguyên rộng lớn ở miền Trung, thì lại gặp sự cản trở của vùng sơn địa, khiến sức gió dần dần giảm xuống, bởi thế nếu là những cơn bão có quy mô nhỏ thì rất khó chạm tới núi Dã Nhân. Nhưng giờ đây, cơn bão nhiệt đới Buddha thực sự đang cuồng bạo, dữ dội chẳng khác chi Stupa, nên núi Dã Nhân Bắc Miến mới đành thúc thủ chịu sự khảo nghiệm hà khắc của trời đất. Thảm thực vật sinh sôi nảy nở um tùm rậm rạp ở đây, cùng với vô số huyệt động nông sâu khác nhau đều là những tác nhân khiến địa tầng và lòng núi trở nên yếu ớt khác thường, nên nếu không tìm được nơi ẩn nấp an toàn thích hợp, thì dãy núi cao trập trùng bị rừng nguyên sinh che phủ này sẽ thực sự trở thành mộ địa chôn thây tất cả các thành viên của đội thám hiểm.

Tư Mã Khôi tự biết cân đối thiệt hơn, hiểu rằng không thể lề mề chậm chạp. Anh và Hải ngọng, hai người đội mưa to gió lớn liều mạng phạt đứt những lùm cây bụi dây leo rậm rịt cản đường, gắng sức leo lên các mỏm núi phía trên cao. Tư Mã Khôi cũng liệu định trước, nơi sâu trong khe cốc ở núi Dã Nhân chắc chắn tiềm ẩn vô số hiểm nguy ghê gớm. Trước đây, không biết bao nhiêu nhà thám hiểm và đội cứu nạn đặc phái của quân đội đều bỏ mạng ở trong này. Quân Anh, quân Mỹ hoàn toàn bó tay bất lực với nó. So với đội quân được trang bị vũ khí khoa học tối tân đặc biệt, thì mấy kẻ sống sót vừa may mắn bước ra từ lãnh địa của thần chết như hội anh có thể tìm thấy món hời gì ở nơi đây? Nhưng tình thế ép người ta làm liều, biết rõ đã đi là chẳng còn đường về, nhưng cũng không thể không hô quyết tâm mà ngẩng đầu ưỡn ngực lao vào.

Đội thám hiểm dò dẫm đi từng bước nơi gần đường gờ của mỏm núi. Trong cơn mưa như trút giăng mắc mịt mùng khắp cánh rừng, mượn ánh sáng của sấm chớp, mọi người nhìn thấy lòng núi dưới chân gồ đội lên như hình nón, Trong khi chóp nón giống như bị ai đó phạt đứt, lộ ra một hẻm núi khổng lồ, rộng rãi, sâu hun hút. Vết nứt không theo quy tắc vươn dài ra hai đầu Nam Bắc, dài đến mười mấy cây số, chỗ hẹp nhất cũng rộng không dưới mấy trăm mét, giống như một cái miệng rộng ngoác, đen ngòm đang há to trên bề mặt núi, giống như cánh cửa thông với địa ngục đang mở ra ngay trước mắt.

Phần lộ ra trong lòng núi là những tầng nham thạch màu xanh đen, treo lủng liểng vô số loài dây leo, khiến nó trông càng sặc sỡ và quái dị hơn. Mưa gió từng cơn liên tục nối tiếp, đã khiến màn sương mù dày đặc trào ra từ lòng đất bị tiêu tan hoàn toàn, nhưng ở nơi sâu trong khe núi khổng lồ của núi Dã Nhân vẫn miên man mây mù, u tối mênh mông, chẳng thể nhìn thấy đáy.

Trước đây, mọi người không chỉ một lần thử tưởng tượng xem khe núi khổng lồ trong núi Dã Nhân, nơi chiếc máy bay tiêm kích bị mất tích, rốt cục trông như thế nào, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì chẳng qua cũng chỉ hình dung nó là một hẻm núi sâu trong lòng núi, chắc chắn không thể hùng vĩ nguyên thủy như hẻm núi Grand Canyon ở Mỹ, cũng không thể khí nuốt vạn tượng như thung lũng Great Rift ở châu Phi, chỉ có điều nó là một huyệt động nằm sâu dưới lòng đất và hướng chạy dựng đứng mà thôi.

Thế nhưng đến tận thời khắc này, khi mọi người mạo hiểm băng qua làn mưa như thác đổ, đứng trên mép vực của khe núi, họ mới thực sự cảm nhận một cách sâu sắc về địa thế đáng sợ, nguy hiểm tột cùng của nó. Những người từng tận mắt chứng kiến, đều không thể không kinh hoàng, bởi đứng trước nó sẽ khiến bạn vô thức nảy sinh ảo giác như thể đang đứng trước vực thẳm sâu vạn trượng, và chỉ cần nhìn lâu một chút sẽ lập tức hoa mắt chóng mặt, dường như dưới lòng đất có một thế lực khủng khϊếp vô hình nào đó đang tồn tại, khiến người ta lạnh thấu tim phổi. Đó là cảm giác chấn động bàng hoàng khó có thể diễn tả bằng lời, là sự trống rỗng từ một nơi xa xôi, sâu thẳm nào đó trong linh hồn, là nội hàm to lớn không thể đo lường.