Ngôi Sao Lấp Lánh, Thật May Mắn Quá Thay

Chương 1

Đấy là một tòa nhà được xây từ gạch bùn, tổng thể hình một đường thẳng, chia đều thành ba gian, gian giữa là đại sảnh kiêm phòng ăn đã mấy đời, hai gian ở hai đầu là phòng ngủ, Du Thái Linh sống trong gian phòng ở chái Đông. Phòng ngủ khá đơn giản, vách tường màu vàng đắp bằng bùn mịn được mài nhẵn bóng, trên nền đất có một cái lò hình vuông to tướng dường như được làm bằng đất sét, trông đơn sơ cũ kỹ song hiệu quả sưởi ấm lại thật bất ngờ. Kế tiếp, đến Du Thái Linh xưa nay bình tĩnh là thế mà cũng suýt bất tỉnh vì sợ…

Trong phòng không có giường cũng chẳng có ghế, chỉ có một khúc gỗ sơn bóng trên nền nhà tạo thành một miếng phản phẳng trông như bậc thang, chiếm một phần ba diện tích căn phòng. Trên tấm phản được trải một lớp chăn nệm là thành giường, bên cạnh có mấy miếng đệm bông hình tròn dùng làm ghế, ngoài ra còn có một chiếc bàn con hình vuông dùng làm bàn ăn. Du Thái Linh đã từng xem mấy bộ phim cũ của đạo diễn Akira Kurosawa*, cảm thấy khá giống nội thất kiểu Nhật cổ xưa khắc khổ.

(*Kurosawa Akira được coi là một trong những nhà làm phim quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh, ông đã đạo diễn 30 bộ phim trong sự nghiệp kéo dài 57 năm và gặt hái được nhiều giải thưởng lớn.)

Mười mấy ngày trước khi vừa tỉnh dậy, ngoài cơn nhức đầu đau đớn thì cô còn sợ tới mức suýt ngất bởi suy đoán này, hận không thể chết thêm lần nữa. Trên thực tế, quê cô là một trấn nhỏ thuộc Giang Nam nằm trên tuyến đường 1800 được bao quanh bởi những ngọn núi, hơn trăm dặm ngôn ngữ đã khác biệt rồi, nên tổng cộng chỉ gặp được hai tên quỷ* vượt trăm cay nghìn đắng băng đèo lội suối đến thôi. Về sau nghe thanh niên đi làm công nhân ở thành phố lớn quay về nói mới hay, mấy kẻ có ngoại hình như thế chính là quỷ. Cụ trưởng làng tức giận bảo, nếu sau này dân làng mà còn gặp lại chúng, nhất định phải trộn thuốc chuột vào khoai lang củ cải rồi đem cho. Tiếc là về sau quỷ không tới nữa, nên cũng chẳng có dịp dùng đến thuốc chuột.

(*Từ gốc là 鬼子 (quỷ), cách gọi người ngoại quốc của người Trung Hoa cũ.)

Mãi đến sau khi dựng nước, chính phủ phá núi nới rộng thung lũng, sửa đường xây cầu với đào đường hầm thì quê cô mới dần dần biến thành thị trấn nhỏ duy nhất của bốn phía quanh Sơn Thôn.

“Nữ công tử*, tới giờ uống thuốc rồi.” Một người phụ nữ đứng tuổi bưng một khay gỗ vuông vức thật to vào phòng, đoạn quay sang nói với cô bé đang vén rèm bông cạnh đó, “A Mai, buông rèm xuống đi, ngoài trời lạnh lắm.”

(*Tương tự với ‘tiểu thư’, cách gọi con gái nhà quyền quý trước thời Xuân Thu.)

Du Thái Linh vội hoàn hồn, ngồi lại đàng hoàng (mà nói cho đúng là quỳ). Người đàn bà kia đặt khay lên chiếc bàn dài, trên khay là một hai chiếc bát sành một lớn một nhỏ, bát to đựng thuốc nóng hổi, bát nhỏ đựng mứt hoa quả. Du Thái Linh cầm bát sành lên nhấp một hớp, vị đắng lập tức lấp đầy khoang miệng, đúng là còn khó uống hơn cả thuốc trừ sâu, dĩ nhiên là cô chưa từng uống thuốc trừ sâu.

Sau đó cô nhón lấy miếng mứt sên đường cho vào miệng ngậm, đồng thời quan sát người đàn bà ngồi ở đối diện. Bà ấy bảo Du Thái Linh gọi mình là Trữ, nhưng Du Thái Linh không quen dùng một chữ để gọi người khác – vì điều đó khiến cô nhớ đến cái tên gọi chung khi bà chủ tiệm làm tóc đa năng trên thị trấn cất cái giọng ỏn ẻn gọi N nhân tình của mình. Rặt nỗi không biết phong tục địa phương nên cô không dám gọi bậy. Hôm trước mới nghe A Mai nói ở làng bên có một đứa bé gặp ác mộng nói lung tung, bị vu sĩ dốc cho một bát thuốc tro bùa chú suýt đi tong nửa cái mạng, thế nên cô cũng chỉ gọi ậm ờ cho qua, ai biết quả thực chỉ gọi người phụ nữ đó là Trữ thôi cũng được.

Người phụ nữ tên Trữ có khuôn mặt chữ điền với vóc người tráng kiện, vẻ mặt nghiêm nghị, mặc thâm y* có vạt áo ngắn bằng vải bố màu tro, quần không quá dài để lộ gấu, ắt là để tiện làm việc. Không giống như đồ cô đang mặc, dẫu không phải lụa là nhưng được may bằng vải bông rất dày, quấn một vòng quanh hông, dài tới mu bàn chân, còn bé gái A Mai chừng mười tuổi bên cạnh thì ăn mặc càng đơn giản hơn, chỉ mặc mỗi áo bông ngắn, bên dưới là quần bông thật dày chạy khắp sân.