Tống Tích đặt thức ăn lên bàn rồi kéo Bùi Tu Vân vào bếp.
“Triệu Minh Đức kia hay bắt nạt con lắm đúng không?” Bùi Tu Vân múc một gáo nước giếng trong thùng, vừa rửa tay vừa hỏi.
Tống Tích lắc đầu, nhìn chằm chằm những ngón tay thon dài đan vào nhau của chàng, đáp: “Huynh ấy là một tên ngố, suốt ngày cứ làm chuyện tào lao trước mặt con thôi ạ.”
“Suốt ngày?” Bùi Tu Vân lên tiếng hỏi.
“Vâng, người thấy huynh ấy cưỡi con trâu ngốc kia kìa, có màng tới ai đâu. Thế mà hết lần này đến lần khác, hễ thấy con là to mồm. Hôm nay còn ngồi bên đường để câu cá nữa chứ, nói cái gì mà ‘Khương Thái công câu cá, chờ người nguyện mắc câu.’ Người nói xem, huynh ấy có bệnh không cơ chứ?”
Bùi Tu Vân rút một cái khăn tay từ ống tay áo của mình ra, gấp lại hai lần thành một hình vuông, nhúng vào nước giếng.
“Lại đây.” Chàng giang rộng đôi tay, ôm nàng vào lòng. Tấm vải lụa vừa ướt vừa lạnh đắp trên trán nàng, nhẹ nhàng lau dần xuống dưới.
“Đương mùa mưa, nhiều hơi ẩm. Con về đến nhà nhớ phải rửa mặt.” Chàng cúi thấp đầu, hơi thở thanh mát lan ra, ấp áp như làn gió xuân, phủ xuống mặt nàng.
“Dạ.” Tống Tích đáp.
“Sau này con cách xa Triệu Minh Đức một chút.” Chiếc khăn tay nhẹ lau khóe mắt của Tống Tích, để lại xúc cảm man mát như chất giọng róc rách của chàng.
“Dạ.”
Chiếc khăn tay dừng ở cổ của nàng, Bùi Tu Vân không mở mắt, vừa định lấy khăn tay về thì cổ tay chợt bị Tống Tích bắt lấy.
“Để con lau cho.” Tống Tích nhận lấy khăn lụa rồi kéo cổ áo ra, để lộ cần cổ trắng ngần.
“Con… con sao mà…” Bùi Tu Vân vội quay người đi, giơ ống tay áo rộng che khuất nửa khuôn mặt.
“Dạ? Con tiện tay lau cổ chút thôi…” Tống Tích qua loa lau cổ vài cái rồi kéo áo lại, sau đó nhúng khăn lụa vào trong nước.
“Để con phơi khô chiếc khăn này rồi sẽ trả lại cho tiên sinh.” Nàng ôm lấy cánh tay Bùi Tu Vân, cười nói.
Bùi Tu Vân rũ mắt, liếc thấy làn da trắng như tơ, mịn như lụa trên cổ nàng, lại thấy rối lòng.
Trở về bàn ăn, Tống Tích dùng hai tay để mở cái nắp đan bằng trúc của hộp đựng thức ăn ra.
Trong hộp có hai bát canh lớn màu trắng xanh được đậy bằng cái nắp cùng màu. Tống Tích cẩn thận bưng một bát ra, đặt xuống trước mặt của Bùi Tu Vân. Trong hộp còn có hai đôi đũa đen bằng gỗ và hai cái khay gác đũa. Tống Tích lấy cái khay gác đũa, đặt bên cạnh bát canh rồi lại gác đôi đũa lên đó.
Nàng cũng bưng cho mình một bát canh, đương lúc định mở ra thì bị Bùi Tu Vân giữ nắp lại. Bùi Tu Vân đứng lên, bày bát đũa tươm tất cho nàng.
Tay Tống Tích vỗ vỗ mặt nắp, sắc mặt đầy chờ mong, hỏi: “Con ăn được chưa ạ?”
Bùi Tu Vân nhẹ nhàng gật đầu.
Tống Tích mở nắp, hóa ra là một tô mì lươn xào tôm. Từng khúc lươn được cắt đều, tôm sông trắng nõn ngon mắt, nước mì đậm đà hương quê. Nàng gắp một đũa mì rồi đưa vào miệng. Sợi mì dai dai, thấm vị lươn và tôm sông, ngon đến mức khiến ngón trỏ phải quắn quéo.
“Giờ hết sợ lươn rồi à?” Bùi Tu Vân cũng cầm đũa lên, ăn một cách từ tốn.
“Không sợ, đương nhiên không sợ rồi ạ! Ăn ngon thế này sao con lại sợ được chứ?” Tống Tích ăn đến hai má phính ra, hớn hở đáp.
Bỗng, nàng khựng lại, “Tiên sinh, sao người biết…”
Bùi Tu Vân gắp miếng lươn lên, ung dung mà ăn.
“Tiên sinh?” Nàng nghi ngờ hỏi.
Bùi Tu Vân đứng dậy, khom người dùng đuôi đũa gõ nhẹ lên trán nàng, “Sau này Triệu Minh Đức sẽ không bắt lươn dọa con nữa đâu.”
Đôi mắt Tống Tích sáng bừng, cười nói: “Đa tạ tiên sinh!”
“Con lươn hôm nay đã dọa con sợ, giờ đang nằm trong bát của con rồi đấy.” Chàng dùng ngón tay xoa xoa chỗ mình vừa gõ, tiện tay vén lại một lọn tóc đen đang che mắt nàng.
Tống Tích ngước mắt, ngắm nhìn mi mày như vẽ [1], mắt sáng như sao của chàng, trái tim không khỏi đập mạnh.
Nàng luống cuống cúi đầu, gắp một miếng thịt tôm. Thấy sợi tôm trên lưng nó đã được nhặt sạch sẽ, nàng lại nghĩ đến đôi bàn tay hằn rõ khóp xương kia đã từng bước từng bước từ lột vỏ tôm đến rút chỉ tôm,
Lòng càng thêm loạn.