Thượng Hải Hộ Quốc Quốc Tức Tai Pháp Ngữ

Chương 1: Lời Tựa Cho Tác Phẩm Ấn Quang Đại Sư Khai Thị Lục

---o0o---

Thế gian biến loạn do đâu? Nói gọn một lời: Do tâm tham - sân - si của chúng sanh tạo nên mà thôi. Tâm tham thuận theo sự hưởng thụ vật chất càng tăng trưởng mãnh liệt, hễ có chút gì chẳng toại ý liền ganh đua ngay. Nếu vẫn chẳng toại ý liền có công kích, chiếm đoạt, đấu đá khiến cho tử vong, tai nạn đi theo. [Bởi đó] dịch lệ đói kém theo đó [xảy ra], hết thảy tai họa theo đó [phát khởi]. Lửa sân hừng hực, cả thế giới cháy sạch thành tro. Chỉ mình đức Như Lai ta xiển dương sự thật Khổ, Không để trị lòng tham của chúng sanh, hoằng dương tông chỉ từ bi để trị lòng sân của chúng sanh. Ngài lại dạy pháp môn Tịnh Ðộ để chỉ dạy chúng sanh con đường lìa khổ hưởng vui, phương tiện vượt ngang ra khỏi tam giới. Là Phật tử, tin vào thể tánh bình đẳng của pháp giới, hiểu rõ tướng trạng nhân - quả, khổ - vui, biết công dụng tự - tha (ta - người), cảm - ứng, khởi vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, ngày nào nỗi khổ của chúng sanh chưa trừ thì ngày đó trách nhiệm của kẻ thất phu chưa tận, nên trong ngày ấy, các sự nghiệp thỉnh pháp, tùy học, sám hối, cúng dường chưa thể ngưng nghỉ được. Tông chỉ kiến lập pháp hội Hộ Quốc Tức Tai của Bồ Ðề Học Hội và các hội viên đã giống như thế, mà lão pháp sư Ấn Quang phó hội diễn thuyết cũng do bổn hoài ấy. Ðạo lý Hộ Quốc Tức Tai nào phải cầu nơi khác đâu! Nếu ai nấy chẳng làm các điều ác thì những sự tổn hại chúng sanh đều sẽ chẳng ai làm, tham - sân chẳng đủ để tạo thành tai họa vậy! Ai nấy có thể vâng làm các điều thiện thì hết thảy những việc lợi ích chúng sanh không gì là chẳng làm, quốc gia ắt đạt đến cảnh bình trị vậy! Ai nấy có thể tu hạnh Tịnh Ðộ thì sẽ tự tịnh ý mình. Một niệm niệm Phật thì một niệm tương ứng với bi tâm của đức Di Ðà. Niệm niệm niệm Phật thì niệm niệm tương ứng với bi tâm của đức Di Ðà. Tịnh niệm tiếp nối, tham - sân tự trừ. Nếu thật sự được như thế thì Sa Bà chính là Tịnh Ðộ, còn lo chi cõi nước chẳng yên, tai nạn chẳng dứt nữa ư? Yếu nghĩa trong những lời khai thị nhiều phen của Ðại Sư chẳng ngoài điểm này. Nguyện ai đọc đến cuốn Ngữ Lục này sẽ tin nhận, vâng làm theo. Ðọc rồi mới biết trong đạo lý Hộ Quốc Tức Tai, hễ buông bỏ pháp môn Tịnh Ðộ thì còn pháp nào thích hợp nữa! Mùa Ðông năm Bính Tý, Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã kính đề tựa

---o0o---

TRIỆT NGỘ ĐẠI SƯ KHAI THỊ

Một là tin hễ có sanh ắt có tử, khắp cả thiên hạ từ xưa đến nay chưa hề có ai tránh khỏi. Hai là tin nhân mạng vô thường, hơi thở ra tuy còn, hơi hít vào khó giữ, một hơi thở hít chẳng vào thì đã thành đời sau. Ba là tin đường luân hồi hiểm trở, một niệm lầm lạc liền đọa nẻo ác. Ðược thân người như đất đọng trên móng tay, mất thân người như đất trong đại địa. Bốn là tin nẻo khổ dài lâu, một phen chịu báo trong tam đồ là cả năm ngàn kiếp, biết khi nào mới ló đầu ra nổi! Năm là tin lời Phật chẳng hư dối, vầng mặt trời, mặt trăng đây làm cho còn rơi rụng được, núi chúa Diệu Cao còn làm cho khuynh động được, chứ lời chư Phật chẳng hề sai khác. Sáu là tin thật có Tịnh Ðộ giống hệt như Sa Bà hiện tại, hiện hữu rành rành. Bảy là tín - nguyện liền sanh, nay mình đã nguyện thì nay mình sẽ sanh. Kinh đã giảng rõ, nào dối ta đâu! Tám là tin [vãng] sanh rồi sẽ chẳng thoái, cảnh thù thắng, duyên mạnh mẽ, tâm thoái chuyển chẳng khởi. Chín là tin một đời thành Phật, thọ mạng vô lượng, việc gì chẳng xong! Mười là tin pháp vốn duy tâm. Duy tâm có hai nghĩa: cụ (có đủ tất cả) và tạo (tạo ra tất cả). Các pháp [vừa nói] như trên tâm ta sẵn đủ, đều do tâm ta tạo ra. Do tin lời Phật thì tạo thành bốn pháp sau (tức là từ điều 5 đến điều 8); chẳng tin lời Phật chỉ tạo ra bốn điều trước (điều 1 đến điều 4). Vì thế tin sâu lời Phật là tin sâu tự tâm; tu Tịnh nghiệp, đầy đủ mười thứ tín tâm này thì sanh về Lạc Ðộ như đưa bằng khoán lấy về vật xưa, nào khó khăn gì! Tháng 7 năm Giáp Tý, Nột Ðường Ðạo Nhân viết.

---o0o---