* Như Lai thuyết pháp hằng thuận chúng sanh. Gặp cha nói Từ, gặp con nói Hiếu, ngoài tận hết luân thường, trong tiêu trừ tình lự. Nếu như khôi phục được chân tâm vốn có thì gọi là Phật đệ tử, chứ nào có phải vì đầu tóc mà luận đâu!
Huống nữa, quý hương (làng) tuốt trong núi sâu, người biết pháp ít ỏi. Kẻ cao minh vì chẳng thông ngôn ngữ nên đều chẳng đến
đấy. Hãy cậy vào lòng thành ấy, kiệt lực học đạo, tu hiếu đễ, ngõ hầu cảm hóa xóm giềng. Trai giới thành lập, gϊếŧ trộm da^ʍ liền tiêu.
Nghiên cứu kinh luận Tịnh Độ ắt hiểu yếu đạo xuất thế. Thọ trì An Sĩ Toàn Thư sẽ hiểu khuôn mẫu tốt lành khiến cuộc đời thuần dịu. Dùng pháp môn Tịnh Độ khuyên dụ cha mẹ, dùng pháp môn Tịnh Độ dạy con và người thân bè bạn, chính là vì sanh tử đại sự đau đáu lo cho thân sau.
Chẳng cần phải chọn riêng một nơi mà gia đình liền thành đạo tràng, cha mẹ, anh em, vợ con, bằng hữu, thân thích, người quen biết đều thành pháp quyến. Tự hành, dạy người, miệng khuyên, thân siêng gắng khiến cho mọi người cùng quy hướng Tịnh Độ, đều thoát khổ luân, đáng gọi là bậc cao tăng còn để tóc, là đệ tử Phật tại gia vậy!
* Hai vị lệnh thân hiện còn sống thì hãy nên dùng những cảm ứng, sự tích của pháp môn Tịnh Độ để thường giảng nói khiến họ phát tâm hoan hỷ, tin nhận phụng hành. Nếu chẳng coi đấy là hiếu, dù có tận sức làm hết những điều thế gian coi là hiếu, rốt cuộc có ích lợi gì cho cha mẹ đâu?
Vua Đại Vũ là đại thánh nhân, vẫn chẳng cứu được hồn [cha là] Cổn hóa thành Hoàng Nai (chữ Năng đọc thành Nai, có nghĩa là con ba ba có ba chân) sống trong Vũ Uyên. Thấy vậy chẳng nên kinh sợ, tỉnh ngộ mong dẫn dắt thần thức cha mẹ cao dự hải hội, thân cận Di Đà hòng chứng được vô lượng quang thọ vốn có sẵn trong tâm ư?
Cư sĩ Chí Liên dù giỏi khổ hạnh, nhưng chỉ e với tông chỉ Tịnh Độ vẫn còn có điều chẳng biết, hoặc có tâm cầu chuyển nữ thân hoặc mong sanh vào chốn an vui trong đường trời người nên chẳng thể buông xuống triệt để được, đến nỗi vô biên lợi ích bị mất cả vào điều vui thế gian nhỏ nhặt. Phải nên thường giảng nói khiến cho bà ấy chí hướng quyết định. Khuyên một chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ chính là thành tựu cho một chúng sanh thành Phật. Thành Phật rồi ắt độ vô lượng chúng sanh, công ấy bắt đầu từ ta, công đức lợi ích ấy há nghĩ bàn nổi chăng?
Tự mình đã tu Tịnh Độ, lại còn phải đem pháp môn này bảo khắp với mọi người: anh em, thê thϊếp, con cái, bảo họ [các người] lẽ nào chẳng chịu phát tâm, đành bỏ mất lợi ích lớn lao này ư? Nếu thiên tánh của họ gần với pháp môn này thì còn gì tốt hơn! Nếu tánh họ hơi xa, giồi mài mãi cũng sẽ nhiễm từ từ, dù xa cũng thành gần. Đấy đáng gọi là lòng yêu mến sâu xa, đáng gọi là lòng từ rộng lớn. Bỏ tấm lòng từ ái này chỉ đáng gọi là hữu danh vô thật!
* Thái phu nhân niên kỷ đã tám mươi ba, phải thường khuyến dụ bà tín nguyện niệm Phật. Nếu bảo bà suốt ngày niệm Phật chỉ e bà làm không nổi. Trước đây đã toan lập cách trợ niệm ngay khi còn sống, nhưng nghĩ chưa ra. [Đến khi] Trấn Thủ Sứ Vương Duyệt Sơn đưa mẹ lên thăm núi, [tôi thấy] quyến thuộc của ông ta rất đông bèn tìm ra một cách trợ niệm rất tuyệt diệu, đã trình bày sơ lược với ông ta, nay sẽ thưa cùng các hạ. Dù các hạ chẳng thực hành được cũng chẳng đến nỗi coi thường bỏ qua, đó cũng là đạo tự lợi lợi tha vậy.
Trong quyến thuộc của các hạ, các ông con trai ai nấy đều có chức nghiệp, cố nhiên khó thể luôn luôn làm được. Nhưng các bà con dâu thì vô sự thanh nhàn, những kẻ hầu gái như các bà vυ' v.v... ắt chẳng có việc gì quan trọng, ông nên bảo họ căn theo đồng hồ suốt ngày ở quanh thái phu nhân lớn tiếng niệm Phật chừng nửa giờ. Hết lượt bèn đổi phiên, cả ngày chẳng dứt tiếng niệm Phật.
Thái phu nhân nếu niệm theo được thì càng tốt; bằng không thì chỉ nhϊếp tâm lắng nghe suốt ngày, thường chẳng lìa Phật. Các người khác cũng chẳng mất sức, bởi lẽ cả ngày bất quá chỉ phải niệm một lượt hay hai lượt, nhưng thời gian cách khoảng giữa hai lượt cũng khá dài. Bọn họ không có chuyện gì quan trọng, bèn nhờ đấy mà dốc tận lòng hiếu, gieo thiện căn; ngay đến bọn hầu gái cũng nhờ vào nhân này, gieo duyên xuất ly sanh tử.
Từ nay trở đi, lấy cách này làm lệ thường; dù thái phu nhân tuổi thọ quá cao cũng chẳng được nửa chừng bỏ dở. Pháp này lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Phàm ai có tín tâm muốn thành tựu đạo nghiệp vãng sanh cho cha mẹ thì hãy nên khuyên họ làm theo cách này.
* Mẹ ông tuổi cao nhưng với pháp môn Tịnh Độ chưa thể hiểu đúng, tu trì, hãy thường nói với mẹ về nỗi khổ luân hồi trong sáu đường, sự vui trong thế giới Cực Lạc. Người sanh trong thế gian siêu thăng cực khó, đọa lạc cực dễ. Nếu chẳng vãng sanh Tây Phương, đừng nói là nhân đạo chẳng đáng nương cậy, dù sanh lên trời phước thọ thật lâu, một khi phước lực đã tận vẫn phải đọa lạc trong nhân gian như cũ và phải thọ khổ trong tam đồ ác đạo.
Nếu chẳng biết Phật pháp thì chẳng biết làm sao được; còn như nay đã hiểu đại lược Phật pháp, há đành nhường mối đại lợi ích này cho người khác, tự mình cam tâm luân hồi trong lục đạo, thoạt ra thoạt vào, vĩnh viễn không có ngày giải thoát ư? Cứ nói như vậy, may ra mẹ sẽ phát khởi được túc thế thiện căn, tin nhận phụng hành.
Bồ Tát độ sanh tùy thuận cơ nghi, trước hết dùng dục để nhử, sau mới khiến cho nhập vào Phật trí. Ông cực lực tu hạnh hiếu đễ, lại đem pháp môn Tịnh Độ khuyên lơn, hướng dẫn quyến thuộc của mình và hết thảy những ai hữu duyên cùng làm người trong hội Liên Trì thì công đức rất lớn.
* Con hiếu thờ cha mẹ thì phải đặt cái gốc lên trước, đặt cái ngọn ra sau, nuôi thân cha mẹ, khai đạo tinh thần. Nếu chỉ biết báo bổ công lao, phụng dưỡng cho cha mẹ an nhàn, lập thân hành đạo để cha mẹ được vẻ vang, chẳng biết đem đạo thường trụ vô sanh, pháp niệm Phật vãng sanh để khuyên dụ cha mẹ tu trì, khiến cho cha mẹ lúc sống niệm Phật hiệu, chết đi sanh về cõi Phật, giã biệt nỗi khổ sanh tử hư huyễn, hưởng thường trụ chân lạc, phụng sự Di Đà, chen vai cùng hải chúng nghe viên âm, tam Hoặc trừ sạch, thấy diệu cảnh, viên minh tứ trí, chẳng lìa An Dưỡng, vào khắp mười phương thượng cầu hạ hóa, rộng làm Phật sự, triệt chứng Phật tánh vốn sẵn có trong tâm, làm thuyền từ độ khắp mọi người trong biển khổ.
Nếu vậy thì đúng là thấy nhỏ quên lớn, được gần bỏ xa, chính là kiến giải hạn hẹp của kẻ hèn, chẳng phải là tầm nhìn rộng lớn của bậc thông đạt. Nếu như ông có thể làm cho mẹ hiền cũng giống như mình, cũng như quyến thuộc cùng thoát Sa Bà, đồng sanh An Dưỡng, đồng chứng vô lượng quang thọ, đồng hưởng pháp lạc tịch quang, đồng làm pháp vương tử của Phật A Di Đà, đồng làm đại đạo sư của trời người thì mới là trọn hết tấm lòng hiếu tử, mới xứng với công cha mẹ nuôi dạy. Đấy mới đúng là hiếu từ nuôi dạy, chứ chẳng phải như thế gian nói hiếu từ nuôi dạy đâu!
* Hành đạo hiếu thì không còn gì lớn hơn được nữa, hết thảy các điều lành không gì chẳng thâu tóm, nhưng đạo hiếu có thế gian, xuất thế gian, lớn, nhỏ, bổn, tích sai khác.
Đạo hiếu thế gian là chăm nom, phụng dưỡng cho cha mẹ được yên ổn, đón trước ý khiến cha mẹ vui vẻ, cho đến lập thân hành đạo để dương danh hậu thế. Dù lớn nhỏ khác nhau nhưng đều là chuyện thuộc về mặt sắc thân; dẫu cho đại hiếu ngút trời, rốt cuộc chẳng ích lợi gì cho tâm tánh, sanh tử của cha mẹ cả! Đúng là chỉ uổng công đuổi theo cái ngọn, chẳng xét đến cái gốc. Huống hồ là sát sanh để dâng lên cha mẹ hay để cúng tế khiến cho cha mẹ càng bị oán thù kết chặt, mãi mãi phải đền trả chẳng ngơi ư?
Đạo hiếu xuất thế gian, xét về mặt Tích cũng giống như thế gian chăm nom, phụng dưỡng... cho đến lập thân dương danh, nhưng cái gốc là khiến cho cha mẹ huân tu đại pháp của Như Lai. Cha mẹ còn sống thì khéo léo khuyên dụ sao cho cha mẹ ăn chay niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Ăn chay ắt chẳng tạo sát nghiệp, vừa diệt được túc ương. Niệm Phật thì ngầm thông Phật trí, thầm hợp diệu đạo. Nếu quả thật tin sâu, nguyện thiết cầu sanh Tây Phương, ắt đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn, gởi thân nơi chín phẩm sen. Từ đấy siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, mãi mãi xa lìa các khổ trong chốn Sa Bà, thường hưởng các sự vui trong chốn Cực Lạc.
Cha mẹ đã khuất bèn thay cha mẹ dốc sức tu Tịnh nghiệp, chí thành hồi hướng cho cha mẹ. Nếu tâm thật sự chân thiết, cha mẹ sẽ được lợi ích; nếu chưa vãng sanh liền được vãng sanh. Nếu đã vãng sanh, phẩm sen sẽ cao thêm. Đã phát tâm được như thế thì sẽ tương ứng với bốn hoằng thệ nguyện, khế hợp Bồ Đề giác đạo; há đâu chỉ riêng cha mẹ được lợi ích mà công đức thiện căn, phẩm vị đài sen của chính mình cũng sẽ cao siêu thù thắng!
Huống lại dùng chính thân mình thuyết pháp khiến cho khắp mọi đồng luân cùng phát lòng hiếu thuận. Đạo hiếu ấy mới là thật nghĩa rốt ráo, chẳng phải như thế gian chỉ mong lợi lạc cho sắc thân và đời này, bỏ qua tâm tánh và đời sau chẳng buồn bàn tới! Vì thế biết rằng đạo Phật lấy hiếu làm gốc. Do đó, kinh Phạm Võng dạy: “Hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, Tam Bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo. Hiếu gọi là Giới”’.
Lại như trong các giới Gϊếŧ - Trộm - Da^ʍ - Dối, kinh đều nói phải sanh tâm từ bi, tâm hiếu thuận. Trong giới “Chẳng thực hành phóng sanh, cứu mạng”, kinh Phạm Võng dạy: “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta, đời đời chẳng lúc nào ta chẳng sanh ra từ họ. Vì thế lục đạo chúng sanh đều là cha mẹ ta, gϊếŧ chúng sanh để ăn thịt chính là gϊếŧ cha mẹ mình”. Bởi thế mới nói đạo Hiếu của Phật giáo gồm khắp tứ sanh lục đạo từ vô thỉ trước đến tận vị lai sau, chẳng thể đem chuyện chỉ biết một đời một thân ra so sánh được. Biết vậy rồi mà chẳng kiêng gϊếŧ phóng sanh, ăn chay niệm Phật thì làm sao trọn hết được đạo hiếu chí cực không chi hơn được nữa đây?
* Tự mình đã tu trì Tịnh nghiệp thì cũng phải nên dạy hết mọi người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp. Nên dựa theo phần Phổ Khuyến Môn trong sách Long Thư Tịnh Độ khiến cho ai nấy tùy phần tùy sức gieo thiện căn chẳng thể nghĩ bàn này. Đã muốn đem pháp này dạy người thì nên dạy từ thân đến sơ, nỡ nào để thê thϊếp, con cái chẳng được hưởng lợi ích này ư? Văn Vương nghiêm nhặt với vợ góa cho đến huynh đệ để giữ yên nhà cửa đất nước. Đạo tự hành, dạy người thế gian, xuất thế gian không pháp nào chẳng vậy!
* Tự mình cải ác tu thiện, nhất tâm niệm Phật; phàm hết thảy người thân đều là kẻ hữu duyên, cũng nên dạy họ pháp này. Với những người phản đối, hãy khởi tâm thương xót, đừng bắt buộc họ phải làm. Cứ đè đầu bò bắt gặm cỏ thì vạn vạn phần chẳng làm được! Nếu bảo: “Tôi nhất tâm niệm Phật, các sự chẳng bận tâm đến nữa” thì chẳng những là bị trở ngại nơi pháp thế gian, mà cũng chẳng hợp với Phật pháp. Làm đúng với địa vị thì mới nên.
Khuyên người niệm Phật tu hành dĩ nhiên là công đức bậc nhất, nhưng dưới đến vợ con, trên lên cha mẹ, ông bà đều phải nên khuyên nhủ. Nếu chẳng thể khéo léo dùng phương tiện khuyên nhủ gia đình, khiến cho quyến thuộc mình cùng được hưởng lợi ích chẳng thể nghĩ bàn liễu thoát sanh tử ngay trong đời này thì chính là bỏ gốc theo ngọn, chỉ biết lợi người ngoài mà chẳng biết làm lợi cho người thân, có nên chăng?
* Với những người trong nhà, vào những khi nhàn hạ vô sự, hãy dùng lời lẽ khúc chiết, uyển chuyển tỏ bày tận lý khiến tâm người nghe biết được lẽ phải trái, nên, không nên; vô hình trung ắt sẽ khiến cho tâm thức người nghe được mài giũa giần, nhiễm dần mà chuyển biến.
Còn như khi cái tánh ngu bướng, ngạo nghễ của người ấy trỗi dậy, nếu thấy đối trị được thì hãy dùng những danh ngôn chí lý để ôn hòa bình tĩnh đối trị. Nếu không được thì cứ mặc kệ, đừng động đến kẻ ấy nữa, đợi khi kẻ ấy hết nóng, lại ôn hòa, bình tĩnh cùng kẻ ấy bàn luận khúc nhôi, lâu dần kẻ ấy cũng bị cảm hóa. Trọn chẳng nên dùng đến những phương cách bắt buộc, mạnh mẽ, dữ dội...
* Nay là lúc pháp nhược ma cường, muốn hộ trì Phật pháp thì ở ngoài đời dễ hơn, làm Tăng sẽ khó. Nếu các hạ nghiêm trì năm giới, chuyên niệm Di Đà, khắc kỷ, giữ lễ, lời nói tương xứng hành vi, sau đấy lại rộng khuyến hóa, chỉ dạy nhằm lợi khắp quần sanh, đừng cậy mình làm thầy mà tự cao, chẳng được nhận tiền tài để hưởng thọ. Ở nhà thì dạy cho cả nhà, ra đại chúng bèn vì đại chúng trình bày rõ khiến ai nấy đều ngưỡng mộ đức mà tin theo lời mình. Đấy gọi là thân đã chánh thì chẳng ra lệnh mà người hành theo, lấy thân mình làm gương, hễ gió thổi qua là cỏ phải rạp xuống.
* Tôi hay viết câu liễn như sau:
Xả Tây Phương tiệp kính, cửu giới chúng sanh thượng hà dĩ viên thành Phật đạo?
Ly Tịnh Độ pháp môn, thập phương chư Phật bất năng phổ lợi quần manh.
(Bỏ đường tắt Tây Phương, cửu giới chúng sanh dùng chi viên thành Phật đạo?
Rời pháp môn Tịnh Độ, mười phương chẳng thể lợi khắp quần manh)
Các hạ hãy khởi phát đại dũng mãnh, phát đại tinh tấn gánh vác pháp này. Dùng những ngôn luận hoằng dương Tịnh Độ xứng với căn cơ của cổ nhân để bảo ban làng xóm, sống trong trần lao chẳng nhiễm, tu Chân ngay trong cõi Tục thì mới hợp với ý nghĩa “viên dung, vượt thoát khỏi danh và mạng” vậy.