Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục

Chương 53: Ix. Khuyên Nhủ Các Thiện Tín Tại Gia - 1. Dạy Về Luân Thường Đại Giáo

* Phải tận tánh học Phật mới có thể tận hết luân thường học Khổng. Phải tận hết luân thường học Khổng mới có thể tận tánh học Phật. Thử coi những bậc đại trung, đại hiếu và những vị phát huy tâm pháp của thánh hiền trong Nho Giáo xưa nay không vị nào là chẳng nghiên cứu kinh Phật sâu xa, ngầm tu thầm chứng. Hợp hai đạo Phật và Nho lại thì cả hai cùng tốt đẹp, tách ra thì cả hai cùng bị tổn thương; bởi lẽ, người trong cõi đời không ai chẳng thuộc trong vòng luân thường, mà cũng không ai ra khỏi tâm tánh được. Để trọn vẹn luân thường tâm tánh ấy thì dùng “chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện” của nhà Phật để khắc kỷ, giữ lễ, ngăn lòng tà, giữ lòng thành, dùng “cha hiền, con hiếu, anh nhường, em kính” để hỗ trợ. Do vậy, cha con, anh em v.v... dắt dìu nhau cùng trọn vẹn luân thường, tâm tánh, trừ khử phiền hoặc huyễn vọng để khôi phục Phật tánh sẵn có. Chẳng những về thể là một, mà về dụng cũng chẳng có hai!

* Phải biết rằng Phật pháp là pháp chung của cả chín pháp giới, không một ai là chẳng nên tu mà cũng không ai là chẳng thể tu nổi. Những kẻ nói Phật giáo vứt bỏ nhân luân, làm hại thánh đạo đều là những kẻ mù chẳng thấy hình sắc cứ luận càn. Vì sao nói như thế? Đức Phật đối với cha dạy lòng từ, với con dạy lòng hiếu, với vua dạy lòng nhân, với bầy tôi dạy lòng trung, chồng xướng vợ theo, anh nhường, em kính.

Với những lời lẽ hay đẹp, những hành vi tốt đẹp, không điều nào kinh Phật lại chẳng thuật rõ túc nhân hậu quả, tiền nhân hậu quả. Những điều Phật dạy về lòng từ, lòng hiếu... giống với Nho Giáo, nhưng những điều đạo Phật dạy về nhân quả ba đời thì Nho giáo còn chưa bao giờ được nghe đến, huống hồ là “đoạn Hoặc chứng chân” và “viên mãn Bồ Đề, quy về pháp vô sở đắc”! Tiếc là những kẻ ấy chưa được biết đến, chứ nếu đọc kỹ, nghĩ chín, ắt sẽ khóc lóc, đau đớn, tiếng rền cả đại thiên thế giới, buồn thương vì tội lỗi báng Phật vậy!

* Muốn học Phật, Tổ, trước hết phải giữ pháp Thánh Hiền. Nếu như thiếu sót bổn phận, trái nghịch luân thường thì đã là kẻ tội nhân danh giáo, còn làm đệ tử Phật sao được? Phật giáo tuy vượt ngoài thế pháp, nhưng gặp vua nói Nhân, gặp bầy tôi nói Trung, gặp cha nói Từ, gặp con nói Hiếu, từ cạn mà lần đến sâu, hạ học thượng đạt (học từ những điều căn bản, thấp kém, nhưng đạt được những điều cao quý). Hãy đọc kỹ An Sĩ Toàn Thư, ắt sẽ biết được đại khái vậy!

* Muốn làm Phật tử chân thật, phải bắt đầu làm chân Nho trước đã. Nếu đối với những sự như chí tâm thành ý, khắc kỷ, giữ lễ, giữ lòng kính, trọng lòng thành, hiếu đễ, vui vẻ, cung kính... mà chẳng thể tu tập, đôn đốc thì nền tảng chẳng kiên cố, học Phật sao được? Chọn lấy tôi trung trong đám con hiếu; kẻ tánh hạnh trái nghịch Nho phong lẽ nào gánh vác được gia nghiệp của Như Lai, trên nối tiếp huệ mạng, dưới hóa độ chúng sanh cơ chứ?

Phật pháp không sự gì to lớn chẳng bao hàm, không điều gì nhỏ nhặt chẳng nêu lên. Dù là pháp thế gian hay xuất thế gian, không một pháp nào lại chẳng thuộc phạm vi của Phật pháp. Những kẻ câu nệ, hủ bại trong thế gian thường cứ bảo “xuất gia là trái nghịch luân lý”, họ đều là hạng chưa suy xét thấu đáo đã vội hủy báng, sợ mắc nghẹn nên bỏ ăn, tự chôn vùi tánh mạng, thật là đáng thương!

Nếu có mở rộng được tầm mắt thì mới biết Phật pháp lưu truyền rộng rãi khắp trong ngoài Trung Hoa, đạo pháp thạnh hành cả hai ngàn năm qua, được rất nhiều vua thánh, tôi hiền, hào kiệt, vĩ nhân hộ trì, truyền bá. Lẽ đương nhiên đạo ấy phải là chân đạo mà phàm tình chẳng thể suy lường được nổi! Dù có bị một hai gã nho sĩ câu nệ, hủ bại bài xích, hay những tên vua bạo ác hủy phá, rốt cuộc hai tay vẫn không che nổi mặt trời, ngửa mặt nhổ lên trời, chỉ càng tự phô bày cái

Dạy về luân thường đại giáo

thấy biết kém cỏi, ít ỏi của mình mà thôi, tự lầm lạc gây tạo tội lỗi, chứ rốt cuộc Phật pháp có bị tổn hại gì đâu?

Lại có kẻ bề ngoài làm ra vẻ chê bai Phật pháp, chứ bề trong lại thực sự tu chứng. Từ đời Tống đến nay, những bậc danh nho không có ai là chẳng như vậy cả! Cho nên Quang tôi nói “thành ý chánh tâm do vậy hãy còn khiếm khuyết” thật đúng là lời bàn quyết định vậy!

* Đối với việc học Phật, vốn phải trọn vẹn nhân đạo mới hòng hướng đến được. Nếu chẳng thật sự thực hành hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, dù có suốt ngày thờ Phật, Phật cũng chẳng gia hộ! Ấy là vì Phật giáo bao gồm hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian. Vì thế với cha nói Từ, với con nói Hiếu, khiến ai nấy đều tận hết bổn phận làm người, sau đấy mới tu pháp xuất thế. Ví như muốn dựng lầu cao vạn trượng, ắt trước hết phải đắp nền móng kiên cố, khai thông đường nước thì lầu cao vạn trượng mới có thể xây lên được, mới vĩnh cửu chẳng hư hoại. Nếu như nền móng chẳng vững, ắt chưa xây xong đã sụp.

Sách Luận Ngữ nói: “Tuyển trung thần ư hiếu tử chi môn” (chọn tôi trung từ nơi con hiếu); học Phật cũng giống như vậy. Xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Sào Thiền Sư: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Sư dạy: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Muốn học Phật pháp, phải khắc kỷ, dè dặt, việc gì cũng đều phải phát xuất từ cái tâm chân thật mà làm. Người như vậy mới đáng gọi là chân Phật tử. Nếu tấm lòng gian ác, lại toan mượn Phật pháp để tránh tội nghiệp, có khác gì trước đã uống thuốc độc, sau lại uống thuốc bổ, muốn cho thân thể khỏe mạnh, nhẹ nhàng, kéo dài tuổi thọ, phỏng có được chăng?

* Đại trượng phu muốn văn chương thiên hạ, công nghiệp vang dội vũ trụ, nhưng chẳng thể đoạn Hoặc chứng chân, liễu sanh thoát tử thì chỉ là chấp vào cái bên ngoài, bỏ sót cái bên trong, chấp cái Có tuy nó chỉ là đằng ngọn, bỏ đi cái Không dù nó chính là đằng gốc. Người đời ai có thể vẹn toàn được mọi việc, chúng ta chỉ nên gắng sức giữ vẹn luân thường, tận lực tu Tịnh nghiệp là được, cần gì phải bận tâm đến điều gì khác nữa!

* Trộm nghĩ Nho lễ coi trọng cúng tế Xuân Thu, Thích giáo đặt nặng việc quanh năm truy tiến. Nghĩ đến cái ân nguồn nước, cội cây mà thực hành cẩn thận, chu đáo việc truy tiến thì thế gian, xuất thế gian nào có gián đoạn chi?