Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục

Chương 42: 10. Luận Về Kinh Điển

* Nếu ai thiên tư thông minh, mẫn tiệp thì nghiên cứu tánh tướng các tông chẳng trở ngại gì, nhưng phải lấy pháp môn Tịnh Độ làm chỗ nương tựa, quay về, mới khỏi đến nỗi có nhân không quả, khỏi lâm vào cảnh biến diệu pháp liễu sanh thoát tử thành lời lẽ bàn suông cửa miệng, không cách gì được lợi ích thật sự! Phải nên chú trọng lòng kính, gìn giữ lòng thành, xem kinh tượng như đức Phật sống, chẳng dám khinh nhờn chút nào, mới hòng do lòng thành của chính mình lớn nhỏ thế nào mà sẽ đạt được các lợi ích sâu hay cạn.

Những người căn cơ chậm lụt, chỉ nên chuyên nghiên cứu pháp môn Tịnh Độ, nếu thật sự tin đến nơi, giữ thật vững, sẽ quyết định liễu sanh thoát tử ngay trong đời này, siêu phàm nhập thánh, so với những kẻ thông hiểu kinh luận sâu xa nhưng chẳng thực hành pháp môn Tịnh Độ kia, sự lợi hại khác xa hệt như trời với đất vậy!

Đối với những kẻ vừa nói trên, chẳng cần biết tư cách như thế nào, trước hết cứ cho dùng liều thuốc một vị này thì bất luận là tà chấp, kiến giải lầm lạc, ngã mạn, phóng túng đến đâu, đề cao thánh cảnh nhưng tự mình đành ở địa vị kém cỏi... đều do thuốc A Già Đà một vị trị chung vạn bệnh này, không một ai là chẳng dứt khoát lành bệnh cả!

* Phật pháp uyên thâm, kẻ đại thông minh dù tận hết tâm lực bình sanh vẫn còn có chỗ chưa thể nghiên cứu tường tận được. Nhưng Phật pháp tùy cơ lập giáo; nếu muốn hưởng lợi ích thật sự thì hãy nghiên cứu, tu trì pháp môn đặc biệt, siêu việt, lạ lùng là Tịnh Độ; đây thật sự là con đường trọng yếu tốn ít tâm lực vậy.

* Việc giảo đính kinh điển chẳng phải là chuyện dễ dàng, chỉ sợ thầy chẳng rảnh rỗi đến thế. Nếu ủy nhiệm người khác làm, kẻ đó phải là người kiến thức lỗi lạc, thập phần tỉ mỉ, xét suy kỹ càng đôi ba lượt, tra cứu kỹ lưỡng mới có thể đính chánh những chỗ chép lầm, trừ sạch những điểm dở tệ khiến thiên chân được tỏ bày triệt để. Nếu không, sao chẳng cứ theo đúng dạng vẽ hồ lô may ra chẳng đánh mất sự chân xác sẵn có!

* Một bộ kinh Hoa Nghiêm là vua của Tam Tạng, phẩm cuối cùng quy kết, đặt nặng nguyện vương. Nên tôn trọng kinh Hoa Nghiêm, nhưng chớ xem thường các kinh khác vì các kinh Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm bản thể.

Hoa Nghiêm vĩ đại vì là đại pháp xứng tánh cực đàm vượt ngoài các giới, chẳng thâu nhϊếp các pháp Nhị Thừa. Điểm huyền diệu của kinh Pháp Hoa là “hội tam quy nhất” (gộp ba thừa về một thừa), “khai Quyền hiển Thật, khai Tích hiển Bổn”. Tông Thiên Thai cho rằng: “Pháp Hoa thuần viên độc diệu , Hoa Nghiêm vẫn còn nói kèm Quyền pháp” (chữ Quyền pháp chỉ các địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác).

Nhưng trong hội Pháp Hoa, Phật khen ngợi Pháp Hoa là vua của các kinh, trong hội Hoa Nghiêm Phật cũng khen như thế. Lẽ nào kẻ hoằng kinh đời sau cứ nhất định phải căn cứ vào năm bộ lớn để phân định kinh này cao, kinh kia thấp, chẳng chấp nhận kinh nào cũng có những điểm riêng đáng khen ngợi hay sao? Kẻ tu Thiền ca tụng Thiền, người tu Tịnh Độ tán dương Tịnh Độ; nếu không sẽ chẳng thể khiến người khác sanh chánh tín, khiến người khác kính ngưỡng.

Chỉ nên khéo hiểu ý nghĩa mỗi kinh, đừng vướng vào từ ngữ mà lạc mất ý nghĩa. Mạnh Tử xưng tụng Khổng Tử là bậc thánh chưa từng có trong loài người. Khổng Tử thấy vua Nghiêu trong canh, thấy vua Thuấn nơi tường, thấy Châu Công trong mộng. Lòng mong mỏi, hâm mộ ba vị thánh của Ngài sao mà chí thành đến mức cùng cực như thế ấy!

kinh điển

* Tổ Thiện Đạo dạy người nhất tâm trì danh, đừng tu tạp nghiệp là vì sợ kẻ trung căn, hạ căn do tạp nghiệp tâm sẽ khó quy nhất, cho nên Ngài dạy chuyên tu. Tổ Vĩnh Minh dạy người “muôn điều thiện cùng tu” và “hồi hướng Tịnh Độ” là vì sợ hành nhân thượng căn thiên chấp, đến nỗi phước huệ chẳng thể xứng tánh viên mãn, cho nên ngài dạy “viên tu” (tu trọn khắp).

* Kinh rách nát chẳng thể tu bổ được nữa nếu đốt đi cũng không có lỗi gì. Nhưng nếu thấy còn có thể tu bổ được thì đừng nên đốt đi. Nếu chẳng biết lẽ biến thông, cứ một mực chẳng dám thiêu, thì kinh ấy rốt cuộc chẳng thể xem được, cũng chẳng thể cất giữ như kinh còn tốt, lại trở thành khinh nhờn. Cái lỗi khinh nhờn ấy gây hại cho người lắm, há chẳng nên biết đến lẽ quyền biến hay sao?

* Trong các thứ thuốc đối chứng trị bệnh cho người hiện tại, nhân quả là vị thuốc bậc nhất, pháp Tịnh Độ là pháp nên tu bậc nhất. Bất luận căn tánh nào, chẳng thể không trước tiên tìm tòi học hỏi pháp nhân quả, pháp Tịnh Độ.

Còn về giáo tướng, phải chọn lựa người mà giảng giải, bởi những người học ai nấy đều có những điều phải học riêng, Phật học chỉ là học kèm theo mà thôi. Nếu là kẻ căn cơ nông cạn, ắt sẽ chuyên chú vào Giáo tướng, quăng Tịnh Độ ra sau ót, đến nỗi rốt cuộc thành hữu nhân vô quả, cho nên chớ giảng dạy chẳng xứng với căn cơ.

Nay trong số những người tôn sùng Tướng tông cũng có tệ nạn ấy. Người đề xướng [học Tướng tông] chẳng thật sự vì liễu sanh thoát tử, mà chỉ nhằm thông hiểu pháp tướng để có thể giảng nói mà thôi. Nếu như những kẻ đó hiểu “dùng tự lực để liễu sanh tử’ là chuyện khó, ắt sẽ chẳng chuyên chú vào việc đó (tức là chỉ lo học cho hiểu Tướng tông) rồi bỏ qua pháp Tịnh Độ không thèm hỏi tới, hoặc còn chê bai là pháp nông cạn nữa. Những kẻ ấy đều thuộc loại ham cao chuộng trội, nhưng chẳng biết thế nào là cao trội cả. Nếu thật sự biết, dù có bị gϊếŧ cũng chẳng chịu bỏ qua pháp môn Tịnh Độ, cứ cực lực tu hành. Học đạo thật là khó lắm vậy!

* Chúng sanh căn khí bất nhất; Như Lai từ bi vô lượng. Nếu ai thật sự chân thật, chí thành, cung kính niệm Phật thì đến lúc lâm chung, tự sẽ có những chuyện chẳng mong mỏi mà tự nhiên đạt được. Những lời lẽ của ngài Tử Bách, ngài Hám Sơn rất là thân thiết, nhưng hai vị đều là bậc tri thức trong Tông môn, nếu [đem những lời đó] nói với những người thật sự có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì sẽ có ích. Nhưng nếu nói với người chỉ có chút thiện căn, chưa thể chuyên tu thì họ sẽ nghĩ chuyện sanh Tây vượt quá khả năng của họ; từ đó họ sẽ đánh trống lùi. Thuyết pháp chẳng phù hợp căn cơ sẽ thành lời nói suông, đúng là như vậy đó.

* Pháp môn Niệm Phật lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông, lấy Bồ Đề tâm làm căn bản, lấy “tâm này làm Phật, tâm này là Phật” làm thật nghĩa “nhân thấu biển quả, quả tột nguồn nhân”, lấy “nhϊếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” làm công phu tối thiết yếu để hạ thủ. Lấy đó mà hành, và nếu tứ hoằng thệ nguyện lại chẳng lìa tâm, thì tâm sẽ hợp với Phật, tâm hợp với đạo, ngay trong đời này dự vào dòng thánh, lâm chung lên ngay thượng phẩm, chẳng uổng cái đời này vậy!