Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục

Chương 24: V. Khuyên Nên Giữ Lòng Thành Kính 2

* Người đời nay chép kinh mặc sức ngoáy bút, thật chẳng phải là chép kinh, chỉ là mượn dịp để luyện chữ đồng thời lưu lại bút tích cho hậu thế đó thôi! Chép kinh như thế không phải là hoàn toàn vô ích, nhưng chẳng qua chỉ tạo thành cái nhân đắc độ trong đời tương lai, mà cái tội khinh nhờn cũng chẳng nhỏ nhặt gì!

* ... (lược bỏ đoạn này không dịch vì Tổ luận về thể loại chữ nên dùng để chép kinh. Ngài trách một vị cư sĩ khi chép kinh đã nệ cổ, tự tiện sửa đổi những chữ trong kinh theo lối viết cổ. Thiển nghĩ, đoạn này vô ích đối với những độc giả không biết chữ Hán, nên không dịch ra)

* Nếu đối với pháp môn Tịnh Ðộ chẳng thể dốc hết một lòng quyết chí tu trì; đối với việc tuân giữ lòng thành kính, khắc kỷ, giữ lễ cứ muốn cho là chẳng muốn chấp trước, hòng khéo che đậy những thứ sơ sài, tán loạn, phóng dật, thì những lợi ích ngài đạt được chẳng giống với cái hiểu biết từ chỗ thấy hiểu kém cỏi của Quang tôi.

Những điều khác trong bộ Văn Sao tạp nhạp của Quang đã nói đủ cả, nên chẳng dông dài nữa.

Ðối với việc xem kinh, chỉ có cung kính mới được lợi ích thật sự. Nếu chẳng cung kính, dù có được lợi ích thì lợi ích ấy chẳng qua là nương theo kinh văn hiểu ý nghĩa, chứ nghiệp tiêu, trí rạng, thầm ngộ tự tâm trọn chẳng thể cầu may như thế được! Huống hồ còn đeo cái lỗi khinh nhờn chẳng thể nói hết nổi được! Ðây chính là bệnh chung của cả thế gian, thật là buồn đau, khóc hận, thở dài sườn sượt vậy!

* Chẳng thể lập riêng nghi thức lễ Phật cho người cực bận. Chỉ chí thành, khẩn thiết, miệng xưng Phật hiệu, thân lễ chân Phật, cứ thành kính như Phật đang hiện diện là được!

* Chẳng thể lễ bái xá lợi, chẳng thể thân cận tùng lâm, cũng chẳng sai sót gì! Cốt sao trông thấy tượng Phật liền tưởng như đức Phật thật; thấy kinh Phật, lời Tổ, tưởng Phật, tưởng Tổ đang đích thân giảng dạy cho mình. Chí cung chí kính, chẳng lười nhác, chẳng xao nhãng chính là suốt ngày thấy Phật, suốt ngày thân cận chư Phật, Bồ Tát, Tổ Sư, thiện tri thức, xá lợi, tùng lâm.

* Tri thức gởi vải trắng cho biết đến năm Nhâm Ngọ sẽ in. Ðiều này tội lỗi đến mức cùng cực, bởi lẽ đã sử dụng danh hiệu Bồ Tát một cách điếm nhục, khinh nhờn đến mức cùng tột. Huống hồ có nơi còn khinh miệt ngồi lên nữa. Năm Quang Tự thứ 20, tôi từng thấy một lần ở Phổ Ðà, năm 21 ở chùa A Dục Vương lại thấy. Tôi lấy làm lạ, than cùng điện chủ điện Xá Lợi. Ông bảo: “Ðấy là phong tục của vùng Ninh Ba”. Tôi tự thẹn mình không có sức để ngăn ngừa thói tục xấu ác này. Nếu như Quang tôi là chủ nhân một phương ắt sẽ đến nơi thanh minh lỗi hại của việc này, ngõ hầu những người có tín tâm chỉ được lợi ích, chẳng mắc điều tổn hại ấy!

* Hết thảy tôn kinh Ðại Thừa Hiển Mật đức Ðại Giác Thế Tôn đã nói đều dạy lý vốn duy tâm, đạo hợp Thật Tướng, khắp ba đời chẳng đổi, cả mười cõi cùng tuân trở về nguồn, quay lại cội, là đạo sư của chư Phật, dẹp khổ, ban vui, là cha lành của chúng sanh. Nếu có thể dốc cạn lòng thành kính lễ tụng, thọ trì thì mình lẫn người đều được lợi ích thù thắng, u - hiển cùng gội ân quang, như Như Ý châu, như vô tận tạng, lấy chẳng hết, dùng chẳng tận, tùy tâm hiện lượng, sở nguyện đều mãn.

Kinh Lăng Nghiêm nói: Cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu tam muội được tam muội, cầu trường thọ được trường thọ. Như thế cho đến cầu Niết Bàn được đại Niết Bàn. Ðại Niết Bàn là cứu cánh quả đức. Nếu luận về Như Lai bổn tâm thì thật sự toàn bộ Khế Kinh chỉ là để giảng điều này. Nhưng chúng sanh chí nguyện hẹp kém, chưa chí thành đến mức cùng cực nên chẳng thể khế nhập ngay được.

Vì thế, phải thuận theo tâm hạnh của họ để thỏa mãn sở nguyện của mỗi người. Nếu là bậc túc căn sâu dày sẽ liền đốn minh tự tánh, triệt chứng duy tâm, phá phiền hoặc, tiến ngay vào Bồ Ðề, viên mãn phước huệ, mau thành Giác Ðạo để đạt được toàn bộ lợi ích của Khế Kinh, phô trọn bản hoài của Như Lai.

Ví như một trận mưa thấm khắp, cỏ cây đều tươi tốt. Cây lớn sẽ chọc mây, che lấp ánh mặt trời; cây nhỏ sẽ dài phân, tăng tấc. Ðạo vốn duy nhất Chân Như, nhưng tùy tâm mà lợi ích có thù thắng, có kém hèn. Nhưng nếu đã trồng thiện căn, rốt rồi cũng thành Phật quả. Dù chẳng thể đạt được ngay lợi ích lớn lao, cũng tạo thành nhân độ thoát. Nghe tiếng cái trống bôi thuốc độc, xa gần đều chết. Ăn chút kim cang, quyết định chẳng tiêu. Trước phải dùng dục để lôi kéo, sau mới hòng chứng nhập Phật trí, là nói về lẽ này đấy!

* Kinh dạy thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Nếu chẳng phải xưa đã có nhân duyên, tựa đề các bộ kinh Phật còn chẳng được nghe, huống là được thọ trì, đọc tụng hòng tu nhân chứng quả? Nhưng những điều Như Lai đã dạy chỉ dựa trên lý vốn sẵn có trong tâm của chúng sanh. Ngoài tâm tánh ra, trọn không có một pháp nào để được!

Nhưng chúng sanh còn mê, chẳng thể liễu tri, huyễn sanh vọng tưởng chấp trước đối với Chân Như Thật Tướng. Do vậy khởi tham - sân - si, tạo gϊếŧ - trộm - da^ʍ, mê trí huệ trở thành phiền não, khiến thường trụ trở thành sanh diệt, trải bao kiếp số nhiều như bụi trần, chẳng thể trở lại. May gặp các kinh điển Ðại Thừa hiển mật do đức Như Lai nói, mới biết hạt châu vẫn còn nguyên nơi vạt áo, Phật tánh vẫn thường còn, kẻ hèn hạ làm khách đó vốn là con ông trưởng giả. Trời người sáu nẻo nào phải chỗ mình ở, Thật Báo, Tịch Quang chính là quê nhà sẵn có.

Nghĩ lại từ vô thỉ đến nay, chưa được nghe Phật nói, tuy sẵn đủ tâm tánh này, vô cớ phải chịu luân hồi oan uổng! Thật đúng là đau đớn ứa lệ, tiếng [gào khóc] vang động cõi đại thiên! Lòng tan từng mảnh, ruột đứt từng tấc. Ân ấy, đức ấy hơn hẳn thiên địa, cha mẹ cả trăm ngàn vạn lần. Thân nghiền, xương nát chẳng báo đáp nổi!

* Tăng, tục ngày nay giở xem kinh Phật chẳng mảy may cung kính, bao thứ khinh nhờn khó thể thuật tỉ mỉ từng thứ. Thói quen lưu hành đã lâu, coi đó là thuận mắt, những điều khinh nhờn khó bề kể hết. Coi pháp ngôn của Như Lai như giấy cũ rách nát.

Ðừng nói chi kẻ chẳng biết chỉ thú của kinh, trọn không lợi ích; ngay cả những người hiểu sâu xa nghĩa kinh cũng chỉ là tam muội nơi cửa miệng, tỏa sáng ngoài mặt. Như kẻ đói kể chuyện ăn, như người nghèo đếm của báu, tuy có công nghiên cứu, tuyệt không được ích lợi thực chứng! Huống hồ cái tội khinh nhờn đã ngập cả trời, nên thời hạn thọ khổ phải đâu chỉ hết kiếp! Tuy là nhân lành, chiêu cảm ngược thành ác quả. Dù có thành cái nhân đắc độ cho tương lai, khó tránh nhiều kiếp chịu đủ các khổ.

Ðem tấm lòng ôm ấp nỗi thảm thương này dám bày tỏ những điều rơm rác để mong ai nấy vâng làm theo lời Phật, ngõ hầu chỉ được lợi ích, chẳng bị tổn hại.

* Kinh Kim Cang nói: “Như chỗ nào có kinh điển thì chỗ đó có Phật, là đệ tử phải tôn trọng”. Lại nói: “Nơi nơi chốn chốn nếu có kinh này thì hết thảy thế gian, trời, người, a-tu-la đều phải nên cúng dường. Phải biết chỗ ấy chính là tháp [Phật], đều phải nên cung kính, làm lễ, nhiễu quanh, dùng các thứ hoa hương để rải lên trên ấy. Vì sao phải như vậy? Là vì hết thảy chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác của chư Phật đều xuất phát từ kinh này”.

Trong các kinh Ðại Thừa, kinh nào cũng dạy người phải cung kính kinh điển, chứ chẳng phải một kinh. Ấy là vì các kinh Ðại Thừa là mẹ của chư Phật, là thầy của Bồ Tát, là Pháp Thân xá-lợi của tam thế Như Lai, là thuyền từ thoát khổ của cửu giới chúng sanh. Dù cao đăng Phật Quả, vẫn còn phải kính pháp hòng báo đền nguồn gốc, chẳng quên đại ân. Vì thế, kinh Niết Bàn nói: “Pháp là mẹ Phật, Phật từ Pháp sanh”.

Tam thế Như Lai đều cúng dường Pháp; huống hồ phàm phu sát đất khắp thân toàn là nghiệp lực, như tội nặng bị tù, giam cầm trong ngục lâu ngày, không do đâu được thoát ra! May sao nhờ thiện căn túc thế được thấy kinh Phật, như tù được lệnh phóng thích, mừng rỡ vô ngần, bèn dùng ngay pháp ấy để mãi mãi từ biệt tam giới, vĩnh viễn xuất ly lao ngục sanh tử, tự chứng tam thân, về thẳng quê nhà Niết Bàn. Nhờ nghe kinh mà được vô biên lợi ích, há nên do tri kiến cuồng vọng bèn chẳng kiêng nể, khác nào tục nho đọc sách, tự tiện khinh nhờn ư?

* Ðạo của Thánh Hiền chỉ là Thành và Minh. Thánh, Cuồng phân biệt chỉ trong một niệm. Chẳng niệm Thánh ắt biến thành Cuồng, khắc chế cuồng niệm bèn trở thành Thánh. Lẽ nắm - buông, được - mất ví như thuyền chèo ngược nước, chẳng tiến phải lùi, chẳng thể chẳng gắng sức chống chọi mà lơi lỏng chút nào.

Phải biết rằng một chữ Thành, thánh lẫn phàm cùng có một Chân Tâm hệt như nhau chẳng khác. Một chữ Minh phải luôn giữ gìn, xem xét, là cách để đạt đạo từ phàm chí thánh. Nhưng trong địa vị phàm phu, trong những sinh hoạt hằng ngày, muôn cảnh chen nhau, chẳng nhận biết, soi xét một cảnh sẽ khó tránh trong chớp mắt liền nẩy sanh những tình tưởng trái lẽ. Tình tưởng ấy đã sanh, chân tâm liền bị vướng mối tệ, nên hành vi nào cũng đều chẳng trung chánh. Nếu chẳng vận dụng một phen công phu thiết thực trừ khử cho sạch thì ngày càng tệ hơn, chẳng biết đã tuột xuống tận đáy. Uổng cho cái tâm làm thánh sẵn có vĩnh viễn bị chìm đắm trong loài phàm ngu, chẳng đáng buồn sao?

Nhưng làm thánh chẳng khó, chỉ là tự làm sáng cái đức sáng của chính mình. Muốn làm sáng cái đức sáng thì phải từ “trí tri cách vật” mà hạ thủ. Nếu chẳng thể cực lực hiểu rõ, trừ khử những mối nhân dục (tham muốn của con người) thì Chân Tri sẵn có quyết khó thể hiển hiện triệt để được!

* Dù là trai chủ thỉnh pháp hay các Sư tác pháp, ai nấy đều kiệt thành tận kính thì lợi ích chẳng thể nói được nổi. Như Xuân về, khắp cõi đất thảo mộc đều nảy nở xanh tươi; trăng sáng vằng vặc giữa trời, sông ngòi thảy đều hiện bóng. Do đó, người đương sống sẽ nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước tăng, tiên vong đều sanh Tịnh Ðộ, sở cầu không gì chẳng được toại ý, lại khiến cho oán thân bao kiếp, pháp giới hàm thức cùng gội Tam Bảo ân quang, cùng kết duyên chủng Bồ Ðề.

Nếu trai chủ chẳng thành kính thì công đức xuất tiền chỉ hữu hạn, nhưng tội lỗi khinh mạn thì vô cùng. Tăng chúng chẳng thành kính, chính là thổi ống bễ thành kinh, gõ chày cối thành lễ , lúc Tam Bảo, long thiên giáng lâm cứ xử sự lỗ mãng, luộm thuộm, tắc trách, mà không đến nỗi núi tội ngất ngưởng, biển phước cạn khô, sống mắc tai vạ, chết bị đày phạt há có được chăng?