Phật chế Tăng khi mất phải hỏa thiêu vốn là để họ rời lìa được cái thân phần đoạn giả dối, chứng được Pháp Thân chân thường. Vì thế, từ khi Phật chế lập điều ấy đến nay, Tăng chúng kính dùng cấm chế ấy làm thường quy. Tiếc là đạo pháp ngày càng suy đồi, lâu ngày tệ nạn phát sanh. Như nay Thích tử vội vàng lo hỏa thiêu cho xong việc, chẳng tuân cấm chế. Mỗi khi người bệnh vừa thở hắt ra, liền vội thay áo, dời động để kịp nhập khám một hai ngày, rồi liền hỏa thiêu. Có thể nói là rất trái nghịch chế định của Phật!
Phật nói con người có tám thức, tức là tri thức. Năm thức đầu là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân. Thức thứ sáu là Ý. Thức thứ bảy là Mạt
Na, còn gọi là Truyền Tống Thức. Thức thứ tám là A Lại Da, còn gọi là Hàm Tàng Thức. Khi con người sanh ra, chỉ có thức thứ tám này đến trước nhất, các thức kia đến sau. Ðến lúc chết, thức thứ tám này cũng ra đi sau cùng; các thức khác lần lượt đi trước.
Thức thứ tám chính là linh thức của con người, thế tục thường gọi là “linh hồn”. Thức thứ tám này thông linh nên khi con người mới nhập thai mẹ, nó liền đến trước. Vì thế, con trong bụng mẹ liền biết hoạt động. Ðến khi chết, sau khi dứt hơi, nó chẳng đi ngay, phải đợi đến khi toàn thân lạnh giá, không còn một điểm nào còn ấm nữa, thức ấy mới chịu đi. Khi thức đã đi, thân này sẽ không còn mảy may tri giác nào.
Nếu chỗ nào còn ấm là thức ấy còn chưa rời đi. Ðộng chạm đến vẫn biết đau khổ. Lúc ấy, kỵ nhất là các sự mặc áo, xếp chân, dời động v.v... Nếu hơi động đến sẽ đau khổ khó chịu đựng nổi; bất quá miệng không nói được, thân chẳng động được đó thôi! Xét theo kinh dạy, ba thứ hơi nóng, thọ mạng và thức thường chẳng rời nhau. Như người sống có hơi ấm thì thức còn hiện hữu. Thức còn hiện hữu thì tuổi thọ chưa hết. Xưa nay có kẻ chết đi dăm ba bữa rồi sống lại, chép rõ ràng trong sách vở có thể tra cứu được.
Nho Giáo cũng có cái lễ để ba ngày rồi mới đại liệm, do quyến thuộc yêu mến, vẫn hy vọng người chết vạn nhất sống lại chăng? Còn Tăng sĩ ta, tuy chẳng mong sống lại, nhưng cũng chẳng thể chẳng quản gì đến nỗi thống khổ [của vong giả], cứ tự tiện dời động để kịp di quan, thiêu hóa. Lòng từ bi để đâu? Cổ nhân nói: “Thố tử hồ bi, vật thương kỳ loại” (thỏ chết, cáo buồn; loài vật thương xót nhau). Loài vật còn như thế, huống hồ cùng là loài người ư? Huống hồ lại còn cùng là Phật tử nữa ư?
Vả nữa, thói đời khi đau đớn tột bậc sẽ dễ nổi sân tâm. Do sân tâm rất dễ bị đọa lạc. Như kinh nói vua A Kỳ Ðạt lập chùa tháp Phật, công đức vòi vọi. Lúc lâm chung, người hầu cầm quạt lỡ để rớt trúng mặt vua. Vua bị đau, nổi sân, chết đọa làm thân rắn. Nhờ có công đức, sau gặp được sa-môn vì rắn thuyết pháp. Do nghe pháp nên bèn thoát thân rắn, được sanh lên trời. Xem đó, biết rằng: Khi thần thức của người chết chưa đi hẳn thì mặc áo, dời động và lập tức thiêu hóa
Lâm chung châu ti p (mái chèo lâm chung)
ngay sẽ khiến người ấy đau đớn nổi sân, càng thêm đọa lạc, há chẳng phải là nhẫn tâm hại lý cố bày trò thảm độc ư?
Hãy thử nghĩ người chết có oán cừu chi với mình; chỉ vì hảo tâm thành ra ác duyên! Nếu bảo sự còn mờ mịt, biết cậy vào đâu để suy xét, thì những điều chép trong kinh điển chẳng đáng tin chăng? Ðến giờ đây, các thói tệ lưu hành nói chung là do người sống chẳng biết thương cho nỗi khổ của người chết, chỉ tính xong việc cho nhanh nên chẳng nhọc công xem kỹ ấm lạnh. Do đấy, trở thành thói quen, dù có ai nhắc đến lại cười là vu vơ, đến nỗi người chết phải chịu khổ nạn! Ô hô! Ðiều khổ nhất trên đời không gì bằng sanh tử. Sanh như rùa còn sống bị bóc mai, tử như cua bị nhúng nước sôi. Tám khổ cùng nấu, đau đớn chẳng nói nổi!
Xin những ai chăm sóc bệnh nhân hãy lưu tâm cẩn thận, chớ cùng bệnh nhân tán nhảm chuyện gẫu khiến tâm họ tán loạn, cũng đừng buồn bã, khóc kể om sòm. Hãy nên khuyên bệnh nhân buông hết thân tâm, một dạ niệm Phật để cầu vãng sanh. Lại nên trợ niệm khiến cho bệnh nhân nương theo tiếng niệm Phật của mình để nhớ kỹ trong tâm. Nếu có tiền tài hãy thỉnh Tăng chúng chia ban niệm Phật, khiến cho tiếng niệm Phật ngày đêm không ngớt, hòng tai người bệnh luôn nghe Phật hiệu, có thể quyết định nhờ vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Còn như không có tiền của thì cả nhà phát tâm trợ niệm để kết duyên cuối cùng.
Về việc sắp đặt hậu sự, chớ bàn bạc ngay trước mặt bệnh nhân. Chỉ nên gõ dẫn khánh, cao tiếng niệm Phật, khiến cho từng câu lọt vào tai bệnh nhân ngõ hầu trong tâm người bệnh thường chẳng lìa Phật. Tiếng mõ vốn đυ.c, trợ niệm lâm chung trọn chẳng nên dùng. Bệnh nhân nằm hay ngồi nên để tùy ý, chớ nên di động, cả nhà cứ chuyên tâm niệm Phật. Ðợi đến lúc toàn thân đã lạnh hết, tức là thần thức đã đi hết rồi, đợi thêm hai tiếng nữa mới được tắm rửa, thay áo. Nếu như thân đã lạnh hóa cứng thì nên dùng nước nóng xoa nắn, dùng vải thấm nước nóng áp vào khủy tay, đầu gối, cổ chân, đợi giây lát, những chỗ đó sẽ mềm mại trở lại. Lúc ấy mới xếp chân cho người chết nhập quan. Cho đến lúc mọi việc xong xuôi hết cả, vẫn phải thường niệm Phật.
Tất cả những việc như lễ sám, tụng kinh đều chẳng có lợi ích rộng lớn bằng niệm Phật. Phàm hết thảy các quyến thuộc dù là tại gia hay xuất gia đều phải tuân hành cách này thì kẻ còn, người mất đều được lợi ích lớn lao. Hơn nữa, Ðức Phật ta khi Niết Bàn, vốn nằm trên hông phải, cứ để như vậy nhập quan trà-tỳ. Người đời nay cứ thuận theo tự nhiên. Nếu ngồi mất thì đặt vào khám. Nếu nằm mất thì đặt vào quan tài, cốt sao thỏa đáng. Nhưng người đời nay phong tục đã thành thói, sợ họ chẳng cho như vậy là đúng, cũng nên lắng nghe, suy nghĩ để quyết định sao cho tiện.
Còn như người chết rồi có các cảnh tượng thiện ác, vốn là có chứng cứ thật sự. Người sanh vào thiện đạo hơi nóng từ dưới bốc lên trên; người sanh vào ác đạo, hơi nóng từ trên tỏa xuống dưới. Nếu như cả thân lạnh hết, khí nóng tụ lại trên đầu bèn là sanh trong thánh đạo. Hơi nóng ở mắt sanh trong thiên đạo, ở ngực sanh trong nhân đạo, ở bụng sanh ngạ quỷ đạo, ở gối sanh trong súc sanh đạo, ở bàn chân sanh trong địa ngục đạo. Vì thế có bài kệ:
Ðảnh thánh, nhãn sanh thiên,
Nhân tâm, ngạ quỷ phúc,
Súc sanh tất cái ly,
Ðịa ngục cước bản xuất.
(Ðảnh: thánh; mắt: sanh thiên,
Ngực: người, bụng: ngạ quỷ;
Từ gối ra: súc sanh,
Ðịa ngục: bàn chân nóng)
Ôi! Ðại sự sanh tử chẳng ai tránh được, chỉ có một điều phải thật thận trọng: người săn sóc bệnh nhân phải dùng đồng thể bi tâm để giúp hoàn thành đại sự vãng sanh. Cổ nhân nói:
Ngã kiến tha nhân tử,
Ngã tâm nhiệt như hỏa,
Bất thị thục tha nhân,
Khán khán luân ngã đáo.
(Ta thấy người khác chết,
Lâm chung châu ti p (mái chèo lâm chung)
Ruột ta nóng như lửa,
Nào phải mình ai kia,
Rồi ta cũng đến lượt!)
Nhân duyên, quả báo cảm ứng chẳng sai! Muốn cầu tự lợi trước phải lợi người! Soạn thiên này để bảo khắp đồng bào, khẩn khoản mong mọi người chú ý!