Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục

Chương 13: 2. Ðối Trị Tập Khí 2

* Người học đạo nặng đạo niệm một phần, sẽ nhẹ phàm tình một phần, đó là lẽ tất nhiên! Người chưa đoạn Hoặc phải thường nỗ lực. Nếu một phen phóng túng, bệnh cũ nhất định sẽ tái phát. Người đã đoạn sạch Kiến Tư Hoặc mới nên tùy ý hành động, chẳng cần phải kiềm chế, gìn giữ!

* Tâm tham - sân - si ai nấy đều có. Nếu biết đó là bệnh, thế lực của chúng sẽ khó lừng lẫy được. Ví như giặc vào nhà người, nếu chủ nhân nhà ấy tưởng là người trong nhà thì đồ trân báu của cả nhà sẽ bị nó lén trộm mất sạch. Nếu biết nó là giặc, sẽ chẳng cho nó ở lại nhà mình dù chỉ một khắc, ắt phải đuổi nó đi thật xa khuất mắt, mới hòng tài bảo chẳng bị mất, chủ nhân yên vui.

Cổ đức bảo: “Bất phạ niệm khởi, đản phạ giác trì” (Chẳng sợ niệm khởi, chỉ e biết chậm). Tham - sân - si vừa khởi lập tức biết ngay, nó sẽ lập tức tiêu diệt. Nếu coi tham - sân - si là ông chủ chánh trong nhà mình sẽ giống như nhận giặc làm con, của báu trong nhà ắt phải tiêu tán hết!

* Bị cảnh chuyển là sức “tháo trì” còn nông cạn. Vui - giận dấy động bên trong hiện thành vẻ tốt - xấu ngoài mặt. “Tháo trì” có nghĩa là hàm dưỡng. Nếu coi trọng chánh niệm thì mọi thứ khác đều xem nhẹ. Vì thế, người thật sự tu hành phải mài luyện trong trần lao, khiến cho phiền não, tập khí dần dần bị tiêu diệt thì mới là công phu thực sự.

* Hãy để chuyện đối trị tập khí, phiền não trong tự tâm lại đó khoan bàn tới. Chỉ hành trì ngoài mặt, công phu bên trong trống rỗng; trái lại còn sanh ngã mạn, coi công - lợi là đức thì càng bị tổn hại nhiều! Ví như ăn cơm phải có rau dưa phụ trợ, lại cũng như thân thể phải dùng áo mão để trang hoàng. Nơi con đường đạo tu hành dài lâu để liễu sanh tử, sao lại muốn thâm nhập một môn, phế sạch các môn khác? Phế sạch các môn khác, chỉ lo đả thất thì còn được. Còn trong lúc thường nhật, nếu chẳng phải là bậc Bồ Tát tái lai , chắc chắn chưa có một ai lại không trở thành hạng biếng nhác, ngạo mạn. Bởi lẽ tâm phàm phu thường hay sanh chán.

Trời sanh ra vật, ắt phải mưa nắng điều hòa, nóng lạnh đắp đổi mới có thể khiến cho mọi vật sanh thành, tạo hóa. Giả sử mưa hoài, nắng mãi, luôn lạnh, luôn nóng thì dưới khắp gầm trời sẽ trọn chẳng có một vật gì! Huống hồ bọn ta tâm như khỉ vượn, chẳng dùng các biện pháp đối trị, lại muốn nó an trụ một nơi, chẳng vọng rong ruổi thì thật là khó lắm, khó lắm! Ai nấy nên tự gắng sức, chớ nên thiên chấp một pháp, cũng đừng lan man không đầu mối gì hết!

* Cứ hướng ngoại rong ruổi, tìm cầu, chẳng biết phản chiếu hồi quang, học Phật như thế, thật khó được lợi ích thật sự! Mạnh Tử nói: “Ðạo học vấn không có gì khác cả, cầu sao buông được cái tâm mà thôi”. Ông học Phật chẳng biết lắng lòng niệm Phật thì đối với Nho giáo còn chưa thật tuân hành, huống hồ là đối với pháp chân thật lắng tâm của Phật giáo ư?

Quán Thế Âm Bồ Tát phản văn tự tánh (xoay trở lại nghe nơi tự tánh). Ðại Thế Chí Bồ Tát nhϊếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối. Kinh Kim Cang không trụ vào đâu mà sanh tâm, chẳng trụ Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà hành bố thí, cho đến vạn hạnh. Tâm Kinh soi thấy Ngũ Uẩn đều không. Những pháp này đều là diệu pháp dạy người đối cảnh hiểu biết được tâm. Nếu cứ nhất quyết muốn học rộng hết cả thì chẳng phải là không lợi ích, nhưng vì nghiệp chướng chưa tiêu nên chưa được lợi ích, lại bị mắc bệnh trước!

* Khi làm việc chưa thể niệm tại đâu, tâm tại đó là do chưa đạt đến cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn, tâm vô nhị dụng, nên khó tránh khỏi gián đoạn. Chỉ cần luôn giữ được tâm giác chiếu thì cũng chẳng ngại gì.

* Một sự sắc dục là bệnh chung của toàn bộ người đời. Chẳng những kẻ trung hạ bị sắc mê hoặc; ngay cả người thượng căn, nếu chẳng tự gìn giữ, run sợ, luôn nghĩ kiêng dè thì cũng khó tránh khỏi bị nó mê hoặc. Hãy thử nhìn xem: từ xưa đến nay, không ít bậc hào kiệt phi thường đáng coi là bậc thánh bậc hiền, chỉ do chẳng vượt được cái ải này lại thành ra kẻ hạ ngu, bất tiếu, còn vĩnh viễn đọa lạc trong ác đạo.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu lục đạo chúng sanh trong các thế giới tâm chẳng da^ʍ sẽ chẳng sanh tử tiếp nối. Các ông tu tam muội vốn là để thoát trần lao, nhưng chưa trừ da^ʍ tâm, chưa thoát khỏi trần. Người học đạo vốn là để xuất ly sanh tử, nếu chẳng thể đau đáu trừ khử bệnh này nhất định sẽ khó thoát lìa sanh tử”.

Như vậy, pháp môn Niệm Phật tuy đới nghiệp vãng sanh, nhưng nếu thói quen dâʍ ɖu͙© cố kết sẽ xa cách Phật, khó thể cảm ứng đạo giao. Ðối với họa sắc dục này thì không gì bằng đối với hết thảy nữ nhân luôn khởi lên thân tưởng, oán tưởng, bất tịnh tưởng.

Thân tưởng là thấy người già coi như mẹ, thấy người lớn hơn coi như chị, coi người nhỏ hơn như em, với trẻ nhỏ coi như con gái. Dù dục tâm mạnh mẽ, quyết chẳng thể khởi ý niệm bất chánh đối với mẹ, chị, em, con. Thấy hết thảy nữ nhân đều là mẹ, chị, em gái, con gái mình thì đương nhiên chế ngự được dục, dục không do đâu phát khởi được.

Oán tưởng là phàm thấy mỹ nữ, bèn khởi tâm yêu mến. Do tâm yêu mến đó sẽ đọa ác đạo, bao kiếp dài lâu thọ khổ, chẳng thể xuất ly. Như thế thì cái gọi là mỹ lệ, kiều mỵ còn kịch hại hơn giặc cướp, cọp, sói, rắn độc, rết dữ, tỳ sương, trầm độc gấp trăm ngàn lần. Với kẻ oán gia cực lớn ấy, vẫn còn quyến luyến, mơ tưởng, chẳng phải là kẻ mê muội quá sức hay sao?

Bất tịnh tưởng là vẻ xinh đẹp rung động lòng người chỉ là một lớp da mỏng bên ngoài. Nếu bóc lớp da ấy đi, sẽ chẳng can đảm nhìn nữa. Xương, thịt, máu, mủ, phân, tiểu đầm đìa, lông, tóc loạn xị, trọn chẳng có vật nào đáng để người khác yêu thích được cả. Chỉ vì một lớp da mỏng che phủ bèn lầm sanh luyến ái. Bình đẹp đựng phân, không ai ưa mến. Nay lớp da mỏng của mỹ nhân khác gì bình đẹp, những thứ được gói trong da khác gì phẩn uế, sao lại yêu mến lớp da, quên đi các thứ vật dơ chứa trong lớp da đó, khởi lên vọng tưởng miên man?

Nếu chẳng run rẩy, kinh sợ, quyết liệt trừ khử thói quen này, sẽ chỉ thấy người nữ kia tư chất mỹ lệ, đến nỗi mũi tên ái dục đâm thấu xương mà chẳng chịu nhổ ra. Nếu cứ luôn như vậy mà lại muốn sau khi mất chẳng vào trong bụng người nữ, quyết chẳng thể được! Vào bụng người nữ còn khá, vào bụng súc sanh cái thì chẳng biết làm sao! Thử nghĩ đến đấy, tâm thần kinh hãi.

Nhưng muốn đối với những cảnh trông thấy chẳng khởi nhiễm tâm thì lúc chưa thấy cảnh phải thường tập ba thứ tưởng nói trên, khi thấy cảnh sẽ tự có thể chẳng bị cảnh chuyển. Nếu không dù chẳng thấy cảnh nhưng tâm ý vẫn cứ triền miên, rốt cục vẫn bị tập khí dâʍ ɖu͙© trói buộc. Bởi thế, phải nhận chân, gột trừ ác nghiệp tập khí thì tự do mới được có phần.

* Bàn đến những ai bị việc đời trói buộc, không cách nào thoát được; nếu trong lúc bị buộc ràng mà có thể chẳng bị chúng xoay chuyển sẽ thoát ngay được những buộc ràng ấy. Như gương chiếu vật, vật đến chẳng cự tuyệt, vật đi chẳng giữ lại. Nếu chẳng hiểu nghĩa này, dù có bỏ sạch việc đời không còn một việc gì thì tâm vẫn cứ tán vọng, ràng buộc kiên cố, chẳng thể gột sạch.

Người học đạo phải làm đúng với bổn phận của mình, tận hết bổn phận. Như vậy, dù suốt ngày việc đời bận bịu, vẫn suốt ngày tiêu dao ngoại vật. Câu nói “nhất tâm vô trụ, vạn cảnh câu khai, lục trần bất ố, hoàn đồng Chánh Giác” (nhất tâm vô trụ, vạn cảnh đều khai, chẳng ghét sáu trần, đều coi chúng là Chánh Giác) là nói về điều này vậy.

* Muốn cho Chân Trí hiển hiện thì hãy nên thường khởi giác chiếu đối với mọi ngôn từ, cử chỉ hằng ngày, chẳng để hết thảy những tình cảm, ý tưởng trái lẽ tạm thời nảy mầm trong tâm. Thường giữ cho tâm này hư minh đỗng triệt (trống không, sáng suốt, thấu suốt) như gương đặt trên đài, gặp cảnh nào hiện bóng cảnh nấy, chỉ chiếu cảnh trước mắt, chẳng bị chuyển theo cảnh, tốt xấu kệ nó, can chi đến mình? Ðến chẳng mong chờ, đi chẳng lưu luyến.

Những tình tưởng trái lẽ nếu vừa mới manh động liền phải nghiêm khắc đối trị, trừ khử cho sạch. Như cùng quân giặc đối địch, chẳng những không cho nó xâm phạm lãnh thổ của mình, mà còn phải chém tướng, đoạt cờ, diệt sạch dư đảng. Phải nghiêm khắc dùng cách chế ngự quân địch như vậy để tự trị mình, đừng lười nhác, đừng sao nhãng. Khắc kỷ, giữ lễ, chú trọng kính, giữ lòng thành. Những khí giới [để tự đối trị mình] thì nên dùng bốn điều không của Nhan Tử, ba điều cảnh tỉnh của Mạnh Tử, cách hạn chế lỗi lầm, tự biết mình sai của ông Cừ Bá Ngọc.

Lại phải nên nhiệt thành kinh sợ [những tình tưởng trái lẽ] như té xuống vực sâu, như đi trên băng mỏng. Ðối địch cùng chúng thì quân oai vang dậy khiến tặc đảng tấm lòng nguội lạnh, hoảng hốt, sợ vướng phải cơn tàn sát diệt chủng nặng nề, chỉ mong hưởng hồng ân vỗ về. Từ đấy, chúng sẽ khuất phục, đầu hàng, quy thuận sự giáo hóa, đổi sạch tâm trước, chăm tu đức sau. Tướng chẳng ra khỏi cửa, quân chẳng đổ máu. Toàn bộ giặc cướp, oán cừu đều thành con đỏ, bọn phản loạn cùng hóa thành dân lành. Trên cai trị, dưới tuân phục, cả nước phẳng lặng, chẳng dấy can qua, ngồi hưởng thái bình.

Những điều vừa nói trên đây là do cách vật nên trí tri, do trí tri nên tự khắc sẽ làm sáng tỏ đức sáng . Chân thành và minh đức nhất trí thì phàm sẽ thành thánh. Nếu là kẻ căn khí hèn kém, chưa thể tự thâu liễm mình, hãy nên bắt chước ông Triệu Duyệt Ðạo: ngày làm điều gì, đêm đốt hương bẩm bạch cùng Thượng Ðế. Ðiều gì mình chẳng dám bẩm bạch thì chẳng dám làm.

Ông Viên Liễu Phàm chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, mạng do chính mình lập, phước do chính mình cầu, chứ tạo vật chẳng thể tự tiện chiếm quyền. Ông vâng giữ phép Công Quá Cách: hễ khởi tâm động niệm, nói năng, làm gì dù việc thiện hay ác nhỏ nhặt đều ghi lại, ngõ hầu điều thiện ngày càng, điều ác mỗi ngày mỗi diệt.

Lúc đầu, thiện ác xen tạp, lâu dần chỉ còn thiện không còn ác. Vì thế có thể chuyển vô phước thành hữu phước, chuyển yểu thọ thành trường thọ, chuyển không con cháu thành lắm con cháu. Ngay trong đời này đã dự vào bậc thánh hiền, báo hết sẽ cao đăng cõi Cực Lạc. Việc làm trở thành khuôn mẫu cho đời, lời nói trở thành pháp thức cho đời. Họ là trượng phu, ta cũng như thế, sao lại tự khinh đến nỗi đành chịu thua kém vậy?

* Nếu như căn cơ hèn kém, chưa thể chứng nhập, nếu ước trên Sanh Diệt Môn để luận về nguyên do, hậu quả thì là do mê tâm đuổi theo cảnh, hướng ngoại rong ruổi tìm cầu, khiến toàn thể trí huệ, đức tướng biến thành vọng tưởng, chấp trước. Vì thế, phải nên chú trọng chỗ tinh yếu, chú trọng chuyên nhất, chấp trì thánh hiệu Di Ðà, tin thật, nguyện thiết, mong cầu vãng sanh Tây Phương.

Hành trì lâu ngày, tâm và Phật như một, chẳng lìa ý niệm hiện tại, triệt chứng Ngũ Uẩn là Không. Vọng tưởng, chấp trước đã diệt; trí huệ, đức tướng cũng không còn. Do tâm tịnh, cõi nước sẽ tịnh; chẳng lìa ngay nơi này, thầm nhập cõi Tịch Quang. Chỉ có mỗi cách này là cách để chúng ta rốt ráo an thân lập mạng mà thôi!

* Người sống trong thế gian huyễn trụ mấy mươi năm. Kể từ khi có hiểu biết đến nay, ngày đêm tính toán bộn bề, ngổn ngang, không điều gì chẳng phải là để nuôi thân mình cùng người nhà, giữ thể diện, sao cho con cháu quý hiển mà thôi! Xét cội nguồn căn bệnh ấy, chỉ là do chấp trước có Ngã, chẳng chịu buông xuống. Nỗi lo nghĩ ấy dính chắc, dù Ðức Phật có vì mình thuyết pháp cũng chẳng hiểu nổi. Trái lại, còn chẳng thèm bận tâm đến diện mạo vị chủ nhân sẵn có của chính mình, mặc tình lưu chuyển theo nghiệp, trầm luân muôn kiếp, chẳng đáng buồn ư?

* Tu hành trọng yếu là đối trị tập khí phiền não. Tập khí giảm một phần, công phu tiến một phần. Có kẻ càng ra sức tu hành, tập khí càng phát động; ấy là do chỉ biết tu trì theo sự tướng, chẳng biết phản chiếu hồi quang, khắc trừ vọng tình trong tâm chính mình nên mới đến nỗi thế. Hãy nên thường sắp sẵn cách đề phòng thì gặp cảnh đυ.ng duyên, tập khí sẽ chẳng phát.

Nếu bình thời biết được thân tâm mình đây toàn là huyễn vọng, trọn chẳng thể cầu được thật thể, thật tánh của cái Ngã. Ðã không có Ngã sao còn có chuyện vì cảnh, vì người nảy sanh phiền não? Ðấy chính là phương pháp giải quyết tối thượng thiết yếu vậy.

Nếu như chẳng thể hiểu chắc thật Ngã là Không thì hãy dùng pháp Ngũ Ðình Tâm Quán đức Như Lai đã dạy để đối trị (Ngũ Ðình Tâm Quán là dùng năm pháp để điều hòa, ngưng lắng cái tâm khiến tâm an trụ, chẳng bị cảnh chuyển). Tức là: Chúng sanh lắm tham dùng Bất Tịnh Quán, chúng sanh nhiều sân dùng Từ Bi Quán, chúng sanh hay tán loạn dùng Sổ Tức Quán, chúng sanh ngu si dùng Nhân Duyên Quán, chúng sanh nhiều chướng dùng Niệm Phật Quán.

* Tham nghĩa là thấy cảnh bèn sanh lòng yêu thích. Chúng sanh trong Dục Giới đều do dâʍ ɖu͙© mà sanh. Dâʍ ɖu͙© do Ái mà sanh. Nếu có thể đối với thân mình, thân người, từ trong ra ngoài, quán sát kỹ mỗi thứ sẽ chỉ thấy cáu ghét, mồ hôi, đờm, rãi, tóc, lông, răng, móng, xương, thịt, máu, mủ, đại tiện, tiểu tiện, thối như xác chết, bẩn như nhà cầu! Ai còn sanh tâm tham ái đối với vật ấy? Tham ái đã dứt thì tâm địa thanh tịnh. Dùng tâm thanh tịnh niệm danh hiệu Phật, như chất ngọt hòa lẫn, như lụa trắng ăn màu, dùng Nhân Ðịa Tâm khế hợp Quả Ðịa Giác, sự ít công nhiều, lợi ích khó nghĩ được.

* Sân là thấy cảnh tâm khởi giận dữ, chán ghét. Người phú quý thường hay nóng giận là do với các chuyện muốn được như ý thì cần phải có người làm, có chút việc gì trái ý liền sanh sân nộ. Nhẹ thì dùng lời ác chửi mắng, nặng thì roi, gậy đập thẳng cánh, chỉ cốt khoái ý mình, chẳng đoái hoài người khác đau lòng.

Lại khi sân tâm khởi lên, chẳng những vô ích cho người khác, chính mình cũng bị tổn. Nhẹ thì tâm ý nóng nảy, bực bội; nặng thì gan lẫn mắt bị tổn hại. Vì thế, thường giữ được một khối nguyên khí thuần hòa trong tâm thì tật bệnh tiêu diệt, phước thọ tăng truởng.

Xưa kia, vua A Xà Thế cả đời thờ Phật, giữ vững năm giới, lúc lâm chung vì người hầu cầm quạt đuổi ruồi đứng hầu lâu đâm ra mê mệt, để quạt rớt trúng mặt vua. Vua sanh tâm sân hận, ngay khi ấy mạng chung. Do một niệm ấy, liền thọ thân mãng xà. Do sức túc phước còn biết được nhân, bèn cầu sa-môn giảng cho Tam Quy Ngũ Giới, liền thoát thân mãng xà, sanh lên trời. Do đấy biết rằng thói quen sân hận tai hại rất lớn. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Một niệm sân tâm khởi, trăm vạn cửa chướng mở”. Cổ đức bảo:

Sân thị tâm trung hỏa,

Năng thiêu công đức lâm.

Dục học Bồ Tát đạo,

Nhẫn nhục hộ sân tâm.

(Sân là lửa trong tâm,

Ðốt sạch rừng công đức, Muốn học đạo Bồ Tát.

Nhẫn nhục ngừa tâm sân)

Ðức Như Lai dạy chúng sanh nhiều sân tu Từ Bi Quán như sau: coi hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, đều là chư Phật trong vị lai. Ðã là cha mẹ trong quá khứ thì hãy nghĩ đến ân đức nuôi nấng trong những đời trước, thẹn chưa báo đáp được, lẽ đâu với chuyện chẳng vừa ý nhỏ nhặt lại ôm lòng phẫn nộ? Họ đã là chư Phật trong vị lai, ắt sẽ rộng độ chúng sanh. Mình còn chưa giải quyết sanh tử trọn vẹn, phải mong họ đến độ thoát cho.

Chẳng những với chuyện chẳng vừa ý nhỏ nhặt không sanh sân nộ; dù là chuyện táng thân mất mạng cũng chỉ sanh hoan hỷ, chẳng sanh sân hận. Vì thế, lúc Bồ Tát bỏ đầu, mắt, tủy, não đều tưởng [người cầu xin những thứ ấy] là thiện tri thức, tưởng là ân nhân, tưởng là người thành tựu Vô Thượng Bồ Ðề Ðạo cho mình. Cứ xem phẩm Thập Hồi Hướng của kinh Hoa Nghiêm sẽ tự biết.

Hơn nữa, một niệm tâm tánh của chúng ta cùng với một niệm tâm tánh của Phật không hai. Chỉ vì mê trái bổn tâm, chấp chặt Ngã Kiến, nên hết thảy các duyên đều thành đối đãi. Như cái bia để bắn đã lập thì các mũi tên sẽ đều ghim vào đó. Nếu biết được tâm ta chính là tâm Phật, tâm Phật trống không, vô sở hữu, hệt như hư không, sâm la vạn tượng không gì chẳng bao quát trong ấy.

Lại cũng như biển cả, trăm sông, các dòng, không dòng nước nào biển chẳng hứng nhận, như trời che khắp, như đất bình đẳng nâng đỡ, để tự lập đức. Nếu ta vì sự trái ý nhỏ nhặt bèn sanh nóng giận, chẳng phải là đã thu hẹp cái lượng, tự chôn vùi cái đức hay chăng? Dù có đủ Phật tâm lý thể, nhưng khởi tâm động niệm toàn dùng sự phàm tình, nhận vọng là chân, lấy tớ làm chủ. Nghĩ như thế thật đáng hổ thẹn.

Nếu bình thời luôn nghĩ như thế thì tâm lượng rộng lớn, không gì chẳng dung được, thấy người cũng hệt như mình, chẳng thấy đây kia, gặp nghịch cảnh còn nhận xuôi theo được, huống hồ là chuyện bất như ý nhỏ nhặt lại sanh nóng giận hay sao?