Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục

Chương 5: Phần 1 : I. Tịnh Ðộ Thù Thắng 3

* Kể từ Ðại Giáo truyền sang Ðông (ý nói: Phật giáo truyền sang Trung Hoa), Lô Sơn hưng khởi Liên Xã, một xướng trăm hòa, không đâu chẳng thuận theo. Nhưng những vị có đại công làm rạng rỡ Tịnh tông thì đời Bắc Ngụy có ngài Ðàm Loan. Ngài Ðàm Loan là bậc chẳng thể suy lường nổi. Do có việc, ngài phải xuống Nam gặp Lương Vũ Ðế; sau trở về Bắc, Vũ Ðế thường hướng về Bắc cúi lạy, nói: “Loan Pháp Sư là bậc nhục thân Bồ Tát!”.

Ðời Trần - Tùy có ngài Trí Giả. Ðời Ðường có ngài Ðạo Xước, noi theo giáo pháp của ngài Ðàm Loan, chuyên tu Tịnh nghiệp, cả đời giảng ba kinh Tịnh Ðộ hơn hai trăm lượt. Từ cửa ngài Ðạo Xước, có ngài Thiện Ðạo. Cho đến các vị Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Thiếu Khang, Ðại Hạnh thì liên phong đã thổi khắp cả trung ngoại (trong và ngoài Trung Hoa). Do vậy, tri thức các tông không ai là chẳng dùng đạo này để mật tu hoặc hiển hóa, tự lợi, lợi tha.

Với nhà Thiền, nếu chỉ đề cao hướng thượng thì một pháp chẳng lập, Phật còn chẳng thèm bận tâm tới, huống là niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ? Ðấy là Chân Ðế: một pháp đã mất thì hết thảy đều mất. Nói: “Thật Tế Lý Ðịa chẳng nhận một mảy trần” là nói về Tánh thể. Nếu luận đích xác về mặt tu trì thì lại chẳng bỏ một pháp nào, chẳng làm việc thì chẳng ăn, huống hồ niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ! Ðấy là Tục Ðế: một pháp đã lập thì hết thảy đều lập.

Nói: “Trong cửa Phật sự chẳng bỏ một pháp” là nói về Tánh sẵn đủ vậy. Nếu toan bỏ Tục Ðế để luận Chân Ðế thì chẳng phải là Chân Ðế, khác nào bỏ tứ đại, ngũ uẩn đi tìm tâm tánh. Thân đã chẳng còn, tâm gởi vào đâu? Nếu dùng Tục Ðế để hiển Chân Ðế thì đích thực là Chân Ðế. Như ở nơi mắt thì bảo là thấy, ở tai gọi là nghe; tức là dùng tứ đại, ngũ uẩn để hiển tâm tánh.

Những điều vừa nói trên đây chính là ý chỉ lớn lao của việc chư Tổ ngầm tu Tịnh Ðộ; nhưng các ngài chẳng giảng rộng, thuật rõ, nên nếu chẳng hiểu sâu xa ý Tổ sẽ chẳng biết được. Cứ như quy chế kỳ đảo cho những vị Tăng mắc bệnh và quy cách thiêu hóa, tống táng những vị đã mất do ngài Bách Trượng xác lập, ta thấy đều quy về Tịnh Ðộ.

Có vị nói: “Tu hành dùng niệm Phật là ổn thỏa, thích đáng”. Ngài Chân Hiệt Liễu bảo: “Pháp môn Tịnh Ðộ chính là để tiếp dẫn căn khí thượng thượng, chỉ kiêm tiếp dẫn căn khí trung hạ”. Ngài còn bảo: “Trong cả tông Tào Ðộng hết thảy đều ngầm tu. Do vì tu Tịnh Ðộ thấy Phật giản dị hơn Tông môn rất nhiều”. Ngài cũng bảo: “Dù Phật hay Tổ, dù Giáo hay Thiền đều tu Tịnh Ðộ, đồng quy một nguồn”. [Những lời ấy] đủ cho ta thấy được đại khái [quan điểm của các thiền sư thời ấy].

Kịp đến ngài Vĩnh Minh đại sư, bản thân là Cổ Phật, do nguyện xuất thế mới lưu lại ngôn giáo rõ ràng, soạn sách lưu truyền, hoằng dương. Ngài lại sợ người học chẳng rõ đường nẻo, lẫn lộn lợi hại, nên cực lực xướng ra bài kệ Tứ Liệu Giản, có thể nói là cương tông của cả Ðại Tạng. Ngài làm bậc hướng đạo nơi đường rẽ, khiến cho người học chỉ trong tám mươi chữ đốn ngộ yếu đạo xuất sanh tử, chứng Niết Bàn. Tấm lòng đau đáu cứu thế của ngài thật là thiên cổ chưa từng có.

Sau đấy, các tông sư đều lưu lại ngôn giáo rõ ràng, chuyên khen ngợi pháp này như các đại tổ sư: Trường Lô Trách, Thiên Y Hoài, Viên Chiếu Bổn, Ðại Thông Bổn, Trung Phong Bổn, Thiên Như Tắc, Sở Thạch Kỳ, Không Cốc Long v.v... tuy hoằng dương Thiền Tông, vẫn chú trọng khen ngợi Tịnh Ðộ.

Ðến khi Liên Trì đại sư tham học với Tiếu Nham Ðại Ngộ xong, cân nhắc mọi bề, đề xướng: “Nếu Tịnh nghiệp đã thành, Thiền Tông sẽ tự chứng. Giống như tắm nơi biển cả là đã dùng nước của cả trăm sông. Thân đã đến điện Hàm Nguyên, cần gì hỏi Trường An đâu nữa!” Sau đấy, các đại tổ sư: Ngẫu Ích, Triệt Lưu, Tỉnh Am, Mộng Ðông v.v... không vị nào chẳng xướng như vậy. Bởi lẽ, lập cách hóa độ theo thời, pháp phải phù hợp căn cơ. Nếu không như thế, chúng sanh chẳng thể đắc độ!

Từ đấy về sau, Phật pháp suy dần, lại thêm quốc gia lắm biến cố, pháp luân cơ hồ ngừng chuyển. Dù có bậc trí thức ra sức chống chọi, nhưng chẳng đủ sức, đến nỗi chẳng ai hỏi đến đạo này. Nếu có ai bàn đến pháp này, người nghe cứ như đang bị làm phiền. May còn có một hai vị Tăng, Tục đại tâm, in khắc lưu truyền, khiến cho những lời giáo huấn của chư Tổ chẳng bị diệt, khiến cho người ta được tạm nghe đến thì thật không còn gì may mắn hơn!

* Cho đến khi đại giáo truyền sang Ðông, Viễn công đại sư (tổ Huệ Viễn) bèn dùng pháp này lập tông. Lúc đầu, ngài muốn cùng đồng học là Huệ Vĩnh qua La Phù, nhưng bị pháp sư Ðạo An lưu lại. Ngài Huệ Vĩnh bèn một mình đi trước qua Tầm Dương. Thứ sử Ðào Phạm ngưỡng mộ đạo phong của Sư, bèn lập chùa Tây Lâm cho Ngài ở. Ðấy là năm Ðinh Sửu niên hiệu Thái Nguyên thứ hai (377) đời Hiếu Vũ Ðế nhà Ðông Tấn. Ðến năm Thái Nguyên thứ 9 (Giáp Thân - 384), Viễn công mới đến Lô Sơn.

Thoạt đầu, Ngài trụ tại Tây Lâm, nhưng bạn tu tìm đến quá đông, chùa Tây Lâm chật hẹp không chứa nổi. Thứ sử Hoàn Y bèn bắt đầu dựng chùa tại phía Ðông núi, đặt tên là Ðông Lâm. Ðến ngày 28 tháng Bảy năm Canh Dần (390 - Thái Nguyên thứ 15), Viễn công bèn cùng tăng, tục 123 người, kết Liên Xã niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, sai ông Lưu Di Dân soạn bài văn khắc vào đá để minh thệ.

Pháp Sư Huệ Vĩnh cũng dự vào Liên Xã. Vĩnh công sống tại Tây Lâm, trong gian nhà tranh biệt lập trên đảnh núi. Khi ấy có người đi Thiền hành, đến bên thất ngài, liền ngửi thấy mùi hương lạ, nhân đó đặt tên là Hương Cốc (hang thơm) để người khác suy ra thì biết.

Lúc Viễn công mới kết xã, có một trăm hai mươi ba người đều là bậc long tượng trong pháp môn, Thái Sơn - Bắc Ðẩu trong làng Nho. Do đạo phong của Viễn công lan tỏa nên đều rủ nhau tìm tới. Nếu tính suốt cả hơn ba mươi năm trong đời Ngài thì số người dự vào Liên Xã tu Tịnh nghiệp, được tiếp dẫn vãng sanh rất nhiều không thể tính nổi.

Sau này, các vị Ðàm Loan, Trí Giả, Ðạo Xước, Thiện Ðạo, Thanh Lương, Vĩnh Minh... không vị nào chẳng như thế cả: tự hành, dạy người. Ngài Ðàm Loan soạn Vãng Sanh Luận Chú diệu tuyệt cổ kim. Ngài Trí Giả viết Thập Nghi Luận diễn giải đến tột cùng lẽ được mất. Ngài soạn Quán Kinh Sớ giảng sâu xa cách quán tưởng đúng đắn. Ngài Ðạo Xước giảng ba kinh Tịnh Ðộ gần hai trăm lượt. Ngài Thiện Ðạo sớ giải ba kinh Tịnh Ðộ, cực lực khuyên chuyên tu. Ngài Thanh Lương sớ giải Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm phát huy đạo rốt ráo thành Phật. Ngài Vĩnh Minh nói Tứ Liệu Giản chỉ thẳng pháp liễu thoát ngay trong đời này.

Từ xưa, các bậc cao nhân trong các tông, không vị nào lại chẳng hướng lòng về Tịnh Ðộ, chỉ có các tông sư nhà Thiền lại chuyên ngầm tu nên không xiển dương rõ rệt. Từ sau khi ngài Vĩnh Minh xướng xuất, các vị mới lưu lại ngôn giáo rõ rệt, thiết tha khuyên tu trì. Vì thế, bài Khuyến Tu Tịnh Ðộ Văn của Tử Tâm Tân Thiền Sư có câu: “Di Ðà rất dễ niệm, Tịnh Ðộ thật dễ sanh”. Còn viết: “Người tham thiền rất nên niệm Phật. Nếu căn cơ độn, chỉ e đời này chưa thể đại ngộ, phải nhờ Di Ðà nguyện lực tiếp dẫn vãng sanh”. Ngài còn viết: “Nếu ông niệm Phật mà chẳng sanh Tịnh Ðộ thì lão tăng sẽ đọa trong địa ngục kéo lưỡi”.

Tác phẩm Tịnh Ðộ Thuyết của Chân Hiết Liễu thiền sư có câu: “Cả một tông Tào Ðộng thảy đều chú trọng ngầm tu. Là vì sao vậy? Là vì pháp môn Niệm Phật là đường tắt tu hành, thật dựa vào Ðại Tạng, tiếp dẫn căn khí thượng thượng kiêm tiếp dẫn căn cơ trung, hạ”.

Ngài còn viết: “Bậc đại tượng trong Tông môn đã ngộ pháp bất hữu bất không bèn quyết chí khăng khăng nơi Tịnh nghiệp. Do Tịnh nghiệp thấy được Phật giản dị hơn Tông môn rất nhiều”.

Ngài còn nói: “Dù Phật hay Tổ, dù Giáo hay Thiền đồng quy một nguồn. Nhập được pháp môn này thì vô lượng pháp môn thảy đều chứng nhập”.

Trường Lô Trách thiền sư kết Liên Hoa Thắng Hội phổ khuyến đạo, tục niệm Phật cầu vãng sanh, cảm hai vị Bồ Tát Phổ Hiền, Phổ Huệ trong mộng đến xin dự hội. Sư liền để tên hai vị Bồ Tát đứng đầu hội. Ðủ thấy pháp này khế lý, khế cơ, chư thánh ngầm khen ngợi.

Trong hai triều Tống Thái Tông và Tống Chân Tông, pháp sư Tỉnh Thường trụ trì chùa Chiêu Khánh ở Chiết Giang, hâm mộ đạo phong của tổ Lô Sơn Huệ Viễn, lập Tịnh Hạnh Xã. Ông Vương Văn Chánh Công Ðán quy y đầu tiên, làm người chủ xướng. Những bậc tể quan, châu mục, học sĩ, đại phu đều xưng là đệ tử, tham dự Tịnh Hạnh Xã đến hơn một trăm hai mươi người. Hàng sa môn tham dự đến hơn ngàn người, còn hàng sĩ thứ chẳng thể tính nổi số.

Sau lại có Lộ Công Văn Ngạn Bác làm quan suốt bốn triều Nhân Tông, Anh Tông, Thần Tông, Triết Tông, xuất tướng nhập tướng hơn năm mươi năm, quan phẩm đến chức Thái Sư, được phong là Lộ Quốc Công. Ông bình sinh dốc lòng tin Phật pháp, tuổi già càng tận lực hỗ trợ đạo pháp, chuyên niệm A Di Ðà Phật. Sáng, chiều, đi, đứng, chưa từng thiếu lười. Ông cùng với pháp sư Tịnh Nghiêm kết xã 10 vạn người ở kinh đô để cầu sanh Tịnh Ðộ. Phần lớn các sĩ đại phu thời ấy đều được ông giáo hóa. Ông có bài tụng như sau:

Tri quân khí đảm đại như thiên,

Nguyện kết Tây Phương thập vạn duyên,

Bất vị tự thân cầu kế hoạt, Ðại gia tề thượng độ đầu thuyền.

(Tạm dịch:

Biết ngài lớn mật bằng trời,

Xin cùng Tịnh Ðộ kết mười vạn duyên

Cứu thân nào tính kế riêng,

Ai ai đều đã bước lên thuyền rồi!)

Ông thọ đến chín mươi hai tuổi, niệm Phật qua đời.

Ðời Nguyên - Minh thì có các ngài Trung Phong, Thiên Như, Sở Thạch, Diệu Hiệp. Mỗi vị để lại thi ca, hoặc tạo luận giải thích, không vị nào là chẳng cực lực xiển dương pháp khế lý, khế cơ, suốt trên, tột dưới này. Nhưng các vị Liên Trì, U Khê, Ngẫu Ích là những người thành khẩn, thiết tha tột bực nhất.

Ðời Thanh có ngài Phạm Thiên Tư Tề, Hồng Loa Triệt Ngộ đều tận lực hoằng dương đạo này. Các tác phẩm Khuyến Phát Bồ Ðề Tâm Văn của ngài Phạm Thiên, Thị Chúng Pháp Ngữ của ngài Hồng Loa có thể nói là những tác phẩm tiếp nối chí nguyện cổ thánh, khai phát kẻ học hậu lai, kinh thiên địa, động quỷ thần. Nếu người học thật có thể hành theo đó thì không ai là chẳng giã biệt Sa Bà, cao đăng Cực Lạc, làm đệ tử của Phật Di Ðà, làm bạn hiền trong Hải Hội.

* Cho đến khi nào căn cơ của chúng sanh hết sạch, đức Như Lai mới nghỉ ngơi, nhưng lòng đại bi lợi sanh của Phật chẳng bao giờ cùng tận. Do đó, các vị đại đệ tử phân phát xá lợi, kết tập Kinh Tạng mong được lưu thông khắp mọi cõi, ngõ hầu tất cả đều được Phật pháp thấm nhuần. Mãi đến đời Ðông Hán, đại giáo mới bắt đầu truyền đến [Trung Quốc]. Nhưng do phong khí chưa mở nên chỉ lưu thông ở phương Bắc. Ðến đời Tôn Ngô, vào năm Xích Ô thứ tư (241), tôn giả Khang Tăng Khải sang giáo hóa tại Kiến Nghiệp, cảm được xá lợi của Như Lai giáng lâm khiến cho Tôn Quyền sanh lòng tin tưởng tột bậc. Họ Tôn bèn sửa chùa, dựng tháp để hoằng dương pháp hóa. Nam phương bắt đầu được thọ hưởng giáo pháp từ đấy.

Ðến đời Tấn, giáo pháp lan khắp các nước Cao Ly, Nhật Bản, Miến Ðiện, An Nam, Tây Tạng, Mông Cổ. Từ đấy về sau, ngày càng hưng thịnh. Ðến đời Ðường, các tông đã thành lập đầy đủ, có thể nói là cực thịnh. Các tông Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân hoằng Giáo. Lâm Tế, Tào Ðộng, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn hoằng Tông. Nam Sơn thì nghiêm tịnh Tỳ Ni (Luật). Liên Tông thì chuyên tu Tịnh Ðộ. Giống như các bộ chia nhau coi sóc công việc, hệt như sáu căn hỗ trợ nhau. Ấy là vì Giáo là lời Phật, Tông là tâm Phật, Luật là hạnh Phật. Tâm, ngữ, hạnh ba thứ khó thể tách rời, chỉ là ước trên phương diện chú trọng vào mặt nào mà lập danh.

Chỉ mỗi mình pháp Tịnh Ðộ mới nhìn thì là phương tiện để phàm phu nhập đạo, nhưng thực ra nó là chỗ quy túc rốt ráo của các tông. Bởi thế, kẻ sắp đọa A Tỳ được dự vào phẩm chót, bậc đã chứng ngộ ngang với chư Phật vẫn cầu vãng sanh. Lúc đức Như Lai còn tại thế, ngàn căn cơ cùng được nuôi dưỡng, vạn mạch đều quy hướng. Phật diệt độ rồi, bậc đại sĩ hoằng pháp ai nấy chỉ hoằng dương một pháp để mong thâm nhập được một môn.

Chư pháp dung thông, ví như ngàn hạt châu nơi cái lưới của Ðế Thích, mỗi hạt châu chẳng lẫn vào nhau, nhưng ánh sáng mỗi châu lại chiếu vào hàng ngàn hạt châu khác, ánh sáng của ngàn hạt châu chiếu vào một hạt châu. Soi rọi lẫn nhau nhưng chẳng tạp, riêng biệt nhưng chẳng thể phân khai. Kẻ câu nệ vào Tích thì bảo: “Hết thảy pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo hiểu sẽ nói: “Hết thảy pháp, các pháp viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào theo cửa đó mà vào. Cửa tuy khác nhau, nhưng vào thành chẳng khác. Nếu biết ý này thì chẳng phải chỉ có những giáo lý rất sâu do chư Phật, chư Tổ đã nói mới là pháp để “quy chân đạt bổn” (thấu hiểu một cách chân thật, thông đạt tận nguồn cội), minh tâm kiến tánh, mà hết thảy Ấm, Nhập, Xứ, Giới, Ðại v.v... trong khắp thế gian cũng đều là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh! Mà mỗi một pháp cũng chính là chân, là bổn, là tâm, là tánh!

Bởi vậy, kinh Lăng Nghiêm coi Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Ðại đều là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh. Vì thế bảo rằng: Hết thảy pháp không một pháp nào chẳng phải là Phật pháp, cũng như không một ai chẳng phải là Phật. Tiếc thay chúng sanh châu đeo trong vạt áo trọn chẳng biết hay, ôm của báu đi ăn xin, chịu khốn cùng oan uổng. Dùng tâm Như Lai tạo nghiệp chúng sanh, dùng pháp giải thoát chịu khổ luân hồi, đáng thương lắm thay! Vì thế, bậc đại sĩ hoằng pháp chẳng nề gian nan, cay đắng, dùng đủ mọi phương tiện để khai ngộ, dẫn dắt khiến chúng sanh hiểu đúng sự lý, nhân quả của mười pháp giới, triệt ngộ tự tánh của tâm, ngõ hầu viên chứng rốt ráo.

Từ Ðường, sang Tống, sang Nguyên, sang Minh, đến Thanh, cả một ngàn năm, thanh giáo chẳng khuất lấp. Dẫu chẳng hưng thịnh bằng thời Ðường, nhưng cũng có thể nói là suýt soát. Từ đời Hàm Phong, Ðồng Trị trở đi, binh hỏa liên miên, đói kém liên tiếp, cao nhân ngày một hiếm hoi, kẻ dung tục ngày càng nhiều, quốc gia chẳng bận tâm đề xướng, tăng lữ không sức chấn hưng. Do đó, hàng cao nhân tại gia vì chưa từng nghiên cứu Phật pháp, chuộng lầm khuôn sáo cũ của Âu - Hàn (Âu Dương Tu, Hàn Dũ), đến nỗi đạo pháp suy sụp sát đất. Mãi đến cuối đời Thanh, học vấn phát triển, những người thiên tư cao tìm đọc kinh Phật mới hay gốc đạo chính là đây, mới bèn quyết chí nghiên cứu.